Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh tư vấn về bệnh hô hấp

10g sáng 26/1, BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh - BV Nhân dân 115 sẽ tư vấn về bệnh hô hấp với bạn đọc Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.


Vào mùa lạnh, những người có bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính dễ tái phát và xuất hiện các biến chứng. Viêm mũi họng là một bệnh có thể gặp quanh năm nhưng vào mùa lạnh cũng gây nên hiện tượng hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi; đau rát họng gây ho, tức ngực, có khi gây khó thở…

Một số bệnh mạn tính kéo dài ở người cao tuổi như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh về rối loạn nội tiết cũng là những lý do làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp vào mùa lạnh.

Sáng thứ 6 tuần này, BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh - trưởng khoa Hô hấp, BV Nhân dân 115 sẽ giải đáp thắc mắc của bạn đọc Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi về các vấn đề này.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN TRỰC TIẾP


- Hồng Thắm - thamnguyen…@gmail.com


Xin chào BS,

Nhờ BS giải thích cho em rõ, bệnh hen và suyễn là 2 hay 1 bệnh vậy ạ? Có lúc em thấy ghi chung là “hen suyễn”, có lúc lại thấy ghi riêng. Bệnh này em thấy trẻ nhỏ hay bị, liệu người lớn có bị không? Làm sao để phòng tránh thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh:

Hồng Thắm thân mến,

Bệnh hen phế quản và bệnh suyễn là 1 bệnh, trẻ em và người lớn đều có thể bị mắc.

Hen phế quản thường đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí làm tăng đáp ứng của đường dẫn khí với các kích thích trực tiếp hoặc gián tiếp.

Các kích thích bao gồm: các chất nhạy cảm (mùi phấn hoa, lông mèo, lông chó, thời tiết lạnh…), virus, vi trùng, ô nhiễm không khí, đặc biệt là khói thuốc lá các khí độc. Ngoài ra, hen suyễn còn có thể do cơ địa dễ dị ứng, các loại thuốc uống và yếu tố gia đình.

Do đó, để phòng tránh bệnh hen suyễn chúng ta cần tránh các yếu tó gây kích thích như đã nêu trên như: đeo khẩu trang khi ra đường, giữ ấm cơ thể, kiêng các loại thực phẩm dễ gây dị ứng, tránh xa khói thuốc lá, thận trọng khi dùng thuốc, tiêm ngừa cúm hàng năm.


- Lê Văn Đ. - Q. Bình Thạnh

AloBacsi cho em hỏi,

Em có quen bạn gái, mẹ bạn em bị hen còn bạn gái em không bị. Vậy nếu tụi em kết hôn và có con thì con em có thể bị hen không thưa BS? Nếu có nguy cơ thì liệu có cách nào làm giảm nguy cơ này không? Em cảm ơn AloBacsi!

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh:

Chào em,

Bệnh hen phế quản và bệnh suyễn là 1 bệnh, trẻ em và người lớn đều có thể bị mắc.

Hen phế quản thường đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí làm tăng đáp ứng của đường dẫn khí với các kích thích trực tiếp hoặc gián tiếp.

Các kích thích bao gồm: các chất nhạy cảm (mùi phấn hoa, lông mèo, lông chó, thời tiết lạnh…), virus, vi trùng, ô nhiễm không khí, đặc biệt là khói thuốc lá các khí độc. Ngoài ra, hen suyễn còn có thểdo cơ địa dễ dị ứng, các loại thuốc uống và yếu tố gia đình.

Do đó, để phòng tránh bệnh hen suyễn chúng ta cần tránh các yếu tó gây kích thích như đã nêu trên như: đeo khẩu trang khi ra đường, giữ ấm cơ thể, kiêng các loại thực phẩm dễ gây dị ứng, tránh xa khói thuốc lá, thận trọng khi dùng thuốc, tiêm ngừa cúm hàng năm.

Bệnh hen là 1 bệnh mãn tính, nhưng chứng ta có thể phòng ngừa, bạn nhé!


- Nguyễn Thanh Hồng - fresh…@gmail.com

Xin chào BS,

Mẹ em bị tràn dịch màng phổi, đến BV được hút dịch nhưng sau một tuần lại tiếp tục chảy dịch. BS phát hiện khối u trong phổi nên lấy mẫu làm xét nghiệm và cho biết đó là tế bào ung thư.

Sau đó BS gởi mẫu đến BV Chợ Rẫy làm hoá mô miễn dịch để biết phác đồ điều trị. BS nói sau khi có kết quả sẽ chuyển mẹ em đến BV Ung Bướu điều trị.

Tuy nhiên, đã 2 tuần trôi qua mà kết quả hoá mô miễn dịch vẫn chưa có, gia đình em rất hoang mang và lo lắng. Mẹ em càng lúc càng đau và ho mà không rút dịch hay điều trị gì thêm cả.

BS cho em hỏi là kết quả hoá mô miễn dịch thường phải đợi bao lâu ạ? Giờ gia đình em nên làm gì, đợi tiếp hay chuyển viện ạ? Cảm ơn BS.

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh:

Chào em,

Hoá mô miễn dịch là phương pháp xác định những kháng nguyên đặc hiệu có trong mô hoặc tế bào, dựa trên sự kết hợp kháng nguyên kháng thể.

Đây là xét nghiệm đã áp dụng trong giải phẫu bệnh trên thế giới và đã trở thành thường quy trong việc xác định ung thư theo dõi diễn tiến và đưa ra phác đồ điều trị.

Kết quả xét nghiệm thường có trong vòng 7-10 ngày, em và mẹ nên đến BV Chợ Rẫy hỏi kết quả nếu kết quả chưa được gửi về.


- Phương Mai - TPHCM

Con chào BS,

Hiện tại con đang điều trị lao đa kháng thuốc hơn 12 tháng, kết quả xét nghiệm đàm âm tính, phổi con bị xẹp 1 bên, bên con lại thì còn hơn 1 nửa, con thở oxy hơn 1 năm nay.

BS vui lòng cho con hỏi sao đến giờ con vẫn còn ho mỗi lần ngồi dậy? Ho 1 cơn rồi ngưng, chừng nửa tiếng sau thì ho lại?

Con đi BV thì BS không nói nguyên nhân chỉ nói tích cực uống thuốc và ăn uống, con sợ mình không có sức đề kháng rồi chuyển sang siêu kháng thuốc lắm, vì từ khi bệnh đến giờ là 3 năm rồi, trị từ khi mới phát hiện kéo dài không dứt và sang đa kháng thuốc luôn.

Giờ con hoang mang lắm, không còn tinh thần nữa, BS trả lời giúp con với và có phương pháp nào giúp con tập bỏ oxy được không ạ? Con mong tin từ BS, con cảm ơn BS nhiều!

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh:

Chào em,

Tình trạng lao kháng thuốc là kháng 1 hay nhiều loại thuốc lao chính do nhiều nguyên nhân, lao kháng thuốc rất khó trị tuy nhiên vẫn có khả năng điều trị hết.

Đối với bệnh của em là tình trạng thiếu oxy mạn tính cộng thêm phổi của em chỉ còn 1 phần, nên việc bỏ oxy rất khó, em nên gặp trực tiếp BS về hô hấp để tư vấn về cách thở oxy và tập vật lý trị liệu. Điều này cần có thời gian, tính kiên trì và thể lực. Do đó, mong em luôn lạc quan ăn uống, bồi bổ đầy đủ để có sức vượt qua.


- Tống Thị Anh - Lâm Đồng

Thưa BS, mong BS tư vấn cho em ạ,

Mẹ em bị ho đã mấy năm nay đi khám ở rất nhiều nơi thì BS chẩn đoán là viêm họng hạt mãn tính.

Lúc đi khám ở BV đa khoa tỉnh có chụp Xquang phổi thì BS chẩn đoán thêm là vôi hóa củ đỉnh phổi.

Mẹ em đã sử dụng rất nhiều loại thuốc có cả chích thuốc mà tác dụng rất ngắn. Khi đang sử dụng thuốc thì có đỡ ho nhưg nếu không sử dụng thì khoảng sau 2 ngày là lại ho như cũ. Khi trời trở lạnh thì càng ho nhiều hơn.

Mấy hôm nay mẹ em ho rất nhiều và rất gắt. Nhiều khi ho quá lâu dẫn đến khó thở. Em rất hoang mang vì đã sử dụng rất nhiều thuốc mà không thuyên giảm mà càng ngày lại càng nặng thêm.

Mong BS tư vấn cho em, em nên làm như thế nào ạ. Xin cảm ơn BS.

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh:

Chào em,

Viêm họng hạt là một bệnh mạn tính, khó điều trị, thay đổi theo mùa. Vì vậy bệnh nhân hay bị tái phát.

Viêm họng hạt, viêm mũi dị ứng là 1 dạng bệnh thuộc về dị ứng, một số người bị viêm mũi dị ứng có nguy cơ bị hen, do đó nếu mẹ em ho kéo dài từng cơn, đặc biệt vào buổi tối và khi trời lạnh thì có thể mẹ em bị hen phế quản.

Em nên đưa mẹ đi khám chuyên khoa Hô hấp để xác định bệnh và điều trị rõ hơn.


- Mai Tấn Đ. - md…@gmail.com

Thưa BS,

Hiện em đang bị lao AFB(-) mới phát hiện trong tuần qua. Em hiện tại đang là SV năm 2, em muốn hỏi là không biết em có nên dừng việc học 1 thời gian để chữa trị cho xong rồi mới tiếp tục học hay là vẫn học bình thường? Và liệu khi đi học bình thường như vậy có lây cho các bạn và thầy cô xung quanh không ạ? Em xin cảm ơn!

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh:

Chào em,

“Lao phổi” là bệnh lây truyền qua đường hô hấp (nước bọt, chất tiết), nếu em điều trị lao đúng, đủ thì qua 2 tháng tấn công khả năng lây nhiễm rất thấp.

Do đó, em vẫn có thể tiếp tục đi học sau 2 tháng điều trị, sau đó khi đi học lại em vẫn phải phòng ngừa lây lan bằng cách đeo khẩu trang y tế, tránh tiếp xúc quá gần với mọi người xung quanh trong sinh hoạt và ăn uống.

Mong em mau khoẻ, để tiếp tục việc học của mình, em nhé!


- Tran Huong - tranhuong…@gmail.com

Cháu chào BS ạ, cháu có câu hỏi mong BS tư vấn giúp cháu với ạ.

Tháng 3/2017, cháu bị ho ra máu khoảng 1 cốc nhỏ, xét nghiệm đờm âm tính. BS chẩn đoán cháu bị lao phổi và điều trị 2 tháng tấn công (3 viên nâu, 1 mũi tiêm bắp tay). Sau đó cháu uống thêm 8 tháng duy trì (2 vàng, 3 nâu).

Cháu uống thuốc theo chương trình lao của Nhà nước. Nhưng hiện tại, cháu vẫn thỉnh thoảng tức ngực, khó thở.

Cháu mới đi kiểm tra lại, xét nghiệm máu men gan bình thường, chỉ có chỉ số mono cao hơn bình thường một chút. Kết quả chụp CT phần mềm ngực không có gì bất thường, phổi vẫn còn di chứng.

BS khám cho cháu bảo không cần uống thêm thuốc lao nữa cũng được. Nhưng hiện tại cháu vẫn hay thấy tức ngực, khó thở, thỉnh thoảng thấy bị giật giật, hơi nhói ở ngực, người vẫn mệt mỏi.

Vậy cháu bị bệnh gì ạ. có cần đi khám riêng phần ngực hay đó là di chứng khi phổi bị tổn thương ạ? BS cho cháu lời khuyên được không ạ? Cháu cảm ơn BS ạ.

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh:

Chào cháu,

Nếu cháu điều trị đủ thời gian, đủ liều làm xét nghiệm đàm âm tính 2 lần thì cháu có thể ngưng điều trị lao, còn việc cháu thấy tức ngực, khó thở cháu nên đi khám thêm chuyên khoa Tim mạch.


- Phú Quý - nguyenphu…@gmail.com

Chào BS,

Em năm nay 22 tuổi, bị lao màng phổi và đang điều trị theo phác đồ 6 tháng, em uống được 4 tháng rồi, nhưng em nghi ngờ em đang mắc thêm bệnh sán chó, vì có những biểu hiện như nổi mụn nhọt ngứa ngáy, cảm giác như có con gì bò dưới da.

BS cho em hỏi nếu đi xét nghiệm mắc sán chó thì có được uống 2 loại thuốc cùng được không? Hay phải điều trị hết lao rồi mới trị sán? Em cảm ơn BS!

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh:

Phú Quý thân mến,

Trước tiên, em phải đi làm xét nghiệm chẩn đoá xác định nhiễm sán chó, nếu bị nhiễm em nên đi khám BS chuyên khoa Tiêu hoá. Em có thể làm xét nghiệm tại Viện Pasteur.

Theo tôi, thuốc lao và thuốc điều trị sán chó có thể uống cùng ngày nhưng khác giờ.

- FB Lê Minh Đức

Xin hỏi BS,

Những người lớn lên bị lao có phải do lúc sơ sinh không tiêm ngừa lao hay không ạ? Liệu có vắc xin ngừa lao cho người lớn không, thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh:

Chào bạn Đức,

Tiêm vắc xin BCG là để phòng tránh bệnh lao, BCG không giúp chúng ta chống lại việc bị nhiễm vi khuẩn lao, nó chỉ bảo vệ cơ thể khỏi bị chuyển từ dạng nhiễm khuẩn thành bệnh lao (khoảng 70%) và bảo vệ chúng ta khỏi các dạng biến chứng lao nguy hiểm như: lao màng phổi, lao màng lão, lao xương.

Do đó, dù đã tiêm ngừa lao, chúng ta vẫn có thể bị nhiễm vi khuẩn lao. Đối với người lớn khi tiêm vắc xin ngừa lao hiệu quả kém, nên không cần thiết. Chúng ta chỉ nên chụp Xquang phổi định kỳ để kiểm tra nhằm phát hiện sớm bệnh lao.


- Nguyen Nam - nnguyende…@gmail.com

Xin chào BS Oanh,

Tôi xin hỏi một số vấn đề như sau. Tôi đi khám ở BV, sau khi chụp CT có kết quả như sau:

Mô tả:

- Không thấy tràn khi hay tràn dịch phổi hai bên

- Sang thương khối mô bắt thuốc cản quang mạnh không đồng nhất nền sau phổi thùy trên P, kt # 70mm, dính màng phổi nền sau kế cận

- Tổn thương thùy lưỡi phổi T nghĩ viêm

- Nốt mô trung thất trên p,d # 15mm

- Không thấy u hay hạch trung thất

- Không tràn dịch màng tim

- Gan không to, không thấy sang thương cư trú. Đường mật trong gan không dãn. Tĩnh mạch cửa không thuyên tắc.

Kết luận: tổn thương phổi thùy trên phải nghĩ nguyên phát ác tính xâm nhập lấn màng phổi + hạch trung thất + sang thương thùy lưỡi phổi trái nghĩ viêm

Vậy xin hỏi có phải tôi bị u ác tính hay u lành tính và cách chữa trị ở đâu tại TPHCM là tốt nhất? Xin BS trả lời sớm. Xin cảm ơn.

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh:

Chào bạn,

Theo kết quả trên nghĩ nhiều là ác tính, để xác định cần phải làm thêm sinh thiết và 1 số xét nghiệm khác, do đó bạn nên đi khám chuyên khoa Ung bướu.


- Giáp Đạt - Bắc Giang

Thưa BS,

Cháu uống thuốc lao được 1 tháng, khi uống thuốc lao được vài ngày cháu hay bị mất ngủ đến mấy hôm nay thì không ngủ được. Như vậy phải làm sao ạ?

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh:

Chào em Giáp Đạt,

Có thể nói hầu hết bệnh nhân uống thuốc kháng lao cũng gặp tác dụng phụ, nhưng hầu như đều nhẹ hoặc có thể giải quyết được bằng thuốc điều trị triệu chứng trừ những bệnh nhân có bệnh gan, thận, mắt, tai, bệnh gút, dị ứng trước đó.

Dị ứng là tác dụng phụ hay gặp và thường xuất hiện sớm, bệnh nhân thường ngứa ngáy toàn thân, nổi mẩn đỏ, dát sẩn, mề đay ở da, khu trú hay toàn thân. Những phản ứng nặng hơn cũng có thể xảy ra nhưng hiếm hơn. 

Về tiêu hóa bao gồm ăn không ngon, không tiêu, đau thượng vị, buồn nôn hay nôn. Những tác dụng phụ này có thể nhẹ, thoáng qua nhưng cũng có thể kéo dài vài tháng, thậm chí có bệnh nhân bị kéo dài suốt quá trình điều trị. 

Những triệu chứng toàn thân hay gặp như buồn ngủ hoặc mất ngủ, mệt mỏi, da sạm đen. Da sạm đen thường xuất hiện vào tháng thứ 4-5 và hồi phục hoàn toàn sau khi ngưng thuốc 1-2 tháng.

Cho nên trường hợp của em không phải ngoại lệ. Em nên ăn uống đầy đủ, chơi thể thao, và tinh thần lạc quan lên. Nếu mất ngủ trầm trọng em nên đến gặp BS trực tiếp để khám và tư vấn kỹ hơn. Chúc em mau khỏe.


- Tran Thi Thu - tranthithu…@gmail.com

Chồng em đang điều trị bệnh lao sắp hết tháng thứ 7 thì em có thai. Em muốn hỏi BS xem có bị ảnh hưởng gì tới thai nhi không ạ? Em cảm ơn BS!

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh:

Chào em,

Điều trị lao tháng thứ 7 là bệnh đang trong giai đoạn củng cố, do đó khả năng lây sẽ thấp hơn so với 2 tháng đầu. Tuy nhiên, vẫn nên có biện pháp phòng tránh vì có thể lây qua cho em. Thuốc lao có thể làm suy yếu tinh trùng. Em nên khám thai định kỳ, em nhé!


- FB N. Q. Anh:

Chào AloBacsi,

Cho tôi hỏi, nếu tôi muốn khám bệnh về phổi ở BV Phạm Ngọc Thạch, thì cần làm gì và kiên ăn uống gì trước ngày khám không?

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh:

Bạn cứ đến đăng ký khám tại phòng khám của BV Phạm Ngọc Thạch, khi đi khám bạn không nên ăn sáng, vì có một số xét nghiệm như mỡ máu, đường máu… cần làm khi đói thì kết quả mới chính xác.


- Minh Tâm - TPHCM

Kính chào BS,

Em 28 tuổi, em mới sinh con trai đầu lòng bằng phương pháp sinh mổ. Hồi nhỏ em bị bệnh suyễn nhưng từ khi dậy thì thì em hết bệnh.

BS cho em hỏi vậy con em có bị suyễn hay không? Con em hôm nay là được 9 tuần nhưng cháu đã bị ho và khò khè rồi. Mong BS tư vấn giúp em với ạ.

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh:

Chào em Minh Tâm,

Bệnh suyễn là 1 bệnh viêm mạn tính đường hô hấp do nhiều nguyên nhân trong đó có yếu tố gia đình, di truyền, cho nên con em cũng có khả năng bị suyễn. Tuy nhiên, nếu em phòng ngừa tốt cho con như ăn uống chú ý các thức ăn dễ gây dị ứng, tránh bị nhiễm cảm, viêm phổi, không thay đổi môi trường nóng lạnh nhiều thì con em có thể tránh được, nếu con em có bị suyễn thì có thể hết nếu theo dõi và điều trị đúng.

Hiện tại con em đang bị ho và khò khè thì em nên đưa bé đi khám để được BS khám và tư vẫn kỹ cho em.


- FB Tiger P.

BS ơi,

Cho em hỏi kháng sinh có thể uống 2 tuần không? Em bị viêm họng và phế quản, BS khám lần đầu cho 1 tuần và lần tái khám tiếp 1 tuần loại kháng sinh Claminat 650mg. Nếu uống 2 tuần liên tiếp như vậy có hại gì không ạ?

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh:

Chào em,

Muốn biết lao kháng thuốc hay không thì em cần phải đi làm một số xét nghiệm như AFB, khi uống thuốc lao cơ thể bị lao thì sẽ suy yếu và khả năng mang bầu cũng khó khăn hơn người bình thường.

Trong giai đoạn đang dùng thuốc lao sẽ có một số thuốc ảnh hưởng đến thai kỳ như Ethambutol. Do đó, nếu em có thai trong thời gian uống thuốc thì em nên đi khám để được BS tư vấn kỹ hơn.

“Lao kháng thuốc” là khi vi trùng lao trong cơ thể chúng ta kháng – chống lại với một hay nhiều loại thuốc kháng lao.

Em cần làm xét nghiệm nuôi cấy vi trùng lao và kháng sinh đồ lao. Có nghĩa là phòng xét nghiệm sẽ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm của bạn (đàm, dịch cơ thể…) để tìm vi trùng lao, sau đó khi vi trùng lao mọc lên, chúng sẽ được thử với các loại thuốc lao xem “nhạy”với thuốc nào và “kháng” với thuốc nào. Quá trình nuôi cấy vi trùng và thử thuốc lao này mất khoảng 2 đến 3 tháng mới có kết quả. Như vậy, thông thường thì BS sẽ không thể biết được em có kháng thuốc lao hay không nếu em vừa mới được phát hiện bệnh lao.

Hiện nay, ở Việt Nam đã có xét nghiệm giúp phát hiện kháng thuốc sớm và nhanh hơn là Hain test (thời gian thực hiện xét nghiệm khoảng 5 ngày) và Xpert MTB/RIF (thời gian thực hiện xét nghiệm khoảng 2 giờ). Tuy nhiên, hai xét nghiệm này có giá thành đắt, và không dùng phổ biến cho mọi bệnh nhân bị lao.


- Nguyen Thi Ngoc Phuong - ngocphuong…@gmail.com

BS cho em hỏi,

Em vừa kết thúc liệu trình điều trị lao hạch 6 tháng cách đây 3 tuần, sau đó em cảm thấy khó chịu nên đi lên BV khám và BS kết luận là em bị lao hạch tái phát và phải điều trị chít cộng uống thuốc trong vòng 8 tháng.

Cho em hỏi có phải em bị lao kháng thuốc nên lao hạch mới tái phát hay không?

Em nên dùng thuốc của Đức hay của nhà nước cấp?

Điều trị với thời gian dài như vậy liệu sau này em có bị ảnh hưởng gì đến sinh sản hay không? Em xin cảm ơn.

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh:

Chào em,

Muốn biết lao kháng thuốc hay không em cần đi làm một số xét nghiệm như AFB, khi uống thuốc lao cơ thể bị lao thì sẽ suy yếu và khả năng mang bầu cũng khó khăn hơn người bình thường.

Trong giai đoạn đang dùng thuốc lao sẽ có một số thuốc ảnh hưởng đến thai kỳ như Ethambutol. Do đó, nếu em có thai trong thời gian uống thuốc thì em nên đi khám để được BS tư vấn kỹ hơn.

 Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X