Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên: Sỏi thận 5 ly, nên uống nước hay dùng thuốc?

Chăm sóc vết thương nhiễm trùng, triệu chứng bệnh lao, biến chứng sau rút sonde JJ, lổ xỏ khuyên sưng nhẹ... Tất cả những thắc mắc của quý bạn đọc được BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên giải đáp trong bào tư vấn sau. Kính mời độc giả theo dõi.

Anh Huỳnh - dodinh...@gmail.com

Thưa bác sĩ, cháu bị tai nạn giao thông vào ngày 29/11. Vết thương được sơ cứu ngay, đa phần là bị xây xát và bầm phần mềm (không bị vết thương hở). Tuy nhiên, vết thương ở phần mu bàn chân kéo đến cổ chân bị xây xát nhiều nhất, sau 2 tuần vết thương vẫn không khô, tụ dịch và xung quanh vết thương tấy đỏ, ấn vào thấy đau.

Cháu đã đi khám thì được báo vết thương bị nhiễm trùng, bác sĩ đã rửa lại vết thương, băng và cho uống kháng sinh. Sau 1 ngày cháu lại thấy có dịch vàng, không có mùi bất thường, xung quanh vết thương ấn cũng không đau nữa.

Liệu cháu có bị tái nhiễm trùng không ạ? Cháu đang rất hoang mang, bởi vết thương diện tích nhỏ nhưng rất bất tiện trong sinh hoạt ạ. Cháu xin chân thành cảm ơn!

Chào em,

Nước vàng trong rỉ ra từ vết thương chính là huyết tương, là dịch vô trùng có tác dụng làm mát, ẩm và che chắn vết thương. Tuy nhiên dịch này là môi trường tốt để vi khuẩn xâm nhập, do đó phải rửa vết thương hằng ngày bằng nước muối sinh lý, có thể pha loãng với povidine, sau đó dùng gạc mềm chấm khô và đắp gạc để tránh bụi bẩn.

Vết thương có thể rỉ dịch vàng từ 3-7 ngày là bình thường. Nếu dịch có mùi hôi, chuyển sang đục, vết thương tấy đỏ hoặc có sốt thì em nên tái khám bác sĩ ngay em nhé!

Thân mến.

Mai Văn Hoàn - Maihoa...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi, em bị sụt cân, mệt mỏi, âm ỉ sốt nhẹ về chiều, thỉnh thoảng khạc ra máu và hay khạc vào sáng sớm, đi chụp cắt lớp 2 bệnh viện đều kết luận giãn phế nang 2 đỉnh phổi. Vậy em có bị mắc lao không ạ?

Chào bạn,

Tổn thương nhu mô phổi, dãn phế quản ở đỉnh phổi thường gặp trong lao phổi. Nếu bạn có những triệu chứng điển hình như mô tả, kết hợp với bất thường Xquang nghi ngờ lao thì nên khám và tầm soát tích cực ở bệnh viện chuyên khoa Lao để xác định bệnh sớm và điều trị bạn nhé!

Thân mến.

Đức Phương - Phamduc..@gmail.com

Chào bác sĩ, em có tán sỏi niệu quản và đặt ống JJ. Sau khi rút đến nay đã được 10 ngày nhưng em vẫn thấy đau nhâm nhẩm dọc sống lưng theo đường ống đặt, đau nhiều vào tối và đêm. Em đi tiểu vẫn bình thường, không có khì khác và bất thường cả. Xin bác sĩ tư vấn giúp em.

Chào bạn,

Sonde JJ có những lợi ích như: giúp chuyển lưu nước tiểu từ thận xuống bàng quang, giải áp nước tiểu tồn đọng ở thận, niệu quản và bàng quang do nhiều nguyên nhân; giảm nguy cơ nhiễm trùng do tồn đọng nước tiểu; nong niệu quản đặt thông JJ để điều trị hẹp niệu quản… Tuỳ tình trạng bệnh lý, thông JJ có thể được lưu từ 2 tuần - 1 tháng hoặc lâu hơn.

Những triệu chứng sau rút sonde JJ thường chỉ kéo dài sau khoảng 2-3 ngày đầu, sau đó người bệnh sẽ trở về bình thường. Nếu sau 10 ngày rút sonde, vẫn còn đau dọc niệu quản, bạn nên quay lại bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và tìm nguyên nhân bạn nhé!

Thân mến.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên hiện đang công tác tại Bệnh viện Thống Nhất và giảng dạy tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Thiên An - nguyenanh...@gmail.com

Bác sĩ ơi, em xỏ khuyên ở dái tai nay cũng được gần 3 tuần, mà sao lỗ xỏ vẫn còn thấy sưng nhẹ, không đau, xung quanh lỗ nhìn giống bị bầm. Hôm bữa tháo khuyên ra khi đụng vào thì máu chảy ra có dạng sệt ạ.

Chào bạn,

Vùng xỏ khuyên sau 3 tuần vẫn còn sưng viêm, chảy máu có thể do kích ứng với chất liệu của khuyên hoặc nhiễm trùng lỗ xỏ khuyên.

Bạn nên tới khám trực tiếp để bác sĩ đánh giá và kê toa kháng sinh khi cần bạn nhé!

Thân mến.

Phương Liên - liennguy...@yahoo.com

Em đi khám tổng quát, siêu âm bị sạn 2 bên thận từ 3 - 5 ly gì đó, bác sĩ dặn uống nhiều nước. Em vẫn uống ngày 2lít, nhưng không biết đến khi nào thì sỏi mới ra. Nhiều người nói ăn trái thơm nướng, hay uống Kim Tiền Thảo.

Em hoang mang quá. Mong các bác sĩ tư vấn giúp em. Có nên uống Kim Tiền Thảo không, ăn thơm thì sợ bị bao tử? Em cảm ơn bác sĩ.

Chào em,

Về mặt cơ chế, Kim Tiền Thảo giúp lợi tiểu, tăng thể tích nước tiểu, làm ức chế sự gia tăng kích thước của sỏi.

Khi em uống nhiều nước, tức là khoảng 2 lít trong điều kiện bình thường và có thể nhiều hơn trong những ngày nắng nóng, điều này cũng kích thích thận tạo ra nhiều nước tiểu, giúp đẩy nhanh viên sỏi ra ngoài, ngăn cản sự lắng đọng cặn lắng là nguyên nhân dẫn tới sỏi thận.

Sỏi 3-5 ly thường không gây nguy hiểm, ít khi gây ra triệu chứng do đó em chỉ cần uống nhiều nước và theo dõi định kỳ, nếu viên sỏi không to lên thì có thể yên tâm em nhé!

Thân mến.

Hồng Tuấn - tuan...@gmail.com

Chào bác sĩ, em có vấn đề thắc mắc cần được tư vấn. Cách đây 3 ngày em có đi khám ở Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, bác sĩ khám thường và chẩn đoán viêm họng và viêm amidan.

Khi em về nhà và tự xem xét cổ họng thì thấy 2 amidan sưng và ở cổ họng sau lưỡi gà có nổi lên 2 cục thịt, không thấy có hạt gì màu trắng cả. 2 cục thịt nổi lên khá mờ nhạt, nếu không nhìn kỹ sẽ không thấy.

Bác sĩ có thể tư vấn cho em về tình trạng này được không, và khám bình thường bằng đèn thì có chính xác như vậy không? Em đang cảm thấy rất hoang mang.

Chào em,

Do em không nói rõ triệu chứng bệnh, các mô tả sang thương cũng không phù hợp với từ ngữ chuyên môn nên rất khó để đánh giá là em “tự khám” có đúng hay không.

Các trường hợp viêm họng, viêm amidan cấp khá thường gặp, thăm khám có thể đánh giá được và không cần thiết phải nội soi hay làm xét nghiệm quá xâm lấn, trừ khi bệnh tái phát dai dẳng, kéo dài hoặc có triệu chứng báo động.

Nếu được kê toa bởi bác sĩ chuyên khoa, em nên dùng thuốc vài tái khám lại để bác sĩ đánh giá thêm, khi cần sẽ chỉ định xét nghiệm chuyên sâu hơn em nhé!

Thân mến.

Minh Mẫn - minhm...@icloud.com

Em mổ hẹp niệu quản, đến nay 3 tháng rồi mà trong người có đặt sonde JJ. Cho em hỏi chừng nào mới lấy ra được?

Chào bạn,

Hẹp niệu quản tuỳ thuộc nguyên nhân mà có chỉ định điều trị ngắn hạn hoặc dài hạn. Các trường hợp hẹp niệu quản không giải quyết được nguyên nhân, thường xử trí bằng phẫu thuật.

Đặt sonde JJ có thể áp dụng nhưng nhược điểm là phải thay thế sau 3-6 tháng, gây đau khó chịu, nhiễm khuẩn, tạo sỏi…

Một số cơ sở y tế lớn có thể đặt stent silicon trong lòng niệu quản, sẽ dễ dụng nạp hơn và ít gây đau hơn, bạn nên khám trực tiếp chuyên khoa ngoại niệu để đánh giá lại xem có phù hợp để áp dụng phương pháp này hay không bạn nhé!

Thân mến.

ZL Nguyên Ngọc Minh

Tôi mới vá màng nhĩ được 2 tuần, xem trên mạng thấy nhiều người phản ánh là tai nặng, nghe có tiếng lụp bụp, lách tách. Nhưng tai tôi thì lại hoàn toàn không có hiện tượng đó.

Tôi xin hỏi bác sĩ là như vậy có bình thường không? Tôi vẫn đang uống thuốc và nhỏ tai theo đơn của bác sĩ. Tai tôi sau bao lâu thì có thể lành lặn màng nhĩ được? Xin cảm ơn bác sĩ.

Chào bạn,

Màng nhĩ là một màng rất mỏng, ngăn cách tai ngoài và tai giữa. Khi sóng âm thanh gặp màng nhĩ, màng nhĩ sẽ rung lên.

Viêm tai tái phát, phẫu thuật hoặc chấn thương có thể gây tổn thương màng nhĩ hoặc các xương tai giữa và sẽ cần phẫu thuật màng nhĩ. Tổn thương những cơ quan này có thể để lại hậu quả là giảm thính lực và tăng nguy cơ bị viêm tai.

Do đó, các trường hợp vá nhĩ phản ánh có giảm thính lực, ù tai thường do di chứng sau viêm tai giữa. Nếu hiện tại bạn vẫn nghe tốt là điều tốt, bạn nên tiếp tục chăm sóc và tái khám theo lịch của bác sĩ chuyên khoa bạn nhé!

Thân mến.

Cong Loan - congloan...@gmail.com

Thưa bác sĩ, năm nay tôi 46 tuổi, bị viêm và vôi hóa khớp vai trái. Trước giờ tôi hay chơi bóng chuyền, vậy nay tôi có được chơi nữa không? Và có kiêng cữ gì không? Mong bác sĩ cho tôi lời khuyên. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Chào anh/chị,

Viêm gân vai vôi hóa xảy ra khi canxi tích tụ trong các gân của vai. Các mô xung quanh nơi tích tụ canxi có thể bị viêm, gây ra đau vai nặng hơn. Sự hao mòn và tổn thương do lão hóa là nguyên nhân chính gây ra sự vôi hóa thoái hóa. Khi chúng ta già đi, lưu lượng máu đến các gân chỏm xoay vai giảm đi, điều này làm cho gân yếu hơn.

Do sự hao mòn và tổn thương khi chúng ta sử dụng vai, các sợi dây chằng bắt đầu bị rạn và rách, giống như một sợi dây bị mòn. Canxi lắng đọng hình thành trong các dây chằng bị tổn thương là một phần của quá trình làm lành vết thương. Hầu hết các trường hợp viêm gân do vôi hóa có thể được điều trị mà không cần phẫu thuật, chủ yếu có vai trò của vật lý trị liệu.

Do đó, khuyến cáo là không ngăn cản anh/chị tập thể thao nhưng cần khởi động kỹ và nên tăng dần cường độ tuỳ theo sức chịu đựng của cơ thể anh/chị nhé!

Thân mến.

Nguyễn Văn Phú - Iamada...@gmail.com

Chào bác sĩ, máu của tôi bị loãng. Thường ngày ở nhà tôi bị đứt tay, máu chảy ra hoài không đặc lại. 10 năm về trước tôi bị té xe, bác sĩ xét nghiệm máu và nói trong lượng máu của tôi thiếu chất dinh dưỡng, nên vết thương của tôi rất lâu lành.

Tôi muốn thay tất cả lượng máu trong nguời của tôi. Mong bác sĩ cho biết tôi phải tốn bao nhiêu tiền?

Chào bạn,

Quá trình cầm máu gồm 4 giai đoạn: co mạch, hình thành nút tiểu cầu, tổng hợp Fibrin và giáng hóa fibrin sau đó. Bất kỳ bất thường nào trong 3 giai đoạn đầu đều có thể gây ra tình trạng máu khó đông khi có vết thương.

Thông thường, các nguyên nhân gây ảnh hưởng đông cầm máu bao gồm giảm tiểu cầu vô căn, do thuốc, do bệnh lý mạn tính khác hoặc giảm chất lượng tiểu cầu do bẩm sinh, do thuốc, thiếu yếu tố von Willebrand, thiếu yếu tố đông máu bẩm sinh (như bệnh hemophilia chẳng hạn), thiếu vitamin K…

Như vậy có rất nhiều nguyên nhân gây máu khó đông, mỗi loại có hướng tiếp cận và điều trị khác nhau, nếu thiếu nặng có nguy cơ chảy máu nguy hiểm tính mạng thường sẽ bù yếu tố đông máu đó để phòng ngừa.

Chất lượng máu liên tục được thay đổi do cơ thể có cơ chế tạo mới và loại bỏ các thành phần cũ hư hỏng, các bất thường bẩm sinh là do di truyền và tuỷ xương, nên dù có thay máu cũng không khỏi được.

Do đó bạn nên xin chuyển BHYT lên Bệnh viện Huyết Học tuyến trên để làm rõ chẩn đoán và điều trị bạn nhé!

Thân mến.

ZL Quang

Chào bác sĩ ạ, miệng em lúc nào cũng có vị ngọt. Có phải em mắc bệnh gì không ạ? Cảm ơn bác sĩ nhiều.

Chào bạn,

Có một số nguyên nhân dẫn tới lưỡi luôn có cảm giác ngọt, ví dụ như bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm mũi xoang mạn, các bệnh lý về nội tiết, chuyển hoá như đái tháo đường, nhiễm keton, bệnh lý tuyến giáp, các vấn đề dẫn truyền thần kinh, nhiễm khuẩn, viêm gai lưỡi…

Ở mỗi lứa tuổi, mỗi cơ địa có nguyên nhân và cách điều trị khác nhau. Bạn nên tới bệnh viện khám trực tiếp để bác sĩ đánh giá và tư vấn cụ thể hơn cho bạn nhé!

Thân mến.


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X