Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên: Liệt dây thần kinh số 7 đã 5 năm, điều trị như thế nào?

Thắc mắc về chỉ số CYFRA 21-1, sỏi tiết niệu 9x13mm có nên tán, ung thư tuyến giáp thể nhú phải uống iod 131 hay xạ trị... Tất cả những vấn đề này được BS Võ Thị Tố Uyên giải đáp vào chiều ngày 1/11/2019. Mời bạn đọc theo dõi.

Nguyễn Tuấn Nam - nguyentuan...@gmail.com

Thưa bác sĩ, em bị đứt gân duỗi mu bàn chân, đã phẫu thuật được khoảng 20 ngày, tháo chỉ bó bột, chân còn sưng phù. Bác sĩ cho hỏi em tập nhẹ cử động gân ngón chân có được không ạ và tập như thế nào cho đúng cách để phục hồi hiệu quả nhất ạ?

Chào bạn,

Thông thường, sau phẫu thuật nối gân, bệnh nhân phải bất động ít nhất 3 tuần để gân lành, sau đó tập vật lý trị liệu chủ động để định hướng lực co gân nhằm tăng sức chịu lực của gân. Trung bình thường đến 3 tháng sau có thể xem như gân lành hoàn toàn. Quá trình tập nên từng bước tăng dần, tuỳ theo khả năng của gân cơ, hấp tấp quá có thể làm cho tổn thương của gân cơ nặng hơn nhưng nếu trì hoãn tập quá lâu có thể gây co rút gân cơ.

Ngoài ra, tổn thương gây gãy xương đứt gân thường là tổn thương nặng, ít nhiều cũng làm xáo trộn hệ thần kinh - mạch máu quanh khu vực đó, lưu thông mạch máu không được tốt như trước đây nên sẽ dễ gây sưng nề nhẹ khi đi lại nhiều hay đứng lâu. Do đó, bạn nên kê cao chân, tránh đứng lâu hoặc ngồi lâu.

Tốt nhất, trước khi bắt đầu tập luyện, bạn nên tái khám để bác sĩ kiểm tra trực tiếp đồng thời nên tập ở trung tâm vật lý trị liệu - phục hồi chức năng để được hướng dẫn cách tập chi tiết sẽ an toàn hơn.

Thân mến.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên đang công tác tại Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: Viết Hưởng

Xuân Dương - duongq...@gmail.com

Chào bác sĩ, em bị gãy cổ tay bó nẹp được 1 tháng rồi mà khi xoay cổ tay chỉ xoay được ít, không quay được hẳn ra. Mong bác sĩ tư vấn cho em.

Chào em,

Nguyên tắc để gãy xương mau lành là cần cố định thật tốt, em bị gãy xương vùng cổ tay, nếu cố gắng vận động quá nhiều khi xương chưa lành sẽ gây di lệch và xương không thể lành lại.

Ngoại trừ trường hợp có đặt dụng cụ kết hợp xương, các trường hợp gãy xương khác nên tái khám để bác sĩ đánh giá mức độ lành trước khi vận động ảnh hưởng tới vùng gãy.

Em nên tái khám để bác sĩ điều trị kiểm tra lại vị trí gãy em nhé!

Quốc Hưng - nqht...@gmail.com

Tôi làm việc văn phòng, tự nhiên đau nhói lồng ngực bên trái, ngay chấn thủy, kèm theo đau đầu váng váng. Xin hỏi bệnh gì?

Chào bạn,

Thông tin bạn cung cấp khá sơ sài, chưa giúp khẳng định chẩn đoán bệnh. Bác sĩ cần biết rõ về hoàn cảnh khởi phát đau, số lần tái phát, diễn tiến cơn đau, các yếu tố tăng giảm, cơ địa bệnh nhân bao gồm tuổi, giới tính, thói quen sinh hoạt, các bệnh đi kèm…

Đau ngực trái có thể do nhiều nguyên nhân, từ bệnh lý tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, trung thất, thần kinh cơ, sụn sườn... Nếu ở người trẻ, tiền căn sức khỏe trước giờ không ghi nhận có gì bất thường, không hút thuốc lá, gia đình không có ai có bệnh lý ung thư thì nguyên nhân gây đau ngực trái thường là lành tính.

Đau đầu choáng váng có thể do nhiều nguyên nhân, như do căng cơ, do mỏi cơ (trong bệnh cảnh căng thẳng đầu óc nhiều, mất ngủ, thiếu chất...), do viêm mũi xoang, tăng hay giảm huyết áp, do bệnh lý tại mắt, do u ở não, do bệnh lý mạch máu não...

Do đó, nếu chỉ dựa vào mô tả của bạn thì không chẩn đoán được bệnh. Bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa Nội tổng quát để được kiểm tra kỹ và định bệnh để điều trị đúng bệnh.

Trần Thị Hằng - Quangvinh...@gmail.com

Cháu bị đau vùng lưng lúc nửa đêm về sáng đến mất ngủ, trở mình không được 1 tháng nay rồi. Đi khám bệnh viện được chụp X-quang, bác sĩ nói không sao, chỉ đau lưng cơ năng.

Cháu đang cho con bú không uống thuốc được. 1 tháng nay tình trạng bệnh không đỡ gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Bác sĩ cho cháu hỏi cháu phải làm những xét nghiệm gì để tìm ra bệnh?

Chào bạn,

Đau lưng cơ năng thường xuất phát từ cơn đau phần mềm vùng lưng và kiểm tra không phát hiện được tổn thương thực thể. Do đó, sẽ không có xét nghiệm nào có thể giúp bạn phát hiện được bệnh này. Đau lưng cơ năng thường không nguy hiểm.

Điều trị đau lưng cơ năng thường là dùng thuốc giảm đau và thay đổi lối sống để tránh tái phát bao gồm: Không cho cơ lưng làm việc liên tục lâu, không nên giữ 1 tư thế lâu, tập cho cơ lưng khỏe lên bằng những bài tập chuyên cho vùng này hoặc môn thể dục như đi bộ, bơi lội.

Hiện tại, bạn nên dùng thuốc theo toa và đừng quá lo lắng, cơn đau sẽ dần ổn định. Nếu đã tuân thủ theo toa bác sĩ từ 1 đến 2 tuần (thường bác sĩ sẽ kê toa loại thuốc nhẹ, lành tính không ảnh hưởng đến việc cho con bú hoặc thuốc dán, thuốc bôi) và áp dụng các phương pháp thay đổi lối sống như trên mà không giảm hoặc đau kèm sốt, đau tăng dữ dội, mệt mỏi, tiêu tiểu bất thường thì nên tái khám lại ngay, để bác sĩ hỗ trợ tìm nguyên nhân khác bạn nhé!

Thân mến.

Nghĩa Sĩ - trannghia...@gmail.com

Xét nghiệm hàng năm chỉ số CYFRA 21-1 đều dưới 3. Năm 2019 chỉ số này cao 3.93.  Phim X-quang phổi không phát hiện bất thường, bác sĩ dặn xét nghiệm lại sau 1 tháng nhưng gia đình hối thúc đi chụp CT. Vậy có cần chụp CT không bác sĩ?

Chào bạn,

CYFRA 21-1 là một xét nghiệm dùng theo dõi trong những trường hợp điều trị ung thư phổi và đánh giá đáp ứng điều trị. CYFRA 21-1 tăng ở người bình thường không có nghĩa là bạn bị ung thư phổi.

CYFRA 21-1 có thể tăng trong các trường hợp như  viêm phế quản mạn, bệnh phổi mạn tính, hút thuốc lá thuốc lào, bệnh lý bàng quang... và 1 số ít có thể tăng nhẹ ở người bình thường khỏe mạnh.

Xquang phổi bình thường cũng không hoàn toàn loại trừ ung thư hoặc các bệnh lý lành tính khác ở phổi.

Do đó, chỉ số CYFRA 21-1 tăng nhẹ và phim phổi bình thường chưa thể kết luận bạn có bị ung thư phổi hay không.

Bạn nên mang phim phổi và kết quả xét nghiệm máu tới bác sĩ chuyên khoa Hô hấp kiểm tra lại và tư vấn trực tiếp tuỳ theo cơ địa và biểu hiện thực tế trên Xquang phổi.

Trong trường hợp gia đình quá lo lắng ảnh hưởng đến chất lượng sống trong 1 tháng tới thì bạn có thể tới khám và yêu cầu được chụp CT. Nhưng cần cân nhắc thêm về chi phí và nguy cơ nhiễm xạ khi thực hiện xét nghiệm này bạn nhé!

Thân mến.

Mỹ Hạnh - Myhanh...@gmail.com

Dạ thưa bác sĩ, em bị sỏi tiết niệu 1/3 kích thước 9×13mm thì tán sỏi ngoài cơ thể có hiệu quả không, chi phí bao nhiêu ạ? Em ở Cần Thơ ạ.

Chào bạn,

Tán sỏi ngoài cơ thể thường chỉ định khi kích thước sỏi từ 4mm đến dưới 2cm, đường tiểu thông thoáng nhưng hiệu còn tuỳ thuộc vào vị trí và độ cứng của sỏi. Ưu điểm của phương pháp này là an toàn, không cần gây mê và bệnh nhân có thể được xuất viện trong ngày.

Với kích thước sỏi trong trường hợp của bạn phù hợp để thực hiện phương pháp này, chi phí tán sỏi ngoài cơ thể khoảng 2-3 triệu đồng/lần, bệnh nhân có thể phải tán nhiều lần mới tan hết viên sỏi.

Bạn nên đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa Ngoại Niệu để khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp bạn nhé!

Lưu Giang - luugiang...@gmail.com

Xin chào bác sĩ. Em năm nay 40 tuổi. Mới đi mổ tuyến giáp về, kết quả: ung thư tuyến giáp thể nhú, hạch viêm quá sản. Sau khi ra viện về nhà em soi gương thấy ở cổ có một cục nhỏ. Em hỏi bác sĩ thì họ bảo không sao. Em lo lắng quá.

Bác sĩ cho hỏi em có bị sao không? Có cần phải đi khám lại ngay không? Bệnh của em có cần phải uống iod 131 hay xạ trị không? Em cảm ơn nhiều.

Chào bạn,

Bác sĩ không rõ cục ở cổ của bạn là gì, tuy nhiên nếu là ung thư giáp thường sẽ bỏ toàn bộ tuyến giáp, do đó cấu trúc bạn thấy được có thể là khối u lành ngoài da đã có từ trước.

Về vấn đề đề xạ bổ trợ sau mổ còn tuỳ thuộc vào giai đoạn bướu. Bạn không nên quá lo lắng vì ung thư giáp có tiên lượng tốt và khả năng chữa khỏi rất cao. Bạn nên tái khám, để bác sĩ xác định phác đồ và cần tuân thủ điều trị theo bác sĩ chuyên khoa bạn nhé!

Thân mến.

Đào Ngọc Lợi - daong...@gmail.com

Em hay bị ói, nôn khan, đặc biệt ói nhiều khi chơi vận động thể thao, lúc mệt uống nước vào là ói và khi hút thuốc lá cũng ói. Em có đi soi dạ dày, bác sĩ bảo bị viêm dạ dày. Uống thuốc theo chỉ dẫn nhưng không đỡ. Rốt cuộc em bị gì và nguy hiểm không ạ? Em cảm ơn.

Chào bạn,

Theo như bạn mô tả có khả năng bên cạnh viêm dạ dày, bạn có có bệnh đi kèm là trào ngược dạ dày thực quản. Trong bệnh này, dịch acid từ dạ dày đi ngược lên thực quản, hầu họng kích thích gây ho và nôn. Bệnh tăng nặng hơn khi người bệnh ăn no, vận động gắng sức, lo lắng.

Để giảm triệu chứng, bạn nên điều chỉnh chế độ sinh hoạt, hạn chế ăn đồ chua cay, nước có gas, thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, café, bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm/vận động mạnh sau khi ăn trong vòng 2 giờ.

Bệnh thường không nguy hiểm nhưng dễ tái phát. Nếu ói nhiều, dai dẳng bạn cần tái khám lại để tìm nguyên nhân khác ngoài đường tiêu hoá gây nôn bạn nhé!

Thân mến.

Cao Thế - buithe...@gmail.com

Xin chào bác sĩ. Hiện tại tôi bị hiện tượng ngủ li bì, tỉnh ngủ rồi nhưng không muốn dậy, nằm lại ngủ (thiếp đi) khi dậy người rất mệt, không muốn hoạt động gì. Hiện tượng này đã có từ lâu, tiến triển từ từ nhưng gần đây thì nhanh hơn. Xin cho hỏi tôi bị sao và hướng điều trị thế nào? Tôi xin cảm ơn.


Chào bạn,

Những biểu hiện ngủ nhiều, li bì thuộc về rối loạn giấc ngủ. Nguyên nhân có thể liên quan tới cả bệnh lý về thực thể (thiếu máu, thiếu dinh dưỡng, bệnh tim, gan, thận nặng, bệnh phổi, ngưng thở khi ngủ…) cũng có thể do xuất phát từ yếu tố tâm lý (trầm cảm, rối loạn lo âu, suy nhược thần kinh…).

Muốn tìm nguyên nhân và điều trị phải cần có thêm một số thông tin khác về chất lượng giấc ngủ và tình trạng sức khoẻ chung.

Trước hết bạn nên khám bác sĩ tổng quát để tầm soát bệnh, ngưng các thuốc đang dùng và khám chuyên khoa tai mũi họng vì nguyên nhân gây ngủ có thể do dùng thuốc không phù hợp bạn nhé.

Nhuong Bui - nhuongb...@gmail.com

Bác sĩ ơi em bị đi tiểu xong rồi mà vẫn còn có cảm giác tiêu ra vài giọt. Em bị lâu rồi, chắc được 3 năm hơn, chưa đi khám. Mong bác sĩ cho em lời khuyên.

Chào em,

Tình trạng nước tiểu rỉ ra không tự kiểm soát được được gọi là són tiểu. Nguyên nhân gây són tiểu thường liên quan đến các bệnh lý liên quan tới nhiễm trùng đường tiểu, sử dụng một số thuốc, chất kích thích như rượu, cà phê, các trường hợp liên quan đến tâm lý, tâm thần như lo lắng, sợ hãi...

Đối với những bệnh về đường tiết niệu thường khó đánh giá chỉ qua hỏi bệnh, em không nên xem thường các triệu chứng thường ngày cũng như tự ý mua thuốc điều trị, cần đi đến các bệnh viện có phòng khám chuyên khoa để được các bác sĩ tiến hành thăm khám, chẩn đoán và điều trị chính xác, kịp thời, tránh để bệnh tình chuyển biến nặng, gây khó khăn cho việc chữa trị dứt điểm.

Lê Thị Phương - Phuon...@gmail.com

Cháu đi khám sức khỏe để đi nước ngoài, tất cả kết quả đều bình thường nhưng xét nghiệm máu thì dương tính với kháng thể kháng lao. Vậy cháu có bị gì không? Có ảnh hưởng đến sức khỏe không ạ?

Chào bạn,

Khi cơ thể bị vi khuẩn lao xâm nhập, để tự bảo vệ cơ thể sẽ tiết ra một chất chống lại chúng, đó chính là "kháng thể kháng lao". Như vậy, sự có mặt của kháng thể kháng lao chỉ mang ý nghĩa là trong cơ thể của bạn đã hoặc đang tiếp xúc với vi khuẩn này.

Bác sĩ sẽ kết hợp triệu chứng lâm sàng, kết quả chụp X-quang phổi để xác định xem bạn có cần làm thêm xét nghiệm chẩn đoán lao hay không (soi đàm, cấy đàm tìm lao, nội soi phế quản…). Do đó bạn nên mang các kết quả đã có đến khám chuyên khoa Hô hấp để được tư vấn trực tiếp bạn nhé!

Thân mến.

Thái Nguyên - nguyenthai...@gmail.com

Tôi bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (liệt mặt) do tai nạn 5 năm nay. Vậy có điều trị được không ạ?

Chào bạn,

Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên hay còn gọi là liệt mặt ngoại biên, là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt, do tổn thương dây thần kinh mặt. Hoạt động của dây thần kinh VII sẽ phục hồi dần trong khoảng 6-12 tháng đầu, tập vật lý trị liệu giúp tăng khả năng hồi phục.

Tuy nhiên, trường hợp của bạn, thời gian liệt đã lâu, khả năng phục hồi không cao. Bạn có thể tham khảo thêm phương pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng có thể giúp cải thiện được phần nào vận động cơ mặt.

Ngoài ra, phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình cũng là một cứu cánh trong trường hợp liệt mặt ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ bạn nhé!

Nguyễn - quynhchi...@gmail.com

Cận 8/10 và 7/10 có cần đeo kính không ạ?

Chào em,

Những trường hợp cận thị rất nhẹ thì chỉ cần đeo kính lúc học tập, làm việc; bình thường có thể không cần tới. Đeo kính giúp mắt nhìn rõ, ít phải điều tiết, mắt đỡ mỏi và giữ gìn tốt hơn, hạn chế tăng độ cận em nhé!

Thân mến.

Đức Tín - maduct...@gmail.com

Em bị mụn nhọt có mủ ở trên da đầu. Sau khi vỡ mủ mụn hết thì để lại sẹo và vùng bị mụn, sau đó tóc không mọc lại nữa. Bác sĩ có thể tư vấn giúp làm sao để tóc mọc lại bình thường ạ?

Chào bạn,

Sẹo là một phần của quá trình tự chữa lành các vết thương một cách tự nhiên, do đó khó tránh. Tại vùng mô sẹo thì vùng da bình thường không còn, do đó sẽ biến mất nang lông và tuyến bã, vì vậy tóc không mọc lên được.

Để xóa sẹo, có thể xem xét cắt mô sẹo và may lại. Tuy nhiên da đầu rất ít đàn hồi so với các vùng da khác, việc cắt sẹo có thể làm tình trạng sẹo lan rộng hơn.

Bạn nên khám lại chuyên da Da Liễu để bác sĩ đánh giá khả năng tạo hình thẩm mỹ cho bạn. Có một cách khác nữa là bạn sử dụng phần tóc xung quanh mọc dài để che đi sẹo đó bạn nhé!

Thân mến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X