Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Viêm khớp thiếu niên, chữa trị thế nào?

Trong chương trình tư vấn sáng ngày 10/5, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình cho biết: “Bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên cần được phát hiện và điều trị sớm để quá trình điều trị đạt hiệu quả, bệnh nhân phục hồi nhanh, hạn chế ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp và chức năng vận động của trẻ. Sự phối hợp giữa các bộ phận chuyên khoa sẽ giúp người bệnh được điều trị tốt hơn”.


NỘI DUNG TƯ VẤN

Trẻ em khi mắc bệnh khớp rất hay bị bỏ qua vì người lớn thường quan niệm bệnh khớp chỉ có người già mới bị. Xin BS cho biết, bệnh viêm khớp thiếu niên xuất hiện ở độ tuổi nào, nguyên nhân vì sao ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên, còn được gọi là viêm khớp thiếu niên, là viêm khớp ở trẻ em dưới 16 tuổi kéo dài hơn 6 tuần, không phải là một căn bệnh mà là một thuật ngữ dùng để mô tả nhiều rối loạn tự miễn và tình trạng viêm mà trẻ em có thể mắc phải. Các dạng viêm khớp dạng thấp thiếu niên bao gồm viêm da cơ thiếu niên, lupus vị thành niên, xơ cứng bì thiếu niên, bệnh Kawasaki và rối loạn mô liên kết hỗn hợp. Nếu không được điều trị đúng có thể dẫn đến tổn thương khớp trầm trọng.

Nguyên nhân viêm khớp dạng thấp thiếu niên là do rối loạn miễn dịch. Bình thường hệ thống miễn dịch giúp chống lại vi khuẩn và virus. Nhưng khi bị rối loạn miễn dịch thì hệ thống miễn dịch quay lại  tấn công lại tế bào và mô khỏe mạnh của cơ thể nhưng không biết nguyên nhân làm rối loạn hệ miễn dịch  và phát bệnh viêm khớp.


Bệnh viêm khớp thiếu niên thường xảy ra ở những khớp nào, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Bệnh viêm khớp thiếu niên thường xảy ra 3 thể lâm sàng:

- Viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể ít khớp (Pauciarticular ): Thể này được xác định bởi tình trạng viêm khớp xảy ra ở dưới 4 khớp và diễn biến qua 6 tháng. Thường xuất hiện ở các bé gái với tổn thương ban đầu ở các khớp lớn như: khớp gối, khớp cổ chân, khuỷu, cổ tay. Nếu chỉ viêm một khớp thì thường là khớp gối, khớp sưng đau nhưng vẫn đi lại vận động được. Thể viêm khớp này thường diễn biễn nhẹ và có thể được cải thiện nếu được điều trị, nhưng nó cũng có thể gây ra hai di chứng nghiêm trọng, đó là viêm mống mắt và  tình trạng chân bên bệnh dài hơn chân bên lành (do tổn thương viêm kích thích sụn nối tăng hoạt động) làm trẻ đi khập khiễng.

- Viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể đa khớp (Polyarticular ): Được xác định với bởi tình trạng viêm từ 4 khớp trở lên và kéo dài trên 6 tháng, thể viêm đa khớp thường bắt đầu bởi tình trạng sốt nhẹ kéo dài, mệt mỏi, ăn kém. Về triệu chứng ở khớp, đa số bắt đầu từ một khớp, sau đó phát triển sang khớp khác với tính chất đối xứng, sưng đau, phù nề, có thể có tràn dịch khớp gối, bệnh hay gặp ở khớp cổ tay, cổ chân, gối, khuỷu… Bệnh thường tiến triển lâu dài, tăng dần đưa đến dính và biến dạng các khớp, teo cơ nhiều. Trẻ có thể gặp những khó khăn trong các hoạt động bình thường và cần được cải thiện chăm sóc đặc biệt.

- Viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể hệ thống (systemic-onset) : Đây là thể khó khăn nhất của viêm khớp dạng thấp thiếu niên, còn được gọi là bệnh Still. Bệnh gặp ở lứa tuổi 5 - 7, khởi phát cấp tính với biểu hiện toàn thân là sốt cao kéo dài; các biểu hiện tại khớp như: viêm các khớp cổ tay, cổ chân, gối, khuỷu, khớp ngón, các khớp viêm sưng, nóng, đau, ít đỏ, có thể có tràn dịch khớp. Kèm theo các biểu hiện ngoài khớp: với các ban đỏ ở da, đây là triệu chứng thường gặp và có tính chất đặc hiệu. Đó là những nốt, chấm màu hồng trên mặt da, không đau, không ngứa, xuất hiện nhiều lúc sốt cao trong ngày rồi mất dần sau vài giờ, ban thường xuất hiện ở thân mình, tứ chi nhất là lòng bàn tay, bàn chân.

Ngoài ra còn có thể có các tổn thương nội tạng như tại gan, lách, hạch, viêm màng ngoài tim, viêm màng bụng, màng phổi... Bệnh tiến triển từng đợt, mỗi đợt vài tuần đến vài tháng, theo ba cách: Sau vài đợt rồi khỏi không để lại di chứng; Kéo dài vài năm, thưa dần rồi khỏi, có thể để lại di chứng ở khớp; Trường hợp nặng có thể tử vong do biến chứng.

 
Làm thế nào để cha mẹ nhận biết con mình bị bệnh viêm khớp thiếu niên ạ? Cần đưa bé đến khám ở chuyên khoa nào?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Các triệu chứng thường gặp để cha mẹ nhận biết con mình bị bệnh viêm khớp thiếu niên là đau sưng và cứng khớp hơn một tuần mà không mất đi.

Thường ảnh hưởng khớp gối, bàn tay và bàn chân nặng vào buổi sáng hoặc sau giấc ngủ ngắn (buổi trưa). Các dấu hiệu khác bao gồm:

- Đi khập khễnh vào buổi sáng.
- Sốt cao và phát ban.
- Sưng hạch lympho ở cổ và phần khác cơ thể.
- Khi thấy các triệu chứng và dấu hiệu trên nên sớm đưa trẻ đến BS chuyên khoa khớp để khám và điều trị.

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên là viêm khớp ở trẻ em dưới 16 tuổi. Ảnh: Internet

Viêm khớp thiếu niên được điều trị như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Không có cách chữa lành hẳn viêm khớp dạng thấp thiếu niên. Nhưng có thể điều trị để trẻ vẫn sống bình thường như bao trẻ khác. Điều trị bao gồm sử dụng thuốc, hoạt động thể chất và chăm sóc bản thân để giảm viêm, giảm đau và ngăn ngừa các biến chứng… Việc điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh mà BS đã khám và chẩn đoán xác định và xử trí kịp thời .

Ngoài ra, có thể dùng biện pháp không dùng thuốc:

- Vật lý trị liệu nhằm duy trì đến mức tối đa tầm vận động của khớp, tránh cứng khớp, dính khớp. Có thể dùng các biện pháp như: vật lý liệu pháp (chườm nóng, tắm nóng...), sóng ngắn, tia hồng ngoại, tắm suối khoáng, tập các bài tập phục hồi chức năng vận động khớp... Tuy nhiên, trong thời gian đau nhiều có thể tạm thời bất động khớp nhưng cần lựa chọn tư thế sao cho giữ được biên độ vận động lớn nhất.

- Cố gắng duy trì các sinh hoạt thường ngày của trẻ như khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội, học tập ở trường lớp bình thường như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên trong những đợt tiến triển nên cho trẻ nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng thích hợp và có giấc ngủ đầy đủ.

Một số cha mẹ cho rằng tình trạng đau nhức này là do trẻ đang phát triển nên chỉ cho bé bổ sung thêm canxi. BS có ý kiến thế nào về việc này ạ?

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp thiếu niên có thể khó khăn vì tình trạng đau nhức này cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau. Đưa trẻ đi khám để bác sĩ chẩn đoán sớm sẽ giúp việc điều trị tốt hơn và cho tiên lượng tốt hơn.

Để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp thiếu niên, các bác sĩ sẽ khám, kiểm tra các triệu chứng của trẻ và bệnh sử gia đình, một số xét nghiệm máu và chụp X-quang.


Viêm khớp thiếu niên và tình trạng đau đầu gối ở trẻ đang dậy thì có phải là một không ạ? Trẻ cần được điều trị và chăm sóc như thế nào?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Viêm khớp thiếu niên và tình trạng đau đầu gối ở trẻ đang dậy thì không phải là một.

Trong giai đoạn xương phát triển nhanh của tuổi dậy thì, trẻ sẽ gặp những rối loạn về cơ xương khớp đáng lo ngại. Cha mẹ thường chủ quan cho rằng trẻ đang trong giai đoạn phát triển nên những biểu hiện đó là bình thường. Nhưng thực tế đó có thể là dấu hiệu bệnh lý.

Trẻ hay kêu đau đầu gối, thường gặp ở trẻ vận động thể thao mạnh. Rất có thể trẻ bị bệnh viêm xương sụn vô khuẩn lồi củ chày ở gối  Trẻ ở tuổi dậy thì, sụn tăng trưởng vùng lồi củ xương chày vẫn còn hoạt động nên bị kích thích khi trẻ vận động gập duỗi gối, dẫn đến cốt hóa xương sụn quá mức, gây phì đại lồi củ trước xương chày và gây đau.

Đau khớp gối khiến trẻ bị hạn chế vận động và ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như sự phát triển thể chất của trẻ. Khi phát hiện trẻ hay bị đau khớp gối dù là do vận động nhiều hay do chấn thương,… thì cha mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời để ngăn ngừa những tổn thương, biến chứng do đau khớp gối gây ra như phá hủy khớp, biến dạng khớp…

Khi chăm sóc cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Giữ gìn tốt chức năng vận động của khớp, duy trì sức cơ bằng cách làm giảm viêm tại khớp, cải thiện bằng lý liệu pháp là những biện pháp quan trọng. Ngoài ra, cần chú ý đến các biện pháp ngăn ngừa và xử lý các biến chứng toàn thân, biến chứng do dùng thuốc, các biện pháp kích thích tăng trưởng và phát triển cho trẻ, nâng đỡ tinh thần và giáo dục gia đình biết cách chăm sóc, dinh dưỡng và luyện tập.

- Quá trình cải thiện, chăm sóc và phục hồi chức năng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự hợp tác tích cực của bệnh nhi và gia đình mới có kết quả khả quan.


Chế độ ăn uống khi trẻ đang bị viêm khớp thiếu niên cần lưu ý gì, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Chế độ ăn uống khi trẻ đang bị viêm khớp thiếu niên cần lưu ý các món ăn làm tăng chất mỡ trong máu đều bất lợi vì xúc tác phản ứng viêm tấy ở mặt trong bao khớp. Do đó không chỉ thịt mỡ, bơ, xúc xích, dăm-bông mà ngay cả bánh kẹo cũng không nên có trong khẩu phần của người đang uống thuốc kháng viêm. Không ăn bắp khi khớp đang đau vì trong bắp có nhóm hoạt chất dễ gây nên tình trạng dị ứng dưới dạng viêm khớp.

Khi bị viêm khớp thiếu niên, trẻ không nên tập những bài tập nặng, chỉ cần nhẹ nhàng như yoga, bơi lội... Ảnh: Internet

Theo BS, trẻ đang bị viêm khớp thiếu niên cần vận động như thế nào ạ? Có những động tác nào cần tránh?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Trẻ em bị viêm khớp thiếu niên cần vận động bằng các bài tập có thể giúp trẻ kiểm soát các triệu chứng và cải thiện phạm vi chuyển động của các khớp xương. Trẻ có thể giảm đau nhờ vào bơi lội hoặc tham gia các hoạt động dưới nước.

- Nên giới hạn một số hoạt động nhất định, tùy theo khớp bị ảnh hưởng. Sau khi qua giai đoạn bùng phát, trẻ  trở lại các hoạt động thông thường.


Bệnh viêm khớp thiếu niên nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả gì?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Bệnh viêm khớp thiếu niên nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tàn phế do những tổn thương gây phá hủy và biến dạng khớp, tối ưu hóa các vận động khớp nhằm đạt tới chức năng khớp bình thường cho bệnh nhân.


Có thể chữa khỏi hẳn viêm khớp thiếu niên không, thưa BS? Có phải đã bị viêm khớp thiếu niên thì khi về già cũng dễ bị viêm khớp không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Không thể chữa khỏi hẳn viêm khớp thiếu niên vì nó là do rối loạn miễn dịch không tìm được nguyên nhân. Người bệnh có thể dùng thuốc, tập luyện và áp dụng các biện pháp không cần dùng thuốc như đã nói ở trên để cải thiện tình trạng. Viêm khớp thiếu niên thì khi về già cũng dễ bị viêm khớp.


Xin trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã đều đặn hàng tuần tham gia các chương trình tư vấn của AloBacsi, đưa ra những lời khuyên bổ ích, kịp thời cho các ông bố, bà mẹ về nhiều vấn đề nuôi con nhỏ, chăm sóc con trên hành trình trưởng thành. Hẹn gặp lại bác sĩ trong chương trình lần sau!

Thực hiện: Phương Nguyên - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X