Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Mùa hè đến, chú ý phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ?

Chỉ mới vào hè một thời gian ngắn đã có nhiều trường hợp trẻ tử vong do đuối nước, trong đó đa số là học sinh. Trong chương trình tư vấn chiều ngày 27/5/2019, BS.CK 1 Trịnh Ngọc Bình sẽ tư vấn cho các bậc phụ huynh những lưu ý để tránh các tai nạn đáng tiếc do đuối nước gây ra. Mời bạn đọc theo dõi.


Ngày 25/5 truyền thông vừa mới ghi nhận 6 học sinh lớp 6 ở Lào Cai rủ nhau đi tắm suối bị đuối nước, chỉ 2 em kịp thoát lên bờ. Trước đó, ngày 23/5, có 3 nữ sinh ở Quảng Bình đuối nước do tắm sông. Theo BS, để phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em, chúng ta cần làm gì?

Để phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ em thì các bậc phụ huynh, thầy cô giáo nhà trường cần có những biện pháp:

- Để phòng đuối nước cho trẻ một cách hiệu quả và an toàn là trẻ phải biết bơi. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của gia đình và nhà trường. Tuy nhiên, trước khi học bơi, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ khám và tư vấn trẻ có thể tham gia bơi lội hau không.

- Ngoài, trẻ cũng cần được tăng cường sức khỏe, bảo vệ cơ sở tránh những mối nguy hại gây bệnh.

- Nhà trường, phụ huynh cần cảnh báo cho trẻ biết các nơi dễ có nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu và có xoáy.

- Khi trẻ đi bơi, nên dặn trẻ bơi ở những nơi có đông người, có phương tiện cứu hộ và phải tuân thủ các quy định của hồ bơi, khu vực bơi. Cha mẹ phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Cần phải cho trẻ mặc áo phao khi đi bơi, tắm biển và đi tàu thuyền.

- Đối với nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước thì nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.


Bơi lội mang đến lợi ích gì cho sức khỏe và tinh thần, thưa BS? Trẻ bao nhiêu tuổi có thể học bơi?

Khi trẻ biết bơi sẽ có thêm kỹ năng sống trong môi trường nước, giảm thiểu tai nạn trong những điều kiện bất ngờ có thể xảy ra. Trẻ có thể tự bảo vệ an toàn cho mình và có thể giúp ích cho người khác. Khi trẻ biết bơi thì cha mẹ sẽ yên tâm hơn khi cho con đi du lịch nhất là những chuyến giã ngoại đến biển.

Bơi lội giúp trẻ phát triển thể chất, phát triển kỹ năng vận động. Ngoài ra, bơi lội bổ sung sự dẻo dai và sức bền cho trẻ và cũng là một trong những môn thể thao ít gây chấn thương cho trẻ. Ngoài ra, bơi lội giúp trẻ đạt được chiều cao lý tưởng vì chiều dài cột sống tăng lên và kéo dài một số cơ quan khác trên cơ thể.

Bộ môn thể thao này còn giúp cho trẻ thư giãn, nhất là vào những ngày hè nóng nực làm cơ thể sẽ cảm thấy rất sảng khoái và dễ chịu.

Thông thường, trẻ từ 3 đến 7 tuổi là khoảng thời gian hợp lý để con bắt đầu học bơi.

Cho trẻ học bơi từ sớm với các chuyên gia không chỉ giúp tăng cường thể chất mà còn tránh được những tai nạn đuối nước đáng tiếc. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Trước khi bơi trẻ cần được chuẩn bị như thế nào? Trẻ ngâm mình dưới nước bao lâu là hợp lý? Trong thời gian bơi trẻ có cần uống thêm nước hay không, và nên uống nước gì ạ? Sau khi bơi thì cần làm gì?

Trước khi bơi trẻ cần được chuẩn bị:

- Phụ huynh nên chọn hồ bơi uy tín, vệ sinh, an toàn và phù hợp với lứa tuổi trẻ, các huấn luyện viên  có trình độ và kỹ năng, cơ sở vật chất tốt.

- Cha mẹ dặn trẻ không được chạy nhảy ở gần hồ bơi, không xuống nước hoặc lại gần hồ bơi khi không có người lớn đi kèm…

- Trước khi bơi nên uống nước, không nên ăn quá no hay các thức ăn có nhiều dầu mỡ. Trong thời gian bơi trẻ không cần uống nước.

- Đem theo ít sữa, bánh và nước uống.

- Chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết như: mũ bơi, kính bơi, áo phao, nút tai, kem chống nắng, dầu gội xả, sữa tắm, khăn lông, nước muối sinh lý nhỏ mắt và súc họng, dầu nóng…

- Sáng sớm trước 10g và sau 16g chiều là những thời điểm “lý tưởng” cho trẻ thoải mái vùng vẫy. Không nên cho trẻ ngâm mình dưới nước quá lâu, thời gian bơi mỗi buổi chỉ nên khoảng từ 30-45 phút.

- Nên khởi động trước khi xuống bơi để trẻ tránh gặp các rủi ro như sốc nhiệt, bị chuột rút hoặc đuối sức trong khi bơi.

Sau khi bơi trẻ cần chuẩn bị:

Khi trẻ mới bơi xong lấy khăn tắm lớn choàng ngay khăn cho trẻ để tránh gió, cho bé nghỉ ngơi 10 phút rồi tắm lại bằng nước ấm sạch để tránh bị nhiễm bẩn từ nước hồ bơi và lau khô người cho trẻ. Nhất là vùng tai, mũi, mắt (có thể nhỏ thuốc nếu cần thiết). Cho trẻ uống bù nước ấm hay một ly sữa ấm cho trẻ sau bơi, ăn ít bánh vì bơi rất dễ đói.


Trẻ có thể lây một số bệnh từ hồ bơi công cộng, đó là những bệnh gì, làm sao để phòng tránh ạ?

Khi trẻ bơi lội có thể lây một số bệnh từ hồ bơi công cộng như: các bệnh về Tai - Mũi - Họng (viêm tai giữa, viêm mũi, viêm họng…) bệnh ngoài da (dị ứng, viêm da cơ địa, ghẻ ngứa…), bệnh đường hô gấp (viêm phế quản, viêm phổi…), bệnh về đường tiêu hóa nhất là tiêu chảy,…

Để phòng tránh bệnh nên cho trẻ tắm nơi hồ tắm sạch sẽ, tráng gió lùa, an toàn, vệ sinh, ít người.

Chỉ nên cho trẻ ngâm mình dưới nước từ 15 - 45 phút, không nên bơi khi nhiệt độ ngoài trời quá cao dễ bị sốc nhiệt. Ngoài ra, nên khoa kem chống nắng để tránh tình trạng cháy da, bỏng nắng và không nên ăn quá no hoặc để bụng quá đói khi xuống hồ bơi.

Cho trẻ vận động 10-15 phút trước khi xuống nước, đeo kính và mũ bơi để hạn chế vi khuẩn lây nhiễm. Sau khi bơi nên tắm rửa lại bằng nước sạch, rửa mắt, mũi, tai bằng nước muối sinh lý. Nếu thấy các dấu hiệu bất thường ở trẻ, cần đưa đi khám bác sĩ để có chẩn đoán, hướng xử trí kịp thời.


Theo BS, làm thế nào để chúng ta nhận ra một hồ bơi phù hợp và an toàn cho trẻ nhỏ?

- Hồ bơi phù hợp và an toàn cho trẻ nhỏ thì cần đảm bảo các yếu tố về diện tích như: chiều dài thường khoảng 25 - 50m, chiều rộng 10 - 50m. Bể bơi dành cho trẻ em độ sâu là 0,3-1,2 m.

 Ngoài ra, hệ thống xử lý nước trong hồ bơi cần đảm bảo:

- Theo phương thức lọc tuần hoàn, với quy trình tự động: Lọc cát dioxit -> Điều chỉnh PH -> Châm Clo -> Sục Ozon. Ưu điểm của hệ thống này do có Ozon hỗ trợ nên giảm lượng Clo nhưng khả năng diệt khuẩn mạnh, an toàn hơn cho học sinh bơi.
- Hệ thống tự động duy trì nhiệt độ nước luôn ≥ 28 độ C.
- Khử trùng bể bơi bằng đèn tia cực tím hay khử trùng bằng Clo
- Hồ bơi thiết kế trong nhà hoặc ngoài trời thì sàn gạch chống trơn có rãnh hoặc đường khía.
- Vị trí đặt bể bơi phải tương đối kín gió và có nhiều ánh nắng.
- Vật liệu xây dựng bể bơi: bê tông, nhựa, thép. Kết cầu chịu lực theo chuẩn xây dựng.
- Ốp lát bể bơi: Sử dụng loại gạch chuyên dụng
+ Gạch men kính chuyên dụng.
+ Tấm trải thành và đáy bể PVC Polyester.


Bể bơi mini có vẻ là giải pháp vừa tiện lợi cho không gian hẹp ở nhà phố, lại tránh được sự đông đúc ở hồ bơi công cộng. Nhờ BS hướng dẫn các cha mẹ cách chọn bể bơi mini cho bé?

Bể bơi mini di động đa dạng chủng loại, kiểu dáng, chất liệu, thể tích, van xả và đi kèm bơm hơi, hoặc bơm điện. Do đó, cha mẹ nên chọn loại nhựa dẻo mềm, nhưng dày, dai, mới bền và chịu nhiệt, không bị dính, biến dạng khi để ngoài trời nắng.

Vì dùng cho trẻ nên chọn loại kiểu dáng đẹp mắt, có một van xả và đi kèm bơm hơi (hoặc bằng điện). Chọn hàng hãng uy tín, có địa chỉ sản xuất và phân phối rõ ràng, có nhân viên hướng dẫn lắp đặt tại nhà.

Trẻ từ 3 tuổi nên chọn bể mini sâu từ 25 - 35cm, rộng từ 65cm trở lên. Trẻ trên 3 tuổi thì chọ bể rộng từ 3m, sâu 50cm.


Đồ bơi dành cho trẻ cần đạt những tiêu chí nào, thưa BS?

Hiện nay, trên thị trường đồ bơi của trẻ rất đa dạng về kiểu dáng và màu sắc. Khi lựa chọn loại trang phục này cho trẻ, cha mẹ không nên chọn bộ đồ bơi để hở da quá nhiều vì làn da non nớt của bé sẽ dễ bị cháy nắng. Ngoài ra đồ bơi đúng size cho trẻ, có khả năng chống nắng.


Nhờ BS hướng dẫn cách sơ cứu khi trẻ bị đuối nước?

Khi gặp trẻ bị đuối nước, chúng ta cần:

- Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước.

- Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

- Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.

- Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo rồi kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.

- Nếu trẻ còn tự thở, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.

- Sau sơ cứu ban đầu, trẻ đã tỉnh lại, cần đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, mục đích xem nạn nhân có bị phù phổi cấp không.


Những trường hợp nào trẻ không nên tham gia bơi lội ạ? Thay vào đó, trẻ có thể tham gia những hoạt động nào?

Khi trẻ bơi lội các sóng nước xung quanh sẽ tác động xoa bóp làn da và cơ bắp toàn cơ thể. Điều này kích thích tăng sự lưu thông máu, cung cấp thêm nhiều dinh dưỡng cho các tế bào, thải trừ các chất không cần thiết hay độc hại. Bơi lội không những giúp trẻ khoẻ mạnh mà còn giúp trẻ phát triển tối ưu chiều cao khi trưởng thành, đặc biệt bơi giỏi có thể giúp trẻ tránh được tình trạng đuối nước, một trong những tai nạn sinh hoạt rất thường gặp ở trẻ em.

Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng có thể xuống nước bơi lội. Nếu trẻ mắc các bệnh như: viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn, các bệnh ngoài da, viêm nhiễm đường hô hấp thì không nên tham gia bơi lội bởi sẽ dễ làm bệnh trầm trọng hơn.

Nếu không thể tham gia môn thể thao này, bé có thể chơi bóng bàn, chạy bộ, nhảy dây, nặn đất sét, vẽ, đàn…

Dây sạc những thiết bị điện tử, ổ cắm điện... cần được cất gọn gàng, tránh xa tầm mắt của trẻ. Đã có trường hợp trẻ bị điện giật vì ngậm dây sạc, cha mẹ nên lưu ý. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Mùa hè đến là thời gian trẻ nhỏ được vui chơi, nhưng cũng là thời điểm gia tăng các trường hợp tai nạn xảy ra ở trẻ. Ngoài đuối nước thì trẻ thường gặp các tai nạn gì trong mùa hè ạ?

Hè về, trẻ thường được nghỉ học, thường xuyên được tham gia vui chơi, du lịch cùng gia đình, ngoài tai nạn đuối nước thì rất dễ bị gãy tay, gãy chân, chấn thương đầu do leo cây, rượt đuổi nhau hay đu cầu ngoài. Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ bị bỏng do điện, nước sôi khi vô tình hoặc nghịch phá, bị ong đốt, rắn cắn do hiếu kỳ, phụ giúp cha mẹ việc đồng áng, nhất là trẻ nơi thôn quê.

Để phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc, cha mẹ nên quan sát con khi vui chơi, không nên để trẻ leo cây dù thấp hay cao. Với trẻ ở vùng nông thôn (hoặc được cha mẹ đưa về quê thăm gia đình), sau cơn mưa nên hạn chế ra ngoài, nhất là tránh các bụi rậm, không hiếu kỳ đưa tay vào các hang, hốc gần nhà để tránh bị rắn cắn. Các ổ điện cần để tránh xa tầm mắt của trẻ, sau khi sạc pin điện thoại, laptop nói riêng và các dụng cụ thiết bị điện tử nói chung thì cần rút ra khỏi ổ điện, cất gọn gàng để trẻ không nhìn thấy và bỏ vào miệng vì tưởng thực phẩm. Nếu gia đình có sử dụng bình thủy nước hay nấu cơm, canh cần lưu ý để sát vào nơi trẻ không với tới được.

Thực hiện: Phương Nguyên
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X