Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Làm sao giúp trẻ hết đái dầm?

Vì sao trẻ em thường thì đái dầm? Làm sao phân biệt đái dầm sinh lý và bệnh lý? Điều trị tình trạng này như thế nào?... Tất cả những vấn đề này đã được BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình giải đáp trong chương trình tư vấn sáng ngày 10/6/2019. Mời bạn đọc đón xem.



NỘI DUNG TƯ VẤN

Trẻ em thường xuất hiện chứng đái dầm vào ban đêm, đây là hiện tượng “tiểu không tự chủ” trong lúc ngủ. Nhiều cha mẹ cho rằng việc trẻ bị đái dầm là bình thường và không chú ý điều trị cho trẻ. Điều này đã dẫn đến nhiều trẻ chịu những hậu quả không đáng có, chẳng hạn như mất tự tin, e ngại đám đông, thích sống cô độc hay sinh lý không thực sự tốt… Vậy đái dầm có phải là bệnh không và nguyên nhân là do đâu?

1. Đái dầm là một hiện tượng khá phổ biến ở trẻ em. Đái dầm thường xảy ra ở độ tuổi nào ở trẻ nhỏ, và như thế nào được gọi là đái dầm, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Đái dầm là hiện tượng phổ biến ở trẻ em. Đái dầm thường xãy ra ở độ tuổi dưới 5 là bình thường. Tuy nhiên, nếu bé lớn hơn 5 tuổi mà vẫn còn đái dầm thì cha mẹ nên có biện pháp để giúp trẻ . Những bé trai sẽ có nhiều khả năng bị đái dầm ban đêm hơn các bé gái, đái dầm ở trẻ em là chứng tiểu tiện không tự chủ được trong lúc ngủ.

Một số trẻ đái dầm vì có bàng quang nhỏ hoặc dây thần kinh hay cơ bắp của chúng không thể kiểm soát bàng quang của mình suốt cả đêm.

Ngoài ra, trẻ đái dầm do di truyền. Nếu cha mẹ chúng trước đó cũng thường đái dầm ban đêm khi còn là đứa trẻ thì con của bạn cũng có nhiều nguy cơ bị triệu chứng này.


2. Nhờ BS mô tả rõ cơ chế gây ra hiện tượng đái dầm ở trẻ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Cơ chế gây ra hiện tượng đái dầm ở trẻ có thể do trẻ có vấn đề về mặt sinh lý, những dị tật bẩm sinh của bàng quang; khả năng phát triển bàng quang không tốt, hay bàng quang nhỏ quá; không kiểm soát được cơ của ống dẫn tiểu; nhiễm trùng đường tiểu; không kiểm soát được cơ bàng quang hoặc do chậm phát triển hệ thống thần kinh; động kinh vào ban đêm…

Thông thường khi bàng quang đầy, thành bàng quang căng ra gửi tín hiệu lên não bộ báo hiệu bàng quang đã đầy, não sẽ gửi tín hiệu ngược lại để có thể đóng lại cơ vòng bàng quang, làm trẻ thức dậy và muốn đi vệ sinh. Tuy nhiên khi bị rối loạn, khi bàng quang đầy nước tiểu mà trẻ vẫn ngủ say chưa muốn thức dậy, cơ vòng sẽ tự động mở ra gây hiện tượng bài tiết nước tiểu trong khi ngủ hay không thể kiểm soát được dẫn đến trẻ đái dầm. Các bậc cha mẹ thường than phiền rằng con cái ngủ say quá nên đái dầm. Nhưng sự thực đái dầm không liên quan tới giấc ngủ. Nếu chúng thức giấc kịp thời để đi tiểu thì sẽ đỡ bị đái dầm hơn.


3. Xin BS cho biết nguyên nhân nào gây ra hiện tượng đái dầm, trong đó, nguyên nhân nào quan trọng nhất ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Do yếu tố di truyền: Trẻ mắc bệnh đái dầm do ảnh hưởng yếu tố di truyền từ gia đình. Trong gia đình, nếu có cha hoặc mẹ mắc chứng bệnh này thì có khoảng 40% đứa trẻ sinh ra sẽ bị bệnh đái dầm. Nếu cả cha và mẹ cùng mắc bệnh đái dầm thì nguy cơ bé mắc chứng bệnh này khá cao, khoảng 70-75%.

Do trẻ gặp các vấn đề về sinh lý: Trẻ khi sinh ra bị dị tật bàng quang, bàng quang quá nhỏ nên chứa được ít nước tiểu hoặc cơ chóp bàng quang hoạt động và co bóp quá mức nên gây ra hiện tượng đái dầm ở trẻ.

Do trẻ thiếu nội tiết tố kháng bài niệu về đêm. Ban đêm não sẽ sản sinh ra một loại hoóc môn tên là vasopressin, có tác dụng hấp thu lượng nước tiểu ở thận, nhưng vì một lí do nào đó mà lượng hoóc môn này bị suy giảm khiến cho lượng nước tiểu sản xuất ra nhiều khi ngủ, nên trẻ sẽ đái dầm.

Do sự phối hợp giữa bàng quang và não chưa nhịp nhàng. Trẻ thường đái dầm khi ngủ rất say, bàng quang đầy nước nhưng không tạo được kích thích đủ mạnh để đánh thức bé dậy đi tiểu. Ngoài ra, một số trẻ do bị rối loạn giấc ngủ, ngủ mơ thấy mình đi tiểu ở ngoài nhưng lại không ý thức được mình đã đái dầm.

Đái dầm đôi khi là vấn đề liên quan đến cảm xúc: như cha mẹ luôn bắt trẻ nghe lời và làm theo ý mình, kỳ vọng quá nhiều vào trẻ khiến bản thân trẻ căng thẳng quá mức. Một yếu tố tâm lí nữa là khi trẻ đã bị đái dầm những người xung quanh lại chế giễu, trêu cười trẻ khiến trẻ càng xấu hổ, tự ti.


4. Đái dầm có phải là bệnh không? Tình trạng đái dầm ở mức độ nào thì cần đưa trẻ đi gặp BS ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Đái dầm là một hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhưng nếu gặp phải một trong số các trường hợp sau thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ:

Đái dầm vẫn xuất hiện sau khi trẻ đã 5 hoặc 6 tuổi.

Đái dầm trở lại sau một thời gian dài không đái dầm vào ban đêm.

Đái dầm đi kèm với tiểu đau, khát nước không bình thường, nước tiểu màu hồng.


5. BS ở bệnh viện sẽ có những phương pháp nào để điều trị đái dầm cho trẻ ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Bệnh viện sẽ có những phương pháp nào để điều trị đái dầm cho trẻ như trước tiên là không cần dùng thuốc. Cách điều trị này cần đến sự nỗ lực của trẻ cũng như sự trợ giúp rất nhiều từ phía người nhà và cách này thường được ứng dụng trong giai đoạn đầu của việc điều trị.

Có hai cách điều trị không dùng đến thuốc, một là hạn chế cho trẻ uống nước hoặc ăn thức ăn lỏng hai giờ trước khi trẻ đi ngủ. Nhiều trẻ học bán trú, cha mẹ thường có suy nghĩ ở trường không uống nước nhiều nên lúc ở nhà thường ép trẻ uống nước.

Trong khi tỉ lệ nước ban ngày cần uống là 2/3 và đêm chỉ là 1/3. Hoặc là cần đánh thức trẻ vào ban đêm. Người mẹ tìm hiểu thời gian trẻ thường tiểu dầm để đánh thức trẻ dậy đi tiểu trước đó (trẻ thường tiểu dầm vào một thời gian cố định trong đêm, vào lúc nước tiểu đã đầy, bàng quang đủ mở, giấc ngủ đã sâu).

Khi đã thất bại với cách điều trị trên hoặc trẻ được chẩn đoán là bị đa niệu, lúc này các bác sĩ sẽ cho trẻ uống thuốc điều trị bệnh tiểu dầm vào ban đêm, trước khi đi ngủ.. Sau 2-4 tuần uống thuốc, trẻ sẽ hết tiểu dầm và ngưng dùng thuốc. Còn với những trẻ lớn mới điều trị thì thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn.

Dù có nhiều cách điều trị bệnh tiểu dầm, nhưng yếu tố điều trị thành công bệnh đái dầm chính là sự quyết tâm điều trị của trẻ và sự hỗ trợ của cha mẹ, gia đình trẻ.


6. Nếu trẻ được kê thuốc trị đái dầm thì đó là những thuốc có tác dụng gì, có tác dụng phụ nào không, và cần lưu ý gì trong quá trình điều trị bằng thuốc, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Đôi khi trẻ được kê thuốc trị đái dầm: Dùng một số loại thuốc có trên thị trường Việt Nam. Thuốc chữa đái dầm thường phức tạp và có rất nhiều tác dụng phụ, tùy theo từng trường hợp khác nhau và sức khỏe trẻ mà bác sĩ  sẽ kê đơn của và theo dõi trẻ, đồng thời có thể dùng đồng hồ báo thức để gọi trẻ đi vệ sinh cũng cho kết quả tốt.

Trong quá trình điều trị bằng thuốc nếu trẻ uống vào có bất kỳ tác dụng phụ nào thì phải ngừng ngay thuốc và đưa trẻ đến khám lại.

Tuy nhiên, các loại thuốc điều trị đái dầm này chỉ có hiệu quả tạm thời, nếu sử dụng lâu dài sẽ khiến trẻ bị hoa mắt, chóng mặt, chảy máu cam, ức chế sự phát triển hệ thần kinh của trẻ.

Chú ý: Cha mẹ không tự ý mua thuốc điều trị đái dầm bằng tân dược cho trẻ uống. Trẻ uống thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.


7. Nhờ BS hướng dẫn những việc cha mẹ cần làm để giúp trẻ mau hết đái dầm? Nếu hạn chế cho trẻ uống nước vào buổi tối, có sợ trẻ bị thiếu nước không ạ, vì suốt 8 tiếng đi ngủ sẽ không uống nước?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Những việc cha mẹ cần làm để giúp trẻ mau hết đái dầm :

Khuyến khích trẻ tăng lượng nước uống vào ban ngày, hạn chế trẻ uống nước hay thức uống sau bữa tối giúp giảm lượng nước tiểu thải ra vào ban đêm, đánh thức con dậy đi tiểu trước khi cha mẹ đi ngủ, trẻ sẽ không bị thiếu nước mặc dù suốt 8 tiếng đi ngủ.

Nên để đèn đêm gần chỗ đi tiểu, để trẻ không ngại khi thức dậy đi tiểu.

Cha mẹ không nên tỏ ra quá nghiêm khắc trẻ mà nên giúp đỡ trẻ qua những lúc khó khăn, đừng trừng phạt trẻ. Không nên đổ lỗi cho trẻ, mà ngược lại nên giúp trẻ hiểu biết, có trách nhiệm để có thể làm được những gì cần phải tự làm. Nếu trẻ cố gắng thức giấc, tự đi tiểu, hay đêm nào không bị đái dầm, thì nên khen ngợi. Phương pháp này có thể giúp trẻ khỏi hẳn đái dầm, tỉ lệ lên đến 25%. Phương pháp này cũng giúp trẻ thêm tiến bộ tự kiểm soát được đái dầm, khoảng 75%.


8. Theo BS, các mẹo trị đái dầm trong dân gian có hiệu quả và có nên áp dụng không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Trong dân gian có nhiều bài thuốc trị đái dầm nhưng thật ra đây chỉ là một cách “chữa mẹo” tâm lý mà thôi. Đông y có một số loại thuốc và phương pháp châm cứu chữa đái dầm nhưng hiệu quả thật sự cũng không cao.

Điều trị đái dầm thành công là sự quyết tâm của trẻ và hỗ trợ của cha mẹ và gia đình. Do đó các mẹo dân gian không nên áp dụng.


9. Trẻ mấy tuổi thì nên ngưng mặc tã ạ? Nhờ BS hướng dẫn cách thức ngưng tã như thế nào? Nếu việc đái dầm kéo dài, khiến cho trẻ vẫn phải mặc tã (mà lẽ ra nên ngưng) thì việc mặc tã như vậy có ảnh hưởng gì không, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Quyết định khi nào nên ngưng dùng tã phụ thuộc vào cha mẹ chứ không phải trẻ. Không nên đổ lỗi cho trẻ khi trẻ vẫn phụ thuộc vào tã.

Tập cho trẻ  sẵn sàng cho việc ngồi bô. Việc sử dụng tã và dạy trẻ ngồi bô có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu trẻ sẵn sàng ngay từ đầu, cha mẹ có thể từ từ cắt giảm việc sử dụng tã.

Điều quan trọng là cha mẹ cần kiên nhẫn. Điều này cần một quá trình và trẻ cần sự hướng dẫn cũng như động viên  của cha mẹ. Đừng ép buộc trẻ phải ngồi bô và ngưng dùng tã cùng lúc. Cha mẹ cần khuyến khích và không la mắng khi trẻ chưa kiểm soát được nhu cầu tiêu tiểu của mình. Theo thời gian, trẻ sẽ thuần thục hơn.

Chắc chắn là thời gian đầu trẻ chưa quen sẽ đái dầm và bị ướt giường trong vài tháng đầu khi dạy trẻ ngồi bô. Có những lúc cha mẹ nghĩ trẻ hoàn toàn sẵn sàng cho việc ngưng dùng tã, việc này là rất khó đối với trẻ. Sau thời gian trẻ thực hiện sẽ quen dần và không còn đái dầm nữa.


10. Nhờ BS hướng dẫn cha mẹ cách động viên trẻ, để trẻ bị đái dầm không cảm thấy tự ti, xấu hổ? Những câu nào cha mẹ, anh chị em nên và không nên nói với trẻ bị đái dầm?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Cha mẹ phải có biện pháp tâm lý để và thay đổi lối sống của trẻ.

Cha mẹ nên động viên, giữ bình tĩnh, không nên trách móc, la mắng, buồn bực khi trẻ không tự chủ được làm cho trẻ cảm thấy lo âu và cảm thấy có lỗi.

Thay đổi chỗ ngủ của trẻ để giúp trẻ đi vệ sinh dễ dàng.

Đánh thức trẻ đi vệ sinh.

Nếu trẻ đã đái dầm nên khuyên trẻ vệ sinh cá nhân và thay quần áo để trẻ có trách nhiệm.
Cố gắng động viên tinh thần trẻ giúp trẻ kiên nhẫn và tập thói quen đi vệ sinh đúng thời điểm.

Người lớn không nên chế giễu, kể lể với mọi người khi trẻ đái dầm.

Cha mẹ có thể đưa bé đến bệnh viện gặp bác sĩ chuyên khoa tiết niệu khám và tư vấn cho trẻ để giúp trẻ giải tỏa những lo âu, căng thẳng khi trẻ bị đái dầm mà mình không muốn.

Thực hiện: Thanh Thủy - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X