Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Hạ sốt cho trẻ thế nào là đúng cách?

Mẹ đang loay hoay giữa vô vàn bí quyết hạ sốt nhưng không biết liệu phương pháp nào là chính xác, để tránh gây ảnh hưởng tới não cũng như sức khỏe của con yêu. Hãy theo dõi phần tư vấn của BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình để hiểu rõ cần làm gì khi trẻ bị sốt, dùng thuốc ra sao, chăm sóc thế nào?...

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Ai đã từng chăm con nhỏ hẳn sẽ quen thuộc với việc phải chăm sóc trẻ bị sốt. Vì sao trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ lại hay bị sốt như vậy, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
Sốt là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý, là phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Ai đã từng chăm con nhỏ hẳn sẽ quen thuộc với việc phải chăm sóc trẻ bị sốt. Điều quan trọng khi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị sốt là phải xác định được nguyên nhân để có cách xử trí kịp thời.
Sốt là triệu chứng của bệnh có nhiệm vụ giúp cho cơ thể chiến đấu với sự nhiễm trùng bằng cách kích thích cơ chế phòng vệ tự nhiên. Sốt còn có một ý nghĩa quan trọng khác là nhằm đánh giá tình trạng đáp ứng tốt với điều trị, đáp ứng tốt thì sốt sẽ giảm.

Với trẻ em, do trung khu điều hòa thân nhiệt ở não có cấu tạo chưa hoàn chỉnh ở những năm đầu đời nên thân nhiệt dễ dao động, như trường hợp bé mọc răng, bé biết bò, biết trườn, mặc quá nhiều quần áo, sau tiêm chủng… được gọi là tăng thân nhiệt sinh lý. Bên cạnh tăng thân nhiệt do sinh lý, còn có rất nhiều nguyên nhân do bệnh lý, khiến trẻ bị sốt như:
- Phần lớn sốt là do nhiễm trùng hoặc một căn bệnh nào đó gây ra.
- Trẻ nhỏ, đặc biệt là sơ sinh, rất dễ bị sốt nếu được ủ quá kín khi mặc quá nhiều quần áo hoặc ở trong một môi trường nóng. Nguyên nhân là do các bé chưa thể tự điều tiết thân nhiệt.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thỉnh thoảng bị sốt nhẹ sau khi tiêm phòng.
- Mọc răng cũng có thể làm tăng thân nhiệt, nhưng chỉ ở mức nhẹ.

2. Nhờ BS điểm danh những bệnh thường gặp khiến trẻ bị sốt?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
Những bệnh thường gặp khiến trẻ bị sốt như: sốt do nhiễm siêu vi: sốt do virus Rubella, sốt xuất huyết, sởi, sốt do virus cúm, sốt do bệnh tay - chân - miệng, sốt do virus thủy đậu,….
Sốt do nhiễm trùng như: viêm họng, viêm Amydal, bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng não, màng não, nhiễm trùng máu,…
- Sốt do sốt rét.
- Sốt do tiêu chảy nhiễm trùng.
- Sốt do thương hàn
- Sốt do tiêm vaccine
- Sốt do mọc răng,…

3. Sốt được chia thành những mức độ như thế nào ạ? Cách xử trí ở từng mức độ có khác nhau không, thưa BS? Và trường hợp nào phải đưa bé đi bệnh viện ngay?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
Sốt được chia thành những mức độ như:
- Nhiệt độ trên 37,5 độ C: Trẻ bị sốt
- Nhiệt độ từ 37,5 độ C - 38,5 độ C: Sốt nhẹ
- Nhiệt độ từ 39 độ C - 40 độ C: Sốt cao
- Nhiệt độ trên 40 độ C: Sốt rất cao.
Dựa trên những mức độ sốt của trẻ thì có cách xử trí và chăm sóc khác nhau như:
- Khi trẻ bị sốt nhẹ, nhiệt độ đo được là từ 37,5 độ C - 38,5 độ C thì cha mẹ chỉ cần cởi bớt quần áo của trẻ hay cho trẻ mặc quần áo thoáng rộng, dễ hút mồ hôi. Lúc này, trẻ chưa cần uống thuốc hạ sốt mà chỉ cần được uống nhiều nước. Nếu trẻ còn đang bú sữa mẹ thì có thể cho trẻ bú nhiều hơn. Cha mẹ không nên để trẻ ở nơi có gió lùa và tiếp tục theo dõi thân nhiệt của trẻ.
- Khi trẻ bị sốt cao, trên 39-40 độ C thì cha mẹ cần cởi bớt quần áo và cho trẻ mặc quần áo mỏng, mềm, thoáng, rộng rãi, thoải mái; lấy nước ấm dùng khăn mềm lau mát trẻ; giảm nhiệt độ trong phòng trẻ bằng cách mở cửa (cửa chính, cửa sổ), bật quạt nhẹ (tránh gió lùa).

Lúc này, trẻ cần được cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol theo tuổi dành cho trẻ nhỏ thường là dạng gói bột, siro, miếng dán hạ sốt hay nhét hậu môn trẻ, thuốc hạ sốt này dễ sử dụng và giúp hạ sốt nhanh, sau khi uống 30 phút và các tác dụng trong vòng 4 - 6 giờ, thuốc ít có tác dụng phụ.

Đồng thời, nên theo dõi thân nhiệt trẻ để xử trí kịp khi trẻ sốt cao co giật. Tuy nhiên, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần cho trẻ uống đúng liều lượng/cân nặng theo chỉ định của bác sĩ đang điều trị. Trường hợp trẻ không uống được, có thể dùng thuốc hạ sốt dạng viên đặt hậu môn, nhưng nếu trẻ đang bị tiêu chảy thì không nên dùng thuốc dạng viên đặt này.
- Khi trẻ bị sốt rất cao thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt đồng thời nên hạ nhiệt độ, lau mát cơ thể trẻ bằng cách đặt trẻ nằm ngửa trên giường và cởi bỏ quần áo trẻ rồi dùng khăn mềm thấm nước ấm vắt ráo lau lên trán, hai bên nách, hai bên bẹn, cứ 2 phút thay khăn 1 lần. Nước ấm bốc hơi giúp giãn mạch máu và làm trẻ mát. Khi thân nhiệt của trẻ hạ xuống dưới 38,5 độ C thì ngưng lau mát, lau khô người và mặc quần áo mỏng cho trẻ.
- Cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước hoa quả tươi hoặc nước điện giải oresol pha theo hướng dẫn in trên bao bì , để phòng ngừa trẻ bị mất nước, rối loạn điện giải gây mệt mỏi. Sau đó, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám xác định nguyên nhân và điều trị.
Lưu ý, không được nặn chanh vào miệng và mắt khi trẻ bị sốt, và cũng không nên dùng nước đá lạnh để hạ sốt hay lau mát cho trẻ. Khi trẻ đang co giật, không giật tóc, vỗ vào người trẻ vì càng khiến trẻ bị kích thích và co giật nhiều hơn.
Khi trẻ bị sốt cần được đưa bệnh viện để bác sĩ thăm khám ngay nếu:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi mà sốt trên 40 độ C (nhất là đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi) hoặc sốt dưới 38,5 độ C nhưng kéo dài do bất kỳ nguyên nhân nào, nhiệt độ lên xuống thất thường sáng, trưa, chiều, tối. Đã dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ nhưng triệu chứng sốt không thuyên giảm.
- Trẻ bị co giật, hạ sốt hơn 24 giờ rồi sốt tái phát lại.
- Trẻ quấy khóc liên tục hoặc bứt rứt nhiều quá.
- Trẻ nằm li bì, khó đánh thức, cổ cứng, phát ban.
- Trẻ bị khó thở, trẻ bỏ ăn hoặc bỏ bú.
- Trẻ bị nôn ói, đi ngoài ra máu, nôn ra máu.
- Trẻ trông rất yếu và mệt, ít đi tiểu.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

4. Những thuốc nào thường dùng để hạ sốt cho trẻ, thưa BS? Thuốc nào có thể tự mua, thuốc nào cần BS kê toa? Nhờ BS hướng dẫn cách sử dụng luôn ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
Sốt là một triệu chứng do phản ứng tự vệ có lợi của cơ thể, cha mẹ nên sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ bị sốt 38 độ C trở lên. Trên thực tế thì hiện nay có nhiều loại thuốc hạ sốt nhưng có thể sử dụng phù hợp cho trẻ em, là thuốc có chứa dược chất Paracetamol là thông dụng và an toàn nhất.
Tuy nhiên, không nên tự ý phối hợp nhiều loại thuốc hạ sốt cho trẻ sử dụng vì hiệu quả sẽ không tăng thêm, nhưng lại xuất hiện nhiều tác dụng phụ như kích ứng dạ dày, xuất huyết tiêu hoá.
Khi trẻ vẫn còn tỉnh táo và uống nước được thì chỉ cần cho trẻ uống nhiều nước.
Ở trẻ em, liều paracetamol là 10mg đến tối đa là 15mg/kg trọng lượng cơ thể và có thể lặp lại liều như trên sau 4-6 giờ. Thuốc uống hay thuốc đặt hậu môn có tác dụng như nhau và liều lượng dùng như nhau.
Trên thị trường còn các loại thuốc hạ sốt nữa là aspirin hoặc ibuprofen nhưng loại này khó dùng hơn phải có chỉ định của bác sĩ điều trị .

5. Nhờ BS hướng dẫn những cách hạ sốt không dùng thuốc?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
Hạ sốt không dùng thuốc cho trẻ khi trẻ sốt dưới 38 độ bằng cách:
- Cho trẻ uống nhiều nước
- Lau mát cho trẻ bằng khăm mềm nhúng nước ấm vắt cho ráo rồi lau mặt,nách, bẹn và toàn thân.
- Cho trẻ mặt quần áo thoáng mát, rộng rãi dễ hút mồ hôi.
- Môi trường chung quanh trẻ phải thoáng mát, sạch sẽ.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng nhất là các thực phẩm chứa nhiều Vitamin C.

6. Trường hợp nào trẻ sốt có thể tắm được, và trường hợp nào nhất định phải kiêng tắm? Vì sao ạ? Nếu phải kiêng tắm thì cha mẹ nên vệ sinh cho trẻ như thế nào?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
Ngoài việc cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, thì cha mẹ có thể hạ sốt cho trẻ bằng cách tắm đúng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho trẻ. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng không nên tắm khi trẻ đang bị sốt. Thế nhưng theo các bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng, cho trẻ tắm đúng cách là một giải pháp giúp trẻ hạ sốt hiệu quả.Vì sau khi uống thuốc hạ sốt thì trẻ không hết sốt ngay. Trong thời gian này, tắm sẽ là cách tốt nhất để hạ thân nhiệt cho trẻ để hạ sốt. Nếu không khi nhiệt độ quá cao, chắc chắn não của trẻ sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Do đó, nên cho trẻ tắm đúng cách như:
Do nhiệt độ trẻ, tránh gió cho trẻ, pha nước ấm cho trẻ tắm.
Nếu nhiệt độ cơ thể trẻ là 38 độ thì nhiệt độ cho trẻ tắm phải là 36 độ (thấp hơn nhiệt độ trẻ khoảng 2 -3 độ C), phải duy trì nhiệt độ này trong suốt thời gian tắm trẻ.
Tắm cho trẻ từ trên xuống dưới khoảng 5 phút, sau đó lau khô người trẻ, cho mặc đồ thoáng mát, dễ hút mồ hôi, gọn nhẹ. Lưu ý, không được tắm quá lâu, cơ thể trẻ càng mất nước.
Việc tắm rửa giúp trẻ vệ sinh thân thể sạch sẽ và tăng cường, thúc đẩy sự trao đổi chất. Vì sức khỏe là vàng, khi trẻ bị sốt, cha mẹ nên chăm sóc đúng cách để trẻ nhanh chóng phục hồi.
Các trường hợp nào nhất định phải kiêng tắm như:
- Trẻ không nên tắm khi nhiệt độ cơ thể bé quá cao khiến hệ miễn dịch của bé suy giảm, nếu tắm ngay sẽ tăng nguy cơ sốt phát ban nặng hơn.
- Khi trẻ đang bị sốt kèm theo triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy nếu tắm sẽ làm cơ thể trẻ thêm mất nước, dịch bệnh sẽ trầm trọng hơn.
- Không nên tắm sau khi cho trẻ ăn xong vì tắm sau khi ăn sẽ làm giảm quá trình trao đổi chất cũng như ảnh hưởng không tốt đến chức năng hệ tiêu hóa. Bởi dạ dày của bé đã mở rộng, bé rất dễ bị nôn trớ.
- Nếu da của bé đang gặp những tổn thương, trầy xước, chốc lở, mụn nhọt, sưng, bỏng… không nên tắm cho trẻ vì vết thương khi gặp nước rất dễ bị nhiễm trùng, khó lành.
- Không nên tắm trẻ khi bị sốt nhẹ sau khi tiêm phòng vì vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào trong cơ thể trẻ.

7. Trẻ hết sốt không phải là hết lo, tuy là ít nhưng cũng có những trường hợp diễn tiến đến tình trạng nguy hiểm sau sốt. Xin BS cho biết, sau khi trẻ hết sốt, cha mẹ cần để ý những vấn đề gì? Dấu hiệu nào cảnh báo bệnh nguy hiểm?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
Trẻ hết sốt không phải là hết lo, tuy là ít nhưng cũng có những trường hợp diễn tiến đến tình trạng nguy hiểm sau sốt, điển hình có một số bệnh. Do đó, sau khi trẻ hết sốt, cha mẹ cần để ý các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như:
- Sốt đi sốt lại nhiều lần. Nguyên nhân là có đến hàng trăm chủng loại virus có thể gây sốt và hệ thống miễn dịch của cơ thể là không đủ để phòng chống hết các chủng virus này. Do đó, nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện.

- Sau khi hết sốt phát ban nổi lên, mắt xuất huyết kèm nôn ói là dấu hiệu của sốt xuất huyết cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay tuyệt đối không nên điều trị tại nhà.
- Sau khi hết sốt 2 ngày thì dấu hiệu của bệnh tay chân miệng mới bắt đầu xuất hiện như: Trẻ sẽ có những nốt mụn nước trên da trong khoang miệng (lưỡi, má trong), lòng bàn tay và bàn chân. Mụn nước còn xuất hiện ở mông hoặc quanh hậu môn. Nổi mụn nước là triệu chứng rõ rệt nhất của bệnh này. Khi mới xuất hiện, các nốt ban này nổi lên như vết sẹo nhỏ, hơi đỏ và phẳng.

Sau đó chúng dần phồng rộp lên chứa nước bên trong như những bóng nước hình bầu dục, hồng ban, màu xám, khi lành không gây sẹo. Những nốt này không đau và không ngứa (phân biệt với thủy đậu ngứa và đau nhức khó chịu).

Hạ sốt cho trẻ như thế nào? - Ảnh minh họa

8. Trẻ đang sốt thì nên cho ăn như thế nào, món nào phù hợp ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
Mỗi khi bị bệnh, trẻ sẽ mệt mỏi và chán ăn, thường hay quấy. Cho nên, nấu hợp khẩu vị của trẻ vừa cung cấp đầy đủ dinh dưỡng giúp trẻ mau khỏi bệnh là điều mà cha mẹ nào cũng quan tâm. Chế độ ăn cho trẻ:
Thức ăn giàu chất dinh dưỡng nhưng nấu lõang có nhiều nước sẽ giúp trẻ dễ ăn và ăn nhanh hơn. Cho một chén cháo nấu đủ chất với thịt hay cá hoặc một chén súp gà để cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất cho cơ trẻ.
Đối với những trẻ em suy dinh dưỡng hay biếng ăn thì cần cho ăn nhiều lần hơn, và nếu vẫn ăn ít thì cần tăng thêm lượng sữa cho bé trong ngày.
Ngoài ra, sữa chua cung cấp nhiều dưỡng chất, đặc biệt có chứa các lợi khuẩn đường ruột sẽ giúp hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh hơn, giúp trẻ hấp thụ hiệu quả hơn những chất dinh dưỡng trong lúc cơ thể đang yếu ớt do bệnh.

9. Còn về việc uống nước của trẻ khi đang bị sốt như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
Còn về việc uống nước của trẻ khi đang bị sốt thì cung cấp thêm nước cho bé để giúp bé bù lại lượng nước đã mất như:
Nên cho trẻ uống nhiều nước hơn vì mỗi khi bị sốt là trẻ sẽ bị mất một lượng nước rất lớn, cho trẻ uống nước lọc hay nước đun sôi để nguội sẽ giúp trẻ không bị khô miệng cũng như đẩy nhanh quá trình thanh lọc các vi khuẩn sẽ mau khỏi bệnh.
Các loại nước trái cây tươi như nước cam, chanh,… không chỉ giúp bổ sung nước, mà còn sẽ giúp trẻ có thêm nguồn vitamin C, hỗ trợ trẻ tăng sức đề kháng hiệu quả và nhanh khỏi bệnh.

10. Trẻ bị sốt nếu nằm quạt hay máy lạnh thì cần lưu ý gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
Trẻ bị sốt nếu nằm quạt hay máy lạnh thì cha mẹ cần lưu ý như sau:
Khi trẻ bị ốm, sốt cao thì cha mẹ lo lắng không biết con đang bị sốt có nên nằm quạt hay không. Trên thực tế, cũng như máy lạnh, trẻ bị sốt vẫn có thể nằm quạt ở tốc độ vừa phải. Tuy nhiên, quạt chỉ có tác dụng làm tăng tốc độ bay mồ hôi trên da để giúp trẻ giải nhiệt qua đường mồ hôi tốt hơn.

Mồ hôi khô nhanh giúp hạ nhiệt cho trẻ, giúp trẻ bớt nóng bức, khó chịu. Nhưng khi cho trẻ bị sốt nằm quạt, mẹ cũng cần lưu ý một số nguyên tắc an toàn như: Tuyệt đối không quay quạt hướng thẳng vào vùng đầu, mặt và ngực của trẻ vì có thể khiến phổi bị lạnh, mũi và họng bị khô cũng như khiến trẻ khó chịu, khó thở bệnh tiến triển nặng hơn. Cho trẻ nhỏ mặc đồ bằng chất liệu cotton thoáng mát để thấm hút mồ hôi tốt hơn.
Trẻ bị sốt mẹ hoàn toàn có thể cho con nằm trong phòng máy lạnh nhưng cần lưu ý để nhiệt độ ở mức 27 - 29 độ. Đây là mức nhiệt lý tưởng vừa giúp trẻ dễ chịu, mát mẻ hơn nhưng cũng không làm tăng thân nhiệt, dẫn tới co giật, sốt cao hơn. Dùng máy lạnh cho trẻ để bảo vệ sức khỏe cho trẻ cha mẹ nên chú ý: Tuyệt đối không để gió máy lạnh thổi  thẳng vào đầu, mặt của trẻ vì sẽ khiến trẻ khô mũi, ho, đau đầu và sốt cao hơn.

Khi trẻ nằm máy lạnh nên mặc đồ dài tay bằng chất liệu cotton thấm hút mồ hôi, tránh cảm lạnh. Trẻ bị sốt không nên nằm trong phòng bật máy lạnh liên tục 24/24 vì sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn. Phòng cần dọn dẹp thật sạch sẽ, thông thoáng để tránh những mầm bệnh khác tấn công khi cơ thể trẻ đang yếu.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X