Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Bệnh cúm mùa, làm sao cho mau khỏi

Sáng 5/3, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn online những vấn đề liên quan đến bệnh cúm mùa: Nguyên nhân bị bệnh cúm mùa, cúm mùa lây nhiễm qua những đường nào, phân biệt cúm mùa và cảm cúm, cách điều trị và phòng tránh cúm mùa...?


Kính mời quý bạn đọc đón xem phần tư vấn của BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

NỘI DUNG TƯ VẤN

Câu 1 - Tại Việt Nam, bệnh cúm mùa do những chủng nào gây nên? Tỷ lệ người mắc cao nhất thuộc về chủng nào ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Bệnh cúm mùa thường xảy ra quanh năm nhưng nhiều nhất vào thời điểm giao mùa từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Đặc biệt, bệnh dễ gây thành dịch và nếu không được điều trị đúng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Cúm mùa là một bệnh nhiễm virut cấp tính gây ra bởi virut cúm (Influenza) thuộc nhóm Orthomyxoviridae chia thành 3 týp A,B,C.

Tỷ lệ người mắc cao nhất do chủng cúm A nhất là A/H1N1 chiếm khoảng gần 70%.

Thân mến.

Tuy nhà rất xa và lịch làm việc luôn kín nhưng bác sĩ Bình luôn có mặt đúng hẹn cùng bạn đọc

Câu 2 - Cúm mùa lây qua những đường nào? Đi chung thang máy, ngồi chung phòng máy lạnh với người bị cúm mùa thì cần làm gì để không bị lây bệnh?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Vi rút cúm mùa dễ dàng lây lan từ người bị bệnh sang người lành bệnh, lây qua đường hô hấp thông qua không khí do có chứa các giọt bắn nhỏ li ti của người bệnh khi ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện; lây do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt. Ngoài ra, dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng,… với người bệnh cũng bị lây nhiễm vi rút cúm.

Để tránh lây bệnh cúm mùa khi đi chung thang máy, ngồi chung phòng máy lạnh với người bị cúm thì nên:

- Đeo khẩu trang, vệ sinh phòng ở sạch sẽ, mở toang của sổ, cửa phòng cho thông thoáng ngày 3-4 lần , mỗi lần 30 phút.

- Không nên tiếp xúc trực tiếp hay ngồi nói chuyện trực diện với người bệnh, không dùng chung vật dụng trong phòng, đồ dùng với người bệnh vì đây là nơi khu trú của vi rút.

- Không ăn chung, uống chung đồ ăn, thức uống cùng với người bệnh. Nên ăn các trái cây và rau củ quả giàu vitamin, khoáng chất, thực phẩm giàu dinh dưỡng hằng ngày. Đồng thời, ăn uống điều độ, đúng giờ, ngủ đủ giấc.

- Rửa tay sạch trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh bằng dung dịch sát khuẩn để giữ vệ sinh tay.

Thân.

Câu 3 - Bản thân người bị bệnh cúm mùa cần làm gì để tránh lây cho những người xung quanh? Nếu gia đình có phụ nữ mang thai, người già, trẻ nhỏ mà trong nhà có người bị cúm mùa thì có cần cách ly không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Để tránh lây lan bệnh cúm mùa cho người xung quanh thì cần phải:

Người bệnh cúm mùa nên ở nhà cách ly từ 5-7 ngày, để khỏi lây nhiễm cảm cúm cho những người thân trong nhà.

Bệnh nhân nên đeo khẩu trang y tế, khi ho, hắt hơi phải che miệng, mũi, sau khi xì mũi thì nên vứt khăn giấy vào thùng rác có nắp đậy nhằm tránh nguy cơ lây bệnh cho những người khác.

Để tránh nguy cơ lây bệnh cho người khác, người bị bệnh cúm mùa sau khi xì mũi nên vứt khăn giấy vào thùng rác có nắp đậy. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Người đang bị bệnh không nên nói chuyện trực diện với người nhà vì trong hơi thở của người bệnh cũng có vi rút cúm, rất thể lây bệnh.

Đồ dùng của người bệnh (như bát, đũa, thìa, cốc, chén…) hàng ngày nên luộc sôi, tốt nhất là nên dùng riêng, áo quần bẩn của người bệnh nên giặt riêng. Tuyệt đối không cho người khác ăn thức ăn thừa hoặc ăn chung với người bệnh.

Tất cả đồ vật xung quanh nhà đều có thể là nơi trú ngụ của vi rút. Do đó, cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Thay ga trải giường, chăn gối thường xuyên.

Nếu gia đình có phụ nữ mang thai, người già, trẻ nhỏ mà trong nhà có người bị cúm mùa thì nên cách ly khoảng 1 tuần vì:

- Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu nếu nhiễm cúm có thể gây dị tật thai nhi.

- Ở người già và trẻ em, hệ miễn dịch yếu kém nên nếu bị lây cúm sẽ dễ gây biến chứng qua các bệnh khác như tim, phổi,  hen, bệnh thận mạn tính…

Thân mến.

Câu 4 - Làm sao phân biệt được cảm cúm và cúm mùa ở người lớn ạ? Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ cúm mùa thì nên làm gì, đến đâu để khám? Đến trạm y tế có được không hay đến BV luôn ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Cách phân biệt giữa cảm cúm và cúm mùa như sau:

Hiện nay, nhiệt độ ngoài trời nắng gắt oi bức nên từ ngoài đường về nhà ai cũng thích chui vào phòng máy lạnh hay tắm cho mát khiến thân nhiệt cơ thể thay đổi đột ngột, là nguyên nhân dẫn đến bệnh cảm cúm. Tuy nhiên, nhiều người hay ngộ nhận cảm cúm là cúm mùa.

Trên thực tế, cảm cúm hay cúm mùa đều có những biểu hiện giống nhau như: ho, sốt, nghẹt mũi, nhức đầu hay đau nhứ. Nhưng nguyên nhân gây bệnh thì khác nhau, diễn biến bệnh và cách chữa trị vì thế cũng khác nhau.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Bệnh cảm cúm:

Khi bị bệnh cảm cúm, bệnh thường tiến triển chậm.

Đầu tiên là họng đau và viêm, sốt kèm nhức đầu nhẹ. 1-2 ngày sau đó, người bệnh sẽ bị  sổ mũi, nghẹt mũi, nước mũi chảy nhiều.

Nếu cảm cúm nặng, nước mũi có màu vàng hoặc xanh và dịch mũi sẽ đặc hơn nếu bị nhiễm trùng. Đồng thời, người bệnh cảm thấy cơ thể bứt rứt, khó chịu nhưng vẫn có thể làm việc bình thường.

Cảm cúm thường chỉ kéo dài khoảng 1 tuần, nếu chăm sóc và điều trị đúng cách, chế độ dinh dưỡng phù hợp thì bệnh có thể chữa khỏi, ít lây lan cho người khác. Nếu không điều trị đúng cách sẽ gây viêm họng và viêm tai giữa.

Bệnh cúm mùa:

Người bị cúm mùa thường sốt cao từ 38-39 độ C kèm theo mệt mỏi toàn thân và đau nhức cơ thể, sổ mũi.

Triệu chứng bệnh thường diễn biến nhanh, dồn dập và đột ngột.

Cúm mùa rất dễ dàng lây lan cho người khác hơn là cảm cúm. Cúm mùa thông thường sẽ tự khỏi sau khoảng 5-10 ngày. Hầu hết những người bị cúm mùa có thể tự điều trị ở nhà và không cần đến gặp bác sĩ.

Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh có những triệu chứng nặng như: sốt liên tục, đau khi nuốt, đau đầu, khó thở, buồn nôn… thì nên đến bệnh viện để bác sĩ khám và điều trị.

Thân mến.

Gia đình có người bị cúm mùa thì nên cách ly để tránh lây lan. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Câu 5 - Nhiều người có tâm lý chủ quan khi bị cúm mùa, nhưng có những trường hợp tử vong nhanh chỉ vì bị cúm mùa. Tại sao bệnh cúm mùa lại nguy hiểm như vậy ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Thông thường bệnh cúm mùa sẽ khỏi sau 7-10 ngày điều trị. Tuy nhiên, không vì thế mà người bệnh chủ quan, khi có biểu hiện cúm gia tăng thì nên cách ly và đến bệnh viện khám ngay.

Bệnh cúm mùa do virus lây theo không khí chủ yếu qua đường hô hấp, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nhất là viêm phổi. Do đó, khi có bất cứ dấu hiệu nào như sổ mũi, thở khò khè, mệt mỏi… bạn cần phải đi khám và điều trị sớm, không nên chủ quan.

Một số trường hợp khi bị bệnh tự ý dùng thuốc hoặc để đến khi bệnh nặng mới đến bệnh viện sẽ rất nguy hiểm. Những trường hợp tử vong nhanh chỉ vì bị cúm mùa là do như vậy.

Trân trọng.

Câu 6 - Thưa bác sĩ, khi có biểu hiện nào bệnh nhân cần phải xét nghiệm cúm mùa? Trường hợp nào phải nhập viện ạ? Người thăm nuôi bệnh nhân cúm mùa cần lưu ý điều gì?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Khi bị sốt cao (40°C), đau đầu, ớn lạnh, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, đau toàn thân mệt mỏi… Các triệu chứng này kéo dài 3-5 ngày điều trị không khỏi thì bệnh nhân nên đi xét nghiệm cúm mùa.

- Khi bệnh nhân bị biến chứng như: Đau đầu nhiều, sốt cao, khó thở đau ngực, mệt mỏi, ho nặng,… thì nên nhập viện.

- Người thăm nuôi bệnh nhân cúm mùa cần biết: Nên mang khẩu trang, không tiếp xúc trực diện với người bệnh, không tiếp xúc trực tiếp với vật dụng của người bệnh, không cầm quần áo bẩn của người bệnh, không ăn thức ăn thừa của người bệnh…

Đeo khẩu trang y tế có xuất xứ rõ ràng để phòng tránh nhiễm vi rút cúm. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Câu 7 - Có phải là nếu bị cúm mùa, chỉ cần uống liều Tamiflu là ổn định ngay? Nếu dùng Tamiflu không có chỉ định của bác sĩ thì có sao không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Tamiflu ngoài tác dụng điều trị cúm thì nó có rất nhiều tác dụng phụ. Cho nên, không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Thân.

Câu 8 - Phụ nữ mang thai bị cúm cần được điều trị như thế nào ạ? Việc điều trị có khác nhau giữa các tam cá nguyệt không? Bệnh cúm hay thuốc trị cúm có gây dị tật thai nhi không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Phụ nữ mang thai thì thường ít điều trị mà chủ yếu là tăng cường chế độ dinh dưỡng, bổ sung vitamin nhất là trái cây để nâng cao thể trạng, tăng cường hệ miễn dịch.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

- Tam cá nguyệt chia làm 3 giai đoạn và mỗi giai đoạn bổ sung dinh dưỡng khác nhau , còn thai phụ chỉ cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ là được.

- Bệnh cúm gây biến chứng và thuốc điều trị cúm có thể gây dị tật ở thai nhi, nên phụ nữ mang thai bị bệnh cúm mùa cần theo dõi thai kỳ thường xuyên để có gì bất thường BS kịp thời xử trí.

Thân mến.

Câu 9 - Sau khi chích ngừa cúm mùa thì khoảng bao lâu sẽ có tác dụng bảo vệ? Vắc xin chích ngừa cúm mùa gồm bao nhiêu mũi ạ? Nếu chích 1 mũi đầu mà không chích nhắc lại thì lượng kháng thể có đủ hay không? Vắc xin ngừa cúm mùa có mấy loại, có quy định độ tuổi hay không? Có phải vắc xin càng mắc tiền thì càng ngừa được nhiều loại bệnh cúm phải không BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Sau khi chích ngừa cúm mùa thì khoảng 2 tuần có tác dụng bảo vệ.

Vắc-xin được dùng cho người lớn và trẻ em trên 3 tuổi với một liều 0,5 ml; trẻ em từ 6 tháng đến 35 tháng tuổi chích một liều 0,25 ml. Riêng trẻ dưới 9 tuổi mới được chích vắc-xin cúm lần đầu được khuyến cáo chích hai liều cách nhau một tháng.

Mỗi năm nên chích 1 mũi trước mùa cúm một tháng để ngăn ngừa cúm mùa. Do đó, nếu bỏ chích sẽ không có đủ lượng kháng thể để chống lại bệnh

Vắc xin ngừa cúm hiện có tại Việt Nam là Vaxigrip của hãng Sanofi Pasteur (Pháp) sản xuất.

Tiêm vắc xin cúm mùa để ngăn ngừa bệnh. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Câu 10 - Nên chọn lựa khẩu trang như thế nào để giúp phòng ngừa cúm mùa? Khẩu trang y tế có tốt hơn khẩu trang vải không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Nên chọn khẩu trang y tế có tiệt trùng tại các nhà thuốc, cơ sở y tế, siêu thị cửa hàng tiện lợi uy tín, có xuất xứ rõ ràng để phòng ngừa bệnh cúm mùa.

Khẩu trang y tế tiệt trùng sử dụng an toàn hơn khẩu trang vải.

Vài hàng chia sẻ cùng bạn đọc.

Khi bị cảm cúm nhẹ, không bị bội nhiễm vi khuẩn, không nhất thiết phải sử dụng kháng sinh. Nên:

1. Loại bỏ virus

Nguyên nhân gây bệnh cảm cúm chính là do virus, nhưng cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu cũng không có thuốc kháng sinh để điều trị virus. Cách tốt nhất và hiệu quả nhất để loại bỏ virus ra khỏi cơ thể chính là tăng sức đề kháng và uống nhiều nước ấm.

Nếu bị cảm cúm kèm đau sưng họng, thì nên pha chút muối vào nước nóng ấm để súc họng.

2. Khẩn trương loại bỏ khí lạnh tích tụ trong cơ thể

Theo quan niệm Đông y, nguyên nhân khởi nguồn của cảm lạnh chính là do nhiễm lạnh. Khi bạn cảm thấy tay chân lạnh có nghĩa là cơ thể đang bị nhiễm lạnh. Việc nhanh chóng loại bỏ hơi lạnh ra khỏi cơ thể chính là chìa khóa để chữa cảm lạnh.

Trong các loại thực phẩm, hành tỏi được xem là gia vị có tác dụng loại bỏ lạnh rất tốt.

Đa số những người bị nhiễm lạnh đều sinh ra ho, có thể thêm vào cốc nước gừng tươi đường nâu ít tép tỏi nhỏ cũng có thể uống để giải lạnh, ngăn chặn cơn ho.

Cũng có thể ăn một bữa cháo cảm, phở nhiều hành, hoặc món ăn lỏng, cay nóng ấm, có thể giúp cơ thể ra mồ hôi, loại bỏ lạnh, điều hòa thân nhiệt, làm cho lỗ chân lông mở rộng ra, tiết mồ hôi nhanh chóng hơn.

3. Phải đảm bảo ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý

Chỉ cần có dấu hiệu chớm bị cảm, bạn nên nghỉ ngơi kịp thời. Làm như vậy thì mới nhanh chóng giảm nhẹ tình trạng bệnh, tạo điều kiện để cơ thể phục hồi nhanh hơn.

4. Hãy thử áp dụng một trong số những bài thuốc dưới đây:

Cháo hành, tía tô

Hành có tính sát khuẩn mạnh, được dùng để chữa cảm cúm rất nhạy. Tía tô cũng được coi là một loại kháng sinh tự nhiên giúp đánh bay cảm cúm đặc biệt hiệu quả.

Trong dân gian mỗi khi cảm cúm người ta thường nấu cháo hành, tía tô để ăn, sẽ giúp giải cảm, trị cúm rất nhanh chóng.

Súc miệng bằng nước muối

Nước muối giúp sát khuẩn vùng khoang miệng, họng, giảm cơn đau rát do ho khan và hắt hơi nhiều. Bạn nên súc miệng bằng nước muối 2 lần/ ngày hay ngậm muối rồi nhổ đi cũng cho hiệu quả tương tự.

Muối có tính sát trùng, sát khuẩn cao do đó nó sẽ làm dịu cổ họng của bạn, kháng viêm tốt. Nếu có thể bạn cho thêm ít tinh chất nghệ vào nước muối để ngậm hoặc súc miệng thì hiệu quả còn tốt hơn nữa.

Uống nước gừng nóng

Trong gừng có chứa gingerol và shogaol có tác dụng trị cảm, thông mũi hiệu quả. Bên cạnh đó, gừng rất tốt cho hệ hô hấp, "đánh bay" viêm họng trong vòng một nốt nhạc.

Bạn chỉ cần cho vài lát gừng vào ấm nước đun sôi cùng ít đường phèn hay ít mật ong vào để uống. Uống 3 lần/ ngày sẽ giúp bạn giảm nhanh các triệu chứng cảm cúm mà không cần dùng đến các loại thuốc kháng sinh.

Uống chanh, mật ong

Chanh, mật ong từ lâu đã được biết đến là món đồ uống bổ dưỡng và có tác dụng phòng tránh và trị cảm rất công hiệu.

Chanh chứa hàm lượng cao vitamin C giúp tăng sức đề kháng, trong khi mật ong có tính kháng khuẩn mạnh. Kết hợp hai nguyên liệu này sẽ mang lại món đồ uống có tác dụng đánh bay cơn cảm cúm nhanh chóng, đồng thời giúp hồi phục thể lực.

Cách làm: Chanh vắt lấy nước cốt. Pha nước cốt chanh với nước ấm rồi thêm một muỗng mật ong vào khuấy đều. Nên uống khi còn ấm để phát huy tốt hiệu quả.

Xông hơi

Xông hơi là phương pháp dân gian rất hiệu quả trong việc điều trị cảm lạnh, sốt.

Tác dụng dược lý của dược thảo kéo theo hơi nước ấm làm giãn mạch ngoại biên. Điều này giúp kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài.

Một số loại lá thường được sử dụng như: lá chanh, sả, hương nhu, bưởi, tía tô, kinh giới, hoắc hương, quế, gừng, bạc hà, húng chanh, tre, dâu... Mỗi lần dùng 5-10 loại lá tùy điều kiện, tổng lượng khoảng 600-1000 g.

Lưu ý:

- Đề phòng bị bỏng trong quá trình xông hơi.

- Không áp dụng phương pháp này cho người bệnh đã bị mất nhiều nước, thiếu máu, người không điều khiển được hành vi của mình, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 12 tuổi.


AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã dành thời gian chia sẻ những thông tin hữu ích về bệnh cúm mùa, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây bệnh cũng như cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào lần tư vấn tiếp theo! Chúc BS thật nhiều sức khỏe!

Trân trọng.


Thực hiện: Mỹ Thi - Hoàng Long
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X