Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Bé nổi đẹn, làm sau mau hết?

Sáng ngày 29/3, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn những thắc mắc của bạn đọc AloBacsi xung quanh vấn đề bé nổi đẹn: Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nổi đẹn ở trẻ, những dấu hiệu nhận biết đẹn miệng...

Đẹn miệng thường gặp ở trẻ nhỏ do nấm Candida gây nên, loại nấm này thường sống trong khoang miệng của trẻ. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thuận lợi, loại nấm này sẽ phát triển không ngừng và gây ra nhiễm trùng nấm trong khoang miệng, thường là ở lưỡi khiến trẻ mắc bệnh gọi là bệnh đẹn.

Để phòng bệnh phụ huynh nên vệ sinh sạch sẽ bình sữa và núm vú cao su thường xuyên (trẻ bú bình); vệ sinh sạch sẽ núm vú, bầu vú (của mẹ) trước khi cho bé bú vì các vi nấm thường trú ẩn nơi đây. Sau khi trẻ bú mẹ xong nên cho trẻ uống thêm nước chín đun sôi để nguội nhằm làm sạch sữa trẻ còn sót trong miệng chưa nuốt hết.
 

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Xin bác sĩ cho biết, đẹn miệng thường gặp ở trẻ độ tuổi nào? Đẹn miệng và nhiệt miệng có phải là một không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Đẹn miệng hay còn gọi là bệnh nấm lưỡi (bệnh tưa lưỡi), bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh do nấm Candida gây ra.

Trong khi đó, nhiệt miệng còn gọi là loét áp-tơ, là một bệnh phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi, do vi rút gây nên tạo thành một vết loét ở vùng miệng hoặc vết rộp nhỏ, có màu trắng, vàng hoặc đỏ bao quanh. Chúng phát triển trên các mô mềm trong miệng hoặc ngay trên nướu và không lây lan.

Như vậy, chúng ta thấy rằng, đẹn miệng và nhiệt miệng là 2 bệnh khác nhau.

đẹn  đều được phát hiện ở trẻ em vì hệ miễn dịch của trẻ chưa trưởng thành, và thường gặp ở trẻ đẻ non hơn trẻ đủ tháng
Theo BS Ngọc Bình, đẹn thường được phát hiện ở trẻ em vì hệ miễn dịch của trẻ chưa trưởng thành. Ảnh: Hoàng Long


Nguyên nhân gì dẫn đến hiện tượng nổi đẹn ạ? Có thể phòng tránh được không, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Bình thường, hệ miễn dịch của trẻ có thể giúp trẻ tự kiểm soát tốt lượng nấm Candida. Khi sự cân bằng này bị phá vỡ, nấm và các vi sinh vật có hại sẽ phát triển.

Nguyên nhân là do nấm Candida gây nên. Loại nấm này thường sống trong khoang miệng của trẻ, núm vú và bầu ngực của mẹ hay bình sữa và núm vú cao su. Ngoài ra, trong lúc mang thai mẹ bị nhiễm nấm Candida ở âm đạo, sau sinh sinh bé cũng có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh.

Bệnh đẹn ở trẻ là một căn bệnh khá phổ biến, bệnh chữa lâu khỏi và dễ tái phát cho nên cách phòng ngừa như sau:

- Mẹ nên rơ lưỡi hàng ngày cho trẻ bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý, rửa sạch núm vú, bầu ngực mẹ trước khi cho trẻ bú mẹ.

- Nếu trẻ bú bình thì nên rửa sạch, trụng qua nước sôi bình sữa và núm vú cao su trước khi pha sữa cho trẻ bú.

- Nếu trẻ lớn hơn thì cho trẻ đánh răng và súc miệng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày.

Bên cạnh đó, việc phát hiện sớm khi trẻ bị đẹn để điều trị kịp thời, hiệu quả là điều vô cùng cần thiết.


Dấu hiệu nhận biết đẹn miệng là gì, thưa bác sĩ? Đẹn có thể nổi ở những vị trí nào trong miệng ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Đặc điểm chung của đẹn là miệng trẻ thường xuyên bị nổi những đốm trắng, mảng trắng, vùng trắng trên bề mặt lưỡi và có một số đường nứt nhỏ, hoặc có thể mọc ở lưỡi, niêm mạc miệng, nướu răng, mép.

Bắt đầu là những chấm trắng nhỏ xuất hiện ở phía trên đầu lưỡi, sau đó lan rộng thành mảng trắng trên mặt lưỡi, những đám màu trắng ngà mọc trên mặt lưỡi sau chuyển màu vàng nâu trên lưỡi hoặc cả vùng niêm mạc họng làm trẻ chán ăn và hay quấy khóc, nặng hơn nữa là đen miệng sẽ xuống vùng thanh môn và thanh quản gây bệnh cho đường hô hấp hoặc qua đường tiêu hóa xuống dạ dày gây tiêu chảy…

Biểu hiện bệnh đẹn miệng ở trẻ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Biểu hiện bệnh đẹn miệng ở trẻ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Phụ huynh tuyệt đối không nên tự cạo hoặc bóc những mảng trắng này ra vì sẽ làm trẻ rất đau, rướm máu và có thể khiến trẻ bỏ ăn.

 
Cha mẹ nên chữa đẹn cho bé tại nhà theo phương pháp nào ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Cha mẹ cần vệ sinh miệng, lưỡi, họng cho trẻ bằng gạc mềm (trẻ nhỏ) và cho trẻ (trẻ biết ăn) súc miệng, đánh răng hằng ngày bằng nước ấm hay muối sinh lý để loại bỏ vi khuẩn.

Cho trẻ uống nhiều nước, nước ép trái cây có nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi pha sữa, tiệt trùng bình sữa, núm vú cao su bằng nước sôi luộc hoặc hấp từ 5-10 phút (nếu trẻ bú bình). Đối với trẻ bú mẹ thì trước khi cho trẻ  bú, mẹ nên rửa tay sạch, sau đó lau sạch đầu vú, núm vú, bầu vú bằng khăn mềm và nước ấm.

Mẹ nhớ rơ miệng sạch sẽ mỗi ngày để phòng ngừa đẹn lưỡi cho bé nhé. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Mẹ nhớ rơ miệng sạch sẽ mỗi ngày để phòng ngừa đẹn cho bé nhé. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Tình trạng đẹn miệng của bé khi nào cần phải đến bác sĩ? Thuốc trị đẹn miệng là thuốc gì, có tác dụng phụ gì không ạ? Nếu trẻ nuốt thuốc đó thì có hại gì không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Trẻ bị đẹn miệng đến gặp bác sĩ khi: trẻ có nhiều mảng trắng trong miệng, quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn.

Hiện nay trên thị trường có nhiều thuốc trị đẹn, phụ huyng không tự ý mua sử dụng cho bé mà phải đưa bé đi khám, bác sĩ sẽ xem tùy theo tình trạng đẹn miệng của bé mà có chỉ định phù hợp.

Đa số thuốc trị đẹn ít tác dụng phụ và bé có thể nuốt được.


Đẹn miệng bên cạnh việc chữa trị theo tây y thì cũng có rất nhiều phương pháp chữa theo dân gian. Nhờ bác sĩ giới thiệu một số phương pháp chữa đẹn theo dân gian có hiệu quả?


BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com


Đúng là bên cạnh việc chữa trị theo tây y thì cũng có những phương pháp chữa theo dân gian, dưới đây là 2 phương pháp dân gian thường được sử dụng cho trẻ bị đẹn:

- Nước trà tươi: rửa tay sạch quấn gạc vô trùng chấm nước trà tươi thoa vùng miệng, lưỡi, nướu răng, trẻ lớn hơn thì cho trẻ ngậm nước trà tươi 5-10 phút, để sát khuẩn.

- Cỏ mực: trồng trong môi trường an toàn, hái lá giã nát, vắt lấy nước cho tí muối vào rồi rơ vùng miệng, lưỡi, hai bên má, nướu răng trẻ.

Lưu ý:

Không nên rơ lưỡi cho trẻ nhỏ bằng mật ong. Mặc dù mật ong có tính sát khuẩn, khi rơ có thể làm tróc đẹn ngay lập tức nhưng rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ vì trong mật ong có nhiều vi khuẩn tiết ra độc tố.


Nếu tình trạng đẹn miệng sau khi chữa khỏi nhưng tái đi tái lại nhiều lần thì cha mẹ cần làm gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Đẹn miệng là bệnh khó chữa và dễ tái phát, vì vậy cha mẹ cần kiên trì điều trị cho hết hẳn. Trẻ bú mẹ rất dễ tái nhiễm do núm vú mẹ bị nhiễm nấm. Vì vậy, mẹ cũng cần điều trị nấm trên núm vú.

Thường xuyên rơ lưỡi cho trẻ kể cả khi bé đã khỏi bệnh để ngăn chặn việc vi khuẩn lây lan, phát triển. Rơ lưỡi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9%.

Vệ sinh sạch sẽ tiệt trùng bình sữa và núm vú cao su, đồ dùng ăn uống, đồ chơi của trẻ…

Với những bé trên 6 tháng, mẹ có thể cho bé uống nước để tránh khô miệng làm nấm tái phát.

Sau khi trẻ hết đẹn nên tiếp tục rơ miệng trẻ thêm 7 ngày nữa, rơ miệng trẻ 3-4 lần/ngày.

Ngoài ra, sau khi cho trẻ ăn xong phải vệ sinh khoang miệng và lưỡi của trẻ đúng cách. Thông thường dùng nước đun sôi để cho trẻ uống cho sạch khoang miệng và lưỡi ngay sau khi ăn.

Với trẻ sơ sinh, cần dùng gạc mềm, sạch thấm nước muối sinh lý để lau lưỡi cho bé. Với trẻ lớn, cần hướng dẫn trẻ cách đánh răng và súc miệng sau mỗi khi ăn. Không cho ăn vặt, ăn bánh kẹo nước ngọt vào buổi tối để tránh tạo điều kiện cho nấm lưỡi phát triển.


Cha mẹ nên vệ sinh miệng cho bé như thế nào khi bé đang bị đẹn, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Việc rơ miệng cho trẻ nên thực hiện sau khi cho trẻ bú khoảng 2 giờ để sữa xuống hết tá tràng, tránh gây nôn và để thời gian niêm mạc miệng tiếp xúc với thuốc được lâu. Mẹ cần rửa tay sạch sẽ (bấm gọn móng tay), quấn gạc đã hấp vào ngón trỏ, dùng nước ấm hay nước muối sinh lý 0,9% và rơ miệng cho trẻ.

Tiến hành rơ khắp miệng cho trẻ gồm: mặt trong hai má, trên và dưới lưỡi, mặt trong và ngoài của lợi, hàm ếch. Khi rơ lưỡi trẻ nên cẩn thận, không đưa ngón tay vào quá sâu trong miệng trẻ, để  tránh trẻ nôn.

Nếu lúc rơ ngón tay thì các mảng nấm tróc ra, lớp niêm mạc bên dưới trầy đỏ và nhiều khi chảy máu nhưng không sao cả.

Không nên cho trẻ bú hay ăn uống trong vòng 20 phút sau khi rơ miệng. Dùng gạc sạch thấm nước muối sinh lý lau lưỡi cho trẻ mỗi ngày, sau khi ăn cần được uống hoặc súc miệng bằng nước lọc.

Trẻ lớn hơn thì dùng kem đánh răng dành riêng cho bé, thường xuyên súc miệng, ngậm nước muối sinh lý 0,9%.

hông nên cho trẻ bú hay ăn uống trong vòng 20 phút sau khi rơ miệng. Ảnh: Hoàng Long
Không nên cho trẻ bú hay ăn uống trong vòng 20 phút sau khi rơ miệng. Ảnh: Hoàng Long


Khi bé bị đẹn, việc ăn uống cần lưu ý gì, có cần tiết giảm hay bổ sung món gì không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Khi trẻ bị đẹn, việc ăn uống rất khó khăn nên cha mẹ cần lưu ý:

- Trẻ nhỏ còn bú thì mẹ nên dùng gạc sạch rơ lưỡi, miệng mỗi ngày cho bé, mẹ nên rửa tay sạch sẽ, núm vú, bầu vú bằng nước ấm trước khi cho bé bú. Tăng cường cho bé bú thêm nhiều lần hơn ngày thường.

- Trẻ lớn ăn được thì nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, chế biến thức ăn loãng có nhiều rau xanh, chia nhỏ khẩu phần ăn và cho trẻ ăn nhiều lần, uống thêm nước ép trái cây, sữa và các chế phẩm từ sữa. Cha mẹ cần hết sức lưu ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ sau khi ăn để tránh bị nhiễm khuẩn.

- Không nên cho trẻ ăn uống đồ lạnh, thức ăn chiên rán, thức ăn có vị cay nóng, thức ăn quá mặn, nước uống có ga.


Xin bác sĩ hướng dẫn cách làm sạch bình sữa để phòng tránh đẹn miệng cho bé.


BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Cách làm sạch dụng cụ pha sữa:

- Sau khi cho bé uống sữa xong nên vệ sinh vệ sinh bình sữa, núm vú cao su, cọ rửa sạch bằng nước lạnh để loại bỏ cặn, chất dư thừa còn bám ở núm vú và đáy bình (rửa xong núm vú rồi lộn mặt trái núm vú rửa sạch) càng sớm càng tốt không nên sử dụng nước nóng ngay vì vi khuẩn có thể "sinh sôi" và tránh trường hợp để lâu sữa kết dính bám chặt vào bình tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển.

- Sau khi vệ sinh sạch sẽ bình sữa, núm vú cao su nên tráng qua bằng nước ấm và phơi khô tránh bụi bặm để sử dụng lần tiếp theo cho trẻ.

Khử trùng dụng cụ pha sữa cho trẻ bằng cách:


- Đun nước sôi rồi thả bình sữa và núm vú cao su luộc 5-10 phút rồi vớt ra pha sữa.

- Hấp toàn bộ dụng cụ cho trẻ bú sau khi rửa sạch rồi cho vào nồi hấp tiệt trùng, đổ nước vào máy theo hướng dẫn và bật công tắc, việc khử trùng sẽ được hoàn tất sau 10-15 phút.

- Dùng chất tẩy rửa chuyên dụng: Dung dịch này được quản lý chất lượng nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn GMP, hạn chế được sự phát triển của vi khuẩn có hại.

- Dùng lò vi sóng: Phương pháp này có thể áp dụng được với cả bình bằng nhựa và thủy tinh tiệt trùng chỉ mất vài phút, nhưng lại khó loại bỏ những vết dơ do trước đó bình chỉ được thực hiện bằng nước lã.

Cách sử dụng dụng cụ pha sữa:
 
- Sau khi sử dụng, khoảng 3 tháng thay núm vú và 6 tháng thay bình sữa một lần để đảm bảo an toàn vệ sinh cho bé.

- Nên chọn bình có dung tích phù hợp với nhu cầu trẻ mỗi lần bú sữa, không nên để cho trẻ bú sữa dư của lần pha trước.

- Hãy lựa chọn các loại bình sữa, núm vú và dụng cụ cho bú có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được chứng minh về độ an toàn của chất liệu sử dụng để tránh nguy cơ ngộ độc hóa chất và tạp chất cho bé.

- Khi mua bình sữa, nên nhìn xem mức độ chịu nhiệt của bình sữa, núm vú cao su để đảm bảo chất lượng khi pha sữa, nhiệt độ tiệt trùng và tuổi thọ của bình sữa.

Thân mến.

AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã giúp bạn đọc hiểu rõ vấn đề chăm sóc trẻ tiêu chảy tại nhà. Xin hẹn gặp lại bác sĩ trong lần tư vấn tiếp theo. Ảnh: Hoàng Long
AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã giúp bạn đọc hiểu rõ vấn đề chăm sóc khi bé nổi đẹn. Xin hẹn gặp lại bác sĩ trong lần tư vấn tiếp theo. Ảnh: Hoàng Long

Chủ đề tiếp theo: Xổ giun cho bé

Vấn đề cách xổ giun cho trẻ sẽ được BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn, giải đáp với quý bạn đọc vào chiều thứ hai tuần tới (01/04), từ 15h00 - 16h30.

Ngay từ bây giờ, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về cho chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 0898308983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của chương trình qua số điện thoại: 028.66800 367

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!


Thực hiện: Yến Thi - Ảnh: Hoàng Long
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X