Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình: Trẻ biếng ăn vì sao?

Ngày 20/3, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình sẽ gặp lại độc giả để giải đáp những thắc mắc về vấn đề biếng ăn ở trẻ: Vì sao trẻ biếng ăn? Cha mẹ nên “đối phó” thế nào khi con lười ăn uống?...

Với những buổi tư vấn đều đặn vào thứ 2, 4, 6 hàng tuần, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã giúp các ông bố, bà mẹ gỡ rối tơ lòng về các vấn đề muôn thuở của trẻ: từ viêm phế quản, bệnh cúm mùa, đến đổ mồ hôi trộm, rôm sảy, sốt do mọc răng...

NỘI DUNG TƯ VẤN

Con trẻ biếng ăn là vấn đề khiến nhiều cha mẹ đau đầu. Xin hỏi bác sĩ, trẻ biếng ăn như thế nào là sinh lý, như thế nào là bệnh lý?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

- Biếng ăn sinh lý là tình trạng trẻ chán ăn, lười ăn khi cơ thể bắt đầu có sự chuyển giao giữa các thời kỳ, có thể là khi con bắt đầu ăn dặm, tập đi, tập nói… Giữa các giai đoạn này, cơ thể con sẽ có sự thay đổi về mặt sinh lý, dẫn đến tình trạng biếng ăn sinh lý ở trẻ.

- Biếng ăn bệnh lý là tình trạng trẻ chán ăn, lười ăn khi bị bệnh như cảm cúm, viêm họng, viêm tai, thời kỳ ủ bệnh của một bệnh nhiễm khuẩn nào đó hay do chế độ ăn uống, sinh hoạt của trẻ chưa hợp lý dẫn đến biếng ăn.


Nguyên nhân thường gặp dẫn tới hiện tượng trẻ biếng ăn là gì, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

Nguyên nhân gây ra chứng biếng ăn ở trẻ thường là:

- Do cha mẹ vô tình tạo ra cho trẻ: chiều chuộng trẻ (bật ti vi, chơi đồ chơi khi ăn ,thậm chí còn bồng trẻ đi khắp nơi để đút trẻ ăn…); cho trẻ ăn không đúng bữa; cho trẻ ngậm thức ăn lâu hoặc nuốt mà không nhai; thời gian ăn kéo dài nên trẻ không biết đói; trẻ thích ăn thức ăn dạng lỏng; sợ nuốt và không thích ăn các loại thức ăn có dạng thô và cứng hơn cần phải nhai như: cơm, rau củ quả, thịt, cá… Nếu để lâu có thể dẫn đến mất cân bằng chất dinh dưỡng do không ăn đủ chất và trẻ sẽ từ chối ăn các thức ăn giàu dưỡng chất mà trẻ không thích.

Ngoài ra, việc chế biến thức ăn cho trẻ và cho trẻ ăn thức ăn của người lớn không hợp khẩu vị của trẻ, thức ăn nấu đi nấu lại nhiều lần làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ. Nhiều khi cho trẻ ăn cha mẹ quát tháo, ép ăn khiến trẻ sợ hãi, sinh ra biếng ăn.

- Do mắc các bệnh viêm nhiễm;

- Mọc răng;

- Do rối loạn tiêu hóa ;

- Do chế độ dinh dưỡng thiếu vi chất như:

+ Thiếu kẽm và thiếu sắt: làm giảm chức năng miễn dịch đường tiêu hóa, rối loạn vị giác và tạo máu.

+ Thiếu canxi: do thiếu tắm nắng cho bé.

+ Thiếu Lysine: để giúp bé ăn ngon miệng, gia tăng chuyển hóa, hấp thụ tối đa dinh dưỡng, giúp phát triển chiều cao, ngăn ngừa bệnh còi xương, loãng xương nhờ tác dụng tăng cường hấp thụ canxi, ngăn cản sự bài tiết chất khoáng này ra ngoài cơ thể.

- Do thiếu các vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B12): những vitamin này kết hợp với nhau giúp cho cơ thể bé khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, phát triển hệ thần kinh, duy trì quá trình trao đổi chất. Các vitamin B thường có nhiều trong bánh mì, khoai tây, chuối, tiêu, cá ngừ, các loại đậu, các loại hạt, các loại trứng, ngũ cốc, ức gà, nước ép cà chua...

- Do thay đổi môi trường sống, áp lực học hành, thi cử, chuyện đau buồn,…

- Do  di truyền của gia đình.

Bạn có biết chứng biếng ăn ở trẻ nhỏ có thể xuất phát từ nguyên nhân tâm lý và ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ nhỏ. Nếu có con mắc chứng biếng ăn, bạn nên tìm hiểu về chứng bệnh này để giúp trẻ vượt qua. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Trẻ thường biếng ăn vào những giai đoạn nào ạ? Cách cha mẹ nên “đối phó” thế nào với các giai đoạn này?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

Trẻ thường biếng ăn vào những giai đoạn:

- Giai đoạn từ bú mẹ sang ăn dặm (từ 3-4 tháng)

- Giai đoạn tập bò, tập đứng (từ 9-18 tháng)

- Giai đoạn mọc răng

- Giai đoạn bé mới đi học

- Có thể có những đợt biếng ăn không rõ nguyên nhân kéo dài vài ngày- 2 tuần.

Nếu gặp những giai đoạn này, cha mẹ nên bình tĩnh theo dõi bé xem đây là biếng ăn sinh lý hay không (không bệnh, vẫn chơi, vẫn ngủ bình thường mặc dù ăn ít). Có thể chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày nhưng đầy đủ dinh dưỡng, cho bé ăn từng chút một với nhiều món ăn khác nhau (ví dụ: ăn vài muỗng bột rồi một ít sữa chua, một chút trái cây, uống sữa,…). Cho bé ăn những thức ăn bé yêu thích, dễ nuốt, lạ miệng. Không nên ép bé ăn uống quá nhiều, điều này vô tình làm bé sợ ăn uống và trở thành biếng ăn tâm lý rất có hại sau này.


Bé biếng ăn có nên uống thuốc bổ hay thực phẩm chức năng không ạ? Nếu không thì nên bồi bổ theo cách nào?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

Các vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể hoạt động tốt. Các loại thuốc bổ dành cho trẻ chán ăn có bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ. Song nếu bạn đang thực hiện một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng cho bé thì không cần thiết phải bổ sung thêm vitamin. Việc cho trẻ biếng ăn dùng thuốc bổ cần phải có sự chỉ định của bác sĩ.

Bồi bổ cho trẻ biếng ăn bằng cách cải thiện bữa ăn ngon miệng cho bé mỗi ngày.

Vì hệ tiêu hóa của bé còn non yếu, dễ bị tổn thương để giúp bé ăn ngon miệng mỗi ngày, bố mẹ cần tìm ra nguyên nhân gây biếng ăn để tìm cách khắc phục:

- Cha mẹ nên tẩy giun cho bé 6 tháng một lần, giữ gìn vệ sinh răng miệng, điều trị bệnh nhiễm trùng... Khi bệnh, bé biếng ăn vì đang sốt, viêm họng, lở miệng hay đau răng... lúc này nên cho ăn uống bổ dưỡng nhưng dễ nuốt như: sữa, cháo, súp, yaourt...

- Dinh dưỡng hợp lý: Thức ăn cần chứa đủ và cân bằng 4 nhóm thực phẩm: tinh bột (cháo, cơm, nui, phở,...); chất đạm (thịt, trứng, cá, sữa,...) ; chất béo (dầu , mỡ,...); khoáng chất và vi lượng (rau, củ, quả, trái cây,...). Khi chế biến cho trẻ ăn thì thực đơn nên đa dạng các chất dinh dưỡng, đổi nhiều món, tránh ăn nhiều thức ăn béo, ngọt, dầu, mỡ. Không nên nấu đi nấu lại thức ăn nhiều lần. Không ép bé ăn nếu bé không muốn. Nếu bé thích ăn một số món cố định, bạn cứ nấu cho bé ăn, chỉ cần bữa ăn vẫn đầy đủ các nhóm chất là được. Sau đó, mới bổ sung từ từ các món mới vào bữa ăn để bé làm quen dần.

- Cha mẹ nên cho bé vui chơi, vận động ngoài trời ít nhất 30 phút mỗi ngày.

- Ăn được ngủ được chắc chắn bé sẽ lên cân đều.

BS Ngọc Bình nhận được khá nhiều cuộc điện thoại từ bạn đọc đang nuôi con nhỏ, và tư vấn rất nhiệt tình, chi tiết. Ảnh: Hoàng Long
BS Ngọc Bình nhận được khá nhiều cuộc điện thoại từ bạn đọc đang nuôi con nhỏ, và tư vấn rất nhiệt tình, chi tiết. Ảnh: Hoàng Long

Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con mình trở nên biếng ăn thì lại tìm mua thuốc kích thích ăn uống cho con. Xin hỏi bác sĩ cơ chế tác dụng của thuốc này như thế nào? Khi nào thì bé cần dùng thuốc kích thích ăn uống? Nên dùng bao lâu thì ngừng? Dùng lâu dài có sao không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con mình trở nên biếng ăn thì lại tìm mua thuốc kích thích ăn uống cho con. Thuốc này có chứa Cyproheptadin, đây là kháng histamin chống dị ứng nhưng có thêm tác dụng kích thích cảm giác đói, thèm ăn khi uống vào ban ngày và gây buồn ngủ khi uống ban đêm. Thuốc này điều trị chứng chán ăn cho trẻ, trẻ dùng thuốc sẽ ăn ngon hơn.

Tác dụng gây thèm ăn của Cyproheptadin chỉ xuất hiện tạm thời trong thời gian dùng thuốc, nhưng khi ngưng thuốc trẻ sẽ chán ăn trở lại và bị sụt cân.

Thuốc này không được dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi. Ðối với trẻ nhỏ, thuốc có thể gây cơn co giật hay lừ đừ. Do tác hại như vậy nên nhiều nước đã không còn dùng Cyproheptadin để điều trị chứng chán ăn cho trẻ em nữa. Muốn dùng cho trẻ thì phải có sự chỉ định của bác sĩ điều trị. Nếu sử dụng lâu dài gây nguy hiểm cho trẻ cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Khi sử dụng thuốc kích thích ăn uống cần có chỉ định của bác sĩ. Nếu tự ý sử dụng lâu dài có thể gây nguy hiểm cả về thể chất lẫn tinh thần cho trẻ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Nhờ bác sĩ hướng dẫn những cách nấu ăn, cho ăn thế nào để bé cảm thấy ngon miệng?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

Để bé cảm thấy ngon miệng việc tăng cường các chất dinh dưỡng trong thực đơn là rất quan trọng:

- Lên thực đơn bữa ăn dinh dưỡng cho bé, đa dạng món ăn từ những thực phẩm bé thích;

- Chế biến thực phẩm, trang trí các món ăn bắt mắt, nhiều màu sắc;

- Cho thêm dầu mỡ trong thực đơn cho bé biếng ăn giúp tăng cường năng lượng cho bé;

- Chia nhỏ khẩu phần ăn cả ngày và chỉ cho bé ăn khi chúng thật sự đói;

- Tạo không khí vui vẻ, thoải mái cho bé trong bữa ăn;

- Không nên cho bé ăn vặt trước bữa ăn chính vì sẽ khiến bé chán ăn và không ăn được trong các bữa chính;

- Cho trẻ ăn nhiều trái cây, rau xanh, sữa chua,… giúp cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh.


Ngày nay, hình ảnh quen thuộc trong nhiều gia đình là bé vừa ăn cơm vừa nghịch điện thoại smartphone, nếu rời điện thoại thì cha mẹ không dỗ bé ăn được. Bác sĩ có ý kiến gì về việc này?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

Ngày nay, hình ảnh quen thuộc trong nhiều gia đình là bé vừa ăn cơm vừa nghịch điện thoại smartphone, nếu rời điện thoại thì cha mẹ không dỗ bé ăn được, dần dần đã tạo thành thói quen cho trẻ. Điều này vô tình làm hại sức khỏe của trẻ, nhất là sẽ gây cận hay loạn thị; hệ tiêu hóa sẽ làm trẻ biếng ăn dẫn đến suy dinh dưỡng.

Hình ảnh trẻ vừa ăn cơm vừa xem smartphone thường thấy trong nhiều gia đình hiện đại. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Hình ảnh trẻ vừa ăn cơm vừa xem smartphone thường thấy trong nhiều gia đình hiện đại. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Các thiết bị điện tử không xấu, nhưng nếu cha mẹ cho con dùng không đúng cách và sớm quá sẽ làm cho trẻ hạn chế phát triển thể chất lẫn trí tuệ.


Một số cha mẹ than phiền là con mình rất lười nhai, đồ ăn phải nghiền nhỏ và mềm. Khi ăn, bé thường nuốt chửng. Xin bác sĩ tư vấn làm cách nào để bé không lười nhai nữa?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

Những biện pháp giúp bé nhai thức ăn hiệu quả:

- Mẹ làm mẫu nhai tập con ăn như cho bé một miếng nhỏ bằng hạt đậu (như: bánh; trái cây mềm) để bé tập nhai, lần đầu bé sẽ ọe ra, nhưng sau một vài lần bé sẽ quen dần và biết nhai.

- Cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm, thay đổi món ăn, không nên ép bé ăn, cần chia nhỏ bữa ăn, thời gian ăn không quá 30 phút/bữa, giảm dần sữa và tăng dần thức ăn phù hợp với lứa tuổi, không nên nạt bé mà chỉ ân cần, giải thích, khuyến khích, động viên bé tập ăn từng loại thức ăn mới… Tuyệt đối không nên cho bé uống nước ngọt, ăn bánh kẹo, quả chín quá ngọt trước các bữa ăn.

- Không nên cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại, chơi trò chơi, xung quanh ồn ào… làm bé sẽ quên nhai.

Bạn nên xem xét cho bé ăn đầy đủ, cân đối, phù hợp với hướng dẫn trên. Lưu ý: nếu tình trạng này của bé không được cải thiện, nên đưa bé gặp bác sĩ để nhận được tư vấn cụ thể hơn!


Trường hợp trẻ biếng ăn sau khi khỏi một đợt bệnh có đáng lo ngại không? Hiện tượng này thường kéo dài bao lâu? Cách khắc phục như thế nào ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

- Sau khi hết bệnh nên bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, điều này sẽ giúp bé hết biếng ăn. Vì vậy cha mẹ không nên quá lo lắng.

- Chăm sóc trẻ biếng ăn sau ốm: Do hệ tiêu hóa chưa ổn định sau ốm, nên cần cho trẻ ăn những thức ăn dạng lỏng hoặc mềm, những thức ăn trẻ thích, ăn đủ chất dinh dưỡng (chất bột, chất đạm, vitamin từ thịt, trứng…), cho uống đầy đủ nước (nước ép hoa quả, sữa và các chế phẩm từ sữa…), tránh các loại thức nhiều mỡ, đường, nước có gas… để trẻ nhanh chóng hồi phục. Không nên ép trẻ ăn quá nhiều mà cần chia nhỏ các bữa ăn. Một ngày có thể cho con ăn từ 6 - 7 bữa. Khi trẻ đã có những dấu hiệu phục hồi, cha mẹ có thể tăng dần độ đặc của thức ăn và lượng thức ăn trong một bữa, đến khi trẻ khỏe hẳn mới cho trẻ ăn theo chế độ ăn bình thường.

- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát... để giảm thiểu tối đa các tác nhân gây bệnh.

BS Ngọc Bình cùng BTV Ánh Phương của AloBacsi. Ảnh: Hoàng Long
BS Ngọc Bình cùng BTV Ánh Phương của AloBacsi. Ảnh: Hoàng Long

Tình trạng biếng ăn của trẻ hiện nay như thế nào, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

- Tỷ lệ biếng ăn xảy ra ở bé gái nhiều hơn bé trai.

- Trẻ biếng ăn thường có nguy cơ chậm phát triển thể chất và trí tuệ hơn so với những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi.

- Tình trạng biếng ăn lâu ngày có thể dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ.

- Trẻ biếng ăn dễ gặp các vấn đề về sức khỏe như: rối loạn tiêu hóa, thiếu máu, giảm mật độ xương và mất cân bằng hormone,…

- Trẻ biếng ăn thường rất sợ thức ăn và cân nặng cơ thể.

Xin trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã dành thời gian chia sẻ những thông tin hữu ích về hiện tượng biếng ăn ở trẻ, giúp phụ huynh hiểu rõ hơn để có hướng chăm sóc con nhỏ phát triển tốt.

Kính chúc bác sĩ thật nhiều sức khỏe!

Chủ đề tiếp theo: Trẻ thừa cân, giảm cân thế nào?

Vấn đề thừa cân ở trẻ sẽ được BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn, giải đáp cho quý bạn đọc vào chiều thứ sáu (22/3), từ 15g-16g30.

Ngay từ bây giờ, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về cho chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 0898308983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của chương trình qua số điện thoại: 028.66800 367


Thực hiện: Yến Phương - Ảnh: Hoàng Long
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X