Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình: Trẻ bị rôm sảy, mẹ nên làm gì giúp con thoải mái?

Chiều 11/3, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn online với bạn đọc AloBacsi những vấn đề xung quanh rôm sảy ở trẻ nhỏ: Rôm sảy là gì, nguyên nhân khiến trẻ bị rôm sảy, cách phòng tránh và chữa trị rôm sảy hiệu quả ở trẻ…

Theo các chuyên gia y tế, rôm sảy là bệnh rất hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trong mùa nắng nóng. Tuy là bệnh ngoài da lành tính, nhưng nếu điều trị không đúng cách, đặc biệt chế độ vệ sinh, chăm sóc trẻ không phù hợp, bệnh rôm sảy có thể gây ra những hệ lụy xấu đối với sức khỏe của trẻ.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - Chuyên gia tư vấn tâm huyết về bệnh trẻ em, đồng thời là vị bác sĩ thân thiết của AloBacsi từ những ngày đầu mới thành lập. Ảnh: Viết Hưởng.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Câu 1- Dưới góc độ da liễu, rôm sảy là gì mà khiến khiến bé khó chịu, ngứa ngáy như vậy thưa BS? Rôm sảy có dễ nhầm với bệnh da liễu nào khác không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Rôm sảy là tình trạng thường xảy ra trong thời tiết nóng, ẩm ướt. Rôm sảy thường gây khó chịu và ngứa, cảm giác châm chích dai dẳng, có thể gây khó chịu. Một số mụn có thể gây đau khi chạm vào.

Rôm sảy thường lành tính và không cần điều trị. Tuy nhiên, rôm sảy bị nhiễm trùng nặng có thể phải điều trị y tế.

Rôm sảy dễ nhầm với một số bệnh da liễu như: sốt phát ban, hăm da, dị ứng da,… Đây đều là những bệnh ngoài da có biểu hiện khá giống nhau nên không ít cha mẹ bị nhầm lẫn, từ đó dẫn đến việc sai lầm trong phương pháp chữa trị.

Thân mến!


BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình khởi động chương trình tư vấn đầu tuần với nụ cười "tỏa nắng" - Ảnh: Hồng Nhung

Câu 2 - Rôm sảy thường gặp ở độ tuổi nào và vùng da nào trên cơ thể của trẻ? Nếu trẻ thường xuyên gãi ngứa thì có ảnh hưởng gì đến da?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình 

Rôm sảy thường xảy ra với mọi lứa tuổi. Trẻ em mắc bệnh nhiều hơn người lớn, nhất là trẻ sơ sinh.

Vị trí hay xuất hiện rôm sảy ở trẻ em đó là trán, đầu, lưng, nách, bẹn, ít khi bị toàn thân.

Nếu trẻ thường xuyên gãi ngứa, da của trẻ có thể bị tổn thương, gây nhiễm trùng da và một số bệnh lý về da.

Thân.

Câu 3 - Bên cạnh trời nóng thì còn có những nguyên nhân nào gây ra rôm sảy? Nên làm gì để phòng tránh rôm sảy ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Việt Nam là vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa: Nóng, ẩm ướt và mưa nhiều. Mùa hè thường kéo dài, có nhiều đợt nắng nóng và nhiệt độ tăng cao. Đây là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh cho da nhất là bệnh rôm sảy.

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến rôm sảy có thể kể đến, đó là:

Do trời nóng, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nằm lâu trên giường, trẻ em mặc quần áo chật, nhất là trẻ sơ sinh do được ủ ấm quá lâu làm cho ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn trong khi ống tuyến mồ hôi của trẻ chưa phát triển hoàn toàn.

Các bậc phụ huynh có thể phòng tránh rôm sảy cho con em mình bằng cách:

Một là, hạn chế không cho bé ra nắng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều vì thời gian này ánh nắng mặt trời có rất nhiều các tia UVA và UVB cực độc, rất dễ khiến cho da bé bị cháy nắng, bỏng rát và nguy hiểm hơn là dẫn tới nguy cơ ung thư da.

Hai là, luôn giữ cho da bé được khô ráo và sạch sẽ.

Ba là, không nên thoa quá nhiều kem hay phấn lên da trẻ vì sẽ bít các lỗ chân lông, khiến trẻ dễ bị nổi rôm sảy hơn.

Bốn là, mặc quần áo cho trẻ bằng loại vải mềm, thoáng mát, dễ hút mồ hôi.

Năm là, sử dụng xà phòng kháng khuẩn hoặc nước rửa sát trùng để giúp giảm số lượng vi khuẩn trên da hàng ngày bằng cách tắm cho trẻ với nước mát (ngày từ 1-2 lần).

Sáu là, nhà ở cần thoáng gió, mát mẻ, không nên vì sợ gió máy mà quấn cho trẻ quá nhiều quần áo, tã lót và ở trong phòng kín cả ngày.

Ngoài ra, nên cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung vitamin từ rau xanh (mồng tơi, rau má,…) và trái cây (cam ,chanh,…), cho trẻ uống nước đầy đủ để giảm kích thích ngứa. Với bé lớn, không nên cho bé dùng các loại thức uống chứa nhiều đường.

Trên đây là những gợi ý giúp bố mẹ phòng tránh bệnh rôm sảy cho trẻ trong mùa nóng.

Trân trọng.


Thời tiết nắng nóng của miền Nam khiến câu hỏi về rôm sảy gửi về AloBacsi tăng lên - Ảnh - Hồng Nhung

Câu 4 - Nhiều bố mẹ sử dụng phấn rôm để chữa rôm sảy cho trẻ, bôi lên vùng da bị rôm sảy sau khi tắm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng làm vậy sẽ gây bít lỗ chân lông. Vậy thưa BS, cách dùng nào đúng ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Khi bị rôm sảy, nhiều cha mẹ có thói quen dùng phấn rôm sảy thoa ngoài da cho trẻ, sau khi trẻ tắm xong hoặc khi trẻ tiết nhiều mồ hôi.

Đa số phấn rôm sảy có thành phần chính là bột talc, muối calci, muối kẽm, chất béo và một số chất tạo mùi thơm. Tuy nhiên, nếu dùng phấn rôm sảy cho trẻ không đúng cách thì có thể gây ra nhiều tác hại gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ. Thậm chí, nếu cha mẹ thoa quá nhiều phấn cho trẻ sẽ khiến da trẻ bị bít lỗ chân lông.

Do đó, để tránh những tác hại lên da trẻ, cha mẹ nên chọn các sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, thương hiệu có uy tín trên thị trường. Ngoài ra, phấn phải còn hạn sử dụng, không chứa chất gây hại.

Lưu ý, trước khi thoa phấn lên da của trẻ, bố mẹ nên lấy một ít phấn thoa nhẹ nhàng lên vùng da tay của trẻ và theo dõi trong 24 giờ, nếu da tay trẻ không bị dị ứng thì có thể an tâm sử dụng cho trẻ .

Thân.

Câu 5 - Nhờ BS tư vấn cách chữa trị khi bé đã bị rôm sảy, theo tây y và theo kinh nghiệm dân gian?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Cách trị rôm sảy cho bé:

Làm mát và làm sạch cơ thể của bé bằng cách tắm nước mát và sạch cho bé nhẹ nhàng.

Dùng khăn tắm sạch, mềm mịn, thấm nước lau khô cho bé sau khi tắm.
Mặc quần áo rộng rãi, dễ hút mồ hôi cho bé.

Vùng da bị rôm sảy rất nhạy cảm, có thể xuất hiện những mụn nước gây ngứa ngáy, khó chịu khiến bé gãi, cào làm da bị trầy xước và gây nhiễm trùng da.

Bố mẹ thường xuyên cắt ngắn và dũa móng tay, móng chân cho bé.

Khi tình trạng rôm sảy kéo dài hơn 1 tuần, có dấu hiện lan rộng hoặc nếu bé bị tái phát nhiều lần, có dấu hiệu nhiễm trùng da, sốt thì nên đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa khám và xử trí kịp thời.

Trên thực tế có rất nhiều cha mẹ khi thấy con bị nổi rôm sảy thường giả nhuyễn các loại lá như sài đất, chè tươi, rau đắng đất, rau đắng biển… rồi dùng bã để đắp lên da chỗ nổi rôm sảy hoặc tắm cho trẻ.

Tuy nhiên, cha mẹ nên thận trọng khi sử dụng các loại lá này vì nó chứa nhiều vi khuẩn, ngoài ra có thể có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn bám trên lá, nhiều lá chứa rất nhiều chất chua, chất chát, chất độc gây nguy hiểm cho da của trẻ. Tốt nhất, khi muốn sử dụng, phụ huynh cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.


Theo BS Bình, khi bé bị rôm sảy, cha mẹ cố gắng hạn chế để bé gãi ngứa, tránh tổn thương da - Ảnh: Hồng Nhung

Câu 6 - Khi bé bị rôm sảy thì nên lau mình hay tắm rửa như thế nào? Lau như thế nào? Mỗi ngày mấy lần? Nếu tắm thì dùng sữa tắm gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Khi bé bị rôm sảy, người lớn cần:

Tắm cho bé bằng nước mát và sạch, ngày 1-2 lần, dùng sữa tắm có độ pH trung bình (pH từ 4,5 - 6,5 là phù hợp).

Kỳ cọ nhẹ nhàng cho bé bằng gạc hoặc khăn bông mềm, với trẻ nhỏ thì kỳ cho bé bằng lòng bàn tay, tuyệt đối không lấy bã của các loại lá chà xát lên da, không dùng bàn chải, đá kỳ, xơ mướp, khăn bông ráp chà mạnh trong khi tắm cho bé. Như vậy sẽ khiến da bé trầy xước, chảy máu, tổn thương nặng hơn, thậm chí có thể gây nhiễm trùng và viêm da.

Câu 7 - Theo BS, có thực phẩm nào bé nên ăn nhiều khi bị rôm sảy không? Nấu ăn và cho bú cần lưu ý gì trong thời gian này?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Đối với trẻ bị rôm sảy, điều cần thiết nhất chính là cung cấp đủ nước cho cơ thể bé và bổ sung những thực phẩm có tính mát như: rau má, rau dền, rau sam, rau ngót, râu bắp hay bột sắn dây...

Cho bé ăn các loại trái cây tươi mát như: bơ, cam, quýt, dâu tây, ổi,… để làm mát cơ thể của bé. Ngoài cách ăn trực tiếp, có thể ép nước hoặc xay nhuyễn để bé dễ hấp thu hơn.

Cho bé ăn các loại chè từ đậu: đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen hay đậu nành… Các loại đậu này đều rất lành tính và có tính mát, rất phù hợp để bố mẹ cho bé ăn khi bị rôm sảy.

Bố mẹ cần lưu ý rằng, rôm sảy tuy lành tính và thường ít nguy hại cho sức khỏe của trẻ nhưng liên tục ăn nhiều thực phẩm có tính nóng, tích nhiệt thì có thể khiến rôm sảy phát triển thành mụn nhọt, gây nhiễm trùng và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Do đó, khi phát hiện trẻ mọc rôm sảy, tuyệt đối không cho trẻ ăn các loại thực phẩm nóng, tích nhiệt như: tôm, cua, nhộng, đồ rán, mít, vải, sầu riêng… Đồng thời, không nên để trẻ gãi vì càng gãi thì càng ngứa, khiến cho hoạt động của tuyến bã nhờn tăng lên, tạo điều kiện cho rôm sảy phát triển.


Câu 8 - Bé đang bị rôm sảy thì bố mẹ nên điều chỉnh quạt và điều hòa như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Điều này còn tùy vào diện tích của phòng và lượng người trong phòng, công suất của từng máy nên khó đưa ra con số cụ thể. Nhìn chung, bé đang bị rôm sảy thì bố mẹ nên điều chỉnh quạt và điều hòa cho phòng của bé đủ mát, tránh đổ mồ hôi.


BS Bình khuyến cáo các bố mẹ hạn chế không cho bé ra nắng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều vì thời gian này ánh nắng mặt trời có rất nhiều các tia UVA và UVB cực độc - Ảnh: Hồng Nhung

Câu 9 - Trẻ bị rôm sảy có cần phải đi bác sĩ không, khi nào nên đưa bé đi khám ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Thường thì trẻ bị rôm sảy sẽ tự hết, nhưng khi trẻ có những dấu hiệu sau cần đưa bé đến bệnh viện khám:

- Đau, sưng, đỏ hoặc nóng xung quanh vùng da bị ảnh hưởng;

- Vết đỏ kéo dài từ vùng da bị nổi rôm sảy;

- Nước mủ rỉ ra từ vùng da bị nổi mụn nước, rôm sảy;

- Sưng hạch bạch huyết ở nách, cổ hoặc háng;

- Sốt 38°C hoặc cao hơn hay ớn lạnh không rõ nguyên nhân.


Câu 10 - Người lớn có bị rôm sảy không ạ? Nhờ BS hướng dẫn cách trị rôm sảy ở người lớn ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Người lớn vẫn có thể bị rôm sảy. Cách trị rôm sảy ở người lớn đó là:

Chăm sóc, vệ sinh để giữ gìn làn da luôn trong trạng thái mát mẻ, khô ráo và sạch sẽ.

Đặc biệt là trong mùa nóng, nên sử dụng máy điều để điều chỉnh nhiệt độ phòng ở thoáng mát, mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi.

Nếu gia đình nào sử dụng chiếu để ngủ thì nên dùng chiếu ngủ bằng chất liệu nhẹ, thoáng mát. Gia đình nào dùng grap (ga) giường thì nên chọn loại grap mềm mịn, dễ thấm hút mồ hôi.

Như tôi đã tư vấn ở trên, rôm sảy là bệnh lành tính, bệnh có thể tự hết sau vài ngày nếu được chăm sóc, vệ sinh đúng cách. Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh có cảm giác châm chích khó chịu, các nốt đỏ xuất hiện thành mụn nhọt, da bị nhiễm trùng thì nên uống nhiều nước và đến bệnh viện để bác sĩ điều trị, tránh biến chứng kịp thời.

Thân mến. Chúc bạn đọc AloBacsi sức khỏe!

AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã dành thời gian chia sẻ những thông tin hữu ích về vấn đề chữa rôm sảy cho bé đúng cách. Xin hẹn gặp lại bác sĩ và quý bạn đọc vào buổi tư vấn tiếp theo. - Ảnh: Mỹ Thi

Chủ đề tiếp theo: Bé đổ mồ hôi trộm, khắc phục thế nào?

Vấn đề đổ mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ sẽ được BS.CK 1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn, giải đáp cho quý bạn đọc vào chiều thứ tư (13/3), từ 15g-16g30.

Ngay từ bây giờ, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về cho chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 0898308983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của chương trình qua số điện thoại: 028.66800 367


Thực hiện: Hồng Nhung - Mỹ Thi
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X