Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình: Bé viêm họng, bạch cầu tăng cao có đáng lo?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn với bạn đọc AloBacsi về trường hợp bé viêm họng, bạch cầu tăng cao, biếng ăn...

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Trong thời gian diễn ra buổi giao lưu, BS Bình liên tục nhận được các cuộc gọi từ số hotline của AloBacsi 08983 089983, nhiều trường hợp bị bệnh nhưng không chịu đến khám tại bệnh viện mà tự ý mua thuốc.

Điển hình như bạn đọc có SĐT 016686… xuất hiện nhiều triệu chứng chóng mặt, tức ngực, khó thở như có vật đè lên ngực, đi không nổi nhưng không đi khám mà tự mua thuốc về uống. BS Bình rất bất ngờ vì triệu chứng của bạn đọc khá nguy hiểm nhưng lại chủ quan với sức khỏe, do đó BS đã khuyến cáo:

“Trường hợp của bạn nên đi khám tại và điều trị tại bệnh viện, nếu tự ý uống thuốc khi huyết áp lên cao đột ngột có thể làm đứt mạch máu não, nếu đứt mạch máu não lớn sẽ bị tai biến mạch máu não. Trong trường hợp nếu huyết áp tụt đột ngột thì sẽ gây ra các bệnh lý về tim mạch”.

Do đó, trường hợp này BS Bình đề nghị bệnh nhân nên đến ngay bệnh viện khi đang xảy ra triệu chứng để được điều trị kịp thời, không nên để qua cơn, trì hoãn làm bệnh tình nặng hơn gây nguy hiểm.

Hay có trường hợp, bệnh nhân có SĐT 098465… bị viêm gan C nhưng do thiếu thông tin nên không biết hiện tại đã có thuốc điều trị. Chị lo lắng bệnh của mình không chữa được nên hỏi BS nếu “lỡ em không qua khỏi thì có được hiến tạng hay không?”.

BS Bình cho biết trường hợp của chị không cần quá lo lắng vì hiện nay tại Việt Nam đã có thuốc điều trị và đã được BHYT chi trả. Ở Hà Nội có thể đến BV Bạch Mai hoặc các bệnh viện có chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để khám và điều trị. Trong trường hợp người bị viêm gan C có nguyện vọng muốn hiến tạng thì theo BS Bình, ngoại trừ gan thì tất cả các cơ quan khác vẫn có thể hiến.

Ngoài ra, BS Bình còn tư vấn cho nhiều trường hợp bệnh tai mũi họng như bị viêm amidan mủ nếu không cắt có để lại biến chứng? Hay nghe tiếng văng vẳng bên tai, có phải bệnh nguy hiểm?...


Nội dung buổi tư vấn của BS Ngọc Bình với bạn đọc AloBacsi:
 
- Bạn đọc Hiền - Hà Nội
 
BS ơi giúp tôi với,

Bé nhà tôi hôm nay ho và sốt, BS kết luận cháu bị viêm họng. Nhưng chi số bạch cầu lên tới 26.11 (tôi biết chỉ số bt 14-10).%neut 49.9. neu 13.3 nhưng BS chỉ kể kháng sinh cho uống. Hẹn 3 ngày sau khám lại. Lượng bạch cầu cao quá, gia đình tôi đang rất hoảng loạn. BS tư vấn giúp tôi sao con lại có chỉ số cao vậy ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Hiền thân mến,

Con của bạn ho và sốt, BS kết luận bị viêm họng. Viêm nhiễm sẽ khiến bạch cầu trong cơ thể tăng rất nhiều so với bình thường, do đó con bạn bị viêm họng, xét nghiệm máu bạch cầu tăng cao thì cũng không có gì lạ.

Khi nào điều trị hết viêm họng thì bạch cầu của bé sẽ trở lại bình thường. Bạn hãy yên tâm cho bé uống thuốc theo chỉ định của BS.
 

- Bạn đọc Huong Anh - huong…@gmail.com

Chào BS,

Bé trai con em 9.5 tháng, nặng 8 kg (chiều cao em chưa đo được). Bé ăn rất ít, mỗi ngày 2 cữ sữa công thức (100ml/ cữ; giữa sáng và giữa chiều), 3 cữ cháo (2-3 muỗng cháo / bữa; sáng, trưa, tối); hiện tại cháo em còn rây nhuyễn cho bé ăn ạ. Cháo có rau, thịt, gạo, yến mạch, đậu hạt, phô mai.

Ngoài ra còn bú thêm sữa mẹ nhưng sữa mẹ ít lắm ạ. Sau ăn tối em có cho bé ăn thêm bánh quy ăn dặm (2-3 cái nhỏ). Thỉnh thoảng em có cho bé ăn váng sữa bữa trưa hoặc chiều.

Xin hỏi BS:

1. Chế độ dinh dưỡng của bé như thế đã đảm bảo chưa ạ?

2. Theo cân nặng và độ tuổi thì bé suy dinh dưỡng độ mấy?

3. Bé thóp hơi rộng (đường kính khoảng 3cm) và bị đổ mồ hôi nhiều ở đầu (em có cho bé uống vitamin D, 1 giọt/ sáng). Nếu cho bé uống Vitamin D lâu ngày có ảnh hưởng gì không ạ? Thóp bé như vậy có ảnh hưởng gì không, thưa BS?

4. Nếu có thể, xin BS giúp em thêm một số kiến thức về dinh dưỡng cho bé ạ.

Xin cảm ơn BS. Trân trọng,

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Huong Anh thân mến,

Theo như bạn mô tả thì chế độ dinh dưỡng của bé như thế là đảm bảo, đầy đủ dinh dưỡng.

Theo cân nặng và độ tuổi của bé thì bé hơi nhẹ cân so với những trẻ bình thường nhưng không bị suy dinh dưỡng. Hãy chú ý đến chế độ ăn của bé cho phù hợp để bé không bị suy dinh dưỡng.

Những bé từ sơ sinh đến 14 tháng, thóp bé thường hơi rộng, có những bé đến 14 tháng mới đóng lại. Con của bạn mới 9.5 tháng, chưa đóng thóp là bình thường, bạn có thể yên tâm nhé!

Bé bị đổ mồ hôi đầu, có thể do thời tiết, phòng của bé, muốn biết bé bị thiếu vitamin D bạn hãy đưa bé đi đến BV gặp BS chuyên khoa Nhi để khám và tư vấn. Bạn không nên tự ý mua vitamin D về cho bé uống.

Để bé tăng cân bạn cần phải cho ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để bảo đảm số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ, đồng thời phải cung cấp năng lượng cao hơn trẻ bình thường.

Trong chế độ ăn, ngoài gạo để nấu bột, cháo hoặc cơm và các thức ăn như trẻ khác cần phải thêm thịt hoặc cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh và mỡ hoặc dầu. Cho ăn thêm hoa quả chín.

Cách chế biến bữa ăn phải phù hợp với khẩu vị của trẻ, luôn thay đổi món ăn để trẻ ăn. Do đó, để cải thiện cân nặng bạn cần phải cho ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để bảo đảm số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ, đồng thời phải cung cấp năng lượng cao hơn trẻ bình thường.

Trong chế độ ăn, ngoài gạo để nấu bột, cháo hoặc cơm và các thức ăn như trẻ khác cần phải thêm thịt hoặc cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh và mỡ hoặc dầu. Cho ăn thêm hoa quả chín.

Cách chế biến bữa ăn phải phù hợp với khẩu vị của trẻ, luôn thay đổi món ăn để trẻ ăn ngon miệng.

- Bạn đọc Nguyen Thi Luu - Đồng Tháp

 

Trẻ 15 tháng tuổi bị thủng màng nhĩ có tự lành lại được không ạ? Nếu không thì khi tuổi nào mới có thể vá màng nhĩ cho bé? Cần chăm sóc bé thế nào để tránh tái phát? Xin cảm ơn BS.

 
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com
 

Bạn Luu thân mến,

 

Thủng màng nhĩ có khả năng tự liền nếu lỗ thủng nhỏ, lỗ thủng càng lớn thì khả năng lành tự nhiên càng thấp. Nhưng nếu màng nhĩ thủng rồi, không có khả năng lành lại được cũng không phải lo lắng lắm, vì khi cháu lớn lên chúng ta sẽ thực hiện phẫu thuật vá nhĩ lại cho cháu.

 

Trong thời gian chờ đợi đến lúc có thể vá nhĩ được, thường là trên 6 tuổi, bé vẫn có thể nghe gần như bình thường để phát triển ngôn ngữ và khôn lớn như mọi đứa trẻ khác chứ không bị điếc, bạn không nên quá lo. Bởi lẽ tai chúng ta nghe được do sự dẫn truyền của đường xương theo xương sọ vào tai trong, và đường không khí qua màng nhĩ chuỗi xương con rồi cũng vào tai trong. Khi màng nhĩ bị thủng, sự dẫn truyền bằng đường khí giảm đi nhưng vẫn nghe được.

 

Điều quan trọng nhất là giữ vệ sinh tai bé thật tốt, không để nước vào, đồng thời đưa bé đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để khám lỗ thủng chính xác, để theo dõi hoặc điều trị phù hợp, bạn nhé!
 

- Bạn đọc Võ Tô Hoài - hoaivo…@gmail.com

Con trai của em được 19 tháng tuổi. Cháu nặng 15kg cao 91cm, mọc 12 răng. BS cho em hỏi chiều cao và cân nặng như vậy có hợp lý không. Ngày nào em cũng cho bé ăn 3 bữa cháo khác nhau, đa dạng thức ăn và rau nhưng dạo gần đây bé không chịu ăn cháo nữa.

Cứ nhìn thấy cháo là chạy đi. Em chuyển sang ăn cơm thì bé chịu ăn nhưng lại có vẻ đầy bụng và lười uống sữa hơn trước. Cho em hỏi ở tháng này đã nên cho bé ăn cơm chưa. Và ăn như thế nào thì đúng. Xin cảm ơn!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com
 
Chào em,
 

Ở độ tuổi này bé chưa thể ăn cơm được em nhé. Ngoài cháo ra, em cho bé ăn đa dạng các thức ăn  để ruột bé thích nghi dần và cũng đỡ ngán hơn là rất tốt. Bé không chịu ăn là do bé bị ngán cháo em có thể thay đổi hoặc xen kẽ như bún, phở, hủ tiếu, bánh canh, nui cắt nhỏ nhưng mỗi chén cũng cần đủ 4 nhóm thức ăn.

Nguyên nhân bé lười ăn, có thể do:

- Món ăn được nấu đi nấu lại hoài ít đổi món cháo.

- Hâm lại món cháo 2-3 lần trong ngày.

- Rau, củ, quả, thịt cá, ngũ cốc mới nhưng nước hầm xương cũ.

- Nêm nếm không hợp khẩu vị bé

- Ép bé ăn no quá, bé sợ đến bữa ăn

- Bé ăn vặt no nên không ăn được.

- Mẹ cứ hay mua thuốc cho con uống mà không đi khám.

Khi bé được 24 tháng trở lên mới cho ăn cơm.

Cơm cho trẻ chuẩn bị ăn cơm phải mềm hơn cơm người lớn. Khi nấu cơm bình thường của người lớn, có thể chọn ra một phần dùng muỗng đánh nhẹ làm cho vỡ hạt cơm ra rồi đem chưng trong nồi cơm một lần nữa. Nếu khéo léo có thể để nghiêng nồi cơm về một phía để có được phần cơm hơi nhão hơn cho bé.

Bữa cơm cho bé cần đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng, nấu món bé thích và chế biến phù hợp. Thực phẩm nhóm chất đạm cần thái miếng nhỏ, mềm. Thực phẩm nhóm rau cần mềm, màu sắc đẹp, giàu chất xơ, giàu vitamin. Khi bé ăn cơm, cần linh hoạt, uyển chuyển sử dụng đầy đủ chất béo trong chế biến các món ăn.

Em không nên căng thẳng vì bữa ăn của bé, để bé tự lựa chọn thứ mà mình thích. Nếu bé không thích ăn cơm, có thể cho bé ăn các món khác cơm nhưng vẫn đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng. Ví dụ bé thích ăn mì gói thì có thể thêm chả, trứng, xúc xích để đảm bảo chất đạm, sau đó cho bé ăn thêm rau, trái cây.

- Bạn đọc Vũ Thị Phương Thảo - Hải Phòng

BS cho cháu hỏi ạ, bé trai nhà cháu được hơn 7 tháng mà chỉ nặng có 6,7kg thôi ạ. Bé nhà cháu có biểu hiện rụng một ít tóc ở gáy, ra mồ hôi trộm và chậm tăng cân. Cháu đang rất lo lắng về tình trạng sức khỏe của bé. BS tư vấn giúp cháu với ạ.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com
 
Chào bạn Phương Thảo,
 

Mồ hôi trộm sinh lý: đổ mồ hôi là vì hệ thần kinh đại não của trẻ phát triển chưa hoàn thiện, trẻ bị đổ mồ hôi trộm là vì sự trao đổi chất ở trẻ nhỏ diễn ra mạnh hơn người lớn, đổ mồ hôi trộm để tỏa nhiệt trong cơ thể. Đây cũng là sự điều chỉnh giữ cho nhiệt độ cơ thể luôn cân bằng.

Mồ hôi sinh lý thường ra nhiều ở đầu và cổ, thường phát sinh vào lúc đi ngủ khoảng 30 phút và khoảng 60 phút sau thì không còn nữa. Mồ hôi trộm sinh lý thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Nhiều mồ hôi bệnh lý xuất hiện ở những trẻ mắc bệnh còi xương, biểu hiện là đầu có nhiều mồ hôi. Khi bú hoặc sau khi ngủ, mồ hôi tăng tiết, sau hết dần mà không liên quan đến thời tiết, đồng thời có biểu hiện khác của còi xương như thóp chậm liền, đầu xương to, ngực dô mình gà…, chân vòng kiềng.

Nhìn chung, trẻ nhỏ ra mồ hôi khi ngủ có nhiều nguyên nhân nên cha mẹ phải biết phân biệt giữa mồ hôi sinh lý hay mồ hôi bệnh lý như đã nói ở trên.

Chứng ra mồ hôi trộm này thường hay gặp ở những trẻ thiếu vitamin D trong giai đoạn sớm. Triệu chứng cho thấy trẻ thường hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, do tình trạng thần kinh bị kích thích. Trẻ hay ra mồ hôi ở trán, gáy ngay cả khi trời lạnh, đặc biệt ra nhiều mồ hôi lúc ngủ nên bé hay rụng tóc vùng gáy.

Trẻ dưới một tuổi thường hay thiếu vitamin D, do giai đoạn này hệ xương phát triển mạnh nhất, trẻ sinh non, thiếu cân, trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, những trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, bị còi xương… Ngoài ra, ánh mặt trời có tác dụng tổng hợp vitamin D nên việc thiếu ánh mặt trời có ảnh hưởng lớn đến việc thiếu vitamin D. Do khi bé ngủ đắp quá nhiều chăn cho con, hoặc phòng ngủ quá bí hơi không có chỗ thông gió cũng có thể gây đổ mồ hôi nhiều ở trẻ. Trong trường hợp này, ra mồ hôi trộm không phải là một chứng bệnh, bạn chỉ cần làm thông thoáng phòng ngủ cho con là được.

Ngoài ra, hiện tượng đổ nhiều mồ hôi cũng có thể liên quan đến một số chứng bệnh khác ở bé như:

- Bé bị thiếu canxi (kèm theo biểu hiện chậm mọc răng)

- Bé mắc một số chứng bệnh về tim mạch (bé bú kém, chậm tăng cân, dễ mệt mỏi)

- Bé bị rối loạn thần kinh cảm giác…

Tốt nhất, bạn nên đưa bé đi đến BV để BS chuyên khoa nhi khám nếu tình trạng đổ mồ hôi nhiều ở bé đi kèm với những dấu hiệu bất thường khác về sức khỏe.



- Bạn đọc Phạm Thủy - Hà Nội

BS cho cháu hỏi ạ,

Bé nhà cháu sinh 36 tuần, 2,3kg. Hiện bé được 4 tháng, nặng 7kg. Bé hay bị ra mồ hôi đầu, gần đây nhiều hơn hầu như cả ngày, kể cả mùa lạnh. Bé cũng bị rụng tóc, nhiều hơn ở vùng trên gáy. Bé ngủ hay bị giật mình, ban đêm trằn trọc không yên giấc. Vậy có phải bé bị thiếu canxi không ạ? Nếu có thì cháu phải bổ sung thế nào? Cháu cho bé uống dạng lỏng có được không? Liều lượng thế nào? Cháu cảm ơn!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com
 
Chào bạn,
 

Bé bị rụng tóc có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như thiếu canxi, nấm, viêm da... Tuy nhiên, phần lớn những trường hợp các trẻ rụng tóc trước 6 tháng là hiện tượng bình thường và không có gì đáng lo ngại.

Ban đêm bé không ngủ được có thể bé đói bụng, nóng nực,… Do đó bạn nên cho bé bú no, phòng ngủ thoáng mát, tránh tiếng ồn, tránh đèn sáng quá.

Tuy nhiên, sau 6 tháng nếu bé vẫn tiếp tục rụng tóc, hoặc rụng tóc hình vành khăn, hay có các biểu hiện như ra mồ hôi trộm, khóc đêm, chậm tăng cân, bạn cần đưa bé đi khám và điều trị kịp thời.

- Bạn đọc Hoàng Vương - hdvu…@gmail.com

Chào BS,
Bé nhà em được 6 tháng tuổi và bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Bé hay ra mồ hôi ở đầu. Em cho bé đến phòng tư vấn dinh dưỡng ở huyện thì được kê cho thuốc VIOS D3 100.000 iu uống 1 lần và Tokkao uống 1 ngày 1 gói. BS ơi, như vậy có nặng quá không vì trong Tokkao em thấy có ghi là gồm cả 200 ui d3. Rất mong được sự tư vấn và giúp đỡ của BS. Em xin cảm ơn.
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com
 
Hoàng Vương thân mến,
 

VISO D3 100.000 IU: Liều lượng ở trẻ em trên 7 tháng tuổi là 1 giọt (400 UI)/lần/ngày.

Ở người trưởng thành là 1 giọt (400 UI)/lần x 2 lần/ngày.

Ở phụ nữ có thai và cho con bú là 1 giọt (400 UI)/lần/ngày.

Tokkao D3 thành phần gồm: Calci gluconate 200mg,Whey protein 100mg, Kẽm sulfate 5mg, Colostrum (IGF1&2 và IGG) 100mg, vitamin D3 200IU, Vitamin B1 0.4mg, vitamin B2 0.2mg, vitamin B6 0.6mg, vitamin B12 0.6mcg, vitamin PP 10mg.

Liều lượng ở trẻ em trên 7 tháng tuổi là 1 gói lần/ngày.

Hai thuốc này con bạn uống là đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Do đó, bạn hãy yên tâm nhé.
- Bạn đọc Đỗ Trúc Quỳnh - Quảng Ngãi
Chào BS,
Con tôi 5 tuổi. Gần 1 năm qua, cháu thường xuyên bị đau bụng quanh vùng rốn. Cháu thường bị đau khi ăn nửa bữa, thỉnh thoảng đau sau khi ăn xong và đôi lúc đói bụng cũng bị đau (nhưng ít hơn). Gia đình tôi đã nhiều lần đưa cháu đi khám ở BV. Lần đầu tiên BS kết luận bị HP, đã uống 3 toa thuốc, sau đó xét nghiệm máu dương tính với HP nhưng test hơi thở thì vẫn còn HP.
Mới đây nhất khi xét nghiệm máu tại BV Nhi đồng 1, cho kết quả dương tính HP, thì BS cho toa điều trị viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, sau khi điều trị nửa tháng cháu vẫn còn đau bụng và triệu chứng vẫn như cũ. Ngày nào cũng đau vài cơn. Ít thì vài lần, nhiều thì 4-5 lần. Mong BS tư vấn.
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com
Trúc Quỳnh thân mến,
Triệu chứng đau bụng, đau quanh rốn hay ở vùng thượng vị (là vùng ở giữa, nơi tiếp giáp giữa bụng và ngực, còn được gọi là “chấn thủy”), đau có thể liên quan đến bữa ăn hay không. Một số trẻ bị loét dạ dày tá tràng, có khi nôn ra máu hoặc đi tiêu phân đen hôi. Đôi khi trẻ xanh xao thiếu máu mà không tìm ra nguyên nhân.
Vì nhiễm vi khuẩn Hp có thể tái đi tái lại nhiều lần nên sau khi điều trị vi khuẩn Hp xong thì bạn cần tuân thủ theo:
- Đưa trẻ tới khám để kiểm tra vi khuẩn Hp khi có các dấu hiệu bệnh dạ dày.
- Tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và phải lưu lại các đơn thuốc trẻ đã dùng.
- Vệ sinh ăn uống, vệ sinh nguồn nước thật tốt, đảm bảo ăn chín uống sôi.
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
- Sử dụng kháng thể OvalgenHP để phòng ngừa nhiễm khuẩn Hp mới và phối hợp điều trị vi khuẩn Hp hiện có trong dạ dày.
- Bạn đọc Thuy Phung - phungth…@gmail.com
BS cho em hỏi. Bé của em 9 tháng rưỡi, nặng 9,5kg, cao 75cm. Mấy hôm nay bé nổi đầy hạt li ti trên đầu, gây ngứa rất khó chịu. Hôm nay vô tình em sờ lại thấy có 2 cục hạch sau đầu bé. Bé vẫn ăn chơi ngủ bình thường. Vậy cho em hỏi bé bị bệnh gì và điều trị như thế nào? Em xin cảm ơn ạ.
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com
Chào bạn,
Theo mô tả của bạn thì con bạn chỉ bị nổi hạch bạch huyết vùng sau gáy và không có hiện tượng viêm nhiễm nên không cần điều trị gì. Hạch bạch huyết có nhiệm vụ bảo vệ, tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hạch bạch huyết bình thường có kích thước nhỏ từ vài milimét đến khoảng 2cm, thường không đau, không nhạy cảm khi sờ nên bạn yên tâm nhé.
- Bạn đọc Phạm Hoàn - linhhoan…@icloud.com

Chào BS, tôi rất cần sự tư vấn của BS.

Bé nhà tôi được 1 tháng rưỡi, gần đây cháu bị mẩn đỏ trên mặt. Cháu không quấy khóc. Tôi nên làm gì và dùng thuốc nào cho cháu? Mong được sự giúp đỡ. Tôi cảm ơn.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Phạm Hoàn thân mến,

Bé nổi mẩn đỏ trên mặt do những nguyên nhân sau:

- Rôm sảy do thời tiết nắng nóng.

- Viêm da.

- Sốt phát ban…

Do đó, để có chẩn đoán chính xác và dùng thuốc đúng cho bé, bạn nên đưa bé đến BV chuyên khoa Nhi gặp BS Da liễu khám và điều trị. Bạn không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, vì bé còn quá nhỏ và da còn mỏng nên rất dễ nhạy cảm và ngộ độc nếu sử dụng thuốc không đúng chỉ định.

- Bạn đọc Mai Quỳnh - mqcboy…@gmail.com

Con trai em 3 tuổi, bé thường xem phim người nhện, thích sưu tầm xe đồ chơi. Nhưng lúc 2 tuổi bé thích mang giày dép của mẹ, thấy mẹ thoa son rất thích, có lần lấy viết đỏ tô móng tay, thỉnh thoảng đi nhón chân bắt chước cô người mẫu biểu diễn thời trang, mặc áo thì kéo xuống và nói con mặc áo đầm nè.

Cho em hỏi có phải đây là dấu hiệu của giới tính thứ 3 không? Nếu vậy có thay đổi được không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn Mai Quỳnh,

Bé từ 2-10 tuổi thường hay bắt chước người lớn, hiện nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh trẻ nhỏ bắt chước người lớn là giới tính thứ 3. Con bạn mới 3 tuổi hay bắt chước bạn, bé sống gần gũi mẹ, nên sẽ thường hay bắt chước vì bé còn quá nhỏ để phân biệt việc nào bé trai hay bé gái nên làm. Do đó, dấu hiệu của giới tính thứ 3 là không có, bạn hãy yên tâm nhé.

- Bạn đọc Trần Thị Tình - Ninh Bình

Chào BS,

Con cháu được 6 tháng, bé bị thoát vị bẹn bẩm sinh. Bé bị hở hàm trong. Cháu đi khám ở BV sản nhi Ninh Bình, BS bảo nên để phẫu thuật hàm ếch trước.

Cho cháu hỏi 2 bệnh đấy cháu có thể phẫu thuật ở đâu là tốt nhất? Con cháu bị hở nhẹ van 2 lá liệu có ảnh hưởng đến phẫu thuật không ạ? Cháu xin chân thành cảm ơn.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn,

Bạn nên đưa con bạn đến BV gặp BS chuyên khoa Nhi khám và tư vấn cho bạn xem tình trạng sức khỏe của bé nên mổ bệnh nào trước bệnh nào sau, bạn nhé!

- Bạn đọc Vũ Thị Nhung - ktphuong…@gmail.com

BS cho cháu hỏi,

Bé nhà cháu được 3 tuổi thường xuyên ốm vặt, phải sử dụng kháng sinh nhiều. Đi khám BS có khuyên nên đi nạo VA. Vậy cho cháu hỏi có nhất thiết phải nạo VA không và có ảnh hưởng gì tới sức khỏe của bé không ạ? Cháu cảm ơn!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn Nhung,

Khi viêm VA đã điều trị nội khoa bằng thuốc không khỏi thì phải tiến hành nạo VA.

Nếu không nạo VA thì sẽ gây ra biến chứng:

- Viêm thanh khí phế quản: VA có thể gây nên những cơn khó thở đột ngột, dữ dội về đêm và kèm theo cơn hen xuất hiện mau hơn và nặng hơn.

- Viêm tai giữa: vi khuẩn theo vòi Eustachi vào hòm nhĩ.

- Viêm đường tiêu hoá: đau bụng đi ngoài ra nhầy, nước.

- Viêm hạch gây áp xe như hạch Gillette: đó là áp xe thành sau họng ở trẻ.

- Thấp khớp cấp.

- Viêm cầu thận cấp.

Nạo V.A là thủ thuật tương đối đơn giản, nhanh, có hiệu quả, được coi là biện pháp vừa điều trị (nạo bỏ hết tổ chức V.A), vừa phòng bệnh (tránh các biến chứng do V.A gây ra).

Có thể nạo bằng bàn nạo La Force hoặc bằng thìa nạo La Moure.

Vậy bạn nên yên tâm cho bé điều trị theo chỉ dẫn của BS.

- Bạn đọc Xuan Dang - nguyenxuan…@gmail.com

Bé em được 3 tuổi, nhưng gần đây bé thỉnh thoảng hay ọe kiểu như nôn trớ xong lại thôi. Bé vẫn ăn và chơi bình thường, vậy có sao không BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn,

Con bạn thỉnh thoảng hay ọe, tôi khuyên bạn nên đưa bé đến BV để BS chuyên khoa Nhi khám và tư vấn cho bạn vì bé có dấu hiệu bệnh về đường tiêu hóa.

- Bạn đọc Hiền - trinhthi…@gmail.com

Con em 6 tuổi mà chỉ 16.5 kg, tới bữa ăn bé không muốn ăn, kêu không có cảm giác đói bụng, món gì cũng vậy. Xin BS tư vấn giúp em!

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Hiền thân mến,

Con bạn bị suy dinh dưỡng.

Hầu hết khi bé đã được 6 tuổi, đồng nghĩa với việc bé lúc này đã vào lớp 1. Thực đơn dinh dưỡng của bé trong giai đoạn này vẫn cần ba bữa ăn chính: ăn sáng, ăn trưa và chiều.

Trẻ cần ăn đủ ba bữa chính trong ngày với cơm hoặc: cháo, xôi, bún, mì, nui, hủ tiếu, phở… (ăn với thịt, cá, tôm, cua, lươn, trứng, đậu hũ, rau củ…) và có 2-3 bữa ăn phụ xen giữa các bữa chính với ly sữa hoặc cái bánh bông lan, hũ sữa chua, củ khoai, trái bắp, bánh flan, đậu hũ nước đường, kem, trái cây tươi… Bữa ăn phụ và bữa ăn chính cách nhau ít nhất hai giờ.

Lứa tuổi này trung bình có thể ăn 1-1,5 chén cơm mỗi bữa. Nếu trẻ chỉ ăn được nửa hay 2/3 chén cơm cũng không sao, có thể cho ăn thức ăn phụ khác hoặc uống sữa thêm cho đủ no và đủ dinh dưỡng.

Nếu trẻ đòi ăn snack, kẹo, bánh quy… thì có thể cho trẻ ăn ngay sau bữa chính hoặc trong bữa phụ. Có thể ăn nhiều món trong một bữa ăn, nhưng trong vòng 90 phút trước bữa ăn chính không nên cho trẻ ăn gì, dù là một ít nước ngọt hay viên kẹo, miếng mứt ngọt, bánh ngọt…việc này sẽ làm tăng đường huyết và gây mất cảm giác đói ở trẻ.

Mỗi ngày trẻ cần ít nhất 600ml sữa để tăng trưởng tốt về chiều cao.

- Bạn đọc có email: phongn…@gmail.com

Thưa BS,

Con cháu được 1 tháng 10 ngày. Bé rất khó ngủ, mỗi lần ngủ là uốn éo, rồi cứ như có rất nhiều đờm trong cổ họng. Bé lại rất hay giật mình, 1 tiếng động nhỏ cũng dậy, mỗi lần ngủ rất khó, mà tầm 15 phút lại dậy thôi.

Bé hay quấy khóc, mắt díp lại nhưng không chịu ngủ. Cháu có nên cho bé uống Soki-tium để cải thiện không ạ? Cháu thấy mọi feedback đều rất tốt, tuy nhiên cháu sợ bé bị ảnh hưởng sau này. Cháu chờ câu trả lời ạ. Cảm ơn BS nhiều.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn,

*Nguyên nhân bé mất ngủ :

- Theo sinh lý, giấc ngủ của bé sơ sinh dưới 4 tháng tuổi chưa ổn định và theo chu kỳ như ở bé lớn và người lớn. Bé có thể ngủ liền vài giờ hoặc có thể thức để chơi vài giờ liên tục. Hiện tượng bé hay vặn mình ở lứa tuổi 5-6 tuần tuổi cũng là hiện tượng sinh lý, bé sẽ hết khi bé trên 4 tháng.

- Nơi ngủ của bé không thoáng mát, ồn ào, quá nhiều ánh sáng, tã lót ẩm ướt. Bé bị rối loạn giấc ngủ, bé lớn lên một chút sẽ hết.

- Bé bị thiếu các dưỡng chất cần thiết như kẽm, canxi khiến cho giấc ngủ của bé không sâu, khó ngủ dẫn đến ngủ ít, ngủ không ngon, thêm vào đó là ngủ không yên giấc, bé thường bứt rứt, khó chịu.

* Để bé ngủ ngon bạn cần:

- Tã lót khô ráo, chỗ ngủ ấm áp, sạch sẽ, thoáng mát.

- Lúc trong bụng mẹ, thân nhiệt của bé luôn được ổn định nhưng khi chào đời thì nhiệt độ môi trường thấp hơn nhiệt độ bé đã quen trong bụng mẹ. Vì vậy, nhiệt độ phòng phải ổn định để giúp bé ngủ ngon.

Nếu áp dụng cách trên mà bé vẫn không ngủ và vặn mình thì bạn nên đưa bé đến BV để BS chuyên khoa Nhi khám và tư vấn cho bạn, không nên tự ý mua thuốc cho bé uống.

- Bạn đọc Nguyen Cao Cuong - kaok…@gmail.com

Xin BS cho hỏi bé 8 tháng, nặng 7,5kg lúc này không chịu bú sữa, ăn ngày 2 bữa nhưng kém tăng cân. Vậy có phải bé suy dinh dưỡng hay không và cần bổ sung gì cho bé?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn,

Theo như mô tả của bạn thì bé không bị suy dinh dưỡng.

Để bé tăng cân bạn cần phải cho ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để bảo đảm số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ, đồng thời phải cung cấp năng lượng cao hơn trẻ bình thường.

Trong chế độ ăn, ngoài gạo để nấu bột, cháo hoặc cơm và các thức ăn như trẻ khác cần phải thêm thịt hoặc cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh và mỡ hoặc dầu. Cho ăn thêm hoa quả chín.

Cách chế biến bữa ăn phải phù hợp với khẩu vị của trẻ, luôn thay đổi món ăn để trẻ ăn. Do đó, để cải thiện cân nặng bạn cần phải cho ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để bảo đảm số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ, đồng thời phải cung cấp năng lượng cao hơn trẻ bình thường.

Trong chế độ ăn, ngoài gạo để nấu bột, cháo hoặc cơm và các thức ăn như trẻ khác cần phải thêm thịt hoặc cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh và mỡ hoặc dầu. Cho ăn thêm hoa quả chín.

Cách chế biến bữa ăn phải phù hợp với khẩu vị của trẻ, luôn thay đổi món ăn để trẻ ăn ngon miệng.

- Bạn đọc Đỗ Tân - kube…@icloud.com

Chào BS ạ,

Tôi muốn hỏi con tôi được 4 tháng rưỡi. Cháu đã tiêm 3 mũi 5 trong 1. Nhưng do không hiểu biết nên khi cháu tiêm mũi thứ 2 tôi đã sử dụng thuốc Medrol với liều 2 viên/ ngày. Cho tôi hỏi như vậy có làm mất tác dụng của vắc xin không ạ? Xin cảm ơn.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn,

Medrol là thuốc kháng viêm.

Vắc xin khi tiêm không ảnh hưởng đến các thuốc điều trị khác, do đó con bạn tiêm vắc xin 5 trong 1 sẽ không làm mất tác dụng khi uống Medrol nên bạn hãy yên tâm nhé.

- Bạn đọc Lê Thị Hồng - Thanh Hóa

Thưa BS, bé nhà cháu được 4 tháng 10 ngày, khi sinh bé được 3,2kg, hiện tại là 7kg, nhưng từ khi bé được 3 tháng đến giờ bé không tăng cân.

BS cho cháu hỏi hơn 1 tháng bé không tăng cân thế có sao không ạ? Bé vẫn chịu chơi và đang lẫy, biết nói chuyện, cười đùa rồi ạ.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Chào bạn Hồng,

Một tháng bé không tăng cân có thể do bé ít ăn, nếu bé không bị bệnh gì thì bé bình thường. Ngoài ra, có thể do thời tiết nắng nóng làm bé mệt mỏi, biếng ăn. Con của bạn vẫn chơi, cười đùa, biết nói chuyện, đang lẫy, bé không tăng cân bạn đừng nên lo lắng quá. Bé như vậy là bình thường, bạn nhé.

Tuy nhiên, muốn bé ăn được bạn có thể thực hiện chế độ ăn như sau: nếu bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ thì bạn nên có chế độ ăn thích hợp để sữa có đủ dinh dưỡng cho trẻ bú no, 2-3 tiếng một lần, nếu bé bú bằng sữa công thức thì bú khoảng từ 120-150ml/lần, 2-3 tiếng bú 1 lần.

Bạn không nên cho bé ăn dặm trước 6 tháng vì ruột bé còn non, không tiêu hóa hết được thức ăn.

- Bạn đọc Nguyễn Ngọc Yến Nhi - TPHCM

BS ơi, bé nhà em được 2 tháng 20 ngày, tay bé bị cong kiểu cán vá thì có cách nào khắc phục không vậy BS nhỉ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Yến Nhi thân mến,

Theo như bạn mô tả thì con bạn còn quá nhỏ để xác định, bạn nên để bé lớn thêm chút nữa, nếu tay bé không thẳng thì đưa bé đến BV Chấn thương Chỉnh hình, gặp BS chuyên khoa Nhi để được tư vấn điều trị nhé!

***
Trong thời gian diễn ra buổi giao lưu, BS Ngọc Bình liên tục nhận được các cuộc gọi từ số hotline của AloBacsi: 08983 08983, trong đó nhiều trường hợp bị bệnh nhưng người dân không chịu đến khám tại bệnh viện mà tự ý mua thuốc.

Điển hình như bạn đọc có SĐT 016686… xuất hiện nhiều triệu chứng chóng mặt, tức ngực, khó thở như có vật đè lên ngực, đi không nổi nhưng không đi khám mà tự mua thuốc về uống. BS Bình rất bất ngờ vì triệu chứng của bạn đọc khá nguy hiểm nhưng lại chủ quan với sức khỏe, do đó BS đã khuyến cáo “Bạn nên đi khám và điều trị tại bệnh viện, nếu tự ý uống thuốc khi huyết áp lên cao đột ngột có thể làm đứt mạch máu não, nếu đứt mạch máu não lớn sẽ bị tai biến mạch máu não. Trong trường hợp nếu huyết áp tụt đột ngột thì sẽ gây ra các bệnh lý về tim mạch”. Trường hợp này BS Bình đề nghị bệnh nhân nên đến ngay bệnh viện khi đang xảy ra triệu chứng để được điều trị kịp thời, không nên để qua cơn, trì hoãn làm bệnh tình nặng hơn gây nguy hiểm.

Hay có trường hợp, bệnh nhân có SĐT 098465… bị viêm gan C nhưng do thiếu kiến thức nên không biết hiện tại đã có thuốc điều trị. Chị lo lắng bệnh của mình không chữa được nên hỏi BS nếu “lỡ chị không qua khỏi thì có được hiến tạng hay không?”. BS cho biết trường hợp của chị không cần quá lo lắng vì hiện nay tại Việt Nam đã có thuốc điều trị và đã được BHYT chi trả. Ở Hà Nội có thể đến BV Bạch Mai hoặc các bệnh viện có chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để khám và điều trị. Trong trường hợp người bị viêm gan C có nguyện vọng muốn hiến tạng thì theo BS Bình ngoại trừ gan thì tất cả các cơ quan khác vẫn có thể hiến.

Ngoài ra, BS Bình còn tư vấn cho nhiều trường hợp khác như bị viêm amidan mủ nếu không cắt có để lại biến chứng? Hay nghe tiếng văng vẳng bên tai, có phải bệnh nguy hiểm?...


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X