Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Phan Bá Ngọc: Răng hô, niềng răng hay bọc sứ?

Để giúp bạn đọc tìm hiểu các phương pháp chỉnh răng hô hiệu quả, Alobacsi đã mời BS.CK1 Phan Bá Ngọc đến từ Nha khoa Hạnh phúc, chia sẻ chủ đề “Răng hô, niềng răng hay bọc sứ?”



Răng hô (hay răng vẩu) là tình trạng bệnh lý về răng miệng phổ biến, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân, sự hài hòa của khuôn mặt và làm bạn mất tự tin trong cuộc sống. Để giúp bạn đọc tìm hiểu các phương pháp chỉnh răng hô hiệu quả, Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe Alobacsi đã mời BS.CK1 Phan Bá Ngọc đến từ Nha khoa Hạnh Phúc, chia sẻ chủ đề “Răng hô, niềng răng hay bọc sứ?”

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

1. Răng hô (hay răng vẩu) khiến cho khá nhiều người thiếu tự tin. Xin BS cho biết nguyên nhân đưa đến tình trạng răng hô là gì? Răng hô ngoài việc làm mất thẩm mỹ thì có ảnh hưởng gì khác không ạ?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc:

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng hô. Một số nguyên nhân thường gặp như:

- Yếu tố di truyền có thể dẫn đến hô răng hay hô do xương hàm. Hô do xương hàm là dù răng vẫn đều nhưng xương hàm bệnh nhân bị đưa ra trước, gây nên tình trạng hô.

- Hô răng do tình trạng răng chen chúc nhau, mọc không đều.

- Những thói quen lúc nhỏ gây nên sự lệch lạc khớp cắn. Ví dụ như bé 6 tuổi đến giai đoạn thay răng, và chức năng răng sữa có nhiệm vụ định hướng cho răng vĩnh viễn mọc bên dưới, nhưng phụ huynh cho bé nhổ sớm răng vĩnh viễn sẽ bị mọc sai vị trí.

- Một số thói quen dẫn đến tình trạng răng hô của em bé như cắn móng tay, mút tay, bặm môi, nghiến răng khi ngủ,...

Thói quen mút tay có thể dẫn đến răng hô - Ảnh: internet

- Một số trẻ em bị mắc bệnh về đường tai - mũi- họng, như viêm VA mạn tính khiến trẻ phải thở bằng miệng khi ngủ, về lâu dài khiến cho răng hàm trên bị đẩy ra trước.

- Một số khác có thói quen đẩy lưỡi ra trước, hay nghiến răng cũng có thể dẫn đến răng hô.

- Tình trạng sai giữa xương hàm và số lượng răng. Chẳng hạn, xương hàm bé nhưng số lượng răng nhiều, không đủ diện tích cho răng mọc lên.

Răng hô ngoài gây mất thẩm mỹ cho khuôn mặt bệnh, nó còn là tình trạng của lệch lạc khớp cắn, ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai của bệnh nhân. Mặc khác thức ăn dễ dàng bám vào các kẽ răng, gây hôi miệng.

2. Hiện nay có những phương pháp nào để khắc phục răng hô, thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc:

Cần xác định rõ nguyên nhân gây ra răng hô, lứa tuổi như thế nào để chọn lựa phương pháp khắc phục phù hợp nhất. Hiện nay để làm mất tình trạng răng hô, có nhiều phương pháp:

- Nguyên nhân hô do xương hàm thì có thể can thiệp phẫu thuật.

- Nguyên nhân hô do răng và các nguyên nhân khác thì có thể can thiệp bằng phương pháp chỉnh nha - niềng răng, bọc răng sứ.

Đây là 2 phương pháp giúp cải thiện tình trạng răng hô.

3. Khá nhiều bạn đọc băn khoăn khi răng hô nên niềng răng hay bọc sứ? Nhờ BS cho biết sơ lược về 2 phương pháp này?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc:

Phương pháp chỉnh nha (hay còn gọi là niềng răng) là phương pháp nha khoa giúp điều chỉnh các răng về lại đúng hướng và đúng vị trí, được thao tác hoàn toàn trên răng thật của bệnh nhân.

Phương pháp bọc răng sứ cho bệnh nhân bị răng hô, khác với bọc răng sứ chỉnh nha. Khi bọc răng sứ có thể sử dụng gốc răng của bệnh nhân và phần bọc xung quanh bằng sứ.

Về 2 phương pháp này có những ưu - nhược điểm riêng, không có phương pháp nào thay thế cho nhau, tùy trường hợp răng của bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định phù hợp.

4. Riêng về niềng răng thì có những kỹ thuật nào, phù hợp với tình trạng nào của răng, thưa BS? Thông thường thì bệnh nhân sẽ niềng trong thời gian bao lâu thì khắc phục được tình trạng răng hô?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc:

Về phương pháp chỉnh nha (niềng răng) có nhiều phương pháp khác nhau, tùy vào lứa tuổi và tình trạng răng từng người, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp can thiệp.

Xét về lứa tuổi, khi các em bé răng chưa mọc đầy đủ sẽ được áp dụng phương pháp tiền chỉnh nha - dùng các hàm tháo lắp để bé đeo khi ngủ hoặc chơi. Xương hàm của bé đang trong giai đoạn phát triển, việc áp dụng phương pháp trên giúp cải thiện việc phát triển của xương hàm, định hướng vị trí răng mọc lên. Hay có thể dùng hàm trainer được làm bằng silicon mềm, có thể tháo lắp được.

Niềng răng bằng mắc cài - Ảnh: Nha khoa Hạnh Phúc

Đối với những người răng đã mọc đầy đủ sẽ được áp dụng các loại chỉnh nha như mắc cài. Tuy nhiên, do đặc thù của loại mắc cài, nên nhiều bệnh nhân e ngại trong phương pháp này. Vì thế, hiện nay, phương pháp chỉnh nha bằng hàm trong suốt được rất nhiều người quan tâm. Đây là phương pháp hiện đại nhất, gắn 1 máng trong suốt vào răng, sau 1-2 tháng, bệnh nhân sẽ đến nha sĩ thay máng khác.

Hiện nay có rất nhiều mắc cài khác nhau, như mắc cài kim loại, hay mắc cài bằng sứ, mắc cài pha lê sẽ khó nhận thấy hơn. Để thẩm mỹ nhất, bệnh nhân có thể lựa chọn chỉnh nha bằng máng trong suốt.

Niềng răng bằng máng trong suốt - Ảnh: internet

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể dùng máng trong suốt hay mắc cài được, phải tùy vào trường hợp tình trạng răng và túi tiền của bệnh nhân. Với những liệu pháp thẩm mỹ hơn thì giá thành cũng sẽ cao hơn.

Tùy từng trường hợp mà thời gian chỉnh nha kéo dài trong bao lâu. Nếu tình trạng lệch lạc khớp cắn ít, dễ thực hiện, thời gian sẽ ngắn, dao động trong khoảng 1,5- 2 năm. Một số trường hợp kéo dài khoảng 3 năm.

Ngoài ra, thời gian để bệnh nhân khắc phục còn phụ thuộc vào độ tuổi. Người nhỏ tuổi, trẻ tuổi sẽ dễ thực hiện hơn người trung niên, cao tuổi.

5. Vậy còn việc bọc răng sứ được thực hiện như thế nào, thưa BS? Sứ bọc răng có những loại nào, có phải càng mắc tiền thì càng tốt không ạ?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc:

Để bọc răng sứ có nhiều cách khác nhau. Khi bệnh nhân đến hoặc xin tái khám để bọc răng sứ sẽ có chỉ định mài răng, sau đó được lấy dấu răng và gửi labo, đúc răng theo kích thước răng bệnh nhân và gắn lên răng thật của bệnh nhân.

Trong quá trình mài răng, có 2 trường hợp: bệnh nhân phải lấy tủy hoặc giữ lại tủy. Răng sau khi lấy tủy sẽ không được bền như răng còn tủy, tuy nhiên, việc lấy tủy không có nghĩa là răng sau khi lấy sẽ bị chết. Tùy theo nhận định của bác sĩ, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện.

Răng miệng cũng giống như những sản phẩm dịch vụ khác, sứ càng mắc tiền sẽ có nhiều ưu điểm hơn. Chẳng hạn có 2 loại răng chính: răng cao cấp - sẽ được làm hoàn toàn bằng sứ và răng kim loại là lõi bằng kim loại và được bọc sứ bên ngoài.

Trong đó, răng kim loại sẽ bao gồm nhiều loại, mức giá khác nhau, như răng titan, răng crom,... Mỗi loại sẽ có những ưu - nhược điểm khác nhau. Nhược điểm của sứ kim loại là màu không được đẹp, khi đắp sứ lên sẽ bị ánh lên màu trắng đục, không đẹp. Lâu ngày có thể gây đen nướu hoặc răng, bởi quá trình oxy hóa của kim loại.

Vì vậy, có một loại sứ cao cấp hơn được ra đời, có thể khắc phục tình trạng oxy hóa của răng kim loại. Răng sứ cao cấp có ưu điểm, màu răng sẽ thật, trong suốt hơn, không bị oxy hóa.


Luôn tất bật với bệnh nhân nhưng BS Phan Bá Ngọc vẫn dành thời gian tư vấn cho bạn đọc AloBacsi - Ảnh: Viết Hưởng

6. Một số trường hợp sau khi bọc sứ rồi, họ lại muốn niềng để đạt hiệu quả vĩnh viễn thì có thực hiện được không ạ?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc:

Chỉnh nha và bọc răng sứ là 2 phương pháp không thể thay thế lẫn nhau được.

Về chỉnh nha, nếu răng bệnh nhân bị đen hoặc ố vàng thì chỉnh nha không thể khắc phục tình trạng này được. Chức năng của chỉnh nha chỉ có thể giúp sắp xếp vị trí răng bệnh nhân đều hơn, nhưng không thể tẩy trắng răng.

Về bọc răng sứ, có thể khắc phục tình trạng xỉn màu, đen, ố vàng. Tuy nhiên phương pháp này không thể giúp thay đổi khớp cắn của bệnh nhân mà chỉ có thể làm thay đổi hình dạng răng. Chẳng hạn, hình dạng răng tự nhiên của bệnh nhân không phù hợp với khuôn mặt thì có thể áp dụng phương pháp bọc răng sứ để thay đổi hình dạng răng phù hợp với khuôn mặt hơn.

Khi đến phòng khám, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương thức phù hợp với tình trạng răng và giải thích cho bệnh nhân biết sau khi làm chỉnh nha hoặc bọc răng sẽ được những gì.

Một số bệnh nhân để đạt được kết quả tối đa sẽ dùng song song 2 biện pháp. Dùng phương pháp chỉnh nha để điều chỉnh khớp cắn của bệnh nhân trong khoảng thời gian từ 1-3 năm, tùy tình trạng răng. Sau khi răng đã đều, sẽ được tiến hành bọc sứ.

Một số bệnh nhân muốn chuyển sang chỉnh nha sau khi đã bọc răng sứ thì đây là 1 trường hợp khó vì không có chỗ để gắn mắc cài vào, đặc biệt đối với những bệnh nhân làm cầu răng. Vì thế, thường những bệnh nhân sẽ được khuyên nên chỉnh nha trước, sau đó tiến hành bọc răng sứ.

7. Sau khi niềng răng và bọc sứ, việc chăm sóc răng miệng cần lưu ý gì, thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc:

Trong quá trình chỉnh nha, vệ sinh răng miệng phải kĩ hơn những người bình thường. Bởi vì khi gắn mắc cài, thức ăn dính vào mắc cài rất nhiều. Đồng thời, trong quá trình chỉnh nha, nếu không chăm sóc răng miệng kỹ, bệnh nhân sẽ dễ bị viêm hay tụt nướu. Đối với răng sứ cũng vậy, đây là một trong những nguyên nhân gây hôi miệng vì bị nhét thức ăn.


8. Một số người bị ê buốt sau khi niềng răng, nên làm gì để khắc phục ạ? Có trường hợp nào phải tháo mắc cài ra niềng lại không ạ?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc:

Trong quá trình gắn mắc cài, do quá trình điều chỉnh các khớp cắn bị lệch, gây nên tình trạng ê buốt răng cho bệnh nhân. Tùy từng tình trạng răng có thể kéo dài trong một vài ngày đầu hoặc vài tuần. Để khắc phục, bệnh nhân cần giữ gìn răng miệng kỹ, nếu không dễ dẫn đến tình trạng viêm, ê buốt.

Cũng có một số bệnh nhân do răng quá nhạy cảm, không thể tiếp tục niềng răng, bắt buộc phải tháo niềng. Tuy nhiên, ê răng khá phổ biến ở các bệnh nhân chỉnh nha, bệnh nhân cũng không cần quá lo lắng, vì tình trạng này cũng sẽ nhanh chóng chấm dứt.

Niềng răng với mắc cài bằng sứ - Ảnh: Nha khoa Hạnh Phúc


9. Với bọc răng sứ, một số người cũng bị ê buốt, hôi miệng. Xin BS hướng dẫn cách khắc phục?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc:

Nếu bệnh nhân bọc răng sứ nhưng gặp tình trạng ê buốt là do răng quá nhạy cảm. Vì để bọc răng sứ, bệnh nhân phải mài răng và tùy thuộc vào tình trạng răng, răng bệnh nhân sẽ cần mài nhiều hay ít. Một số trường hợp mài răng nhiều, vì thế cần lấy tủy để giảm tình trạng ê buốt.

Để khắc phục tình trạng ê buốt, bệnh nhân nên lưu ý đến vấn đề vệ sinh răng miệng. Nếu răng yếu, bệnh nhân cần tháo sứ và lấy tủy theo chỉ định của bác sĩ.
Chẳng hạn, đối với một số bệnh nhân, sau khi bọc răng sứ, tủy sống vẫn còn nên có thể gây ê một vài giờ đến vài tuần. Nhưng nếu bệnh nhân sau thời gian này vẫn không hết tình trạng ê buốt, cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để khắc phục, như bị sai khớp cắn, mài quá nhiều dẫn đến viêm tủy,...


10. Phẫu thuật chỉnh hô đặt ra trong trường hợp nào, thưa BS? Thường thì bao lâu bệnh nhân sẽ hoàn toàn bình phục?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc:

Để giảm hô hiện nay có các phương pháp chính, trong đó, cần tìm rõ nguyên nhân là gì. Có thể nguyên nhân do xương hàm thì dùng phẫu thuật chỉnh hô, được thực hiện tại các bệnh viện và không thể can thiệp bằng phương pháp chỉnh nha.

Phẫu thuật xương hàm cũng giống như các phương pháp phẫu thuật về xương khác, thời gian nằm viện dao động từ 5-7 ngày, nếu tình trạng bệnh nhân có tiến triển tốt thì có thể xuất viện. Sau 2-3 tháng, một số trường hợp kéo dài đến 1 năm, bệnh nhân sẽ quay trở lại tháo vít đã cắm vào xương trước đó.

~~~~~~~~~
Cảm ơn những chia sẻ của BS.CK1 Phan Bá Ngọc. Hy vọng qua những thông tin vừa rồi, quý vị độc giả đã hiểu hơn về các phương pháp chỉnh răng hô, lựa chọn cho mình phương pháp làm đẹp răng phù hợp nhất cho bản thân, tránh những tốn kém không cần thiết. Chúc quý bạn đọc AloBacsi luôn có nụ cười tỏa nắng!

Xin hẹn gặp lại bác sĩ ở buổi tư vấn tiếp theo!

Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 08983 08983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!


Thực hiện: Hồng Nhung - Minh Khuê
Ảnh: Phòng Video

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X