Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương: Điều trị khớp gối bị sưng như thế nào?

Nổi mề đay kéo dài có phải bệnh ung thư máu, bạch cầu tăng do nguyên nhân gì, hạch không hết sau điều trị lao... là những vấn đề bạn đọc quan tâm và được BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giải đáp.

Thu Loan - loantran...@gmail.com

Chào bác sĩ, cháu đã phẫu thuật mổ ruột thừa được 20 ngày và quyết định mổ thêm tai do bị thủng màng nhĩ 2 năm trước. Thời gian như vậy có đủ để tiết hành mổ tai không hay phải chờ thêm ạ?

Tình hình sức khoẻ của cháu giờ ổn định. Cháu đã lập gia đình và muốn sinh con thì sau bao lâu sau phẫu thuật cháu có thể để có con được ạ? Cháu cám ơn bác sĩ ạ.

Chào em,

Sau mổ ruột thừa 20 ngày, em cảm thấy sức khỏe mình giờ đã ổn định, ăn uống sinh hoạt bình thường không khó chịu gì ở bụng nữa thì em có thể tiến hành mổ vá màng nhĩ được.

Sau khi phẫu thuật vá màng nhĩ, bác sĩ sẽ kê 1 số thuốc cho em dùng, và tái khám kiểm tra, nhưng nhìn chung em tính từ lần cuối cùng dùng thuốc cộng thêm 1 tháng, hay nói cách là ngưng tất cả các thuốc tầm 1 tháng, thì em có thể thả bầu an toàn, em nhé.

Thân mến.

Kim H. - duongkim...@gmail.com

Chào bác sĩ, khoảng 1 năm trước, em bị nổi hạch tròn ở cổ, thỉnh thoảng đau. Dần dần hạch nổi thêm. Em có khám và sinh thiết ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, kết quả là lao hạch. Phác đồ điều trị của bác sĩ là uống thuốc lao tại địa phương 12 tháng.

Tới nay là đủ 12 tháng nhưng hạch vẫn còn. Bác sĩ cho em hỏi, tình trạng như vậy là như thế nào ạ? Em có nên mổ không ạ? Hạch lớn nhất là 14mm ạ. Nếu mổ thì phần trăm tái phát là bao nhiêu ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp em.

Chào bạn,

Lao hạch không giống như các hạch viêm thông thường khác, cũng không phải là hạch ác tính. Điều trị lao hạch chủ yếu là điều trị nội khoa, tức là dùng thuốc. Dấu hiệu đáp ứng với thuốc điều trị lao là hạch sẽ gôm lại, bạn hết sốt hết đau ở hạch.

Khi kết thúc phác đồ điều trị thì có trường hợp hạch lặn hoàn toàn. Tuy nhiên, có trường hợp hạch gôm lại nhỏ nhất có thể nhưng vẫn còn, không mất đi và xơ hóa nhưng không nguy hiểm. Nếu điều này xảy ra, bạn có thể tiểu phẫu lấy hạch sau khi đã kết thúc điều trị lao là an toàn nhất, không nên “đụng dao kéo” đến hạch lao khi còn đang uống thuốc trị lao.

Bệnh lao nói chung là có thể tái phát, chứ không phải mổ hạch này đi thì sẽ không bị lao hạch nữa, hay ngược lại là làm lao hạch bùng lên, vì lúc tiểu phẫu bác sĩ bóc trọn hạch này luôn nhưng còn những hạch khác trong cơ thể chưa có gì bất thường thì không đụng đến.

Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn “gỡ rối” phần nào.

Thúy Hằng - thuyhan...@gmail.com

Chào AloBacsi ạ, em bị đau xương mông bên phải ạ, nằm xuống ngồi dậy là đau thốn luôn, ngồi bình thường cũng đau ạ. Hiện em đang bầu tuần 18. Vậy em có cần phải xét nghiệm hay kiểm tra gì để biết nguyên nhân không ạ?

Đầu tháng 7 em có lịch xuống Từ Dũ để tái khám, vậy em cần khám chuyên khoa nào ạ? Em ăn hay không ăn bụng em lúc nào cũng căng cứng. Em bị rối loạn tiêu hoá dẫn đến đi ngoài. Dùng sản phẩm Biogaia hỗ trợ tiêu hoá trị táo bón thì được không? Dùng nhiều ảnh hưởng gì đến bé không ạ? Em xin cảm ơn!


Thúy Hằng thân mến,

Triệu chứng đau xương ở mông bên phải hay còn gọi là đau vùng xương cùng cụt khi mang thai khá phổ biến và thường xuất hiện ở giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ và một số ít trường hợp rơi vào những tháng cuối thai kỳ. Tùy vào từng thể trạng của mỗi người mà mức độ cơn đau cũng khác nhau.

Đau xương cụt khi mang thai là tình trạng bà bầu cảm thấy đau nhức hoặc nhói ở vùng mông hoặc hông. Cơn đau này có thể lan xuống vùng háng, hai bắp chân, đầu gối và thậm chí là mắt cá chân nữa. nguyên nhân của việc này là do sự thay đổi hormone trong thai kỳ, thai nhi phát triển, Căng cứng cơ do tư thế sinh hoạt, vận động bất hợp lý hay là do việc đứng hoặc ngồi ở cùng một tư thế quá lâu, do thiếu canxi và một số bệnh lý hiếm gặp khác (như bệnh xương khớp, ung thư...).

Em chỉ cần tái khám tại Bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ vừa kiểm tra thai, vừa kiểm tra sức khỏe cho em và các khó chịu đi kèm, trong đó có chứng đau cùng cụt. Tùy mức độ đau và các dấu hiệu bất thường khi thăm khám mà bác sĩ sẽ đề nghị các xét nghiệm cần thiết, không có kê chỉ định xét nghiệm trước.

Trong thời gian này, để giảm đau cùng cụt, em có thể chườm ấm, xoa dầu, mát xa tại vị trí đau, ngủ nghiêng sang trái với một chiếc gối hình chữ U kẹp giữa đùi, không mang giày cao gót, bổ sung thêm canxi.

Biogaia có thể dùng an toàn trên phụ nữ mang thai em nhé.

Anh T. - lleecc...@gmail.com

Tôi là nam, 28 tuổi, có tiền sử trào ngược dạ dày và viêm dạ dày. Tháng 1/2020 tôi có đi nội soi dạ dày tại bệnh viện tỉnh, kết quả trào ngược thực quản Gerd LA B; viêm sung huyết thân vị mức trung bình; âm tính clotes, uống thuốc gần 1 tháng thì đỡ.

Vài tháng trở lại đây do tôi gặp stress và ăn uống vô độ nên bị triệu chứng tiết nhiều nước bọt, khó thở khi nằm hoặc khi ăn no, hơi nghẹn ở cổ nhưng ăn uống vào thì không thấy nghẹn.

Xin AloBacsi tư vấn là tôi có cần đi nội soi lại không? Tôi hơi lo lắng vì vẫn đang dùng thuốc điều trị rối loạn lo âu và trầm cảm nhẹ. Xin hỏi bác sĩ là bao lâu nên nội soi dạ dày lại. 3 năm qua tôi nội soi 4 - 5 lần. Xin cảm ơn.

Các loại thuốc tôi đang dùng: Esomaxcare 20mg; Soares gói (tôi uống vài liều mua tiệm thuốc tây thấy đỡ nhưng không hết hẳn), tối uống Sulpiride ; Zoloman; Mitarzapine. Uống thuốc được 6 tháng rồi.

Chào bạn,

Với kết quả nội soi này, bạn chỉ có viêm dạ dày và trào ngược thực quản mức độ trung bình, chưa thấy bằng chứng nhiễm Hp (CLO test âm tính), không có loét hay sang thương nghi ngờ ác tính, thì bạn không cần thiết và không nên nội soi dạ dày lặp lại nhiều lần, mà nên kiên trì điều trị bệnh dạ dày - thực quản tối thiểu 3 tháng cho ổn hẳn.

Viêm sung huyết dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản là bệnh có thể chữa được, không phải bệnh nan y, nhưng mà ở tùy người, thời gian điều trị có thể phải kéo dài, nhất là người hay bị lo âu, lo lắng.

Trào ngược dạ dày thực quản gây nóng rát vùng thượng vị, thậm chí gây đau ngực sau xương ức do dịch acid ở dạ dày trào lên thực quản làm người bệnh có cảm giác đau ngực kiểu nóng rát, triệu chứng sẽ tăng khi nằm và giảm với uống thuốc trung hòa acid dạ dày.

Thời gian điều trị có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng, khi người bệnh cải thiện triệu chứng thì bác sĩ sẽ giảm dần liều thuốc đạt tới liều điều trị tối thiểu rồi mới ngưng hẳn, nếu đang dùng liều cao mà ngưng thuốc đột ngột thì triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện trở lại ngay. Cho nên, khi hết thuốc thì bạn phải tái khám lại bác sĩ để bác sĩ điều chỉnh thuốc cho phù hợp, khi nào bác sĩ bảo uống hết toa thuốc này rồi ngưng thì mới ngưng tái khám.

Điều quan trọng là tâm lý ảnh hưởng rất nhiều đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn lo âu làm trào ngược dạ dày thực quản nhiều hơn và khó trị hơn, dễ tái phát hơn. Do đó, bạn cố gắng kiểm soát chuyện "stress" của mình, bằng cách điều chỉnh công việc phù hợp, tâm lý trị liệu và thuốc hỗ trợ tiếp tục theo bác sĩ chuyên khoa Tâm lý - Tâm thần.

Song song đó, bạn cần hạn chế ăn đồ chua cay, nước có gas, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, café, bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm / vận động mạnh sau khi ăn trong vòng 2 giờ.

Thân mến.

Đức K. - duongduc...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi, em đi xét nghiệm máu có kết quả: tỷ lệ phần trăm bạch cầu mono tăng 14/8, số lượng bạch cầu mono tăng 1,25/0,9. Cho em hỏi với kết quả trên có nguy hiểm không ạ?

Chào em,

Monocyte là một dạng tế bào bạch cầu trong cơ thể chúng ta. Bạch cầu Monocyte có thời gian lưu hành trong máu thường ngắn, thông thường dưới 20 giờ. Trong máu, chúng sẽ xuyên mạch và tăng kích thước trở thành các đại thực bào tổ chức. Khi đã ở dạng này, bạch cầu Monocyte có thể sống trong thời gian rất dài và có khả năng chống lại tác nhân gây bệnh, đặc biệt là chống lại tình trạng nhiễm trùng.

Vì vậy chỉ số xét nghiệm bạch cầu Monocyte trong máu cho biết người bệnh có đang bị mắc một số bệnh lý viêm nhiễm hay nhiễm trùng nào hay không hoặc có thể gặp các bệnh lý tăng sinh của máu. Thường thì khi chỉ số Monocyte trong máu tăng vượt mức quy định, bác sĩ sẽ nghi ngờ người bệnh có thể bị viêm nhiễm do một số bệnh lý nào đó gây ra.

Trong xét nghiệm máu, chỉ số bạch cầu Monocyte thường thay đổi theo từng loại bệnh. Và chúng có thể bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng thuốc và một số bệnh lý khác trước khi thực hiện xét nghiệm. Tùy thuộc vào từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chính xác rằng chỉ số này tăng do nguyên nhân nào.

Nếu kết quả xét nghiệm máu chỉ cho thấy chỉ số Monocyte tăng mà các chỉ số khác vẫn bình thường, thì chưa thể kết luận rằng người bệnh đã bị mắc một bệnh lý nào đó. Khi đó cần được theo dõi thêm và có thể thực hiện kiểm tra lại xét nghiệm máu từ 3-6 tháng hoặc một số chỉ định chuyên sâu bác sĩ.

Em gặp bác sĩ chỉ định xét nghiệm này cho em, để bác sĩ kiểm tra lại cùng với các kết quả xét nghiệm đã làm đi kèm để đưa ra hướng xử lý thích hợp tiếp theo, em nhé.

BS.CK1 Cao Thị Lan HươngBS Lan Hương đang công tác tại Bệnh viện Trưng Vương

Lê Minh - Dungl...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi ạ, em phát hiện viêm gan B sau một lần đi hiến máu. Em có đi khám chyên khoa. Kết quả như sau: HBSAG: dương tính, Anti HBs: âm tính, HBeAg: âm tính, Anti HBe: âm tính, Anti HBc: dương tính, men gan bình thường.

Định lượng HBV-DNA: dưới ngưỡng phát hiện, HCV: âm tính, không xơ gan, Định lượng HBsAg 325.19ng/mL, Anti HBc: 149,95NCU/mL, Anti HBs: 1.06, HBeAg< 0.01, Anti HBe 0.22.

Bác sĩ khám kết luận nhưng em không hiểu lắm giai đoạn bệnh, và không uống thuốc. Bác sĩ cho em hỏi em đang ở giai đoạn nào của bệnh?Tình trạng bệnh như thế nào ạ? Em xin chân thành cảm ơn.

Lê Minh thân mến,

Với các xét nghiệm em đã làm về marker siêu vi B, thì em đang nhiễm HBV, nồng độ virus trong máu không cao và men gan của em bình thường.

Tình huống này có 2 khả năng xảy ra, một là em bị nhiễm virus viêm gan B thể không hoạt động, nhiễm lâu rồi nhưng tế bào gan không bị tổn thương, men gan không tăng, vì virus và cơ thể em (chủ yếu là lá gan) đang chung sống hòa bình với nhau, trường hợp này đa phần cơ thể không đào thải virus.

Khả năng thứ hai là em mới nhiễm virus gần đây, có thể lúc mới nhiễm là có viêm gan nhẹ không nhận biết, nhưng bây giờ cơ thể đang tự đào thải được virus, men gan đã về bình thường, và khi nào cơ thể đào thải xong virus thì HBsAg sẽ âm tính, Anti HBs sẽ dương tính, tức là có kháng thể bảo vệ luôn.

Ở cả 2 khả năng, điều trị chung vẫn là không dùng thuốc gì hết và chờ 6 tháng sau đi xét nghiệm lại, thường bác sĩ sẽ làm HBsAg, Anti HBs và men gan, rồi mới phân định được em thuộc khả năng nào để có kế hoạch theo dõi kế tiếp.

H. - 097...

Em mới đặt vòng tránh thai 5 ngày. Lúc đặt vòng vào là 1 giờ chiều cho đến khi tối thì em hết ra máu. Ngày hôm sau không  ra máu, rất sạch sẽ. Đến ngày thứ 5 em lại ra máu, hơi chướng bụng. Em kiểm tra âm đạo thì thấy có sợi dây. Hiện tượng như vậy có phải vòng bị tuột không ạ?


Chào em,

Có thể vòng đặt trong tử cung của em bị tụt thấp và cũng có thể là nó chưa tụt nhưng kỳ này bác sĩ để sợi dây hơi dài trong âm đạo nên em cảm nhận thấy.

Khi vòng đã tụt thì khám âm đạo sẽ thấy vòng nằm luôn trong âm đạo rồi. Còn lại sờ thấy dây vòng thì chưa chắc, cần siêu âm bụng nhìn vô tử cung là biết vị trí của vòng ra sao. Em tái khám lại bên phụ khoa để được kiểm tra, em nhé.

Thân mến.

Thành C. - Nguyent...@gmail.com

Em bị thoái hoá khớp gối, đầu gối co vào và duỗi ra rất đau và bị sưng. Xin hỏi bác sĩ điều trị thế nào và có nhập viện không?

Chào em,

Em đang bị viêm khớp gối cấp, nếu mức độ viêm nhẹ đến trung bình thì có thể điều trị tại nhà với việc uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Trường hợp viêm khớp gối nặng hay nghi ngờ nhiễm trùng khớp gối thì mới nhập viện mà thôi.

Em cần khám chuyên khoa Cơ Xương Khớp để bác sĩ đánh giá tình trạng hiện tại của em, tùy mức độ mà có hướng xử trí thích hợp tương ứng, em nhé.

Ngọc Minh - nguye...@gmail.com

Chào bác sĩ, cháu 16 tuổi, bị nổi hạch ở nách trái một tuần rồi ạ. Trước khi nổi cháu có dùng kem tẩy lông nách, qua ngày hôm sau hạt ấy sưng đỏ lên, chạm vào đau nhẹ. Giờ thì không còn sưng đỏ nữa nhưng nó vẫn còn ở đó. Mong bác sĩ giúp cháu ạ. Cháu cảm ơn bác sĩ.

Ngọc Minh thân mến,

Theo thông tin em cung cấp thì nhiều khả năng đây là hạch viêm, do tình trạng viêm da tiếp xúc gây kích thích nổi hạch.

Nếu hạch hiện không còn sưng đỏ đau nữa thì em có thể chờ thêm một thời gian, hạch hết viêm rồi thì sẽ lặn dần. Nếu sau 2 tuần nữa mà hạch vẫn còn ở đó thì em cần khám thêm chuyên khoa Ung bướu để siêu âm, kiểm tra bản chất của hạch này, em nhé.

Văn T. - Lonu...@gmail.com

Chào bác sĩ, năm nay cháu 23 tuổi. Năm cháu 10 tuổi bị ngã gãy khuỷu tay, đã phẫu thuật nhưng khuỷu tay cháu vẫn để lại tật lồi cầu vẹo ra ngoài. Cháu muốn hỏi bác sĩ có cách nào điều trị được không ạ?

Chào em,

Tiến bộ y khoa sau 13 năm kể từ lúc em 10 tuổi đến nay đã có nhiều bước tiến trong phẫu thuật chỉnh hình, hi vọng sẽ có phương pháp điều chỉnh tật khớp xấu ở khuỷu tay của em.

Nhưng mà, bác sĩ cũng phải thăm khám trực tiếp cho em và chụp phim Xquang để đánh giá tình trạng khớp khuỷu của em ra sao thì mới lên kế hoạch chỉnh sửa cho phù hợp được.

Em nên đến khám lại tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình về vấn đề này, em nhé.

Thân mến.

Bạn đọc giấu tên

Chào bác sĩ, tôi bị mề đay từ hồi mang thai cách đây 17 năm. Mấy năm đầu sau khi sinh vẫn nổi nhiều và phải dùng thuốc. Nhiều năm trở lại đây thì ít bị hơn, thỉnh thoảng vài tháng mới lên một ít và tôi không uống thuốc gì. Nhưng dạo gần đây tôi hay bị nổi mề đay, nổi nhiều thành dải ở bụng và mông. Cho tôi hỏi đây có phải triệu chứng bị ung thư máu không?


Chào bạn,

Bệnh ung thư máu có rất nhiều kiểu biểu hiện triệu chứng, nhưng thường gặp là tình trạng dễ bị xuất huyết (xuất huyết dưới da, xuất huyết chân răng, rong kinh...), thiếu máu nhiều (da xanh xao, thường chóng mặt, mệt mỏi khi gắng sức, tim đập nhanh, thở mệt) và dễ nhiễm trùng (viêm phổi, nhiễm trùng tiểu...), chứ không phải kiểu nổi mề đay mạn tính.

Muốn biết mình có bị ung thư máu hay không, việc đơn giản nhất là xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, nếu kết quả nghi ngờ thì làm thêm phết máu ngoại biên, sinh thiết tủy.

Hiện tại, với tình trạng nổi mề đay đang có biểu hiện bùng lên nhiều hơn, bạn nên khám tại chuyên khoa Da liễu để tìm nguyên nhân (như nhiễm ký sinh trùng, do gan, do cơ địa...), bạn nhé.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X