Hotline 24/7
08983-08983

BS Trương Hữu Khanh nhắn bác sĩ trẻ: Hãy lắng nghe linh cảm của người mẹ

Trên trang cá nhân của mình, BS Trương Hữu Khanh chia sẻ với các bác sĩ trẻ về cách tiếp xúc với thân nhân bệnh nhi khi họ quá sốt ruột về bệnh của con mình, phải tôn trọng linh cảm của người mẹ trong lúc này.

BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - Ảnh: AloBacsi

Nhiều lần giải quyết bức xúc của thân nhân bệnh nhân, điều tôi lo nhất là bác sĩ không bao giờ chấp nhận mình có sai, chưa tập suy nghĩ “có thiếu điều gì đó mà chúng ta chưa làm được cho bệnh nhân, chưa giải thích đủ cho người nhà”.

Thân nhân bệnh nhi có thể nói quá hơn một chút, chúng ta cũng có thể chấp nhận và tìm cách giải thích ổn thỏa vì họ xuất phát từ sự mất mát quá lớn.

Bác sĩ điều trị và nhân viên y tế nên tự hỏi “phải chi, giá như” mình làm cái này, làm chuyện này sớm hơn, giải thích rõ hơn chắc trẻ không nặng, chắc thân nhân không thắc mắc... trước khi đưa ra nhận định “chúng tôi cực quá mà, chúng tôi đã làm hết sức, cứu được nhiều bệnh không sao, sai tý đã bị phê phán”.

Phải đối mặt trực tiếp khi họ bức xúc mới thấy đa số họ tôn trọng người bác sĩ và y tá có tâm và tôn trọng họ.

Các câu nói họ chê trách rất giống nhau và kéo dài mà không thấy bác sĩ và y tá thay đổi:

- Tôi là bác sĩ hay ông/bà là bác sĩ?

- Không sao đâu, có gì đâu mà làm quá!

- Nạt nộ thân nhân bệnh nhân khi họ đòi hỏi giải thích về bệnh và điều trị. Họ cũng thường nói câu “tôi vì con mình nên đành nhịn thôi”!

...

Điều nguy hiểm là bác sĩ càng trẻ càng dễ có những cái tính cách không hợp lý này!

Có lẽ các bác sĩ trẻ không trực tiếp điều trị bệnh nhân, nghe trực tiếp những bức xúc của thân nhân mà học hỏi. Và khi bệnh nhân trở nặng, bác sĩ lớn hay quản lý khoa nên tìm hiểu trước những bức xúc của họ để giải thích đủ.

Gần như tất cả trường hợp bức xúc, sau khi giải thích họ không chê trách phương pháp điều trị mà do tâm lý tiếp xúc.

- Khi người mẹ có cảm giác lo lắng về bệnh con mình, thì phải đặt chuyện linh cảm của người mẹ đúng, đừng tìm cách ép bằng khoa học hay dấu hiệu lâm sàng mà cho rằng họ nói quá.

- Cái gì không thuộc chuyên khoa mình mà mình phải điều trị phải cẩn thận hơn, phải hỏi người lớn nếu thấy bệnh không bớt (2-3 ngày) đừng tự tin “ờ chắc là...”

- Chắc chắn sẽ có những thân nhân cần giải thích lâu hơn và cần có người lớn hơn giải thích.

- Khi nghe trên mạng than phiền về bản thân, đàn em, đồng nghiệp, khoa phòng của mình phải nghiệm xem cái gì có thể sửa được cho họ hài lòng hơn trước không nên “chắc bà này quá quắt”, chuẩn bị chiến đấu để giành lại danh dự. Vì như vậy sẽ không giành lại được danh dự, chỉ theo quy luật win- win mọi chuyện mới ổn thỏa.

BS Trương Hữu Khanh

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X