Hotline 24/7
08983-08983

BS Trương Hữu Khanh: Nguồn lây COVID-19 ở Đà Nẵng mới du nhập gần đây

Trong buổi livestream mới nhất với tựa đề: "Ca Đà Nẵng: Bình tĩnh chiến đấu", BS Trương Hữu Khanh nhận định nguồn lây COVID-19 ở Đà Nẵng mới du nhập gần đây chứ không phải có sẵn ở trong nước từ lâu rồi.

Tình hình ở Đà Nẵng có ca lây nhiễm trong cộng đồng rõ ràng là chúng ta không mong muốn nhưng nó sẽ tới thôi. Chúng ta đã có 99 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng, tình hình này kéo dài được bao nhiêu hay bấy nhiêu chứ đừng có mong 100 ngày, hay mong được 1-2-3 tháng… bởi vì vẫn không kiểm soát được nguồn lây từ ngoại lai lọt vào, sớm muộn virus cũng sẽ nhảy từ bên ngoài vào thôi.

Với trường hợp bệnh nhân 416 ở Đà Nẵng, tôi nhận định là virus vào từ biên giới chứ không thể nào đã tồn tại lâu từ trước đó ở trong nước. Nó chỉ mới xuất hiện thôi, tính từ thời điểm bệnh nhân 416 bị bệnh lùi về trước 14 ngày chứ không hơn bởi vì nếu nó tồn tại lâu thì đã gây ra nhiều ca bệnh rồi, trong đó chắc chắn đã có ca viêm phổi nặng chứ không thể nào âm thầm có từ lâu mà giờ mới xuất hiện 1 ca nặng.

Alobacsi BS Trương Hữu Khanh: Nguồn lây COVID-19 ở Đà Nẵng

Chúng ta nhớ rằng những ca lây nhiễm trong cộng đồng đều phát hiện ở cơ sở y tế chứ không phải một người đang ngoài đường tự nhiên đi vào xét nghiệm. Họ phải có triệu chứng lâm sàng, ho, khó thở, thở nhanh… và đi khám bệnh thì mới phát hiện dương tính với nCoV.

Việc chú ý “bắt” những ca bệnh phổi diễn tiến nhanh thì hệ thống của chúng ta thực hiện cũng lâu rồi. Tôi có theo dõi tình hình bệnh hô hấp hiện của người lớn và trẻ em ở các tỉnnh hiện nay cũng không quá nhiều, một số ca bệnh phổi nặng cũng xét nghiệm nhưng vẫn âm tính. Điều này góp phần khẳng định nguồn lây COVID-19 ở Đà Nẵng là mới du nhập gần đây.

Và chính vì virus này mới lọt vào gần đây nên việc “dí” theo và vây lại sẽ dễ hơn nhiều so với lọt vào lâu rồi, bởi vì càng lâu người ta càng đi nhiều nơi. Mấy trăm người chúng ta vây lại và xét nghiệm đến nay vẫn âm tính. Những người này dù không nhớ hết được họ đi đâu về đâu nhưng khi biết được nơi họ sinh sống thì chúng ta có thể phán đoán khả năng lây nhiễm có thể ở những cụm nào, từ từ sẽ rà ra thôi, việc này đòi hỏi phải có thời gian.

Nếu chúng ta không cùng nhau làm thì sẽ đến lúc chỉ còn 1 cách duy nhất là bảo vệ người lớn tuổi và người có yếu tố nguy cơ. Tình hình hiện nay thì chúng ta vẫn còn thời gian để “dí” theo con virus này và vây lại. Tất cả chúng ta bình tĩnh cùng làm, đừng có rối lên, rối lên không ích lợi gì đâu!

Theo tôi thì với thời tiết này, không thể 2 người đi ngoài đường không nói chuyện với nhau mà lây cho nhau được, vì đó là không gian vừa nóng vừa thoáng, không phải như mùa đông vừa ẩm lạnh, vừa tù túng. Cho nên chúng ta đừng quá lo lắng tới mức sợ đi ra đường.

Vấn đề đặt ra lúc này là nếu không ngăn chặn nguồn lây bệnh ở ngoài vào thì chắc chắn mình sẽ “dính đạn” nhiều hơn. Người về nước bằng máy bay thì chắc chắn được đưa đi cách ly rồi, mối nguy còn lại là những người đi qua biên giới bằng đường bộ. Do đó, ngoài việc thắt chặt kiểm soát ở các tỉnh biên giới thì các tỉnh không ở sát biên giới cũng phải có chiến lược phòng thủ. Điều này đòi hỏi tất cả chúng ta cùng làm chứ cơ quan nhà nước không thể kiểm soát được hết.

Và nguồn lây từ đường bộ nếu muốn đi xa thì chỉ có đi xe khách thôi, mình ngồi chung với người ta thì có thể bị lây, cho nên đi xe là phải mang khẩu trang, và mang đúng cách. Cho tới hiện nay, những nước trước đây phản đối mang khẩu trang, kỳ thị người mang khẩu trang thì giờ họ cũng đã hiểu và công nhận vai trò của khẩu trang rồi.

Nếu một người bị bệnh mà họ có ý thức mang khẩu trang, ở trong nhà thì sau 14 ngày họ sẽ hết lây thôi, cũng giống như một người được cách ly cho đến khi phết ra hết virus.

Hiện nay một số người lên xe buýt không mang khẩu trang sẽ bị mời xuống xe, nhưng vẫn còn một số người lơ là, điều này rất nguy hiểm, vì xe là không gian chật hẹp, chỉ cần 1 người ho thì mầm bệnh sẽ tồn tại lòng vòng trong không khí suốt cả chuyến xe, thậm chí suốt cả ngày.

Theo tôi, những người chủ nhà hàng, siêu thị phải xem cửa hàng của mình có lạnh quá không?

Những người tiếp xúc trực tiếp với nhiều người như làm nghề buôn bán, nhân viên lễ tân, nhân viên giao hàng… bắt buộc phải mang khẩu trang trở lại.

Những người đi vào bệnh viện phải đeo khẩu trang. Còn người thân đừng có đi thăm bệnh, chỉ người nào bị bệnh mới đến bệnh viện thôi.

Chúng ta tận dụng lợi thế thời tiết ưu đãi và việc mang khẩu trang để ngăn virus lây từ người này sang người khác.

(…)

Trích livestream của BS Trương Hữu Khanh tối 25/7
Hồng Nhung (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X