Hotline 24/7
08983-08983

BS Trương Hữu Khanh gợi ý cách cho trẻ uống thuốc dễ dàng, an toàn

Theo BS Trương Hữu Khanh, cho trẻ uống thuốc là một kiến thức bố mẹ cần phải học và chuẩn bị, không nên đợi con ốm rồi mới nháo nhào bịt mũi, miệng ép con trẻ uống, như vậy sẽ càng thêm chống đống và có khả năng sặc.

1. Cần chuẩn bị gì để trẻ uống thuốc dễ dàng hơn?

Thưa BS, những khi trẻ đau ốm, việc uống thuốc là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, đây cũng là việc rất khó khăn vì nhiều trẻ không chịu uống thuốc. Nhờ BS hướng dẫn, cha mẹ cần chuẩn bị như thế nào để trẻ uống thuốc dễ dàng hơn?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đúng là việc cho trẻ uống thuốc rất nhiêu khê. Các bậc phụ huynh như vật lộn với trẻ, thậm chí là bất lực. Vì vậy, chúng ta phải tập ngay từ nhỏ cho trẻ. Tập bằng cách, cho trẻ chơi cùng búp bê (gấu…) và nói chuyện, cùng con tập cho búp bê (gấu…) uống thuốc. Khi trẻ ốm, bệnh cần uống thuốc, bé quen với việc vui chơi cùng búp bê, gấu trước đó thì ba mẹ sẽ dễ dàng hơn.

Hai nữa, chúng ta nên thỏa thuận “hòa bình” với trẻ, không nên áp lực để bịt mũi, ép con uống. Như vậy, trẻ sẽ càng kháng cự và có khả năng sặc. Chúng ta có thể sử dụng những xilanh nhỏ để bơm vào cạnh má, và chỉ dùng với những loại thuốc tán ra hoặc pha được, siro ngọt.

2. Thuốc dạng lỏng, thuốc viên nén, con nhộng, loại nào khó uống nhất?

Những loại thuốc: thuốc dạng lỏng, thuốc viên nén, thuốc con nhộng… loại nào khó uống nhất đối với trẻ, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đương nhiên, loại dạng lỏng như siro sẽ dễ uống nhất. Nhưng có những trẻ lại thích uống dạng viên hơn. Điều này tùy thuộc vào trẻ. Đa số, dạng siro, thuốc gói có mùi thơm dễ uống hơn,… Nếu trẻ không uống được thuốc dạng viên thì chúng ta phải tán ra, hoặc thay thế bằng dạng dung dịch, bột.

3. Bẻ nhỏ viên thuốc cho trẻ uống, nên hay không?

Có nên bẻ nhỏ viên thuốc cho trẻ dễ uống không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vấn đề quan trọng là viên thuốc đó có được tán ra không. Nếu được thì các bậc phụ huynh có thể tán ra cho trẻ dễ sử dụng. Nếu thuốc đó có khấc bẻ thì bẻ cho trẻ dễ uống. Đa số, các thuốc sẽ tán ra được, chỉ loại trừ một số loại bao phim cần giải phóng từ từ thì mới bàn đến chuyện không cắt, không tán ra.

4. Dùng thuốc kèm nước ép trái cây, có mất hiệu quả của thuốc?

Nếu bé chê thuốc đắng, có thể dùng các loại nước ép trái cây bé thích thêm vào thuốc cho bé dễ uống hơn không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thực tế, chúng ta có thể pha bất kỳ loại nước nào, miễn giúp trẻ dễ uống thuốc. Vì thường với lượng thuốc khi được pha với nước ép cũng không phải quá nhiều, do đó vẫn cứ làm như bình thường.

5. Thuốc mắc lại ở cổ, cha mẹ nên làm gì?

Trường hợp trẻ uống thuốc, sau đó kêu là có cảm giác viên thuốc mắc lại ở cổ thì cha mẹ nên xử trí thế nào?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thường, với những trường hợp cảm giác viên thuốc mắc lại ở cổ là do uống nước chậm quá, làm cho thuốc khô dính lại. Với tình huống này, ba mẹ cho con ăn thêm thực phẩm, trái cây, chẳng hạn như chuối và sau đó uống thêm nước, thuốc sẽ trôi xuống.

6. Dùng xilanh uống thuốc có làm giảm cảm giác đắng?

Trên mạng có một mẹo là dùng xi lanh cho trẻ uống thuốc nếu thuốc đắng quá, rằng như thế thuốc sẽ chảy vào họng luôn, không qua lưỡi sẽ bớt đắng. Theo BS, mẹo này có áp dụng được không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thực tế, bơm thuốc qua xilanh không phải là thuốc không qua lưỡi và chảy vào họng, bởi vì chúng ta không thể bơm xilanh đi xuyên qua đó được, sẽ rất sâu. Việc bơm xilanh giúp cho trẻ không ngậm vào, dễ uống hơn, chứ không “thoát” qua được vùng lưỡi. Đắng hay ngọt là do thuốc và do cách chúng ta pha thuốc, còn xilanh nhỏ, gọn giúp bơm nhẹ nhàng.

7. Bí quyết giúp cha mẹ không “vật lộn” với con khi uống thuốc

Nếu cha mẹ đã làm nhiều cách nhưng trẻ vẫn không chịu uống thuốc thì phải làm sao, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Chúng ta không thể nào bóp mũi, bóp miệng để ép trẻ uống thuốc. Vì vậy, không còn cách nào khác ngoài việc tập cho trẻ ngay từ khi chưa bị bệnh. Nếu đợi “đấu vật” với trẻ thì các bậc phụ huynh sẽ không lại.

Cha mẹ có nên trao phần thưởng khi trẻ chịu uống thuốc không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Việc khen thưởng sau một hành động của trẻ, không riêng gì uống thuốc là điều cần thiết. Khen thưởng giúp cho trẻ thêm khả năng tiếp xúc, học hành, ngoan ngoãn thì nên làm. Cách thưởng thì tùy theo mỗi bố mẹ, có thể là đồng ý chở bé đi chơi một vòng… Đó là khuyến khích cho trẻ khi hành động một việc đúng, tốt.

BS có thể chia sẻ một số mẹo giúp trẻ uống thuốc an toàn?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ em hay người lớn trước sau gì cũng phải uống thuốc. Ngay cả người lớn đôi khi cũng ngán uống thuốc, không riêng gì trẻ. Vì vậy, cha mẹ phải hướng dẫn cho trẻ bằng cách cùng con chơi với búp bê, gấu… và giáo dục khi ốm cần phải uống thuốc mới mau hết bệnh, như vậy mới được đi chơi, đi học… Đừng để đến lúc phải “đấu vật” với trẻ về việc uống thuốc. Ngoài ra có thể sử dụng xilanh, làm cho thuốc ngọt hơn. Đặc biệt, không nên cho trẻ uống thuốc khi no bụng, vì như vậy sẽ dễ bị ọc, ói. Với các loại thuốc uống sau ăn thì cần dùng cách ra.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X