Hotline 24/7
08983-08983

BS Trương Hữu Khanh chỉ ra 5 dấu hiệu nhận biết hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em

BS Trương Hữu Khanh nhận định, hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) ở trẻ em thường xảy ra trong vòng 1,5 tháng sau khi khỏi COVID-19, nếu qua thời gian này các bậc phụ huynh không còn lo lắng về MIS-C. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng rất hiếm gặp, nhất là kể từ khi Omicron xuất hiện.

1. Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em có phổ biến?

Thưa BS, gần đây tin tức về hội chứng viêm đa hệ thống ở F0 trẻ em (MIS-C) khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Xin BS cho biết, hội chứng này có biểu hiện gì, ảnh hưởng đến những cơ quan nào trong cơ thể?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đây là hội chứng viêm đa cơ quan, nhiều cơ quan trong cơ thể bị viêm. Trong đó, người ta sợ nhất là ảnh hưởng đến tim. Hội chứng này có thể gặp nhưng rất hiếm, thường xảy ra ở người Âu Mỹ, Mỹ la tinh, bởi vì đợt đầu tiên dịch ở Vũ Hán không ghi nhận trẻ bị MIS-C, tương tự ở châu Á không bị nhiều, ghi nhận rải rác. Ngay cả ở Mỹ, tỷ lệ mắc cũng thấp, thậm chí kể từ khi chủng Omicron xuất hiện không ghi nhận hội chứng này nữa. Điều này cho thấy Omicron rất thuần với con người, nên không tạo ra hội chứng lạ.

Lý giải về nguyên nhân gây hội chứng này, người ta cho rằng, sau khi mắc bệnh, một số trẻ có hệ miễn dịch mạnh sẽ tiếp tục đi tìm xác virus để đánh và đánh nhầm trên một số cơ quan. Biểu hiện của MIS-C không âm thầm mà bắt buộc phải có sốt, đặc biệt chỉ xảy ra trong khoảng 1,5 tháng (kể từ khi trẻ mắc COVID-19), sau thời gian này thì không có nữa.

2. Trẻ nào dễ gặp hội chứng viêm đa hệ thống?

Theo BS, những trẻ nào dễ bị MIS-C hơn trẻ khác? Có phải trẻ bị bệnh nền thì dễ bị hơn không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hội chứng MIS-C không liên quan đến bệnh nền mà đặc tính là thường gặp ở trẻ lớn, khoảng 8 tuổi trở lên sẽ thường gặp hơn ở trẻ độ tuổi nhỏ.

Nhờ BS nhắc lại: thế nào là bệnh nền ở trẻ em? Những bệnh được điều trị lâu rồi có được xem là bệnh nền không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bệnh nền ở trẻ em là những bệnh nền đang có. Ví dụ:

- Trước đó 3-5 năm trẻ bị hen suyễn, nhưng giờ được kiểm soát thì đó không phải bệnh nền.

- Hoặc chúng ta hay nói, nguy cơ ở trẻ sinh non, nhưng sinh non là trẻ vừa được sinh ra, còn nếu sinh non nhưng giờ đã lớn thì không phải.

- Hoặc bệnh thận đã mắc trước đó mà đã điều trị khỏi thì không phải bệnh nền, nhưng nếu trẻ đang suy thận, suy gan, suy giảm miễn dịch là bệnh nền.

- Hoặc trẻ bại não nằm một chỗ được xem là bệnh nền, còn trẻ hơi chậm phát triển cũng không phải là bệnh nền.

3. Trước đại dịch COVID-19, hội chứng viêm đa hệ thống thường gặp ở bệnh lý nào?

Trước đại dịch COVID-19, hội chứng viêm đa hệ thống được ghi nhận nhiều không, có thể gặp ở những bệnh lý nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trước khi có dịch COVID-19, người ta thường gọi MIS-C là hội chứng Kawasaki. Nếu bàn luận kỹ thì sẽ có khác biệt một chút nhưng về cách điều trị cũng tương tự như vậy, thậm chí hội chứng MIS-C còn dễ chữa hơn Kawasaki và cũng đỡ tốn kém hơn.

Người ta nghiên cứu thấy rằng, nguyên nhân chính gây ra hội chứng Kawasaki là do sau khi nhiễm virus nào đó cùng với cơ địa đặc biệt. Hiện nay, một số trẻ có cơ địa đặc biệt nhiễm thêm COVID-19, đặc biệt là chủng còn hoang dại như Delta thì sẽ có hội chứng MIS-C. Tuy nhiên, từ khi có Omicron thì gần như không thấy MIS-C nữa.

4. Dấu hiệu nhận biết triệu chứng của MIS-C?

Theo BS, khi phát hiện con trẻ có triệu chứng của MIS-C, phụ huynh có cần đưa trẻ đi bệnh viện lập tức không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thực tế, cha mẹ sẽ không biết được đó là hội chứng MIS-C hay không, bởi khi khám bác sĩ cần làm thêm rất nhiều xét nghiệm, thậm chí là siêu âm tim. Vì vậy, nếu trong vòng 1,5 tháng mà trẻ có triệu chứng sốt kèm theo nôn ói, đau đầu, tiêu chảy, thở mệt thì nên đi khám. Quá 1,5 tháng thì không phải suy nghĩ về MIS-C nữa, nếu xuất hiện triệu chứng thì đó có thể là một bệnh lý khác.

Tuy nhiên, điều lo lắng nhất là coi chừng chẩn đoán nhầm MIS-C, sốt xuất huyết, lao… Nhưng việc chẩn đoán, phân biệt đó là của bác sĩ. Còn phụ huynh khi thấy trẻ có các triệu chứng trên thì cần cho trẻ đi khám bác sĩ.

5. Điều trị hội chứng viêm đa hệ thống như thế nào?

Hội chứng MIS-C được điều trị như thế nào, có nhanh khỏi không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hội chứng MIS-C nếu được phát hiện, điều trị sớm thì rất nhanh hết. Hiện nay, khả năng đe dọa tính mạng của trẻ rất thấp. Mặc dù có những trẻ nặng, phải truyền một số loại thuốc, lọc máu nhưng tỷ lệ đó rất thấp. Theo tôi biết, tỷ lệ tử vong gần như không có.

Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì MIS-C có thể để lại hậu quả gì ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi biết, đến hiện nay, trong vòng 6 tháng sau khi trẻ mắc bệnh chưa thấy trẻ nào có di chứng.

Như vậy, phụ huynh nên nhìn nhận sao cho đúng về MIS-C, có nên lo lắng nhiều về vấn đề này không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi, trẻ em gần như không có hội chứng hậu COVID-19 giống người lớn. Những tình trạng như đau nhức kéo dài, tụt cảm xúc vô cùng hiếm. Riêng hội chứng MIS-C, các phụ huynh nên nhìn nhận đây là tình trạng hiếm gặp, đặc biệt với chủng Omicron, chúng ta đừng quá hoảng loạn.

Hội chứng MIS-C không phải làm cho trẻ tự nhiên “lăn đùng” ra mắc bệnh mà nó có triệu chứng ban đầu. Khi nghi ngờ bất cứ điều gì liên quan đến sức khỏe của trẻ, phụ huynh có thể đưa bé đi khám như bình thường.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X