Hotline 24/7
08983-08983

BS Trương Hữu Khanh: 3 lỗ hổng để “lọt lưới” COVID-19 lây ra cộng đồng

Tối 2/12, BS.CK2 Trương Hữu Khanh đã livestream chỉ ra 3 lỗ hổng để “lọt lưới” COVID-19 lây ra cộng đồng tại TPHCM, mỗi người nên làm gì để bảo vệ mình, dự đoán bao lâu tình hình sẽ lắng xuống và giải đáp thắc mắc của mọi người về khả năng bị lây của các F1, F2, F3…

3 lỗ hổng để “lọt lưới” COVID-19 lây ra cộng đồng tại TPHCM

Tối 2/12, “hiệp sĩ chống dịch” - BS Trương Hữu Khanh đã có buổi livestream bàn về tình hình dịch COVID-19 lây ra cộng đồng tại TPHCM. Theo ông, có 3 lỗ hổng để “lọt lưới” COVID-19:

  1. Người trong khu cách ly lây với nhau: hiện tại chưa chia ra khu dương tính và khu chưa dương tính, họ đi qua đi lại nên sẽ lây cho nhau.
  2. Khi người cách ly chưa đủ 14 ngày được về nhà thì công tác giám sát: dặn dò, hướng dẫn, liên hệ… như thế nào.
  3. Sự không tuân thủ của bản thân người cần cách ly và gia đình của họ (tức là người cần cách ly, và người biết người đó cần cách ly). Bản thân người cần cách ly đã không tuân thủ, đi nhiều nơi, mà người nhà chắc chắn biết mà không ngăn cản.

Nhìn ra 3 lỗ hổng này, chúng ta sẽ phải nhanh chóng khắc phục thì mới không để “lọt lưới” COVID-19 ra cộng đồng.

Kinh nghiệm từ các lỗ hổng này: từ trước nay chúng ta tự hào là không thể có đường xâm nhập từ sân bay, bởi vì đã cách ly tuyệt đối, người từ nước ngoài về đi cách ly liền, yên tâm không thể lây từ đây. Ngay cả đợt ở Đà Nẵng, chúng ta cũng suy đoán chỉ có thể lây từ đường bộ. Bây giờ chúng ta phải cảnh giác hơn với nguồn lây từ đường hàng không. Cách ly là phải chuyên nghiệp, không được lơ là.

alobacsi BS Trương Hữu Khanh: 3 lỗ hổng để “lọt lưới” COVID-19 lây ra cộng đồng

Tình hình đợt này ở TPHCM có căng như hồi Đà Nẵng không?

Có người hỏi tình hình đợt này có căng như hồi Đà Nẵng không? Theo BS Trương Hữu Khanh thì sẽ đỡ hơn vì đợt này chúng ta biết được F0 và thời gian F0 này tồn tại ngoài môi trường không phải là quá lâu.

Thứ 2 là chúng ta biết được đường lây (biết rõ đường mà F0 đi) và truy ra được F1 (F1 là quan trọng nhất, còn F2, F3 thì dè chừng thôi).

Thứ 3, chúng ta phải tính toán thời gian để ngăn chặn lây trong bệnh viện.

Một điều may mắn nữa là gần 800 F1 ở TPHCM đợt này hầu hết đã âm tính. Nếu 800 F1 này âm tính thì sẽ “cắt đuôi” được chuỗi các F sau đó của họ, vì các F1 đã vào khu cách ly rồi. Nếu họ âm tính nghĩa là trước thời điểm cách ly họ không lây cho ai cả, đồng nghĩa những người có tiếp xúc sẽ ra khỏi F (không phải là F). Còn việc sau đó nếu họ có dương tính thì cũng là dương tính trong khu cách ly, có lây thì lây trong khu cách ly.

Mỗi người cần làm gì trong đợt lây nhiễm cộng đồng tại TPHCM?

Có các yếu tố kể trên thì tình hình tại TPHCM đợt này sẽ nhẹ và nhanh hơn đợt ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải dốc sức ra để ngăn chặn. Mỗi người cần lắng nghe xem yếu tố nguy cơ của mình như thế nào, người xung quanh mình có nguy cơ hay không?

Tình hình hiện nay, nếu đột nhiên mình thành F1, F2… thì cũng không lạ, do đó phải nghiệm lại rằng nếu những ngày qua, đi đâu mình cũng mang khẩu trang thì bây giờ đỡ phải lo lắng. Cho nên bây giờ chúng ta không được lơ là, phải mang khẩu trang lại thôi.

Những người đang là F2 phải mang khẩu trang và lắng nghe xem F1 của mình có dương tính hay không? Nếu F1 của mình dương tính thì họ trở thành F0, còn mình “lên chức” thành F1, mình phải báo cho cơ quan y tế để vào khu cách ly.

Điều quan trọng là chúng ta phải trung thực, phải nhớ chính xác mình đã đi đâu, nếu có nguy cơ thì phải báo cho những người đã tiếp xúc với mình và cơ quan y tế.

Status của BS Trương Hữu Khanh trên trang cá nhân

Đặc biệt là các em sinh viên, trong thời gian chờ đợi F1 của mình âm tính thì phải bảo vệ người nhà của mình, phải đeo khẩu trang + rửa tay để phòng ngừa cho người nhà.

Các bệnh viện cũng phải canh kỹ không để có ca ngoài cộng đồng lọt vào bệnh viện. Bệnh viện phải thay đổi mức độ tầm soát, đặc biệt là các bệnh viện có người bệnh mạn tính. Chắc chắn Sở Y tế cũng bàn rồi và các bệnh viện đang tiến hành rồi.

Các nơi có không gian khép kín càng đề cao việc tuân thủ đeo khẩu trang. Những nơi đông người, khó kiểm soát phải gắn camera.

Các tỉnh khác cũng sẽ “chăm chút” những người từ TPHCM về thì mình phải sẵn sàng hợp tác.

Chúng ta trở lại giai đoạn xung quanh có nhiều nguy cơ. Trước đây từng có giai đoạn nhiều nguy cơ, chúng ta đã chấp hành, sau đó nguy cơ giảm xuống thì lơ là, bây giờ nguy cơ trở lại thì việc cần làm là phải chấp hành biện pháp phòng chống dịch thôi.

Dự đoán đợt bùng phát COVID-19 lần này tại TPHCM bao lâu sẽ lắng xuống?

Nếu từ nay đến 2 tuần nữa không có ca mới thì mừng, vì có nghĩa là bệnh không nhân thêm và đợt lây nhiễm này có thể dừng lại trong 3-4 tuần.

Nhưng mà dù sau bao nhiêu ngày không có ca trong cộng đồng thì chúng ta vẫn phải tuân thủ phòng dịch, bởi nguy cơ có thể trở lại bất cứ lúc nào.

Đừng có nghĩ sau nhiều ngày không có bệnh ở cộng động là an toàn. Vài chục ngày hay vài trăm ngày là như nhau khi xung quanh còn nguy cơ. Tự bảo vệ bản thân, có trách nhiệm với cộng đồng phải thực hiện thường xuyên.

Khả năng đáp ứng xét nghiệm trên diện rộng ở TPHCM hiện nay như thế nào?

Theo BS Trương Hữu Khanh, xét nghiệm không phải là vấn đề quá quan trọng và “diện rộng” là rộng tới mức nào, tùy tình hình chứ không phải tự nhiên bung ra.

Trước đây tại TPHCM cũng đã làm xét nghiệm rất nhiều rồi, chẳng hạn như tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã xét nghiệm cho nhân viên trong nhiều tuần nhưng tất cả đều âm tính. Đa số các bệnh viện cũng có làm như vậy.

BS Trương Hữu Khanh giải đáp câu hỏi về khả năng lây COVID-19, khi nào cần cách ly

1. Người từ Hà Nội về Sài Gòn có cần cách ly không?

Từ Hà Nội về Sài Gòn thì không lo, chỉ có chiều từ Sài Gòn về Hà Nội thì tại Hà Nội sẽ phải quan tâm người này đến từ vùng nào ở Sài Gòn, đã đi những đâu tại Sài Gòn để đánh giá nguy cơ.

2. Bệnh nhân 1.348 có đến Bệnh viện Chợ Rẫy, nguy cơ thế nào?

Chắc chắn Bệnh viện Chợ Rẫy đã coi camera xem người này đi đến những đâu, khoanh vùng lại, thông báo, xét nghiệm.

3. F1 âm tính mấy lần thì F2 và F3 yên tâm?

Một lần thôi! Khi F1 âm tính có nghĩa là từ thời điểm làm xét nghiệm trở về trước họ không có khả năng lây, và người tiếp xúc với họ đi ra khỏi chuỗi F. Còn sau đó họ đã đi cách ly rồi, nếu có dương tính thì thời điểm dương tính của họ cũng xảy ra trong khu cách ly.

Chỉ khi nào F1 của mình chưa có kết quả xét nghiệm thì mình mới là F2, F3.

Còn khi F1 dương tính thì mình được “lên chức” vì F1 lúc này là F0, F2 thành F1, F3 thành F2. Và F1 mới này sẽ phải đi cách ly và làm xét nghiệm.

4. Ở trường học vẫn có người không đeo khẩu trang, phải làm sao?

Mình phải bảo vệ mình trước, là chính mình phải đeo. Nếu mình là người có chức năng thì nhắc người ta, hoặc báo cho người có chức năng.

5. Nếu tình cờ đi trên con đường mà bệnh nhân COVID-19 đã đi thì mình có lây không?

Nếu chỉ đi ngang thì không đáng kể, phải là ở chung một không gian kín với người đó, hoặc nói chuyện với người đó thì mới có nguy cơ bị lây. Ngoại trừ trường hợp ở xứ lạnh, không khí tù đọng thì nguy cơ mới tăng nguy cơ bị lây, bởi mật độ virus văng ra khi người đó nói, ho cứ luẩn quẩn ở đó hoài.

6. Những người đến quán cà phê sau khi bệnh nhân COVID-19 đi khỏi thì có cần cách ly không?

Người đến quán cà phê sau khi bệnh nhân đi khỏi thì không cần cách ly, tuy nhiên cần lắng nghe xem những nhân viên của quán đó có bị lây hay không. Đồng thời mình vẫn nên mang khẩu trang và hạn chế tiếp xúc.

Hồng Nhung (ghi)

Nguồn: Livestream của BS Trương Hữu Khanh tối 2/12

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X