Hotline 24/7
08983-08983

BS Phan Xuân Trung: Người đã tiêm ngừa vẫn có thể bị mầm bệnh "quật ngã" khi tiếp xúc dày đặc

Trước nhiều thắc mắc về vấn đề vì sao nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã được chủng ngừa COVID-19 nhưng vẫn bị mắc bệnh, BS Phan Xuân Trung - Trung tâm Y khoa Medic đã có những phân tích cụ thể giúp người đọc hiểu rõ về bản chất và sự tác động của vắc xin, để từ đó đưa ra lời giải đáp cho chính câu hỏi trên.

Không phải ai cũng sinh ra kháng thể như nhau

BS Phan Xuân Trung cho rằng, bản chất của vắc xin là một loại chất kích thích miễn dịch giả dạng mẩm bệnh (mầm bệnh chết hoặc mảnh sinh học từ mầm bệnh). Vắc xin được cấy vào cơ thể để cơ thể nhận diện và sinh ra kháng thể tương ứng với mầm bệnh đó.

Trên từng cơ thể của mỗi người sẽ có đáp ứng khác nhau đối với vắc xin. Chính vì vậy mới có tình trạng, khi mới cấy vắc xin vào người, có trường hợp không biểu hiện phản ứng, ngược lại có trường hợp phản ứng như đang gặp mầm bệnh thật. Thậm chí là có người quá mẫn với mầm bệnh dẫn đến tử vong.

Khi vắc xin vào người, một thời gian sau sẽ sinh ra kháng thể đặc hiệu với mầm bệnh đó để khi gặp lại vi trùng/ virus thì cơ thể đã có sẵn lực lượng chống đỡ. Song cũng tương tự như việc đáp ứng với vắc xin, kháng thể sinh ra trên mỗi cơ địa cũng không giống nhau, có người sinh ra nhiều, có người sinh ra ít, trường hợp đặc biệt còn không sinh ra chút kháng thể nào. Chính vì vậy, theo BS Phan Xuân Trung, sau khi chích ngừa thì cần phải xét nghiệm xem cơ thể đã tạo kháng thể chưa.

Vắc xin không đảm bảo một “lá chắn” chống virus 100%

BS Phan Xuân Trung cũng nhấn mạnh, dù là trong cơ thể có sẵn kháng thể để chống virus, nhưng không chắc lực lượng kháng thể đó đủ mạnh để chống lại virus khi bị xâm nhập với số lượng lớn. Người đã tiêm ngừa vẫn có thể bị quật ngã bởi mầm bệnh khi việc tiếp xúc có phần dày đặc.

“Trong không gian kín đầy nhóc mầm bệnh thì việc hít virus là điều hiển nhiên. Virus đó xâm nhập vào tế bào vùng hầu họng và bắt đầu chu kỳ sinh sản. Những con virus đầu tiên có thể bị thực bào ăn thịt nhưng với số lượng lớn virus thì thực bào không dọn hết được, do đó chúng tiếp tục xâm nhập tế bào mũi họng để sinh sôi ở nơi đó. Do vậy, lấy mẫu dịch ở vùng hầu họng để xét nghiệm thì đương nhiên là dương tính. Và người này vẫn có khả năng “phun ra mẻ” virus mới cho người xung quanh” - BS Phan Xuân Trung cho biết.

Vì vậy, BS cho rằng, do cơ thể của người được tiêm đã có kháng thể nên khi bị nhiễm lại, có thể họ sẽ không phát thành bệnh nhưng cũng hoàn toàn có thể bị bệnh với đầy đủ triệu chứng của bệnh. Như vậy, vắc xin không đảm bảo một “lá chắn” chống virus 100%.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X