Hotline 24/7
08983-08983

BS Phan Vương Huy Đổng hướng dẫn bệnh nhân viêm khớp mạn tính cách tập luyện đúng

Theo BS Phan Vương Huy Đổng, bệnh nhân viêm khớp mạn tính cần tập luyện tùy theo tình trạng thoái hóa khớp, được chia làm 4 mức độ.

“Làm thế nào để bớt đau nhức khớp” và “Tập luyện thể thao và bệnh viêm khớp mạn tính” là 2 đề tài được các bác sĩ chia sẻ tại Chương trình tư vấn sức khỏe và tầm soát, diễn ra ngày 3/11 do Phòng khám Đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức với chủ đề “Sống khỏe cùng bệnh viêm khớp mạn tính”.

Đau khớp: không vận động sẽ càng đau

Đau khớp là cơn đau vùng xương khớp. Theo BS. Nguyễn Văn Hoàng Tâm, hiện công tác tại đơn vị cơ xương khớp Phòng khám đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, có đến hàng trăm căn bệnh dẫn đến gây đau khớp. Trong đó có thể chia thành 2 nhóm: suy thoái khớp và viêm khớp.

BS Nguyễn Văn Hoàng Tâm, Phòng khám Đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Nhóm suy thoái khớp có thể do tuổi tác, chấn thương, di truyền... Nhóm viêm khớp có thể do các bệnh gout, viêm khớp dạng thấp, lupus... Tất cả đều dẫn đến tình trạng thoái hoá khớp (dân gian gọi là mòn khớp).

Một trong các phương pháp điều trị đau khớp là bệnh nhân phải luyện tập thể thao. Tuy nhiên, do đau nên không ít bệnh nhân ngại tập. BS Tâm cho biết, không luyện tập có thể khiến cho khớp càng đau.

BS Tâm giải thích: khi không vận động thì dịch khớp sẽ không được trao đổi, khiến cho sụn khớp sẽ bị yếu và tiêu dần. Khi đó, hệ thống dây chằng, hệ thống cơ xung quanh cũng trở nên lỏng lẻo và yếu đi. Sụn khớp bị yếu và tiêu dần thì đau càng đau. Từ đau mà ngại vận động dẫn đến teo cơ, béo phì; từ teo cơ, béo phì dẫn đến càng ngại vận động... người bệnh sẽ rơi vào một vòng xoắn bệnh lý.


Khán giả chăm chú ghi lại những thông tin bổ ích do BS Tâm chia sẻ

Tập luyện thể thao thế nào khi bị viêm khớp mạn tính?

Buổi tư vấn còn có phần trình bày của BS Phan Vương Huy Đổng, giảng viên Bộ môn Y học thể thao Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch Hội Y học thể thao TPHCM với đề tài “Tập luyện thể thao và bệnh viêm khớp mạn tính”.

Theo BS Phan Vương Huy Đổng, bệnh nhân viêm khớp mạn tính cần tập luyện theo tình trạng thoái hóa khớp, được chia làm 4 mức độ:

Thoái hóa khớp gối độ 1: khô khớp
- Dấu hiệu: khô khớp, chưa có dấu hiệu đau, vận động hoàn toàn bình thường, cảm giác khó chịu khi vận động kéo dài/quá mức
- Chụp Xquang: khe khớp, sụn khớp bình thường
- Sinh hoạt: sinh hoạt bình thường, giảm làm việc nặng và kéo dài.
- Tập luyện: luyện tập thể thao bình thường (đạp xe, đi bộ, yoga, bơi lội, cầu lông…), điều chỉnh thời gian để không quá gắng sức
- Thuốc: không cần dùng


Cách chia sẻ của BS Phan Vương Huy Đổng rất gần gũi, thiết thực và dí dỏm

Thoái hóa khớp gối độ 2: tổn thương vừa
- Dấu hiệu: đau khi vận động nhiều/nặng, nghỉ ngơi hết đau, ít khi cần thuốc giảm đau
- Chẩn đoán hình ảnh: bề mặt sụn khớp bị bào mòn ít, hẹp khe khớp 20-30%
- Sinh hoạt: bình thường, hạn chế quỳ gối, ngồi xổm, chạy nhảy, đi cầu thang bộ
- Tập luyện: không nên vận động thể lực va chạm mạnh: bóng đá, cầu lông, bóng rổ…, nên tập các môn: xe đạp, bơi lội, yoga, dưỡng sinh, đi bộ chậm

Thoái hóa khớp gối độ 3: tổn thương nặng
- Dấu hiệu: đau xảy ra thường xuyên, đôi khi đau sau sinh hoạt bình thường kéo dài (ngồi xổm, quỳ gối, đi bộ 15 phút), sử dụng thuốc giảm đau còn duy trì được
- Chẩn đoán hình ảnh: sụn bị mòn nhiều, mất sụn rải rác, p/w gai xương, khe khớp hẹp nhiều (50-70%) nhưng chưa mất hẳn, có xương chai/biến dạng nhẹ
- Sinh hoạt: tránh ngồi xổm, quỳ gối, xách nặng hơn 10kg, đi cầu thang bộ
- Tập luyện: đi bộ chậm, dưỡng sinh, thiền, bơi, yoga nhẹ nhàng. Chú ý hạn chế trụ chân đau, thời gian tập dưới 30 phút/lần và cần tập đều.

Thoái hóa khớp gối độ 4: tổn thương rất nặng
- Dấu hiệu: đau, sưng, biến dạng nhiều, khó gập duỗi, đi lại khó khăn, thuốc giảm đau không có tác dụng
- Chẩn đoán hình ảnh: tổn thương sụn khớp, mất sụn lan rộng, gai lớn, biến dạng khớp, mất khe khớp, biến dạng trục
- Sinh hoạt: đi lại cần gậy/khung hỗ trợ, có thể dùng thêm nẹp gối bảo vệ và nâng đỡ
- Tập luyện: tập nhẹ tại giường, đạp xe tại chỗ, hạn chế tối thiểu chịu lực chân đau. Có thể đi bộ chậm với gậy từ 5-10 phút/lần và tập các khớp không đau còn lại.


Nhiều bệnh nhân tranh thủ nhờ BS Phan Vương Huy Đổng tư vấn cho trường hợp của bản thân và cả người thân, người quen của mình

Đúc kết lại vấn đề, BS Phan Vương Huy Đổng đưa ra những lời khuyên với bệnh nhân viêm khớp:
- Phải xác định tình trạng và độ thoái hóa khớp
- Điều trị các bệnh phối hợp như: béo phì, tiểu đường, loãng xương
- Tập luyện vừa sức, lắng nghe tiếng nói của cơ thể
- Không được lạm dụng thuốc giảm đau để “nuôi bệnh”, nên tái khám định kỳ và tư vấn với BS chuyên khoa.

Cuối chương trình, BS Đổng hóm hỉnh động viên các cô bác tham dự: "Sinh lão bệnh tử là quy luật rồi, có ai già mà không đau? Quan trọng là sinh hoạt và luyện tập phù hợp, sao cho đừng mau chóng sụm bà chè nha bà con!"

Hồng Nhung
Kênh thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X