Hotline 24/7
08983-08983

Bỏ túi những điều cần biết về chủng ngừa phế cầu

Tiêm trễ vắc xin phế cầu trong thời gian giãn cách có ảnh hưởng đến trẻ? Lịch tiêm ngừa ở trẻ sinh non có khác với trẻ sinh đủ tháng? Hàng loạt thắc mắc liên quan đến chủng ngừa phế cầu đã được TS.BS Nguyễn An Nghĩa - Giảng viên Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TPHCM, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, giải đáp.

Phần 1: 4 bệnh nguy hiểm do vi khuẩn phế cầu gây ra, cha mẹ đã biết chưa?

Phần 2: Trẻ sắp quay lại trường học, nên tiêm vắc xin nào để bảo vệ trước 4 bệnh nguy hiểm?

1. Tiêm vắc xin trễ liệu có đạt hiệu quả như tiêm đúng lịch?

Thưa BS, lúc bé nhà em được 6 tuần vì không biết đến phế cầu khuẩn nên không được tiêm ngừa. Xin hỏi, nếu đã trễ lịch vào thời điểm vàng này thì nên chủng ngừa bù vào lúc nào thưa BS? Tiêm trễ như vậy liệu vắc xin có đạt hiệu quả như trẻ tiêm đúng tuổi?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời:

“Thời điểm vàng” để tiêm vắc phế cầu cho trẻ đã trễ lịch tiêm chính là thời điểm mà chúng ta có thể đưa trẻ tiêm sớm nhất có thể. Theo đó, tuỳ vào độ tuổi bé mà bác sĩ sẽ tư vấn lịch tiêm cụ thể và nếu tiêm đủ thì hiệu quả mà vắc xin phế cầu mang lại vẫn đảm bảo tốt.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian tiêm trễ, trẻ có thể mắc những bệnh lý do phế cầu. May mắn là khi quý phụ huynh đặt câu hỏi này thì tôi nghĩ rằng bé vẫn ổn.

2. Vắc xin phế cầu có ngừa được những tác nhân khác gây bệnh viêm tai giữa?

BS ơi, em được biết viêm tai giữa ngoài do phế cầu khuẩn thì còn nhiều tác nhân gây bệnh. Vậy nếu em tiêm phế cầu khuẩn thì có ngừa được cả những tác nhân này không ạ? Em nên chọn loại vắc xin nào để có thể phòng được tất cả những tác nhân này ạ? Mong BS hướng dẫn giúp cho em.

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời:

Có thể thấy, quý phụ huynh đặt câu hỏi này rất quan tâm đến con mình khi đã nghiên cứu rất kỹ tác nhân gây ra viêm tai giữa.

Thường viêm tai giữa do 3 tác nhân chính, bao gồm: phế cầu khuẩn, HI và moraxella catarrhalis. Tuy nhiên, tác nhân thứ 3 chiếm tỷ lệ thấp, 2 tác nhân gây bệnh chủ yếu là phế cầu và HI.

Ngay sau khi tiêm ngừa chủng phế cầu, bên cạnh việc bảo vệ trẻ khỏi tác nhân này, vắc xin cũng có thể giúp trẻ giảm được những đợt viêm tai giữa do HI gây ra. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong những đợt viêm tai giữa đầu tiên, trẻ thường bị bệnh do phế cầu gây ra. Theo đó, từ “bàn đạp” là những đợt viêm tai giữa đầu tiên do phế cầu, vi khuẩn HI sẽ dễ dàng tấn công trẻ trong những đợt viêm tai giữa tiếp theo.Do đó, nếu chúng ta chủng ngừa phế cầu sớm thì không chỉ ngừa được phế cầu mà còn có thể ngừa luôn cả những đợt viêm tai giữa về sau do HI gây ra.

Ngoài ra, hiện nay đã có những sản phẩm vắc xin có thể ngừa được cả 2 tác nhân là phế cầu và HI. Khi quý phụ huynh đưa trẻ đến điểm tiêm ngừa, các bác sĩ sẽ giải thích rõ để có những chọn lựa phù hợp.

TS.BS Nguyễn An Nghĩa - Giảng viên Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TPHCM, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành Y

3. Trẻ vẫn còn quá nhỏ nhưng phải tiêm cùng lúc nhiều mũi vắc xin, liệu có đảm bảo hiệu quả?

BS ơi, em được biết trẻ 6 tuần tuổi là thời điểm lý tưởng để tiêm ngừa phế cầu khuẩn, nhưng lúc này bé còn nhỏ quá liệu có chịu được hết tác dụng của vắc xin không ạ? Đặc biệt là thời điểm này cũng còn chủng ngừa nhiều vắc xin khác như Rotavirus, 6 trong 1… Mong BS tư vấn giúp em ạ.

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời:

Đây cũng là câu hỏi được nhiều quý phụ huynh đặt ra và lo lắng vì nghĩa rằng con mình chỉ mới 6 tuần tuổi nên sức khoẻ rất kém, việc tiêm vắc xin sẽ khó đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, quý phụ huynh cần phải suy nghĩ ngược lại rằng, trẻ 6 tuần tuổi có nguy cơ cao mắc các bệnh lý nhiễm và rất dễ diễn tiến nặng vì kháng thể không đủ.

Do đó, trẻ càng nhỏ thì càng nên nhận được những mũi tiêm ngừa cần thiết sớm nhất có thể. Như đã trình bày ở những phần trước, quý phụ huynh có thể yên tâm rằngchúng ta có thể cho trẻ tiêm vắc xin phế cầu cùng lúc với các vắc xin khác mà không hề ảnh hưởng gì đến độ an toàn và hiệu quả của vắc xin.

4. Trẻ đã bị viêm tai giữa, có cần tiêm vắc xin nữa không?

Thưa BS, lúc bé nhà em được 12 tháng đã bị viêm tai giữa do phế cầu. Em muốn hỏi, bé đã nhiễm phế cầu khuẩn một lần rồi, liệu có nguy cơ tái nhiễm nữa không và có cần chủng ngừa vắc xin phế cầu? Hiệu quả bảo vệ của vắc xin lúc này được khoảng bao nhiêu %, thưa BS?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời:

Trường hợp mà bạn đọc đã nêu cần đặc biệt tiêm ngay, thậm chí còn cần hơn cả những trẻ chưa bị viêm tai giữa. Bởi đến thời điểm hiện nay, trên thế giới có ít nhất 97 serotype (chủng phế cầu khuẩn). Điều đặc biệt là những chủng này không xảy ra phản ứng chéo, tức lúc trẻ nhiễm phế cầu chủng này thì lần sau vẫn có thể mắc chủng phế cầu khác. Như vậy, nếu trẻ đã bị nhiễm viêm tai giữa do một chủng rồi thì hoàn toàn có thể nhiễm tiếp một chủng khác của phế cầu.

Điều này cho thấy, trẻ đã bị viêm tai giữa vẫn cần phải chủng ngừa vắc xin phế cầu vì trong từng mũi tiêm, vắc xin sẽ giúp ngừa một số serotype chứ không phải một loại duy nhất.

Bên cạnh đó, đa số trẻ đã bị viêm tai giữa sẽ có nguy cơ bị viêm tai giữa cao hơn rất nhiều so với trẻ chưa từng bị bệnh này. Đó cũng chính là lý do mà bạn đọc nên đưa con tiêm phế cầu càng sớm càng tốt.

5. Lịch chủng ngừa phế cầu khuẩn ở trẻ sinh bình thường và trẻ sinh non liệu có khác nhau?

Lịch chủng ngừa phế cầu khuẩn ở trẻ sinh bình thường và trẻ sinh non liệu có khác nhau? Nếu có khác thì cụ thể như thế nào ạ? Mong BS tư vấn cụ thể giùm cho em. Em cảm ơn BS.

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời:

Hiện tại, vắc xin phế cầu có thể chủng ngừa cho những trẻ sinh non từ 27 tuần tuổi trở lên. Thời điểm tiêm chủng là khi trẻ đã đủ 6 tuần tuổi.

Theo đó, lịch chủng ngừa vẫn sẽ áp dụng như cũ và không có thay đổi gì đáng kể. Vì vậy, quý phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm nếu con sinh non thì vẫn có thể tiếp nhận mũi chủng ngừa phế cầu.

Điều cần đặc biệt lưu ý là những trẻ bị sinh non nếu chẳng may bé bị bệnh về phế cầu sẽ dễ diễn tiến nặng và tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với những trẻ sinh đủ tháng. Do đó, chính những trẻ sinh non sẽ cần tiêm phế cầu nhiều hơn những trẻ sinh đủ tháng.

6. Những điều cần lưu ý và chuẩn bị trước - trong - sau khi chủng ngừa phế cầu khuẩn?

Những điều cần lưu ý và chuẩn bị trước - trong - sau khi chủng ngừa phế cầu khuẩn. Sau khi về nhà, các bậc phụ huynh cần theo dõi ra sao và nếu có các dấu hiệu nào thì đưa đến bệnh viện ngay, thưa BS?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời:

Trước khi đưa trẻ đến điểm chủng ngừa,quýphụ huynh cần nắm một số điều sau: bệnh lý mà con đang mắc phải,tình trạng bú sữa mẹ, các thuốc đang sử dụng… để trao đổi với các bác sĩ tại đơn vị chủngngừa. Khi đến điểm tiêm, bác sĩ sàng lọc sẽ chỉ định lịch tiêm phù hợp cho trẻ.

Sau khi tiêm xong, trẻ cần ở lại điểm tiêm trong vòng 30 phút để theo dõi những biến chứng nguy hiểm. Khi về nhà, quý phụ huynh vẫn phải tiếp tục theo dõi những triệu chứng bất thường mà trẻ có thể gặp trong khoảng 24 – 48 tiếng. Đa phần tác dụng phụ sẽ xuất hiện trong 24 tiếng đầu nhưng cũng có một số trường hợp sẽ xuất hiện trong vòng 48 tiếng.

Những phản ứng thường gặp nhất là sốt, quấy khóc, bú giảm. Nếu những triệu chứng này kéo dài hơn 48 tiếng, chẳng hạn như: trẻ đã uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn không giảm sốt hoặc trẻ quấy khóc không chịu nín,vị trí tiêm bị đỏ và sưng nhiều thì quý phụ huynh cần phải đưa trẻ đến đơn vị y tế ngay.

Cha mẹ không nên tiêm ngừa vắc xin phòng ngừa phế cầu khuẩn cho trẻ trễ

7. Tiêm trễ mũi nhắc có cần phải tiêm lại từ đầu?

Em đã chủng ngừa được 1 mũi vắc xin phế cầu cho bé. Nhưng gần đây, cơ sở y tế gần nhà đã hết vắc xin. Xin hỏi trễ mũi vắc xin phế cầu có cần tiêm lại từ đầu? Tối đa cho mỗi lần trễ này là bao lâu? Có khi nào do trễ lịch tiêm mà bé nhiễm phế cầu khuẩn không thưa BS? Em lo quá ạ.

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời:

Nếu vì một lý do nào đó mà trẻ bị trễ lịch tiêm thì vẫn có thể tiêm tiếp tục mũi nhắc và không cần phải tiêm lại từ đầu. Hiệu quả của vắc xin kể từ khi trẻ nhận được loạt chủng đầy đủ vẫn sẽ hiệu quả như thường và không bị ảnh hưởng gì.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian trẻ tiêm trễ thì hiệu quả bảo vệ sẽ không đầy đủ nên trẻ có thể mắc bệnh do phế cầu gây ra.

Trong đợt dịch vừa rồi, nhiều trường hợp trẻ tiêm ngừa trễ. Rất nhiều trẻ chỉ tiêm được 1 mũi hoặc thậm chí có trẻ chưa tiêm được mũi nào nên trong thời điểm đó trẻ hoàn toàn có thể mắc bệnh lý phế cầu.

Nhìn chung, nếu trẻ nhận được một mũi phế cầu thì hiệu lực bảo vệ không thể nào bằng trẻ đã hoàn tất được lịch tiêm. Chính vì vậy, trẻ vẫn có khả năng nhiễm phế cầu.

8. Trong tình huống nào trẻ không nên tiêm ngừa vắc xin phòng ngừa phế cầu khuẩn?

Những tình huống nào trẻ không nên tiêm ngừa vắc xin phòng ngừa phế cầu khuẩn thưa BS? Chẳng hạn như trẻ đang sốt, hay đang uống thuốc thì có được chủng ngừa không ạ?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời:

Như đã chia sẻ, quý phụ huynh cần phải lưu ý trẻ có đang sốt haymắc một bệnh lý cấp tính/mãn tính nào đó hay không, đang sử dụng nhữngloại thuốc nào. Theo đó, khi đến điểm tiêm, phụ huynh phải trao đổi với bác sĩ sàng lọc về những vấn đề đó. Một số trường hợp chúng ta phải trì hoãn mũi tiêm ngày hôm đó, bao gồm:

  • Trẻ sốt cao.
  • Trẻ đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch liều cao trên 2 tuần.

9. Phế cầu không phải là tác nhân hiếm gặp, tiêm ngừa chính là “áo giáp” bảo vệ tốt nhất!

Nhờ bác sĩ có thể gửi một vài lời khuyên đến quý bạn đọc, đặc biệt là các bậc phụ huynh đang có con nhỏ để có thể an tâm hơn trong vấn đề bảo vệ con trước các bệnh nguy hiểm do phế cầu khuẩn gây ra ạ.

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời:

Tổng kết lại những gì đã trao đổi, chúng ta cần lưu ý một số điểm quan trọng sau:

Phế cầu là một tác nhân không hề hiếm gặp và có thể sẽ gây ra những bệnh rất nặng, chẳng hạn như: viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm tai giữa. Những bệnh này đều có thể đưa tới những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Để có thể bảo vệ trẻ, ngoài những biện pháp như giữ vệ sinh, cho trẻ bú sữa mẹ, chế độ ăn dinh dưỡng đầy đủ thì một trong những biện pháp phòng ngừa rất quan trọng đó chính là cho trẻ được chủng ngừa vắc xin ngừa phế cầu.

Xin trân trọng cảm ơn Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam và VPĐD GSK đã đồng hành cùng chương trình!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X