Hotline 24/7
08983-08983

Bổ sung vitamin K2, canxi và acid folic khi mang thai bao nhiêu là đủ?

Một mẹ bầu gửi thư về AloBacsi phân vân rằng không biết nên bổ sung các vi chất dinh dưỡng như thế nào trong thời gian mang thai? ThS.BS Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Y khoa, Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn đã giúp bạn đọc giải đáp ngay thắc mắc này.

Kính thưa bác sĩ, hồi trước, tôi mang bầu lần 1 và đi khám dinh dưỡng nhiều lần, tại những viện dinh dưỡng khác nhau. Có nơi bác sĩ kê cho tôi 40 mcg vitamin K2 1 ngày, có nơi bác sĩ nói rằng: tôi nên uống trong khoảng trên 150mcg, dưới 220 mcg 1 ngày là được; sau này khi không mang bầu, tôi cũng nên uống trong khoảng đó.

Khi tôi đọc trên bao bì các hộp vitamin K2 liều >100mcg mà tôi mua, tôi đều đọc được dòng chữ: không phù hợp với phụ nữ mang thai và cho con bú, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Nay tôi mới mang bầu lần 2 được 5 tuần, và tôi băn khoăn không biết có nên uống vitamin K2 không, và với liều bao nhiêu. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc bác sĩ sức khỏe.

Trần Kim Phượng - trankimphuong…@gmail.com

ThS.BS Trần Anh Tuấn trả lời:

Kim Phượng thân mến,

Nhu cầu Vitamin K khi mang thai là 90 µg mỗi ngày. Nếu bạn không có bệnh lý cần điều trị liều cao thì nên theo nhu cầu hàng ngày là đủ. Khi mang thai cần bổ sung acid folic 400 µg mỗi ngày đến khi thai được 12 tuần để phòng ngừa dị tật ống thần kinh. Bổ sung canxi ngày 1000 mg hay 2 ly sữa mỗi ngày. Khám thai định kỳ mỗi tháng để theo dõi sự phát triển của thai và sàng lọc bất thường nhiễm sắc thể thai nhi.

Viêm cổ tử cung mạn, nhiễm HPV, sinh con được không?

Thưa BS, em đi khám bị viêm mãn cổ tử cung và kèm chuyển sản gai non, nhiễm HPV 18 có thể có con bình thường không ạ?

Thamb - Tham@wel...vn

ThS.BS Trần Anh Tuấn trả lời:

Chào bạn,

Bạn vẫn có thể có con bình thường. Bạn cần tiếp tục khám phụ khoa theo dõi định kỳ ngay cả khi mang thai nhằm mục đích phát hiện sớm bất thường để điều trị.

Nhờ AloBacsi xem giúp em kết quả xét nghiệm soi tươi huyết trắng

Cháu chào bác sĩ, hôm trước cháu thấy có ra khí hư bất thường, màu hơi vàng và có kèm theo máu, lượng máu ngày càng nhiều hơn, và có mùi hôi, hơi loãng ạ. Cháu có đi bệnh viện và người ta soi tươi khí hư thì kết quả là: trichomonas: âm tính, nấm: âm tính, bạch cầu: 1+, cầu khuẩn gr(+): 2+, trực khuẩn gr(-): 2+, trực khuẩn gr(+): 1+, cluecell: âm tính, test sniff: âm tính.

BS kê cho cháu 32 viên rửa vệ sinh ladyformine và 20 viên pricefil. Bác sĩ có thể giúp cháu phân tích kết quả cũng như tình trạng được không ạ? Cháu chưa quan hệ tình dục ạ. Cháu cảm ơn.

2 tháng trước cháu có đi soi tươi 1 lần vì khí hư ra trắng đục, lúc đó kết quả là cầu khuẩn gr(+): 2+, trực khuẩn gr(+): 1+ còn âm tính hết ạ.

Hà An - dangmaithu26111…@gmail.com

ThS.BS Trần Anh Tuấn trả lời:

Chào bạn,

Xét nghiệm soi tươi huyết trắng cho thấy bạn không có nhiễm trùng đặc hiệu mà chỉ viêm âm đạo do tạp khuẩn. Bạn có thể điều trị như đã được hướng dẫn.

Cổ tử cung ngắn 12 cm, liệu có nguy cơ sinh non?

Em mang thai 22 tuần, cổ tử cung ngắn 16 cm. Em có đặt vòng nâng cổ tử cung. 1 tuần sau tái khám đo độ kênh cổ tử cung còn 12 cm. Em không có đau bụng, ra máu. Vậy nguy cơ sinh non của em cao không BS?

Lê Thị Duyên - Duyenle09739…@gmail.com

ThS.BS Trần Anh Tuấn trả lời:

Bạn Duyên thân mến,

Diễn tiến chiều dài cổ tử cung của bạn cho thấy tình hình xấu đi. Bạn cần nghỉ ngơi, dùng thêm thuốc nội tiết và theo dõi sát. Bạn nên tư vấn với với bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa để hiểu về các biện pháp phòng ngừa, điều trị và theo dõi tiếp.

Cảm giác đè nặng hậu môn khi đến chu kỳ kinh nguyệt, do đâu?

Chào bác sĩ, em là nữ 22 tuổi, có kinh nguyệt từ năm 15 tuổi. Trong khoảng 2-3 năm gần đây thì mỗi lần em có kinh nguyệt thì những ngày đầu cảm giác đè nặng ở hậu môn, đi đại tiện cảm thấy đau khi rặn như có gì đè nặng, đi tiểu tiện cũng cảm giác nhưng nhẹ hơn, và triệu chứng chỉ xuất hiện 1-2 ngày đầu lúc có kinh nguyệt thôi ạ, các ngày còn lại đều không bị, và chu kì kinh của em cũng đều. Không biết là do em bị vấn đề gì không ạ? Mong bác sĩ tư vấn.

Nguyễn Bảo An - leva4…@gmail.com

ThS.BS Trần Anh Tuấn trả lời:

Chào bạn,

Bạn nên khám chuyên khoa phụ khoa xem có u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng hay lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung hay không? Nếu không có u thì không cần phải lo lắng. Mỗi khi có kinh nguyệt thì cần sinh hoạt nhẹ nhàng, bạn có thể uống thuốc giảm đau non-steroids để giảm bớt triệu chứng.

Đã cắt 1 bên tai vòi, tỷ lệ mang thai tự nhiên bao nhiều %?

Chào bác sĩ, em từng bị 1 lần thai ngoài và cắt một bên tai vời buồng trứng phải, nhưng ở buồng trứng phải lại có noãn phát triển còn buồng trứng trái thì không. Hiện tại em muốn nối lại để mang thai, nhưng em đã ly hôn nên không khám ở khoa hiếm muộn được, vì phải có đủ vợ chồng em mới khám được. Mong bác sĩ tư vấn cho em. Giờ em phải làm sao? Em chân thành cảm ơn ạ.

Ngọc Minh - khongbt3…@gmail.com

ThS.BS Trần Anh Tuấn trả lời:

Chào bạn,

Bạn đã bị cắt một bên tai vòi, về mặt lý thuyết bạn vẫn có khả năng có thai tự nhiên 50% nếu tai vòi còn lại bình thường. Tai vòi đã cắt sẽ không nối lại được. Bạn vẫn có thể khám hiếm muộn và yêu cầu được kiểm tra tai vòi để được chẩn đoán có khả năng thụ thai tự nhiên hay không?

Ra máu nhiều sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp, có bất thường?

Em có quan hệ tình dục sau khi hết kinh được 1 ngày. Sau đó khoảng 50 phút em uống thuốc tránh thai khẩn cấp. Vì hết kì kinh rồi nên em sử dụng thuốc điều kinh Phụ Huyết Khang (em dùng 2 tháng rồi ạ).

Từ hôm em uống thuốc tránh thai khẩn cấp có ra 1 ít máu nhưng em vẫn tiếp tục uống Phụ Huyết Khang. Cho đến hôm nay là ngày thứ 5 kể từ khi em uống thuốc tránh thai khẩn cấp thì bị xuất huyết khá nhiều, giống như bị kinh nguyệt.

Cho em hỏi có phải vì em sử dụng Phụ Huyết Khang khi đang bị xuất huyết nên máu bị chảy ra nhiều hơn không hay chỉ là do tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp ạ? Vì em thấy hướng dẫn sử dụng ghi không dùng cho người bị xuất huyết mà em vẫn cố uống.

Lê Anh Quỳnh - quan…@gmail.com

ThS.BS Trần Anh Tuấn trả lời:

Chào bạn,

Thuốc ngừa thai khẩn cấp là thuốc nội tiết liều cao dễ gây xuất huyết bất thường, do đó không nên uống quá 2 liều trong một chu kỳ. Nếu không ra huyết nhiều bạn có thể chờ đợi đến khi kinh nguyệt ổn định mà không cần điều trị. Trường hợp ra huyết nhiều, bạn nên đi khám phụ khoa để được chẩn đoán và điều trị.

Buồng trứng đa nang, làm gì để mang thai tự nhiên?

Em 27 tuổi, bị hội chứng buồng trứng đa nang, kết hôn được 1 năm nhưng vẫn chưa có thai, trường hợp như của em thì có thể có thai tự nhiên được không bác sĩ, và tỷ lệ phần trăm có thai tự nhiên khoảng bao nhiêu?

Nguyen Huyen - nguyenhuyen…@gmail.com

ThS.BS Trần Anh Tuấn trả lời:

Chào bạn,

Bạn bị buồng trứng đa nang, là hội chứng gồm: rối loạn rụng trứng, buồng trứng đa nang trên siêu âm, rối loạn nội tiết tố nam. Mặt khác người bệnh thường có rối loạn dinh dưỡng: béo phì, tiểu đường. Một số trường hợp có thể điều trị thuốc tiểu đường có thể gây rụng trứng. Nếu vẫn không thành công thì cần điều trị bằng thuốc kích thích rụng trứng. Buồng trứng đa nang nếu được điều trị phù hợp thì khả năng có con vẫn khá cao. Bạn nên khám chuyên khoa hiếm muộn để được tư vấn và điều trị.

Dừng thuốc Duphaston 9 ngày chưa có kinh nguyệt, phải làm sao?

Chào bác sĩ, nhờ bác sĩ tư vấn giúp. Em bị buồng trứng đa nang 2 tháng không có kinh, đi khám BS kê thuốc Duphaston uống 10v/5n. Em đã dừng thuốc 9 ngày nhưng chưa thấy kinh ạ.

Nguyễn Thu Hà - nguyenthuhatoank…@gmail.com

ThS.BS Trần Anh Tuấn trả lời:

Thu Hà thân mến,

Sau dừng thuốc 7-10 ngày chưa có kinh bạn nên đi khám lại để tìm nguyên nhân. Cần loại trừ nguyên nhân do thai hay do nguyên nhân nào khác mới điều trị phù hợp.

Echo ruột dày, vì sao cần chọc ối?

Chào bác sĩ,

Em năm nay 30 tuổi, mang thai lần thứ 2. Lúc bé 11 tuần 3 ngày siêu âm độ mờ da gáy 1mm, double test nguy cơ hội chứng Down cao(nguy cơ người mẹ1/179) nhưng kết luận cuối cùng là nguy cơ thấp 1/1052.

Em làm thêm xét nghiệm Nipt và cho ra kết quả thấp. Nhưng đến 23 tuần siêu âm 4D thì thai nhỏ so với tuần tuổi, bác sĩ tư vấn tăng cường dinh dưỡng, sau 2 tuần siêu âm lại thì các chỉ số em bé đều bình thường. Nhưng lại xuất hiện echo ruột dày. Bác sĩ tư vấn tiếp phải chọc ối. Mong bác sĩ tư vấn và cho em lời khuyên nguyên nhân bé bị Echo ruột dày và cách điều trị ạ?

Thông tin thêm: Nguy cơ hội chứng Down 1/179 (nguy cơ người mẹ). Kết luận cuối: 1/1052 Nipt:<1/1000000

Nguyễn Thị Kim Liên - Nguyenlien…@gmail.com

ThS.BS Trần Anh Tuấn trả lời:

Kim Liên thân mến,

Ruột Echo dày làm tăng nguy cơ nền lên 3 lần, lúc này nguy cơ hội chứng Down của thai nhi bạn là 1/350, đó là lý do bác sĩ đề nghị chọc ối để kiểm tra. Khi chọc ối có thể kiểm tra thêm một số bệnh Virus (TORCH) gây ruột Echo dày. Bạn nên khám và tư vấn tiền sản để hiểu cụ thể hơn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X