Hotline 24/7
08983-08983

Bố mẹ cần biết gì về bệnh viêm phế quản ở con trẻ?

Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ lại dễ lây lan, khó nhận diện vì hay nhẫm lẫn với các bệnh lý hô hấp khác. Nếu không được theo dõi và xử trí kịp thời có thể gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí là tử vong. Bố mẹ cần làm gì để bảo vệ con yêu trước căn bệnh này?

I. Những điều cần biết về viêm phế quản ở trẻ

1. Vì sao trẻ bị viêm phế quản?

Viêm phế quản là khi các đường dẫn khí lớn nối khí quản với phổi bị viêm. Những đường dẫn khí này được gọi là ống phế quản.

Sự xâm nhập, tấn công của các loại virus, vi khuẩn gây hại như tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, virus cúm,… là nguyên nhân chính khiến trẻ bị viêm phế quản. Ngoài ra, thời tiết thất thường, môi trường ô nhiễm (khói bụi, khói thuốc lá) hoặc trẻ bị nhiễm lạnh, sức đề kháng yếu cũng là những nhân tố thuận lợi cho bệnh phát sinh.

Sốt là một trong những dấu hiệu đầu tiên nhận biết trẻ bị viêm phế quản

2. Trẻ nào dễ bị viêm phế quản?

- Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi hoặc sanh non.

- Trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm (khói bụi, khói thuốc lá).

- Trẻ có hệ thống miễn dịch yếu hoặc trong gia đình có tiền sử hen suyễn.

- Trẻ có anh chị em đi học hoặc đi nhà trẻ, vì những trẻ này có nhiều khả năng tiếp xúc với virus và truyền bệnh.

- Trẻ có cơ địa dễ bị dị ứng môi trường như phấn hoa, mạt bụi, lông động vật… hoặc sống trong không gian ẩm mốc.

- Trẻ bị béo phì, thừa cân.

3. Viêm phế quản có lây từ người qua người?

Bệnh viêm phế quản có thể lây lan một cách dễ dàng từ người qua người thông qua hai con đường tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, trực tiếp là khi trẻ tiếp xúc với người nhiễm bệnh, hít phải những giọt bắn nước bọt từ việc ho, khạc đờm, hắt hơi. Hoặc lây lan gián tiếp khi trẻ chạm vào vật chứa mầm bệnh như tay nắm cửa, đồ chơi, cho trẻ dùng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, bát, thìa, đũa, muỗng với người bệnh…

4. Dấu hiệu nào cảnh báo trẻ bị viêm phế quản?

Nếu viêm phế quản không được chẩn đoán, trẻ dễ bị viêm phổi, suy hô hấp. Nếu viêm phế quản mãn tính, trẻ có thể bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Vì thế, khi thời tiết giao mùa, bố mẹ cần quan sát trẻ kỹ hơn nữa để kịp thời phát hiện các triệu chứng bất thường.

Nếu có những biểu hiện như ho, sổ mũi, thở mệt kèm theo sốt kéo dài có thể bé đã bị viêm phế quản. Tiếp sau đó, bé bắt đầu ho nhiều hơn, có cảm giác rát cổ họng và xuất hiện đờm đục hoặc có màu vàng hay xanh. Ngoài sốt, bé có thể than đau ngực, người lừ đừ, mệt mỏi, chán ăn hoặc nôn ói.

Các ông bố, bà mẹ cần đặc biệt lưu ý, ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ đẻ non và trẻ dưới 2 tháng tuổi, bệnh thường rất nặng, trong khi triệu chứng lại rất sơ sài, có thể không thấy các biểu hiện bệnh ở phổi. Do vậy, khi thấy trẻ bú kém hoặc bỏ bú, sụt cân, rối loạn tiêu hóa (nôn trớ hoặc tiêu chảy), khó thở, có những cơn ngừng thở, tím tái, sùi bọt mép, cần cho trẻ đi bệnh viện ngay.

5. Chẩn đoán viêm phế quản ở trẻ

Viêm phế quản có thể được chẩn đoán ở trẻ với một vài xét nghiệm đơn giản:

- Khám sức khỏe: Khi nghi ngờ trẻ bị viêm phế quản, các bác sĩ sẽ khám và nghe ngực của trẻ bằng ống nghe để kiểm tra thở khò khè và nghẹt mũi.

bác sĩ tham khám khi trẻ bị bệnh

- Lịch sử y tế: Bác sĩ có thể hỏi về sức khỏe của gia đình để kiểm tra tiền sử bệnh hen suyễn.

- X-quang ngực: Bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-quang để đảm bảo trẻ không bị các vấn đề về phổi do tiếp xúc với khói thuốc lá và kiểm tra mức độ tắc nghẽn.

- Xét nghiệm đờm: Trong xét nghiệm này, chất nhầy của trẻ được lấy để kiểm tra xem bé có bị nhiễm bệnh hay không, hoặc nếu bé bị các bệnh khác như bạch hầu hoặc ho gà.

- Kiểm tra chức năng phổi: Kiểm tra hơi thở này sử dụng một thiết bị được gọi là phế dung kế giúp các bác sĩ xác định bệnh hen suyễn ở trẻ em.

6. Viêm phế quản được điều trị như thế nào?

Viêm phế quản là do một loại virus gây nên, điều này đồng nghĩa với việc thuốc kháng sinh sẽ không đem lại ích lợi gì cho việc điều trị. Do đó, các bậc phụ huynh không nên tự ý mua thuốc cho bé để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc.

Nguyên tắc điều trị căn bệnh này là phải giữ ấm cho trẻ, giúp trẻ làm sạch các đường phế quản nghĩa là giúp trẻ tống đàm nhớt ra khỏi cuống phổi để trẻ dễ thở hơn, uống nhiều nước ấm mỗi ngày, vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý và nghỉ ngơi.

Rửa mũi là một trong những biện pháp điều trị viêm phế quản ở trẻ

Trẻ bị viêm phế quản sẽ không nguy hiểm nếu được phát hiện sớm và bố mẹ xử trí đúng cách. Tuy nhiên, đừng vì thế mà chủ quan, nếu thấy tình trạng bệnh không cải thiện sau 2-3 ngày hoặc nếu trẻ sốt cao không giảm, nôn nhiều, khó thở, đặc biệt là co giật… thì nên đưa đến bệnh viện ngay.

II. Nắng mưa thất thường, làm sao phòng ngừa viêm phế quản ở trẻ?

Hiện nay, miền Bắc nóng như đổ lửa, miền Nam có những cơn mưa bất thường, môi trường ô nhiễm là những nhân tố thuận lợi làm gia tăng các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ, trong đó có viêm phế quản.

Căn bệnh này nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến bội nhiễm, viêm phổi, suy hô hấp nặng, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, viêm phế quản lại có triệu chứng giống bệnh hen và cảm lạnh nên phụ huynh hay nhầm lẫn, chỉ đến khi xảy ra biến chứng mới vội vã đưa con đến bệnh viện.

Vậy làm thế nào để nhận biết viêm phế quản?
Những dấu hiệu đặc trưng phân biệt với hen suyễn, cảm lạnh?
Chăm sóc trẻ như thế nào để nhanh lành bệnh?
Cách phòng ngừa bệnh cho trẻ khi thời tiết thất thường?
Dùng thảo dược, siro ho ở trẻ sao cho đúng?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết LanPhó giáo sư Lê Thị Tuyết Lan là chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực Hô hấp

Tất cả những thắc mắc này sẽ được PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Phó chủ tịch Hội Hô Hấp Việt Nam, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM giải đáp trong chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề: “Những điều cha mẹ nên biết khi trẻ bị viêm phế quản” vào lúc 20g thứ 6, ngày 17/7/2020.

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có câu hỏi và băn khoăn về các vấn đề xung quanh bệnh viêm phế quản ở trẻ, hãy gửi câu hỏi về cho chúng tôi qua website AloBacsi.vn, email kbol@alobacsi.vn, Inbox câu hỏi trực tiếp qua Fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời để được PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời trong chương trình.

Chương trình sẽ được phát sóng trên Fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lờiFanpage Prospan và AloBacsi.com.

Trân trọng cảm ơn Thuốc ho thảo dược Prospan đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X