Hotline 24/7
08983-08983

Biến thể mới IHU và Delta-Omi có nguy hiểm nhiều hơn Omicron không?

BS Trương Hữu Khanh phân tích vấn đề biến thể mới IHU và Delta-Omi có thật sự đáng sợ không, trường hợp đầu tiên mắc Flurona vừa bị cúm vừa bị COVID-19 có phải là chuyện lạ không, chúng ta nên làm gì khi nghe tin có biến thể mới…

1. Biến thể mới của SARS-CoV-2 là IHU có nguy hiểm không?

Gần đây tin tức từ nước ngoài đề cập đến biến thể mới của SARS-CoV-2 là IHU có số lượng đột biến nhiều hơn Omicron. BS có thể đưa ra nhận định về chủng này?

BS Trương Hữu Khanh: Theo tôi, biến thể này không có gì đặc biệt.

Biến thể đột biến như thế nào đi nữa, muốn tồn tại thì nó phải lây lan nhanh hơn Omicron để thay thế Omicron. Chúng ta biết tỷ lệ người nhiễm biến chủng này rồi nhiễm chủng khác sau đó lây cho người khác rất thấp. Cho nên, khi số người nhiễm biến thể Omicron lấn hết số khác thì các chủng khác không có cơ hội lây. Vì vậy chúng ta đừng quan tâm nhiều đến các biến chủng khác khi mà tốc độ lây lan của nó chậm hơn biến chủng cũ.

Điều đó được chứng minh trong thời gian qua, ban đầu chúng ta có biến chủng Alpha và chúng ta chỉ chú trọng vào việc chữa trị. Khi biến chủng Nam Phi xuất hiện, nó lây lan mạnh hơn và chúng ta chú ý nhiều hơn. Sau đó, biến thể Delta xuất hiện, Alpha và Beta biến mất. Khi các quốc gia bị biến thể Omicron lây lan mạnh, biến chủng Delta đang biến mất.

Biến thể mới thay thế biến thể cũ trong khoảng 1-2 tuần. Rõ ràng, chủng nào lây nhiễm nhanh hơn sẽ khống chế toàn bộ. Nếu chủng mới không lây nhiễm mạnh bằng biến chủng Omicron, nó sẽ không làm gì được. Đó là quy luật sinh học của virus đường hô hấp khi chúng biến đổi.

2. Chủng Delta-Omi sinh ra như thế nào?

Riêng chủng Delta-Omi, có người lo ngại nó lây nhanh như Omicron và gây bệnh nặng như Delta, điều đó có cơ sở không thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh: Theo tôi, biến chủng có tên Deltacron hay Delta Omicron là hiện tượng thấy được ở phòng xét nghiệm. Trên mẫu xét nghiệm, các nhà khoa học thấy dương tính với hai mẫu trên chứ không phải virus này lai với virus khác.

Chúng ta có 2 lô mẫu, một lô là Delta và lô kia là Omicron. Chúng ta kéo qua kéo lại nó sẽ chạy ra một mẫu khác, hiện tượng bị nhiễm virus sẽ rất cao.

Trong tương lai gần, tôi tin là họ sẽ báo đây là lỗi của phòng xét nghiệm. Bởi vì trong quá khứ chúng ta có nhiều chủng khác nhau nhưng chúng ta có bao giờ thấy được biến thể lai của Alpha và Beta, chúng ta không thấy Alpha và Delta. Chúng ta không thấy Beta và Delta.

Đột nhiên chỉ có bây giờ ở đảo Síp lại thấy có Delta và Omicron thì khó có khả năng đó là do virus lai với nhau. Thông tin này có thể do người ta thích đăng báo, theo tôi không có con virus này.

3. Khi nào thì một biến thể của SARS-CoV-2 thật sự đáng lo ngại?

WHO theo dõi phân loại các chủng này như thế nào, thưa BS? Khi nào thì một biến thể thật sự đáng lo ngại ạ?

BS Trương Hữu Khanh: Khi biến thể mới xuất hiện, người ta đánh giá bằng 3 tiêu chí:

  • Thứ nhất, chủng mới có lây mạnh hơn chủng cũ hay không?
  • Thứ hai, nó có độc tính hơn chủng cũ không?
  • Thứ ba, biến chủng này có thoát được vắc xin hay không?

Hiện nay, chủng mới của virus SARS-CoV-2 được nghiên cứu theo xu hướng đó. Nếu họ muốn đánh giá biến thể, cần phải có thời gian.

Theo tôi về mặt lý thuyết, logic, virus đã lây nhiễm nhiều hơn. Bản chất virus không bao giờ muốn giết chết ký chủ, nó chỉ muốn dựa vào cơ thể ký chủ để nhân lên và phát tán nhanh để duy trì nòi giống. Virus giết chúng ta là sự tình cờ. Virus đã lây lan nhanh, sau đó giảm xuống. Đó là quy luật.

Thứ hai, virus lây nhiễm nhanh thì nó sẽ lấn át chủng cũ. Người bệnh chưa kịp mắc chủng cũ, họ đã bị chủng mới. Tỷ lệ một người mắc 2 bệnh cùng loại virus với nhau sẽ rất thấp. Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu độc tính.

Điểm cuối cùng, virus có thoát vắc xin hay không? Cho đến hiện nay, nếu chúng ta chích 3 mũi thì tỷ lệ thoát vắc xin rất thấp. Nếu có mắc, tình trạng bệnh cũng nhẹ.

4. Tình trạng một người bị nhiễm 2 virus cùng lúc có dễ xảy ra không?

Mới đây, Mexico ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc Flurona, tức là vừa mắc cúm vừa mắc COVID-19. Tình trạng này (bị nhiễm 2 virus cùng lúc) có dễ xảy ra với mọi người không?

BS Trương Hữu Khanh: Thực ra đối với chuyên ngành truyền nhiễm, chuyện đó hết sức bình thường. Đặc biệt là nếu 2 virus có 2 đường lây khác nhau.

Mới đây có người vừa nhiễm COVID-19 vừa bị sốt xuất huyết. Có một số em bé bị thủy đậu nhưng sau đó bị sốt xuất huyết, hay vừa bị sốt xuất huyết vừa bị sởi là điều bình thường. Cho nên chuyện 2 virus gặp ở một người là không có gì lạ.

Chúng ta nghe Flurona, Flu-covid, hãy xem đó là điều bình thường.

Tuy nhiên, ở một số quốc gia mà gánh nặng bệnh cúm quá nhiều rồi, họ sẽ rất lo lắng khi người dân vừa bị cúm vừa bị COVID-19, vì đặc trưng của các bệnh về đường hô hấp này là nó cùng mùa với nhau, khí hậu là yếu tố quan trọng. Nhưng dù lo gì đi chăng nữa thì cũng phải lo đi chích ngừa.

5. Một người nhiễm 2 loại virus thì có dễ tạo ra biến thể mới không?

Có phải một người bị nhiễm 2 loại virus thì chúng sẽ dễ lai tạo với nhau, cho ra biến thể mới không ạ?

BS Trương Hữu Khanh: Một người bị nhiễm 2 virus cùng giống (cùng loại) với nhau thì mới lai được. Virus cúm và virus corona sẽ không lai được.

Hiện tượng virus lai với nhau không phải điều mới, nó xảy ra khá lâu rồi, được miêu tả nhiều nhất là bệnh cúm. Một người vừa nhiễm virus cúm heo sau đó nhiễm thêm cúm người, hai con virus sẽ lai tạo nhau.

Hoặc một người nhiễm biến thể Delta sau đó chơi với súc vật, bị nhiễm thêm virus corona ở súc vật vào thì 2 virus này sẽ lai. Tuy nhiên, dù chúng có lai thì chúng phải lây nhanh hơn thì mới tồn tại được.

Theo nghiên cứu khoa học, tốc độ đột biến của biến thể cần có nhiều gene từ Delta chuyển sang Omicron phải có thời gian. Các nhà khoa học nhận thấy không đủ thời gian để biến thể đột biến thành một dòng xuất hiện tràn lan ở Nam Phi.

Nhiều người đưa ra câu hỏi biến thể Omicron đột biến theo cách gì? Họ đưa ra giả thuyết có khả năng người bị suy giảm miễn dịch mắc biến chủng Delta và lâu khỏi, virus sẽ đột biến để trở nên thuần với cơ thể hơn và tạo ra Omicron.

Khi phân tích biến chủng Omicron, họ thấy biến thể Omicron giống rất giống virus corona ở chuột. Nhiều người nghi ngờ biến thể Omicron xuất phát từ Nam Phi. Một người tại Nam Phi bị bệnh COVID-19 và có tiếp xúc với chuột ở đó, nên virus corona ở chuột nhảy vào và giao thoa tạo ra Omicron.

Cũng có thể “một đấng nào đó” tạo ra để Omicron kết thúc đại dịch.

6. Nên làm gì khi nghe tin biến thể mới của SARS-CoV-2 xuất hiện?

Hiện nay, hễ có tin tức về biến thể mới là nhiều người cảm thấy thất vọng, bất an. Theo BS, chúng ta nên có thái độ như thế nào khi đón nhận tin tức về những biến thể mới của SARS-CoV-2?

BS Trương Hữu Khanh: Chúng ta có thể đọc tin tức nhưng phải hiểu cho rõ. Cần đọc kỹ vì sao số ca mắc tăng hơn, tăng như vậy nhưng có nặng không, tăng như vậy vì số ca mắc chưa chích ngừa đủ hay sao?... Chúng ta cần tìm hiểu kỹ số ca mắc ở Việt Nam và cả thế giới.
Khi nghe biến chủng mới lây lan nhanh, nó càng ít nguy hiểm. Theo dự đoán của tôi, các nước châu Âu và Mỹ sắp có được miễn dịch cộng đồng bởi biến thể Omicron. Số ca mắc biến thể Omicron sẽ giảm xuống.

Khi chúng ta nghe các ca nhập viện cao vì Omicron, đó là điều đáng buồn. Ở Việt Nam, tỷ lệ cùng nhau chích ngừa rất cao, còn ở các quốc gia đó, tỷ lệ chích ngừa không đều. Điều quan trọng là chích ngừa nhiều nhưng cũng phải đều. Một số vùng được chích ngừa nhiều nhưng có những vùng không đều, chênh lệch như vậy rất nguy hiểm.

Điểm thứ ba, tỷ lệ tăng cao nhưng đa số bệnh nhẹ, nghe như vậy, không có nghĩa là chúng ta thoải mái bỏ khẩu trang, bỏ chích ngừa. Chúng ta phải lắng nghe, hợp tác để tự phòng ngừa cho bản thân, cộng đồng và khuyên người xung quanh đi chích ngừa. Lúc đó, mình có thể an tâm và hòa nhập.

Tóm lại, khi nghe tin có biến chủng mới, chúng ta không được quá lo lắng hay lơ là.

Trọng Dy (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X