Hotline 24/7
08983-08983

Biến chủng Omicron: chúng ta đã biết và chưa biết gì?

Với số lượng đột biến gấp đôi so với biến chủng Delta, Omicron (hay B.1.1.529) đang gây mối lo ngại lớn về tiến trình kiểm soát đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới. TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, Hoa Kỳ đưa ra các thông tin cập nhật về biến chủng này.

1. Virus SARS-CoV-2 biến chủng như thế nào?

Hiện nay, thế giới sử dụng bảng chữ cái Hy Lạp để đặt tên cho chủng virus nguy hiểm cho người. Theo đó, biến chủng mới được phát hiện gần đây B.1.1.529 được WHO đặt tên là Omicron.

Sự hình thành của biến chủng mới

Khi xâm nhập vào cơ thể người, virus SARS-CoV-2 sẽ nhân lên và sinh sản. Theo đó, khi tạo ra gen cho thế hệ sau, nếu bộ gen của virus có một vài đột biến thì sẽ tạo nên những protein mới, từ đó tạo ra chủng mới.

Bộ gen của virus SARS-CoV-2

Tương tự như bộ gen của con người hay các loài khác, bộ gen của virus SARS-CoV-2 cũng nằm trên nhiễm sắc thể - nơi chứa tất cả những thông tin di truyền để mã hoá các protein cần cho virus xâm nhập vào tế bào con người, từ đó phát triển và lây lan.

Virus có thể sẽ đột biến ở bất kỳ vị trí nào trên bộ gen và tạo ra chủng mới. Tuy nhiên, không phải biến chủng nào cũng nguy hiểm với con người. Theo đó, những chủng nguy hiểm thường tập trung vào sự đột biến ở vùng cấu tạo nên gai trên màng tế bào (Spike protein) làm ảnh hưởng đến việc nhận biết virus.

Các biến chủng nguy hiểm đa số đột biến ở vùng cấu tạo nên gai trên màng tế bào (Spike protein)

Hầu hết các vắc xin COVID-19 hiện nay được sáng chế để nhận biết Spike protein để tạo ra kháng thể giúp ngăn chặn virus không thể xâm nhập vào màng tế bào.

Có thể so sánh sự thay đổi của Spike protein ở virus SARS-CoV-2 như một cuộc “phẫu thuật thẩm mỹ”. Nếu thay đổi quá nhiều trên “gương mặt”, chúng ta sẽ khó, thậm chí không thể nhận ra được virus nữa nên sẽ rất nguy hiểm bởi chúng có thể dễ dàng trốn thoát được hàng rào bảo vệ của hệ miễn dịch được tạo ra từ vắc xin.

Biến chủng mà con người lo ngại nhất hiện nay là chủng Delta. Tuy nhiên, hệ miễn dịch do vắc xin tạo ra vẫn phần nào có thể nhận ra được chúng nên vắc xin vẫn còn khả năng bảo vệ người đã được tiêm chủng.

2. Những điều đã biết về chủng Omicron là gì?

Hiện nay, chúng ta biết rất ít thông tin về biến chủng Omicron. Biến chủng này được phát hiện đầu tiên vào ngày 9/11/2021 trên một bệnh nhân. Khi dịch mã biến chủng này, các nhà khoa học nhận thấy rằng nó có những đột biến rất đáng lo ngại. Tin tốt là chúng ta vẫn có thể phát hiện biến chủng này bằng các xét nghiệm PCR hiện nay.

Tuy nhiên, người ta thấy rằng biến chủng này có chứa một lượng lớn các đột biến, trong đó những đột biến nằm trên những vị trí đáng lo ngại là Spike protein.

Dựa trên những thông tin về những biến chủng nguy hiểm trước đó, các nhà khoa học dự đoán biến chủng mới này có khả năng vượt qua được hàng rào của hệ miễn dịch được tạo ra bởi vắc xin, thậm chí với cả những người đã có “vắc xin tự nhiên” - người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 đã khỏi bệnh.

3. Những điều chưa biết về chủng Omicron?

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều câu hỏi mà các nhà khoa học vẫn chưa thể trả lời về biến chủng mới Omicron, chẳng hạn như:

  • Kháng với các vắc xin hiện tại như thế nào?
  • Khả năng kháng vắc xin có mạnh hơn các chủng khác như Alpha, Delta,… hay không?
  • Liệu biến chủng mới này có kháng với hệ miễn dịch của những người đã được “vắc xin tự nhiên” hay không?
  • Có lây nhiễm nhanh hơn chủng Delta?
  • Có độc hơn chủng Delta?

4. Làm gì để tìm ra những câu trả lời cho những điều chưa biết về Omicron?

Để trả lời những câu hỏi trên, các nhà khoa học phải thực hiện một thí nghiệm rất quan trọng là thí nghiệm trung hoà giữa virus và kháng thể. Trong thí nghiệm này, người ta sử dụng huyết tương của người bình thường, người đã được chích vắc xinngười đã khỏi bệnh một cách tự nhiên để trộn lẫn với virus.

Thí nghiệm kiểm tra khả năng trung hoà virus chủng mới bằng các kháng thể được tạo ra từ người đã tiêm vắc xin, người khỏi bệnh tự nhiên và so sánh với chủng hiện tại

Để thực hiện thí nghiệm này, các nhà khoa học sẽ sử dụng những virus mang gen tạo ra ánh sáng để thực hiện thí nghiệm này.

  • Khi trộn virus với huyết tương của những người chưa từng tiêm vắc xin/chưa từng nhiễm bệnh: Do trong huyết tương không có kháng thể nên virus dễ dàng bám lên màng tế bào và xâm nhập vào tạo nên những ánh sáng. Dựa vào những ánh sáng đó, các nhà khoa học sẽ đánh giá được virus xâm nhập vào tế bào mạnh như thế nào.
  • Khi trộn virus với huyết tương của những người đã tiêm vắc xin/người đã khỏi bệnh COVID-19 tự nhiên: Những đối tượng này đã có kháng thể chống lại virus nên sẽ ngăn virus tiếp xúc lên màng tế bào nên sẽ không tạo ra được ánh sáng.

Như vậy, chúng ta cần phải thực hiện thí nghiệm này trên biến chủng Omicron để đánh giá sự kháng vắc xin hay “vắc xin tự nhiên” của người đã khỏi COVID-19. Đồng thời, so sánh sự nguy hiểm của biến chủng này với những những biến chủng cũ.

Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có câu trả lời cho thắc mắc mức độ lây nhiễm của biến chủng Omicron mà phải dựa vào số liệu từ cộng đồng và quan sát thêm một thời gian nữa.

Biểu đồ thể hiện mức độ lây nhiễm của các biến chủng virus SARS-CoV-2 tại Mỹ từ tháng 2/2021

Dựa vào biểu đồ thống kê ở trên, có thể thấy khi chủng nào trội hơn thì sẽ tăng độ lây nhiễm và chèn ép những chủng còn lại. Hiện nay, mức độ lây lan của chủng Delta là cao nhất.

Trước đây, chủng Beta được phát hiện lần đầu ở Nam Phi cũng đã khiến nhiều người lo lắng bởi các nghiên cứu cho thấy chủng này có thể vượt qua được hàng rào miễn dịch rất tốt. Tuy nhiên, dựa vào tình hình thực tế, có thể thấy chủng này lây lan khá yếu.

Hiện nay, chúng ta cũng chưa thể đánh giá được biến chủng Omicron có trở nên “độc” hơn không trong thời gian ngắn mà phải dựa trên số liệu từ bệnh nhân.

Nói tóm lại, con người cần một khoảng thời gian để có thể trả lời những thắc mắc về biến chủng Omicron. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá hoang mang nhưng cũng không nên quá chủ quan, hãy theo dõi những thông tin khoa học sắp tới để đánh giá về biến chủng mới này một cách rõ ràng nhất.

Anh Thi (ghi)

Nguồn: video Biến chủng Omicron - những gì chưa biết? - Vu Nguyen

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X