Hotline 24/7
08983-08983

Biến chứng loét chân ở người bệnh tiểu đường

Người bệnh tiểu đường thường bị loét chân. Những vết thương hở ở bàn chân có thể rất nông trên bề mặt da, nhưng cũng có thể ăn sâu vào tận thịt, gân, thậm chí là xương của người bệnh. Một khi đã phát triển một vết loét, họ sẽ có từ 14% - 24% phải cắt cụt chi dưới.

Biến chứng loét bàn chân tiểu đường là hậu quả của quá trình tổn thương thần kinh ngoại vi, tổn thương mạch máu tới các chi và tình trạng nhiễm trùng.

Khi đường máu tăng cao kéo dài, các dây thần kinh bị hư hại khiến người bệnh giảm hoặc mất cảm giác đau, nóng lạnh, nên không phát hiện ra những vết thương nhỏ và không điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, tổn thương mạch máu cũng làm cho lượng máu nuôi chân giảm. Đồng thời, đường huyết cao vừa là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển vừa ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể khiến cho vết thương khó liền, càng ngày càng nhiễm trùng nặng, tạo ra các ổ loét, hoại tử ở bàn chân.

Với người bệnh chưa có vết loét, cần khám bàn chân hàng ngày và lưu ý các dấu hiệu cảnh báo sớm trước khi có biến chứng bàn chân như:

- Móng chân bị đổi màu, có nhiều nốt chai.

- Da khô, bàn chân ngứa ran, nóng rát.

- Hay đau chân, không đi bộ được các quãng đường xa (đau cách hồi).

- Sưng phù bất thường tại bàn chân.

Các vết thương và vết loét ở bàn chân người bệnh tiểu đường dù nhỏ cũng tiềm ẩn những rủi ro buộc người bệnh phải đối mặt với nguy cơ tàn phế. Vì vậy, việc chăm sóc vết loét hàng ngày có vai trò đặc biệt quan trọng.

Người bệnh tiểu đường nên cẩn thận với những vết loét. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Người bệnh tiểu đường nên cẩn thận với những vết loét. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

1. Dùng thuốc kháng sinh

Bên cạnh thuốc hạ đường huyết, bác sĩ có thể kê đơn thêm thuốc kháng sinh đường uống hoặc các kem bôi tại chỗ chứa kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và giúp vết thương lành nhanh hơn. Để đạt hiệu quả cao, người bệnh cần sử dụng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. Vệ sinh vết loét hằng ngày

Bạn có thể làm sạch vết loét chân tiểu đường 2 lần mỗi ngày theo hướng dẫn sau:

- Rửa và khử trùng vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc Povidon iod mua ở nhà thuốc để loại bỏ tất cả các tế bào chết, máu, mủ và bụi bẩn.

- Bôi thuốc sát khuẩn nếu được bác sĩ chỉ định.

- Dùng bông gạc vô trùng để băng bó. Nếu vết loét hoại tử rộng có thể sử dụng gạc chống loét.

3. Giảm áp lực lên vết loét

Vết loét bị tì đè nhiều sẽ lâu lành. Vì vậy trong những ngày có vết thương, bạn không nên đi lại quá nhiều, khi ngồi, nằm, nên kê cao chân. Khi di chuyển có thể sử dụng thiết bị hỗ trợ đi lại như nạng, giày dép chuyên dụng.

4. Kiểm soát đường huyết

Bạn có thể dùng thuốc uống hoặc tiêm đúng theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời thực hiện thay đổi lối sống lành mạnh hơn để nhanh hồi phục. Bạn hãy xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngừng hút thuốc và theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên.

Người bệnh tiểu đường cần phải được khám chân cẩn thận. Bác sĩ sẽ kiểm tra bàn chân, lưu lượng máu, hỏi bệnh nhân về cảm giác của họ và thói quen đi giày dép, thông qua đó giúp người bệnh căn chỉnh lại lối sống, thói quen vận động và sử dụng giày dép.

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X