Hotline 24/7
08983-08983

Bí quyết lựa chọn và bảo quản thịt cá, hải sản, rau xanh, trái cây

Trong bài viết dưới đây, ThS.BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư sẽ chia sẻ một số bí quyết lựa chọn và bảo quản thực phẩm thông dụng để đảm bảo tươi ngon, an toàn cho sức khỏe.

1. Nguyên tắc để giữ thực phẩm sạch và an toàn

Thưa BS, ngày Tết, người người đều đau đáu một nỗi lo đó là làm sao để có thể mua sắm thực phẩm thật đầy đủ cho gia đình mình nhưng phải sạch và an toàn. Vậy chúng ta nên lựa chọn thực phẩm như thế nào, nhờ BS tư vấn giúp ạ?

ThS.BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Ngày Tết, các bà nội trợ, các chị, các mẹ thường có thói quen tích trữ nhiều lương thực thực phẩm để gia đình có bữa ăn ngon, đầy đủ. Điều này đòi hỏi phải bảo quản hết sức cẩn thận.

Thông thường những thực phẩm chúng ta mua ngày Tết là những món truyền thống như bánh chưng, bánh mứt, các loại đồ hộp, giò chả, nem chua,… Tùy vào loại thực phẩm sẽ có nhiệt độ bảo quản khác nhau. Một số loại có thể để ở nhiệt độ phòng, một số phải bảo quản trong tủ lạnh.

Tủ lạnh cần phải chia ra ngăn mát, ngăn rau và ngăn đông. Mỗi loại thực phẩm sẽ có cách bảo quản, đóng gói và sơ chế khác nhau.

2. Bảo quản thịt như thế nào là đúng cách?

Trong các loại thịt mà chúng ta hay sử dụng, đặc biệt là trong những ngày tết như thịt gà, thịt heo, thịt vịt,… Nếu những loại thịt này không an toàn thường chúng sẽ chứa những độc tố gì và những độc tố này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của chúng ta ạ?

ThS.BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đối với các loại thịt (thực phẩm thuộc nhóm đạm) thì khả năng phân hủy sẽ rất cao. Đặc biệt đòi hỏi nhiệt độ bảo quản khá khó khăn.

Thịt heo, thịt gà sau khi mua về phải rửa sạch, loại bỏ những phần dơ. Sau đó chia nhỏ từng phần theo ước lượng sử dụng của gia đình. Ví dụ gia đình 4 người, mỗi người ăn 50g thịt thì sẽ đóng gói từng khẩu phần, mỗi phần 200g và bảo quản trong tủ lạnh.

Nếu thịt tươi nên bảo quản vào ngăn đông, khi chuẩn bị ăn sẽ cho khẩu phần đó xuống ngăn mát ít nhất 8 tiếng để rã đông. Hoặc để nguyên bao gói kín ngâm vào thau nước. Lưu ý khi ngâm không nên để bao gói bị hở và nước chảy vào trong sẽ không tốt cho sức khỏe.

Nên chia nhỏ khi bảo quản và rã đông từng khẩu phần, không nên để đông một tảng lớn. Để tránh trường hợp khi rã đông thì những phần chưa sử dụng dễ bị ươn, bị ôi, nhiễm khuẩn.

3. Làm sao phân biệt giữa thịt sạch và thịt bẩn?

Làm sao để chúng ta phân biệt được giữa thịt sạch và thịt bẩn ạ?

ThS.BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Bảo quản trong gia đình là khâu tiếp theo sau khi đi chợ. Điều đầu tiên xuất phát từ nguồn nguyên liệu phải thực sự sạch và tươi.

- Lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đã qua kiểm duyệt, được dán mác, đóng nhãn, trưng bày và bảo quản ở những cửa hàng có uy tín.

- Xem màu sắc, độ đàn hồi, độ trong của thịt. Ví dụ thịt heo có màu hồng tươi, còn khô ráo. Không bị rỉ nước, chảy nước, bầm đỏ trên miếng thịt. Khi sờ vào có độ đàn hồi vì thịt ươn sẽ không có độ đàn hồi nhiều, càng để lâu càng ươn và giảm độ dàn hồi.

- Xem mùi vị của miếng thịt: Khi ngửi sẽ cảm thấy mùi thịt thơm, nếu có mùi hôi hoặc ươn thì không nên lựa chọn.

4. Một số mẹo hay để lựa chọn hải sản tươi ngon?

Hải sản cũng là lựa chọn hàng đầu trong những buổi tiệc tùng những ngày đầu năm mới. Nhờ BS chia sẻ một số mẹo hay để lựa chọn hải sản tươi ngon nhất ạ?

ThS.BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Thông thường chúng ta sẽ mua các loại hải sản như tôm, mực và một số gia đình có thể mua cua, ghẹ, ốc, hến,…

Đối với tôm, nên lựa tôm còn sống. Mua ở nơi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín. Để tránh tôm bảo quản trong môi trường nước bị ô nhiễm. Nếu không mua được tôm sống thì có thể lựa tôm đã chết nhưng còn tươi: vỏ bóng, tôm săn chắc, đầu và mình dính liền với nhau (không bị rút rời ra), thịt trong, ngửi không có mùi ươn, hôi.

Đối với mực, lựa chọn nguồn uy tín có xuất xứ rõ ràng để tránh các loại hóa chất tẩm ướp làm cho hải sản tươi, cứng để tránh nguy hiểm cho sức khỏe chúng ta. Lựa chọn mực còn trong, bóng, mắt mực còn đen, rờ vào có độ săn chắc và đàn hồi để sử dụng cho gia điình của mình.

5. Làm sao để lựa chọn và bảo quản rau củ, trái cây an toàn?

Bên cạnh những thịt cá, hải sản, rau củ quả cũng là thực phẩm không thể thiếu trong những ngày Tết. Vậy làm sao để lựa chọn rau củ, trái cây đảm bảo sạch và an toàn ạ? Loại thực phẩm này cũng thường nhanh héo úa, dập nát, nhờ BS chia sẻ cách để bảo quản chúng lâu dài trong những ngày Tết ạ?

ThS.BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Chúng ta nên lựa chọn các loại rau có thể sử dụng tối đa trong vòng một tuần sẽ an toàn hơn. Phải chú ý đến nguồn gốc xuất xứ và nơi mua loại rau quả đó để tránh các loại hóa chất bảo quản. Hoặc sử dụng nông sản sạch để hạn chế hóa chất trong quá trình nuôi trồng.

Khi mua về nên bảo quản tùy theo loại.

- Cho vào túi thực phẩm bảo quản ngăn mát tủ lạnh sẽ để được khoảng 1 tuần.

- Một số loại rau khác nên sử dụng khăn giấy hoặc túi map để hút ẩm khi hơi ẩm từ rau thoát ra. Sau đó bỏ vào ngăn rau của tủ lạnh và bảo quản được một vài ngày.

- Sơ chế và cho vào túi zip, sử dụng trong khoảng 2 - 3 ngày.

Đây là một số lưu ý nhỏ, để chúng ta có thể sử dụng được nguồn rau quả tươi.

6. Cách lựa chọn và bảo quản kẹo, bánh, mứt tại nhà

Bánh mứt là món không thể thiếu trong những ngày Tết, vậy làm sao chúng ta có thể lựa chọn những loại kẹo, bánh, mứt an toàn cho ngày Tết ạ?

ThS.BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Bánh, mứt, hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương,… là những món đặc trưng của ngày Tết. Những loại thực phẩm này nếu mua ở những nơi không có nguồn gốc xuất xứ, bao bì, nhãn mác rõ ràng, không được kiểm nghiệm, không có giấy chứng nhận sẽ dẫn đến các trường hợp như báo đài đã đưa tin. Đó là sản xuất, sử dụng kỹ thuật như phơi ở ngoài, bụi, côn trùng bám vào, thậm chí một số nơi sử dụng hóa chất tẩy trắng.

Khi lựa chọn thực phẩm phải chú ý đến nơi có uy tín. Bao bì đóng gói cận thận, tỉ mỉ, có mã vạch, có truy xuất nguồn gốc hoặc có hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng rõ ràng. Cách bảo quản tại nhà:

- Khi mua bánh mứt túi lớn chúng ta thường có thói quen cho vào trong keo, hũ để dùng dần. Nên lưu ý, sử dụng những dụng cụ chia sớt khô và không có nhiều khe, rãnh để tránh bị nhiễm khuẩn khi múc vào.

- Bảo quản trong hũ có van, ron bằng nhựa để khi đóng nắp không khí không tràn vào và thực phẩm không bị nhiễm ẩm vì độ ẩm sẽ làm bánh mứt mau bị hư, hỏng.

- Một số loại hạt sử dụng trong dịp Tết như hạt hạnh nhân, hạt điều, các loại ngũ cốc phải đặc biệt lưu ý không để nhiễm ẩm vì sẽ sinh ra nấm mốc. Nấm mốc rất nguy hiểm và gây nguy cơ ung thư rất cao.

Có rất nhiều loại bánh mứt có thể làm tại nhà như: mứt bí, mứt vỏ canh, mứt vỏ bưởi,… Tuy nhiên sẽ hơi vất vả khi làm và nếu chúng ta không làm được thì nên lựa chọn bánh, mứt theo hướng dẫn.

7. Các lưu ý khi lựa chọn thực phẩm đồ hộp, đông lạnh

Các loại thực phẩm đồ hộp, đông lạnh như chả, nem thì chúng ta nên lựa chọn như thế nào ạ, thưa BS?

ThS.BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Nem là một món khoái khẩu, khi ăn thịt kho nước dừa kèm dưa chua, nem, chả sẽ rất ngon. Vì chả thường để được lâu nên nhiều gia đình chuộng chả và giò thủ để sử dụng trong dịp Tết.

Khi chúng ta lựa chọn các loại thực phẩm này cần lưu ý:

- Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, uy tín; bao bì đống gói tốt, tỉ mỉ; có hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng; mã vạch và có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Căn cứ vào cảm quan khi lựa chọn thực phẩm: Nhìn vào màu sắc, ngửi mùi (ví dụ: chả không bị nhớt, không có mùi chua), bao bì không bị rách thì có thể sử dụng cho gia đình của mình.

- Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, không nên để ở nhiệt độ phòng quá lâu.

8. Có phải thực phẩm để ngăn mát sẽ nhiều chất bảo quản hơn so với thực phẩm đông lạnh?

Thưa BS, có phải thực phẩm để ngăn mát sẽ nhiều chất bảo quản hơn so với thực phẩm đông lạnh không? Nếu vậy chúng ta có nên "né" thực phẩm ngăn mát?

ThS.BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Trong tủ lạnh, ngăn mát sẽ từ 2 - 8˚C, ngăn đông là dưới 2˚C (khoảng 0˚C), ngăn rau sẽ có nhiệt độ cao hơn một chút và nhiệt độ cánh cửa sẽ cao hơn nhiệt độ ngăn mát.

Do đó chúng ta phải tùy theo loại thực phẩm để bảo quản trong tủ lạnh. Không phải để ở ngăn mát thì nguy cơ nhiễm bẩn cao hơn. Cách bảo quản thực phẩm:

- Nguyên liệu phải sạch

- Sơ chế tốt.

- Chia từng khẩu phần để bảo quản. Sử dụng từng phần, không nên rã đông toàn bộ thực phẩm.

- Trong quá trình bảo quản phải có túi zip, hộp, màng bọc thực phẩm để kín và không bị lây lan giữa thực phẩm này với thực phẩm khác.

- Nên ghi ngày đóng gói thực phẩm cho vào tủ lạnh. Một vài ngày nên kiểm tra tủ lạnh một lần, xem những loại thực phẩm nào đã bảo quản lâu để sử dụng trước. Tránh trường hợp để quá lâu dẫn đến quên và thực phẩm bị hư, có nguy cơ lây nhiễm đến các thực phẩm xung quanh. Đây mới chính là nguồn lây trong thực phẩm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X