Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh tay chân miệng đang gia tăng rất nhanh, làm sao phòng bệnh cho trẻ?

Tháng 3, tháng 4 là thời điểm số ca mắc bệnh tay chân miệng thường tăng cao khi trẻ trở lại trường học sau khi nghỉ Tết. Vậy làm thế nào để bảo vệ trẻ trước căn bệnh này?

Theo Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), từ đầu năm đến giữa tháng 3, TP ghi nhận hơn 2.500 ca tay chân miệng, tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng tuần vừa qua, TP ghi nhận 346 bệnh nhân tay chân miệng, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình bốn tuần trước. Hầu hết các quận, huyện đều ghi nhận lượng bệnh tăng ở "mức báo động".

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, riêng tại Bệnh viện Nhi đồng số ca nhập viện không nhiều nhưng lúc nào cũng có trường hợp nặng. Thời gian này đang ở giai đoạn đầu mùa của bệnh tay chân miệng nên tình hình chung số ca vẫn sẽ tăng.

Theo BS Khanh, tay chân miệng có 2 đỉnh dịch, thứ nhất là vào tháng 4, 5, 6 và thứ 2 là tháng 10, 11, 12. Đặc biệt sau khi nghỉ Tết hoặc sau khi nghỉ hè, gần như năm nào cũng diễn biến tương tự. Riêng năm 2020, dịch không nhiều vì chúng ta có thời gian rất dài dãn cách xã hội do COVID-19. Nhưng năm nay việc giãn cách ít hơn nên nguy cơ dịch tay chân miệng sẽ quay lại là rất có thể. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần có phương pháp  để phát hiện sớm và phòng ngừa.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, chưa có vaccine dự phòng. Bệnh biểu hiện với các bóng nước có kích thước 2-10 mm. Trẻ có thể sốt nhẹ, quấy do đau miệng, bỏ ăn.

Tình trạng này cũng thường bị nhầm lẫn với dị ứng, thủy đậu. Song theo BS Khanh, đối với dị ứng da thì thường sẽ nổi tái đi tái lại và ngứa. Thủy đậu có khuynh hướng nổi rải rác toàn thân chứ không tập trung ở những vùng lòng bàn tay lòng bàn chân như tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng thường có một số triệu chứng sớm, cụ thể như: Sốt, nổi ban, mụn nước, loét miệng, dễ giật mình, ngủ gà… (Ảnh minh họa)

2. Bệnh tay chân miệng mức độ nào cần đến bệnh viện?

Bệnh tay chân miệng có 4 cấp độ, độ 1, độ 2, độ 3, độ 4. Trong đó, độ 4 là nặng nhất. May mắn là gần như 90% em bé khi phát hiện tay chân miệng chỉ ở độ 1 với những biểu hiện loét miệng và/hoặc tổn thương da có thể điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, các bậc phụ huynh cần lưu ý, nếu bé chuyển sang cấp độ 2 thì cần đưa đến bệnh viện để được theo dõi, tránh các biến chứng trên thần kinh và tim mạch nhẹ.

Độ 2 được phân chia thành 2 phân độ nhỏ. Độ 2a trẻ sẽ có một số các dấu hiệu như giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám bệnh, sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C kèm theo nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.

Độ 2b trẻ có dấu hiệu được phân ra nhóm 1 hoặc nhóm 2. Trong đó, nhóm 1 trẻ có thể giật mình kèm theo dấu hiệu ngủ gà, nhịp tim nhanh > 150 lần/phút (tính khi trẻ nằm yên, không sốt), trẻ sốt cao ≥ 39 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nhóm 2 trẻ có triệu chứng thất điều: run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng; có rung giật nhãn cầu, lác mắt; yếu chi (tay, chân) hoặc liệt chi; liệt thần kinh sọ: biểu hiện nuốt sặc, thay đổi giọng nói...

Cấp độ 3, những dấu hiệu thường thấy ở trẻ như mạch đập chậm (dấu hiệu rất nặng); vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú; huyết áp tăng; thở nhanh, thở bất thường; rối loạn tri giác (Glasgow < 10 điểm); tăng trương lực cơ;... Đối với độ 3 cần theo dõi sát sao, vì nếu không sẽ chuyển sang độ 4 nhanh chóng, lúc này việc điều trị khá phức tạp.

Cấp độ 4, bệnh tay chân miệng xuất hiện triệu chứng sốc (mạch = 0, huyết áp = 0...), phù phổi cấp, tím tái, SpO2 < 92%, ngưng thở, thở nấc.

Như vậy, theo BS Khanh, việc quan trọng nhất của các bậc phụ huynh là cần nhận biết khi nào trẻ bước sang độ 2 để can thiệp kịp thời. Trong quá trình chăm sóc tại nhà, cần cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, dùng thuốc giảm đau hạ sốt theo chỉ định. Không nên kiêng tắm mà ngược lại phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tắm trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn.

Phụ huynh cần theo dõi, cảnh giác các dấu hiệu như sốt cao, nổi các nốt ở tay chân và vùng miệng, ăn uống kém. Đặc biệt cần lưu ý khi trẻ ngủ không yên, chới với, hay giật mình trong lúc thiu thiu ngủ. Đưa trẻ đi khám kịp thời, trẻ bệnh phải uống thuốc theo chỉ định, vệ sinh môi trường, rửa tay thường xuyên, theo dõi các biến chứng để xử trí kịp thời.

3. Phòng ngừa tay chân miệng thế nào?

Để phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Hiện chưa vắc xin phòng bệnh tay chân miệng, thường chỉ áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá, đặc biệt cần chú ý để không tiếp xúc với nguồn lây, giữ vệ sinh cá nhân (Ảnh minh họa)

2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Quản lý phân: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

5. Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X