Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân không nên tự điều trị ung thư bằng cỏ cây, thuốc Nam

Hiện, có nhiều bệnh nhân ung thư đang tự ý chấm dứt điều trị bệnh tại các bệnh viện để chuyển sang điều trị ung thư bằng các phương thuốc truyền miệng bằng cỏ cây, chưa được chứng minh lâm sàng. Điều này cực kỳ tai hại với bệnh nhân ung thư, cướp mất cơ hội kéo dài sự sống. Đó là những lời khuyên hữu ích từ TS.BS Phan Thị Hồng Đức - Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu TPHCM; Phó chủ nhiệm bộ môn Ung thư - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

1. Thuốc Đông Y chữa bệnh ung thư tốt hơn hóa trị, xạ trị?

Thưa BS, hiện nay có khá nhiều người chạy theo đông y - xin nhấn mạnh là không chính thống, vì cho rằng thuốc nam, thuốc bắc sẽ đỡ hại thận hơn. Thậm chí có người lo sợ là chưa chết vì ung thư đã chết vì hóa trị, xạ trị rồi. Bác sĩ có ý kiến như thế nào về những thông tin này, để giúp bệnh nhân lựa chọn đúng ạ?

TS.BS Phan Thị Hồng Đức - Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Thứ nhất, hiện tại Đông Y không phải là “không chính thống”, nhiều cơ sở Bệnh viện Y học cổ truyền đã được Nhà nước cấp phép hoạt động như Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM, Viện Y học cổ truyền TPHCM; hoặc các khoa Y học cổ truyền trong các bệnh viện nhà nước,…

Thứ hai, Đông y đóng vai trò quan trọng trong nền y học Việt Nam. Các phương pháp điều trị trong Đông Y thường gắn bó với các tên gọi dân gian như thuốc Nam, thuốc Bắc. Tuy nhiên, khi đã được gọi là được gọi là phương pháp điều trị thì tất cả các phương pháp đều có tác dụng phụ (chuyển hóa qua gan, đào thải qua thận).

Ngày nay, với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, các tác dụng phụ của các phương pháp hóa trị, xạ trị ngày càng được kiểm soát, quản lý chặt tại Bệnh viện nói chung và Bệnh viện Ung bướu TPHCM nói riêng.

Bên cạnh đó, sự ra đời của các thuốc mới: các thuốc nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch,… giúp kéo dài thêm thời gian sống còn cho bệnh nhân với các tác dụng phụ có thể kiểm soát được hay các kỹ thuật xạ trị mới như xạ trị IMRT,… giúp giảm bớt tác dụng phụ lên cơ quan lành. Do đó, ung thư là một căn bệnh có thể chữa được với vai trò của sự phối hợp các phương pháp điều trị.

Điều trị ung thư cần phối hợp nhiều phương pháp, nhiều thuốc tuy nhiên thể trạng bệnh nhân ung thư lại không tốt. Nhưng hiệu quả, tác dụng chính của các phương pháp điều trị lớn hơn nhiều so với tác dụng phụ gây ra. Rất hiếm bệnh nhân tử vong do có tác dụng phụ. Không nên vì các tin đồn thiếu cơ sở khoa học mà mất đi cơ hội điều trị bệnh.

2. Có nên điều trị ung thư bằng lá đu đủ?

Có người gửi câu hỏi cho AloBacsi như thế này: Chào bác sĩ, bố tôi được chẩn đoán ung thư dạ dày, giai đoạn 2A. Do việc điều trị khá tốn kém, mất nhiều sức và ảnh hưởng tâm lý nặng nề mỗi lần đến bệnh viện. bạn bè của bố tôi giới thiệu cách điều trị ung thư bằng lá đu đủ, vừa ít tiền lại có hiệu quả. Theo bác sĩ, tôi có nên điều trị ung thư cho bố tôi bằng lá đu đủ không? Nên uống lá tươi hay lá khô? Việc điều trị ung thư bằng lá đu đủ có tác dụng đến đâu ạ? Hay đây chỉ là phương pháp tạm thời? Rất mong được nhận ý kiến từ bác sĩ.

TS.BS Phan Thị Hồng Đức - Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Trước hết, các phương pháp điều trị ung thư của Tây Y đều dựa trên y học chứng cứ với rất nhiều nghiên cứu được tiến hành từ trong phòng thí nghiệm, trên động vật cho tới khi sử dụng trên người và cuối cùng được thử nghiệm trên hàng trăm, hàng ngàn người trước khi được đưa vào áp dụng sử dụng rộng rãi.

Có những thuốc phải mất rất nhiều năm, trải qua rất nhiều nhiều nghiên cứu, trên hàng ngàn thậm chí hàng chục ngàn người để có được các bằng chứng chứng minh sự hiệu quả khi sử dụng điều trị bệnh, kéo dài thời gian sống còn trên bệnh nhân ung thư mới được phép đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, có rất nhiều tin đồn về các phương pháp điều trị dân gian giúp điều trị khỏi, điều trị hết ung thư với các phương pháp khác nhau tuy nhiên khi tìm hiểu thì không rõ các trường hợp này là ở đâu, là ai… ngoài ra, trong dân gian có thể hiểu lầm một số trường hợp u, nhọt, áp xe sau một thời gian không cần điều trị cũng có thể tự hết,…

Có nhiều tác dụng được nhắc đến với lá đu đủ, trong đó có đặc tính về chống ung thư. Chiết xuất lá đu đủ đã được chứng minh khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú mạnh mẽ trong các nghiên cứu ở ống nghiệm, nhưng cả thí nghiệm trên động vật và con người đều không lặp lại kết quả này. Mặc dù việc tiêu thụ lá đu đủ và các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa khác có thể đóng vai trò trong việc ngăn ngừa ung thư, nhưng chúng vẫn chưa được chứng minh là có bất kỳ khả năng chữa bệnh nào.

Do đó, cần các nghiên cứu, cần các bằng chứng khách quan để chứng minh hiệu quả cho các phương pháp điều trị ung thư.

3. Xạ đen, tam thất, nấm linh chi… có tác dụng thế nào trên bệnh nhân ung thư?

Về những loại thuốc nam được người dân cho rằng có thể điều trị ung thư như: xáo tam phân, xạ đen, tam thất, nấm linh chi, nấm lim xanh… theo BS, những cây thuốc này có công dụng thế nào đối với bệnh ung thư?

TS.BS Phan Thị Hồng Đức - Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Thuốc nam điều trị ung thư tràn lan trên mạng và không thể kiểm soát được.

Theo ý kiến của một số bác sĩ đông y, khả năng dược liệu chống ung thư của y học cổ truyền thường có thể ngăn chặn, hạn chế sự phát triển của ung thư chứ không thể tiêu diệt như hóa xạ trị. Những vị thuốc được nghiên cứu kỹ lưỡng, hiện giờ chỉ có 3 thứ: kinh chi, tam thất, trinh nữ hoàng cung. Còn những vị thuốc khác như lá đu đủ, sáo tam xuân, xạ đen mới chỉ được dùng trong kinh nghiệm dân gian, và kêt quả vẫn chưa chắc chắn.

Mặc dù trong các vị thuốc dân gian trên có thể có chưa các thành phần, các chất có khả năng điều trị ung thư. Tuy nhiên theo Tây y như đã giải thích ở trên thì một chất muốn được gọi là thuốc và sử dụng trên người phải trải qua rất nhiều nghiên cứu để đánh giá hiệu quá, liều lượng, tác dụng phụ, áp dụng trên hàng ngàn người trước khi được sử dụng rộng rãi trên người. Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại hiệu quả điều trị thực tế trên người của tất cả các phương pháp trên vẫn chưa được chứng minh với các bằng chứng nghiên cứu đầy đủ và khách quan.

4. Các sản phẩm chứa hoạt chất fucoidan, nano cucumin có giúp chữa ung thư?

Bên cạnh những vị thuốc nam có vẻ thô sơ, mộc mạc thì còn có một số sản phẩm được sản xuất, đóng gói nghiêm chỉnh, có một số nghiên cứu về công dụng điều trị ung thư như: fucoidan, nano cucumin... thì bệnh nhân ung thư có nên sử dụng không ạ?

TS.BS Phan Thị Hồng Đức - Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Các sản phẩm trên gọi là thực phẩm chức năng. Bản chất của chúng là thực phẩm chứ không phải là thuốc, không có tác dụng điều trị bệnh. Tác dụng chính ở mức hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư: các thành phần dinh dưỡng, khoáng chất, các nguyên tố vi lượng,... Thông thường nguồn gốc của các sản phầm này thường không rõ ràng.

5. Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có nên sử dụng fucoidan, nano cucumin?

Nếu bệnh nhân đang ở giai đoạn cuối, đang điều trị chăm sóc giảm nhẹ thì ngoài việc dùng thuốc theo tây y, họ muốn kết hợp điều trị bằng thuốc nam, hay fucoidan, nano cucumin… thì có nên không ạ?

TS.BS Phan Thị Hồng Đức - Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Bệnh nhân ung thư giai đoan cuối, điều trị chăm sóc giảm nhẹ thì cơ thể trở nên yếu, chức năng các cơ quan suy giảm. Trong khi đó, các sản phẩm được gọi là thuốc thì đều có tác dụng phụ, việc phối hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau trên bệnh nhân ung thư sẽ làm tăng tác dụng phụ trên bệnh nhân.

6. Có nên “bỏ đói” tế bào ung thư?

BS có ý kiến như thế nào về chế độ ăn uống “bỏ đói” tế bào ung thư? Theo kinh nghiệm thực tế của bác sĩ thì bệnh nhân ăn uống đầy đủ và bệnh nhân chỉ ăn gạo lứt muối mè, nhóm nào khỏe mạnh hơn, nhóm nào đáp ứng điều trị tốt hơn ạ?

TS.BS Phan Thị Hồng Đức - Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Ngày nay, khoa học đã chứng minh bản thân cơ thể mỗi người đều có khả năng chống lại tế bào ung thư. Đó là cơ sở cho sự ra đời của phương pháp điều trị ung thư mới nhất hiện nay là liệu pháp miễn dịch với nhiều hiệu quả vượt trội.

Việc ăn uống “bỏ đói” tế bào ung thư sẽ làm cơ thể trở nên suy yếu, suy giảm miễn dịch, làm cho cơ thể mất khả năng chống chọi lại căn bệnh ung thư.

Ngoài ra, Ung thư giống vật ký sinh trên cơ thể con người, vật ký sinh vẫn tiếp tục hút chất dinh dưỡng của cơ thể cho tới khi con người mất đi. Khi chế độ ăn uống bỏ đói tế bào ung thư thì cơ thể sẽ trở nên suy kiệt, giảm sức đề kháng chống lại tế bào ung thư trong khi tế bào ung thư vẫn tiếp tục ký sinh và hút chất dinh dưỡng từ cơ thể con người cho dù thể trạng bệnh nhân như thế nào.

Bệnh nhân ăn uống đầy đủ sẽ giúp cơ thể có khả năng phục hồi tốt trong quá trình điều trị ung thư cũng như tăng cường sức khỏe, giúp miễn dịch chống lại khối .

7. Giữa 2 lần hóa/ xạ trị, có nên dùng thêm thuốc nam?

Trong những ngày tạm nghỉ giữa 2 lần hóa trị, hay xạ trị, bệnh nhân thường có suy nghĩ muốn thải độc do đó họ dùng thuốc nam, thực phẩm chức năng với mong muốn thanh lọc cơ thể. Điều này có ảnh hưởng đến kết quả điều trị không ạ?

TS.BS Phan Thị Hồng Đức - Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Có nhiều phương pháp, định nghĩa về thanh lọc cơ thể. Tuy nhiên, về mặt khoa học thì chưa có chứng minh hiệu quả của các phương pháp này. Bản thân cơ thể sẽ tự phục hồi khi được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong quá trình điều trị.

8. Nhiều người tự chữa khỏi ung thư bằng thuốc nam, sự thật ra sao?

Có nhiều trường hợp được bệnh viện trả về hoặc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tự ý xin xuất viện, điều trị bằng những đông dược lại có hiệu quả. Có người sống được vài năm hoặc thậm chí là hơn chục năm. Quan điểm của bác sĩ về trường hợp này?

TS.BS Phan Thị Hồng Đức - Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Những trường hợp này thường chỉ là tin đồn và chưa có bằng chứng xác thực:

- Về chẩn đoán có phải ung thư không

- Việc điều trị cụ thể như thế nào

- Và cuối cùng là ai? ở đâu? Không rõ ràng.

9. Bệnh nhân ung thư có nên thanh lọc cơ thể?

Theo bác sĩ, bệnh nhân ung thư đang điều trị theo tây y có nên thanh lọc cơ thể không, và thanh lọc như thế nào là hợp lý ạ?

TS.BS Phan Thị Hồng Đức - Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Có nhiều phương pháp, định nghĩa về thanh lọc cơ thể. Tuy nhiên chưa có sự thống nhất chung. Ngoài ra, về mặt khoa học thì chưa có chứng minh hiệu quả của các phương pháp này. Bản thân cơ thể sẽ tự phục hồi khi được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong quá trình điều trị.

10. Thuốc đông y, thực phẩm chức năng có tác dụng gì với bệnh nhân ung thư?

Tựu trung lại, theo bác sĩ thì các thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc), thực phẩm chức năng, chế độ ăn gạo lứt muối mè,… có vai trò thế nào trong việc điều trị ung thư ạ?

TS.BS Phan Thị Hồng Đức - Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Các phương pháp này chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ điều trị nhưng không phải lúc nào cơ thể cũng cần hỗ trợ. Trong khi việc đơn giản chính là ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, rèn luyện sức khỏe (tập thể dục ở mức đồ vừa phải,…) để hỗ trợ cơ thể phục hồi trong quá trình điều trị ung thư với các phương pháp như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, điều trị thuốc sinh học, thuốc nhắm trúng đích.

Sử dụng Đông y không thể thay thế các liệu pháp điều trị ung thư theo Tây Y do hiệu quả về điều trị trong Đông y vẫn chưa rõ ràng. Nếu muốn tìm hiều các bệnh nhân có thể lựa chọn đến các Cơ sở y tê Y học cổ truyền của nhà nước như các khoa Y học cổ truyền trong các bệnh viện lớn hay các Bệnh viện chuyên về Y học cổ truyền.

Ung thư biết sớm trị lành, phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X