Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân cường giáp có thể uống sữa và cần lưu ý gì?

Vì sao họng vẫn đau sau cắt amidan, bị cường giáp uống sữa được không, u nhú thực quản 2cm có nên cắt,… và rất nhiều câu hỏi khác liên quan đến bệnh tim mạch, chích ngừa dại đã được BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giải đáp.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Đoàn Thị Thu Thắm - Thamd...@gmail.com

Cho em hỏi người bị cường giáp có uống được sữa anlene không ạ? Em cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Bệnh nhân cường giáp vẫn có thể uống sữa được, tuy nhiên, tùy vào từng giai đoạn của bệnh, tùy mỗi đối tượng bệnh nhân mà việc chọn lựa sữa và lượng sữa uống được hàng ngày sẽ khác nhau. Do đó, bác sĩ không thể đưa ra câu trả lời cho một câu hỏi "rộng" như câu hỏi của em được, mà phải trên từng bệnh nhân cụ thể thì mới có câu trả lời phù hợp.

Nhìn chung, đặc điểm của bệnh cường giáp là tăng chuyển hóa của cơ thể, nên đa số người bệnh dù ăn nhiều vẫn gầy, nếu không ăn được thì cơ thể còn suy kiệt nhanh hơn. Việc dùng thuốc là 1 trong các phương pháp giúp ổn định nồng độ hormone tuyến giáp và từ đó sẽ làm giảm hiện tượng sụt ký.

Ngoài ra, người bị bệnh cường giáp, bên cạnh điều trị thuốc thì cũng cần một chế độ ăn thích hợp, đầy đủ chất nhưng cần hạn chế ăn các thức ăn chứa nhiều iod như hải sản, rong biển, tảo, bông cải xanh. Nhấn mạnh ở đây là hạn chế, nghĩa là ăn ít, thỉnh thoảng ăn 1 vài miếng không sao, chứ không phải hoàn toàn không thể đụng đến. Ngoài ra, em cần kiêng ăn thức ăn nóng, khô cay như ớt, kiêng uống cà phê, trà và các chất kích thích có chứa nicôtin, hút thuốc. Cần uống thêm nhiều nước.

Việc sử dụng thêm loại sữa như em đề cập thì cần tham vấn thêm trong lần tái khám gần nhất với bác sĩ chuyên khoa Nội tiết theo dõi bệnh cho em, em nhé.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng Vương

Sau cắt amidan, cổ họng đau nhiều hơn, phải làm sao?

Nguyễn Nam - Nguyenxuan...@gmail.com

Chào bác sĩ! Em năm nay 29 tuổi, mới phẫu thuật cắt amidan và chỉnh hình màn hầu được 3 ngày bằng plasma. Tuy nhiên, sau phẫu thuật em thấy đau nhiều và không giảm, đau từ họng lên cả lỗ tai, nhất là khi nuốt, ăn uống và nói khó khăn. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp sau bao lâu thì tình trạng đau sẽ hết ạ. Cám ơn bác sĩ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Sau khi cắt amidan, vết thương có thể còn phù nề, sung huyết và có phản ứng viêm trong vài ngày đầu (khoảng 7-10 ngày). Sau đó, vết thương sẽ lành nhanh chóng. Bình thường sau mổ cắt amidan 10 ngày, nếu người bệnh tuân thủ kiêng các chất chua, cay, rắn, nóng, nước có ga, chất kích thích thì hầu như không còn cảm giác đau, vướng, đàm nhớt ở họng nữa. Vết cắt Amygdal trong họng thường sẽ lành hẳn sau mổ 2 tuần.

Em cắt amidan đã được 3 ngày mà cảm giác đau vẫn còn nhiều và lan lên cả lỗ tai, ăn uống và nói khó khăn chứng tỏ phản ứng viêm còn nhiều lắm, trong vòng 4 ngày nữa em thử súc miệng bằng nước muối mỗi ngày thêm, nên uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi, có thể bổ sung thêm vitamin C (nếu không đau dạ dày) để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Sau 7 ngày thì tái khám lại bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng, em cũng có thể tái khám sớm hơn nếu tình trạng đau quá nhiều, để bác sĩ xem xét các thuốc đang dùng, mức độ viêm hiện tại mà kê thuốc hỗ trợ thêm cho em, em nhé.

U nhú thực quản 2cm có nên cắt?

Nguyễn Thị Hương - minh7...@gmail.com

Tôi bị u nhú thực quản 2cm thì có nên đi cắt không bác sĩ? Chân thành cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

U nhú thực quản đa số là u lành, thường kích thước nhỏ dưới 3 cm và không gây triệu chứng. Nếu như em có tiếp xúc với khói thuốc lá nhiều năm, trào ngược dạ dày tá tràng, có tiền căn gia đình bị bệnh ung thư hay đa polyp ống tiêu hóa, nhiễm Helicobacter pylori, thì nên cắt bỏ u nhú trong lúc nội soi dạ dày thực quản và làm giải phẫu bệnh.

Còn nếu em không có bất kỳ nguy cơ nào gây chuyển sản, ung thư như trên thì không cần cắt, nhưng cần theo dõi định kỳ, tất nhiên phải bằng nội soi thực quản dạ dày tá tràng trung bình mỗi 6 tháng-1 năm.

Vòm họng nổi mụn thịt gây khó nuốt, do quan hệ bằng đường miệng?

Trần Anh Đức - anhduc...@gmail.com

Em chào bác sĩ! Em mới đi cắt amidan được 2 tuần rồi và sau đó có Oral sex. Bây giờ vòm họng em xuất hiện các mụn nhìn như mụn thịt và gây cảm giác khó nuốt, vướng. Bác sĩ có thể tư vấn cho em bị sao không? Có phải do oral sex không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Hiện tại em đang có biểu hiện của viêm họng, và việc này là do oral sex gây nên. Oral sex là nguồn đưa vi khuẩn lạ (vi khuẩn không thường trú ở miệng) vào thành sau họng nên dễ gây viêm nhiễm, ngoài vi khuẩn thông thường còn có thể có các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như sùi mào gà, herpes, lậu...nếu bạn tình là người mang mầm bệnh.

Do đó, em nên đi khám lại tại chuyên khoa Tai mũi họng, để xem các mụn thịt này có phải sùi mào gà hay không nha, tùy tình huống mà sẽ có hướng điều trị thích hợp tương ứng.

Nhịp tim tăng nhanh và hạ xuống nhanh, có nguy hiểm?

Pham Cương - pnc...@gmail.com

Chào bác sĩ! Tôi năm nay 38 tuổi, nhịp tim khi nghỉ ngơi khoảng 60-65 bpm, nhưng ngay khi đứng lên đi bộ khoảng 20m thì nhịp tim tăng nhanh khoảng 90 -100 bpm. Nếu di chuyển xa hơn có thể lên 100-120 bpm, nhưng khi dừng lại không vận động nữa thì chỉ khoảng 20 giây sau là nhịp tim lại về lại mức 60 bpm.

Cho em hỏi mức độ chênh lệch cao như vậy khi nghỉ ngơi và vận động thì có nguy hiểm gì không ạ? Cảm ơn bác sĩ ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Nhịp tim tăng nhanh rồi hạ xuống nhanh, biến động lớn, chênh lệch nhiều trong 1 thời gian ngắn có thể gặp ở người bình thường nhưng có hệ thần kinh giao cảm mạnh, và cũng có thể gặp ở người có bất thường về đường dẫn truyền điện trong tim (như có đường dẫn truyền phụ). Người có bệnh thì sẽ có những nguy cơ tiềm ẩn nhất định.

Do đó, để phân biệt được là mình có bệnh hay không, em cần khám chuyên khoa Tim mạch chuyên về nhịp tim học, cần đo điện tim lúc nghỉ và lúc gắng sức để bác sĩ kiểm tra cho em, tùy bệnh lý và mức độ mà sẽ có hướng xử trí khác nhau, em nhé.

Vì sao vẫn rối loạn nhịp tim sau phẫu thuật rung nhĩ?

Ngân - nganph...@gmail.com

Mình vừa đốt nhịp tim rung nhĩ xoang vành ngày 10/11/2020. Dạo gần đây nếu không ngủ đủ thì thấy tim hơi muốn rối loạn tí nhưng không lên tim nhanh, lâu lâu lại dựt cái, vậy có cần tái khám không bác sĩ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Trong trường hợp này em vẫn nên quay lại bệnh viện để kiểm tra, nên làm trắc nghiệm điện tim gắng sức xem lúc mà em gắng sức, em mệt thì nhịp tim ra sao, có rối loạn gì cần xử lý thêm hay không.

Mặc dù đa phần các trường hợp phẫu thuật giống em tỷ lệ thành công rất cao, tức là triệt phá hết các ổ gây rung nhĩ, nhưng cũng có 1 số ít trường hợp còn sót lại vài chuyện, cho nên, em kiểm tra lại vẫn tốt hơn, cho mình có hướng giải quyết thích hợp tiếp theo, em nhé.

Bị mèo cắn sau 2 tháng tiêm vắc xin ngừa dại, có an toàn không?

Nguyễn Đức Huy - Nguyenduc...@gmail.com

Em bị chó cắn và đã tiêm ngừa 4 mũi (khoảng 2 tháng trước). Giờ em lại bị mèo cắn, nhưng chỉ trầy thôi, vậy em có cần phải đi tiêm ngừa nữa không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Vì em mới tiêm ngừa vắc xin dại gần đây cho nên trong lần bị mèo cắn lần này, hiệu lực bảo vệ của vắc xin vẫn còn. Do đó, mình sẽ ưu tiên theo dõi con mèo này, nếu được, nếu con mèo đã cào em sau 10 ngày mà vẫn khỏe mạnh bình thường và còn sống, thì em không cần tiêm phòng dại, điều này an toàn vì con vật kia chắc chắn không bị dại và không lây bệnh cho em tại thời điểm xảy ra vết thương.

Ngược lại, nếu đây là mèo hoang, hay mèo chết trong thời gian theo dõi hoặc mất dấu theo dõi thì em tiêm nhắc 2-3 mũi vắc xin ngừa dại là ổn, em nhé.

Đang tiêm ngừa dại, uống thuốc điều trị gan B được không?

Minh - Nhomi...@gmail.com

Em đang bị viêm gan B, hôm qua em có bị chó cắn và đã đi chích ngừa. Bác sĩ cho em hỏi là em có dùng thuốc điều trị gan B tiếp được không?

Thông tin thêm: Thuốc đang dùng Tefostad T300

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Trong thời gian tiêm ngừa dại, em vẫn dùng thuốc Tefostad đều đặn mỗi ngày như bình thường, thuốc không ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin, em nhé.

Gãy chỏm xương bàn chân, khi nào đi lại mới hết đau?

Luu Phan - khanhl...@gmail.com

Tôi bị gãy chỏm xương bàn chân trái số 5 đến nay đã hơn 5 tháng, nhưng đi lên xuống cầu thang là lại bị đau nhói bàn chân. Còn nếu đi mặt đất bằng phẳng thì không bị đau. Bác sĩ cho biết tình trạng chân tôi khi nào mới hết đau vậy ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Gãy xương làm xáo trộn hệ thần kinh - mạch máu quanh khu vực đó, đồng thời hiện tượng loãng xương khu trú tại vị trí gãy xương sẽ làm cho người bệnh còn cảm giác đau nhói khi tăng áp lực lên điểm gãy xương (trong trường hợp của bạn là đi bộ lên xuống cầu thang). Hiện tượng này có thể kéo dài 3-6 tháng ở người trẻ và có thể dài hơn ở người lớn tuổi, người đã có bệnh lý thoái hóa khớp, loãng xương.

Bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng cách mang giày đế mềm đi lại trong nhà, tập thêm thể dục, ăn uống đầy đủ chất - đặc biệt là canxi, xoa bóp và bấm huyệt bàn chân tại nhà. Nếu vẫn không hết hay cảm giác khó chịu gia tăng thì cần khám chuyên khoa Cơ xương khớp để được kiểm tra thêm, bạn nhé.

Da gần móng chân bị rách và chảy mủ, bôi thuốc mỡ tra mắt được không?

Nguyễn Thị Thúy Hằng - 03762...

Cháu bị ngã xe, phần da gần móng chân cái bị rách một miếng và có hiện tượng ra mủ. Cháu có nên dùng thuốc mỡ tra mắt để bôi không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Thuốc mỡ tra mắt có nhiều loại thuốc với các thành phần khác nhau, như tetracyclin 1%, Mediclovir 3%, Chloramphenicol 1% phối hợp Hydrocortison acetat 0,75%...chứ không phải chỉ có 1 loại thuốc mỡ tra mắt. Mỗi loại thuốc sẽ có chỉ định sử dụng khác nhau và tác dụng phụ khác nhau.

Với vết thương trầy xước nhỏ, hơi có mủ, em có thể chọn loại thuốc mỡ tra mắt có chứa kháng sinh để bôi vào, rửa vết thương hằng ngày, lau khô rồi thoa thuốc, ngày làm 2-3 lần. Nếu sau 2 ngày mà vết thương không cải thiện hay có dấu hiệu xấu hơn (sưng đau nóng đỏ tụ mủ nhiều hơn) thì cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và xử lý thích hợp, em nhé.

Ngón chân cái bị đau sau chấn thương do đá bóng, nên làm gì?

Nguyễn Anh Đức - bongtoi...@gmail.com

Chào bác sĩ! Cháu bây giờ đang là học sinh lớp 12 và cháu rất đam mê bộ môn đá bóng. Do 1 lần đá hơi nhiệt tình 1 chút nên cháu đã lỡ quẹt cả bàn chân xuống dưới sân, bây giờ chỉ có mỗi ngón chân cái (đoạn khớp của ngón chân cái) khá đau và đã 3 tháng rồi vẫn không hết đau ạ. Mong bác sĩ xem xét trường hợp này giúp cháu.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Trong trường hợp này, em cần phải khám tại chuyên khoa Cơ xương khớp để bác sĩ chụp phim Xquang kiểm tra xem phần xương thế nào, và khám xem phần dây chằng khớp ra sao, mà làm cho em đau tới 3 tháng vẫn chưa hết.

Tùy vào nguyên nhân mà có hướng xử lý thích hợp tiếp theo, nhưng nhìn chung là em cần nên khám sớm, để thuận tiện hơn trong sinh hoạt và còn chơi thể thao lại nữa, em nhé.

Đau khớp hông bên trái, nguyên nhân do đâu?

Huy - nvhuy...@yahoo.com

Em chạy thể dục buổi sáng được khoảng 4 tháng nay, mỗi tuần em chạy được 3-5 buổi và mỗi buổi 7-8 km với thời gian 40-50 phút. Nhưng khoảng nửa tháng gần đây em thấy hơi đau ở khớp hông bên trái, khi đi bộ bình thường cũng như khi chạy em đặt ngón tay vào vị trí đó thì thấy như có dây chằng trượt đi trượt lại chứ không êm như bên phải. Vậy bác sĩ có thể tư vấn giúp em bị gì ạ? Em xin chân thành cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Tình huống em miêu tả thường gặp nhất trong 2 nguyên nhân sau: một là sạn thận loại nhỏ, chưa đủ gây cơn đau quặn thận dữ dội, hai là đau do căng mỏi cơ (bắt đầu mất cân bằng vi khoáng chất, hay do tư thế chạy, cách nghỉ ngơi làm cho nhóm cơ vùng này chưa được nghỉ đủ, rối loạn căng cơ gây đau).

Cho nên, em cũng nên khám kiểm tra, đăng ký khám tại chuyên khoa Cơ xương khớp, và trong nên nghỉ chạy ít ngày, uống thêm nước, ăn thêm trái cây và tập các động tác toàn thân thay cho việc chạy mỗi sáng, em nhé.

Tiêm tanganil 500mg điều trị hội chứng tiền đình không đỡ, phải làm sao?

Bùi Quang Quân - buiquan...@gmail.com

Xin chào bác sĩ! Cháu là Quân, 30 tuổi. Cháu vào viện với các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn nhưng chủ yếu là chóng mặt. Cháu được các bác sĩ chẩn đoán hội chứng tiền đình và được điều trị bằng tanganil 500mg tiêm tĩnh mạch ngày 2 ống. Nhưng hiện tại sau 3 ngày điều trị cháu không thấy đỡ gì cả. Cháu mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ. Cháu cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Hiện tại em đang nằm điều trị tại bệnh viện thì y lệnh điều trị là quyền và trách nhiệm của bác sĩ đang theo dõi bệnh cho em. Người khác (dù là y bác sĩ nhưng không thuộc bệnh viện em đang nằm điều trị) không thể can thiệp từ xa, vì chúng tôi không khám trực tiếp cho em, không có các xn em đã làm, và cũng chỉ nghe 1 vài thông tin 1 phía từ em thì không thể đưa ra quyết định gì được.

Thuốc tanganil loại tiêm tĩnh mạch là thuốc dùng để điều trị rối loạn chức năng tiền đình loại mạnh rồi, nếu vẫn không đáp ứng sau 3 ngày điều trị, em cần báo với bác sĩ để bác sĩ xem xét điều chỉnh thuốc cho em, và cần thiết thì làm thêm xn kiểm tra (như chụp CTscan sọ não) theo đánh giá của bác sĩ. Về phía em thì em chú ý uống đủ nước, ăn thêm cháo sữa súp để có đủ sức và nên nằm nghỉ ngơi nhiều hơn, em nhé.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X