Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng tại Việt Nam là 43%

COVID-19 tác hại ra sao, vì sao cuộc chiến giữa con người với SARS-CoV-2 chưa ngã ngũ… là vấn đề được phân tích cặn kẽ tại hội nghị thường niên của Hội Hô hấp TPHCM. Bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng chiếm 43% khiến cho việc khống chế căn bệnh này trở nên khó khăn.

COVID-19 là một trong những đề tài nóng tại hội nghị thường niên của Hội Hô hấp TPHCM, khi mà có đến hai bài báo cáo về đề tài này trong phiên toàn thể của hội nghị, diễn ra ngày 4/7.

"Đại dịch Coronavirus: từ cơ chế sinh học phân tử SARS-CoV-2 đến bệnh lý học COVID-19" do GS.TS Đinh Xuân Anh Tuấn, hiệu trưởng Đại học Corse (Pháp) trình bày qua video.

Từ Pháp, GS.TS Đinh Xuân Anh Tuấn, hiệu trưởng Đại học Corse gửi đến hội nghị video dài 25 phút phân tích và cập nhật những nghiên cứu mới nhất về cơ chế lây lan, gây bệnh của virus SARS-CoV-2, so sánh mức nguy hiểm của đại dịch COVID-19 với các dịch bệnh trong quá khứ.

Giáo sư Tuấn nhấn mạnh ý nghĩa của việc khám phá ra men chuyển angiotensin 2 là thụ thể của SARS-CoV-2, giải thích cơ chế gây bệnh của virus này và vì sao chúng có thể gây hại đến các cơ quan ngoài phổi.

Sau khi xâm nhập vào tế bào chủ, virus đưa các vật liệu di truyền và sử dụng bộ máy của tế bào chủ để sao chép. Giáo sư Tuấn cho biết nhiều nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu các protein virus liên quan đến quá trình nhân bản để phá vỡ chu trình này.

Phần sau của báo cáo, GS.TS Đinh Xuân Anh Tuấn tiếp tục phân tích về bão cytokine, cơ chế cho quá trình thoát mạch, cơ chế khởi phát đông máu…

Tiếp theo là đề tài “Cập nhật COVID-19 và xử trí bệnh hô hấp trên bệnh nhân COVID-19” do PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TPHCM trình bày.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trình bày đề tài “Cập nhật COVID-19 và xử trí bệnh hô hấp trên bệnh nhân COVID-19”

Trong báo cáo, phó giáo sư nhấn mạnh bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng tại Việt Nam là 43%, đây là vấn đề lớn khiến cho việc khống chế căn bệnh này trở nên khó khăn.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc cũng đưa ra lưu ý một số trường hợp bệnh nhân COVID-19 có Xquang phổi bình thường nhưng lại có tổn thương trên CTscan do “hiệu ứng kính mờ”; bệnh nhân ung thư xuất hiện hình ảnh tổn thương mới ở phổi phải phân biệt rõ là COVID-19 hay ung thư di căn; điều trị bệnh nhân COVID-19 có kèm bệnh hô hấp như hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD như thế nào…

Về phương án dự phòng, phó giáo sư ủng hộ biện pháp cách ly người đến từ vùng dịch trong 14 ngày kể cả người không triệu chứng. Về phương pháp dự phòng cho cá nhân, PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc khuyến cáo mọi người giữ gìn vệ sinh, dinh dưỡng đúng, nghỉ ngơi đủ, đặc biệt là nên chủng ngừa cúm và phế cầu.

Phiên toàn thể còn trình chiếu video “Đánh giá tiềm năng giảm thiểu nguy cơ ung thư phổi của các sản phẩm chứa nicotin và thuốc lá thế hệ mới - Vấn đề của việc đáp ứng liều dùng” của GS. David Khayat, Khoa Ung thư ĐH Pierre & Marie, Pháp.

Ai cũng biết khói thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư phổi và bệnh COPD, tuy nhiên việc cai thuốc lá là vô cùng nan giải, thậm chí với những người đã bị bệnh rồi, họ vẫn không từ bỏ được việc hút thuốc lá. Vì vậy, nên chăng là chúng ta suy nghĩ đến những biện pháp thay thế thuốc lá ít tác hại hơn dành cho những đối tượng này.

Tại các phiên khác cũng có nhiều đề tài đáng chú ý:

- Tác nhân vi sinh gây viêm phổi bệnh viện qua kết quả nghiên cứu bằng Real time PCR - TS.BS Phạm Hùng Vân, Chủ tịch Liên chi hội Vi sinh Lâm sàng TPHCM

- Ứng dụng tin sinh học dựa trên web để phân tích gen kháng thuốc và cơ chế gây bệnh của vi khuẩn thường gây viêm phổi bệnh viện - TS BS Nguyễn Sĩ Tuấn, Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai.

- Lợi ích của việc chuyển đổi từ đường tiêm sang đường uống trong thực hành lâm sàng - PGS.TS.DS Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm DI & ADR quốc gia

- Chiến lược điều trị kháng sinh hiệu quả , giảm gánh nặng chi phí trong nhiễm khuẩn bệnh viện - PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TPHCM

- Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị nhiễm nấm xâm lấn - PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Trung tâm Hô Hấp, Bệnh viện Bạch Mai

- Thách thức và giải pháp điều trị vi khuẩn gram âm đa kháng kháng sinh- Cập nhật ECCMID 2019 - PGS.TS.BS Lê Tiến Dũng, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện ĐHYD TPHCM

… và nhiều đề tài khác.

Nhiều đề tài về bệnh hô hấp được trình bày bằng poster là nét mới của hội thảo năm 2020

Hội nghị thường niên Liên chi hội Hô hấp TPHCM thu hút sự tham dự của khoảng 1.300 đại biểu đến từ các tỉnh/ thành phố.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X