Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thể gặp biến chứng gì?

Biến chứng khi chạy thận nhân tạo gồm những gì, làm sao để hạn chế biến chứng xảy ra khi người bệnh chạy thận nhân tạo?

1. Có bao nhiêu giai đoạn suy thận, giai đoạn nào cần chạy thận?

Bệnh thận chia thành 5 giai đoạn:

  • Giai đoạn thứ nhất độ lọc cầu thận trên 90 ml/phút,
  • Giai đoạn thứ hai là độ lọc cầu thận là 60 - 90 ml/phút,
  • Giai đoạn thứ ba là độ lọc cầu thận từ 30 - 60 ml/phút,
  • Giai đoạn thứ tư độ lọc cầu thận từ 15 - 30 ml/phút
  • Cuối cùng độ lọc cầu thận dưới 15 ml/phút.

Khi bệnh nhân suy thận đến giai đoạn thứ tư, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân phương pháp thay thế thận. Trong đó có ghép thận, chạy thận nhân tạo (lọc máu), thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng). Tư vấn cả ưu và khuyết điểm nhằm giúp bệnh nhân lựa chọn phương pháp tùy thuộc vào sức khỏe của bệnh nhân, điều kiện gia đình…

Đến giai đoạn thứ năm (độ lọc cầu thận dưới 15 ml/phút), nếu bệnh nhân chạy thận nhân tạo, bác sĩ sẽ cho mổ AVF (cầu nối động tĩnh mạch ở tay) để chuẩn bị cho con đường chạy thận. Bác sĩ vẫn cho thuốc điều trị nội khoa tích cực cho đến khi bệnh nhân có biểu hiện quá tải dịch, phù quá nhiều (không còn đáp ứng với điều trị nội khoa) hoặc bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng kém, hoặc bệnh nhân bị tăng kali máu nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe suy sụp nhiều. Lúc đó, bác sĩ sẽ cho chạy thận khi độ lọc cầu thận nằm ở mức 5 đến 7 ml/phút

2. Quá trình chạy thận diễn ra như thế nào và trong bao lâu?

Chạy thận là dùng màng lọc trao đổi giữa một bên là khoang dịch sạch và một bên là máu của bệnh nhân. 2 khoang dịch và khoang máu sẽ chạy ngược chiều nhau, chất độc từ máu sẽ qua màng bán thấm đó, đi qua bên dịch lọc và dịch lọc sẽ thải ra ngoài.

Bệnh nhân sẽ được chích hai mũi kim trong đường  AVF. Một đường lấy máu ra qua ống dẫn, khi trao đổi với dịch lọc, nó sẽ thành máu sạch và trả về cho cơ thể.

Quá trình chạy thận diễn ra trong 4 giờ (4 tiếng đồng hồ). Một tuần trung bình là 3 lần chạy thận, ví dụ như 2, 4, 6 hay 3, 5, 7. Không phải ai cũng chạy thận 3 lần một tuần mà tùy thuộc vào bệnh lý của bệnh nhân và bác sĩ sẽ chỉ định. Có một số bệnh nhân chạy thận 2 lần/tuần, đây là con số tối thiểu.

3. Trong quá trình chạy thận, cơ thể ta có gặp phải biến chứng gì không?

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường gặp các biến chứng như sau: tụt huyết áp, buồn nôn, chuột rút, đau lưng đau ngực, ngứa, nhức đầu.

Biến chứng ít gặp nhưng nguy hiểm là hội chứng mất quân bình. Biến chứng này thường gặp ở các bệnh nhân chạy thận cấp cứu hay chạy thận lần đầu. Hiện tượng này xảy ra khi các chất độc tích tụ trong cơ thể bệnh nhân ngày càng nhiều, đến một một ngưỡng nào đó dẫn đến các biểu hiện cơ thể cần phải chạy thận. Khi chạy thận lần đầu tiên, đáp ứng cơ thể đối với màng lọc tốt quá, dẫn đến chất độc hạ xuống nhanh quá khiến cơ thể không đáp ứng kịp với thay đổi đó, dẫn đến tình trạng mất quân bình.

Biến chứng hiếm gặp tiếp theo là xuất huyết não, tình trạng này thường gặp ở bệnh nhân chạy thận cấp cứu. Sau này, khi chạy thận về lâu về dài cũng có thể bị xuất huyết não. Lý do là khi chạy thận phải dùng thuốc chống đông. Bình thường máu đi ra khỏi cơ thể được một lúc sẽ đông lại. Muốn hiện tượng trao đổi chất độc diễn ra tốt và trả về cho cơ thể, máu không được đông. Tác dụng phụ của chất chống đông có thể đưa đến nguy hiểm là xuất huyết não. Các bệnh nhân suy thận mạn có huyết áp cao cũng sẽ có nguy cơ tai biến xuất huyết não.

Biến chứng kế tiếp ít gặp nhưng cũng nguy hiểm là rối loạn nhịp tim. Biến chứng rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhịp tim này là do trong quá trình chạy thận sự trao đổi điện giải diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ 4 giờ. Nhiều chất điện giải hạ thấp quá trong quá trình chạy thận, dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp tim. Hoặc bệnh nhân lên ký quá nhiều, tim họ vốn đã suy yếu, quá trình chạy thận rút nước nhanh như vậy, tim không kịp thích ứng với sự thay đổi đó, dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp.

Tác dụng phụ nguy hiểm tiếp theo các bác sĩ rất lo sợ là phản ứng với màng lọc. Màng lọc nhân tạo được thiết kế để thích ứng với số lượng lớn người nhưng vẫn có tỷ lệ 1-2% người không thích ứng với màng lọc đó. Trong quá trình chạy thận lần đầu, bệnh nhân phản ứng với màn lọc đó, không ai biết trước điều này. Nếu phản ứng ở mức độ rầm rộ, bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ, rất nguy hiểm.

4. Bị loãng xương khi chạy thận, có nên tiếp tục chạy thận không?

Một trong các biến chứng của bệnh thận mạn là loãng xương. Thận có chức năng kích hoạt vitamin D, đưa canxi vào xương. Suy thận sẽ khiến chức năng đó suy giảm, canxi từ xương bị đưa ra ngoài cơ thể.

Tuyến cận giáp có chức năng điều hòa canxi và photpho trong cơ thể. Thận bị suy yếu không thải được photpho, dẫn đến nồng độ PTH cơ thể cao), cho nên quá trình lấy canxi từ xương ra (công việc của tuyến cận giáp) để trung hòa sẽ diễn ra nhanh hơn. Do đó bệnh nhân bị suy thận càng nặng thì biến chứng loãng xương càng dễ xảy ra.

Mọi người cần hiểu bị loãng xương không phải biến chứng do chạy thận nhân tạo mà quá trình diễn tiến của bệnh suy thận. Do đó, bệnh nhân vẫn nên tiếp tục chạy thận nhân tạo.

Về tình trạng loãng xương thì bệnh nhân nên báo với bác sĩ điều trị. Bác sĩ sẽ có chỉ định xét nghiệm: kiểm tra nồng độ canxi, photpho, nồng độ PTH và kiểm tra xem tuyến cận giáp có bị phì đại hay không. Nếu cần, có thể sẽ phẫu thuật cắt tuyến cận giáp đó để hạn chế tình trạng loãng xương nặng hơn.

Bệnh nhân nên khám thêm với chuyên khoa Cơ xương khớp. Có một số loại thuốc điều trị loãng xương phù hợp với người bệnh suy thận.

5. Bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần làm gì để tránh biến chứng?

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo không nên tăng ký quá nhiều giữa 2 lần chạy thận. Theo khuyến cáo, mỗi ngày bệnh nhân chỉ uống 1 lít nước/ ngày. Giữa hai lần chạy thận, không lên quá 3kg khi lên ký quá nhiều, việc rút nước trong quá trình chạy thận 4 giờ sẽ khiến cơ thể không đáp ứng kịp. Điều này dẫn đến nguy cơ tuột huyết áp.

Thứ hai, để hạn chế hấp thụ nhiều nước vào cơ thể, bệnh nhân cần ăn nhạt (lạt), hạn chế ăn mặn (nhiều muối).

Thứ ba, bệnh nhân cần hạn chế ăn uống trong quá trình chạy thận. Vì khi mình ăn uống, sẽ cần một lượng máu phục vụ hệ thống tiêu hóa, dẫn đếnhệ việc điều hòa huyết áp bị ảnh hưởng, tụt huyết áp.

Những người dễ bị tuột huyết áp không nên uống thuốc huyết áp trước giờ chạy thận.

Các biến chứng như ngứa vẫn chưa được biết rõ, đa phần là do rối loạn nồng độ canxi  vàphotpho. Khi bệnh nhân chạy thận nhân tạo bị ngứa cũng nên báo với bác sĩ.

Các biến chứng khác như nhức đầu, chuột rút, buồn nôn có thể đến cùng tuột huyết áp. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ để có kế hoạch điều trị cụ thể.

6. Chế độ dinh dưỡng cho người chạy thận nhân tạo cần lưu ý gì?

Khi người nội trợ nấu ăn cho cả nhà có thể nấu bình thường nhưng lúc nêm nếm thì nên múc riêng phần cho người chạy thận vì người bệnh cần ăn nhạt, rất ít muối.

Mỗi ngày người bệnh suy thận chỉ ăn dưới 5 gram muối, tương đương với một muỗng cà phê muối/ngày, được tính bao gồm tất cả món ăn. Do đó bệnh nhân cũng cần hạn chế món ăn có chấm nước tương, nước mắm.

Bệnh nhân tuyệt đối không ăn nhiều kali vì thận bị suy yếu, không thải được kali qua đường tiểu dẫn đến nồng độ kali trong máu cao, có thể gây rối loạn nhịp tim và tử vong. Trong đó, chú ý nhất là rau củ sống có chứa nhiều kali.

Bình thường  10% kali được thải qua đường tiêu hóa và da (phần lớn kali thải qua thận nhưng thận suy rồi), do đó bệnh nhân không được để mình bị táo bón. Bởi bì điều này dẫn đến nguy cơ tăng kali cao trong những ngày không chạy thận, sẽ rất nguy hiểm.

Những ngày không chạy thận nhân tạo bệnh nhân không được ăn rau củ quả, nhưng đồng thời không được để táo bón, vậy bổ sung chất xơ thế nào? Chúng ta có thể cho bệnh nhân ăn rau luộc mà phải thay nước 2 lần trong quá trình luộc. Sau đó bỏ nước và chỉ cho bệnh nhân ăn rau.

Nếu bệnh nhân chạy thận thèm ăn trái cây, có thể cho bệnh nhân ăn một ít vào 2 giờ đầu của 4 giờ chạy thận. Khi trái cây được hấp thu, trong quá trình chạy thận, nó sẽ được lọc ra.

7. Cần lưu ý gì khi chăm sóc người thân chạy thận có nhiều bệnh nền?

Vấn đề cần chú trọng nhất đó là ăn uống.

Điều cần chú trọng tiếp theo là theo dõi huyết áp và đường huyết ở nhà.

Bệnh nhân suy thận mạn có kèm theo tiểu đường, việc ổn định đường huyết cũng rất quan trọng. Đường huyết cao sẽ gây ảnh hưởng đến biến chứng của tim mạch và việc chạy thận của bệnh nhân sẽ dễ bị ảnh hưởng nếu suy tim. Huyết áp của bệnh nhân cao sẽ dẫn đến các biến chứng như xuất huyết não hay nhồi máu não trong quá trình chạy thận.

Trọng Dy (ghi)

Nguồn: Video “Biến chứng khi chạy thận”, BS.CK1 Nguyễn Hữu Phúc, khoa Thận - Lọc máu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X