Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân bị tắc mạch do huyết khối do tai nạn giao thông

Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cứu sống bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi sau tai nạn giao thông. Đây là nguyên nhân gây tử vong muộn thường gặp ở bệnh nhân đa chấn thương hoặc phẫu thuật sau tai nạn.

Cụ thể, ngày 14/12/2020, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp người bệnh nữ 35 tuổi (Quốc tịch Ukraina), sinh sống và làm việc tại Hà Nội nhập viện do tai nạn giao thông. Người bệnh vào viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, đau ngực và hạn chế hô hấp.

Tại đây, người bệnh đã được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán đa chấn thương, chấn thương ngực kín mức độ nhiều do gãy nhiều xương sườn với 8 xương sườn bên trái và 2 xương sườn bên phải trong đó có xương gãy chọc vào phổi gây tổn thương phổi, gãy xương ức, gãy xương bả vai trái có tổn thương phổi gây xẹp phổi, tràn khí, tràn máu màng phổi. Người bệnh bị chấn thương gan độ IV và chấn thương lách độ II có chỉ định điều trị bảo tồn. Thời gian đầu khi mới chấn thương, người bệnh có nguy cơ chảy máu rất cao do đa chấn thương, nguy cơ chảy máu tại gan thì hai và có thể phải phẫu thuật cấp cứu nên không được dùng chống đông dự phòng huyết khối.

TS.BS Lê Việt Khánh - Bệnh viện Hữu nghị Việt ĐứcTS.BS Lê Việt Khánh - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa đang thăm khám cho nữ bệnh nhân

TS.BS Lê Việt Khánh - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Người bệnh đã được các bác sĩ dẫn lưu màng phổi 2 bên, chỉ định điều trị bảo tồn không mổ gan và lách. Trong thời gian điều trị từ 14 đến 28/12/2020, người bệnh đau và hạn chế vận động, do còn nguy cơ chảy máu do chấn thương của gan và lách nên chưa điều trị dự phòng chống đông. Sau 6 ngày, tình trạng huyết động của người bệnh dần ổn định.

"Tuy nhiên vào ngày 29/12 người bệnh có dấu hiệu đau ngực, ho, khó thở, trên phim chụp cắt lớp vi tính phát hiện có huyết khối động mạch phổi vùng ngoại vi nhánh phân thùy đỉnh thùy trên phổi trái, các vị trí khác của động mạch phổi phải và phổi trái không có huyết khối; tràn dịch màng phổi phải dày 9mm, tràn dịch màng phổi trái dày 23mm; xẹp một phần nhu mô thùy trên và dưới phổi phải và trái sát vùng tràn dịch 2 bên; siêu âm mạch máu chi dưới không phát hiện huyết khối tĩnh mạch sâu" - TS.BS Lê Việt Khánh thông tin.

Các bác sĩ đã chẩn đoán huyết khối động mạch phổi ở thùy trên phổi trái, người bệnh được điều trị heparin trọng lượng phân tử thấp, theo dõi sau tiêm heparin 3 mũi thấy nồng độ D-Dimer giảm dần (5953 µg/L), định lượng hoạt tính Anti-Xa chỉ đạt 0,25 UI/mL. Do cân nặng của người bệnh 77kg nên người bệnh được điều trị tăng liều heparin (Gemapaxane loại 60mg/0,6ml x 02 ống/ngày). Theo dõi nồng độ D-Dimer giảm dần và Anti-Xa đạt 0,68-0,79 UI/mL sau tiêm 4 mũi. Người bệnh không có dấu hiệu xuất huyết và tắc mạch trên lâm sàng, tình trạng người bệnh ổn định, không khó thở. Người bệnh được duy trì liều heparin như trên trong thời gian nằm viện và chuyển sang dùng chống đông đường uống khi ra viện.

TS Lê Việt Khánh cho biết thêm: "Tắc mạch do huyết khối ở người bệnh đa chấn thương là một trong những nguyên nhân gây tử vong khi người bệnh hạn chế vận động, tổn thương mạch máu và tăng giải phóng các chất hoạt hóa đông máu từ nơi bị đụng dập vào mạch máu. Hai loại huyết khối thường gặp nhất ở người bệnh chấn thương là huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi".

Hàng năm, tại Việt Nam có hơn 10.000 người chết do tai nạn giao thông, hàng chục nghìn người bị thương phải điều trị tại bệnh viện. Huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi là nguyên nhân gây tử vong muộn sau vài ngày hoặc vài tuần ở người bệnh chấn thương hoặc sau phẫu thuật. Các yếu tố nguy cơ được công bố bao gồm đa chấn thương, chấn thương cột sống có liệt nửa người, tổn thương mạch máu, hạn chế vận động. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như béo phì, hút thuốc, sử dụng thuốc tránh thai hoặc hormon thay thế, thiếu yếu tố V Leiden bẩm sinh cũng tăng nguy cơ huyết khối.

Đặc biệt người bệnh có dấu hiệu tăng đông khi làm xét nghiệm đàn hồi đồ cục máu tăng gấp đôi tỷ lệ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu so với người bệnh không có dấu hiệu tăng đông. Biện pháp dự phòng huyết khối được sử dụng thường xuyên với liều chống đông phù hợp, băng chun áp lực, vận động sớm. Chẩn đoán sớm dựa vào chụp cắt lớp, siêu âm mạch máu ở người bệnh có D-Dimer cao và điều trị huyết khối bằng thuốc chống đông, can thiệp mạch hoặc phẫu thuật lấy huyết khối hay thuốc tiêu sợi huyết tùy từng trường hợp cụ thể.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X