Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh mỡ máu, béo phì - yếu tố nguy cơ đột quỵ cần cảnh giác

Bệnh mỡ máu, béo phì là hai yếu tố nguy hiểm có thể dẫn đến đột quỵ. Nếu một người bị đột quỵ do béo phì, nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP.HCM sẽ giải thích rõ hơn cho quý bạn đọc.

1. Vì sao người béo phì, tăng mỡ máu có nguy cơ đột quỵ?

TS.BS Trần Chí Cường:

Hai căn bệnh béo phì, tăng mỡ máu nằm trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra tình trạng đột quỵ. Nếu một người bị béo phì hoặc tăng mỡ máu, họ sẽ có nguy cơ đột quỵ, đặc biệt những ai vừa bị béo phì vừa tăng mỡ máu nguy cơ càng cao hơn.

Khi đột quỵ xảy ra ở bệnh nhân béo phì, chúng ta sẽ khó khăn trong việc điều trị hơn người không bị thừa cân, béo phì.

TS.BS Trần Chí Cường hiện là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TPHCM, Phó chủ tịch Hội điện quang can thiệp Việt Nam, Ban Chấp Hành Hội can thiệp thần kinh Á Úc (AAFITN)… BS Cường đang khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện S.I.S Cần Thơ.

2. Khi nào một người được xem là béo phì?

TS.BS Trần Chí Cường:

Vòng bụng từ 80 cm trở lên là dấu hiệu cảnh báo yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, không phải ai bụng to cũng là dấu hiệu nguy hiểm. Y khoa có một chỉ số có thể tính toán để biết cơ thể chúng ta có bị thừa cân hay không đó là chỉ số cơ thể (BMI).

Để tính chỉ số này, chúng ta lấy cân nặng (kg) chia cho chiều cao bình phương (m2). Nếu kết quả dưới 18.5, người đó bị suy dinh dưỡng. Nếu chỉ số nằm từ 18 đến 25, sẽ nằm trong danh sách người lý tưởng. Chỉ số từ 25 đến 30 là dấu hiệu cảnh báo béo phì độ 1; chỉ số từ 30 đến 40 rơi vào béo phì độ 2. Nếu chỉ số BMI trên 40 thuộc tình trạng béo phì thực sự.

Điều này sẽ dẫn đến một chuỗi ảnh hưởng phía sau. Khi BMI quá lớn thì việc quan trọng nhất là cơ thể sẽ bị xáo trộn như vận động đi lại khó khăn, cơ xương khớp, hệ tim mạch bị ảnh hưởng, tăng huyết áp, mỡ máu cao. Nếu người béo phì bị đột quỵ, việc cứu chữa sẽ khó hơn người bình thường.

3. Người béo phì sẽ gặp khó khăn gì trong việc điều trị và phục hồi?

TS.BS Trần Chí Cường:

Đối với bệnh nhân bị đột quỵ do béo phì, việc điều trị sẽ rất khó khăn. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp vận chuyển bệnh nhân lên xe cứu thương gặp nhiều khó khăn, vì cân nặng hơn 150 kg. Khi đến phòng cấp cứu, việc tiêm chích cho bệnh nhân cũng gặp cản trở trong vấn đề lấy ven, đặt nội khí quản, kỹ năng về cấp cứu,… Nhiều trường hợp đặt nội khí quản khó vì cổ bệnh nhân quá ngắn.

Nói về vấn đề vết mổ của bệnh nhân cũng rất chậm lành và khi chúng ta đưa dụng cụ từ động mạch đùi trong can thiệp mạch máu, tìm động mạch đùi để đưa dụng cụ vào cũng gặp khó khăn.

Khi cứu chữa thành công bệnh nhân đột quỵ do béo phì, chúng ta lại đối mặt với việc phục hồi chức năng. Bệnh nhân nằm trên giường rất dễ bị lở loét, hoặc bội nhiễm do cơ thể quá nặng và cần 2-3 người đỡ bệnh nhân.

Bên cạnh đó, họ cũng dễ bị hình thành huyết khối tĩnh mạch do nằm nhiều. Khi bệnh nhân đi đứng kém, việc phục hồi chức năng cũng không thuận lợi. Có thể thấy, thừa cân béo phì gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Tập thể dục là biện pháp ưu tiên hàng đầu để giúp người béo phì giảm cân, phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.

Tập thể dục là biện pháp ưu tiên hàng đầu để giúp người béo phì giảm cân, phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.

4. Làm sao có thể kiểm soát cân nặng?

TS.BS Trần Chí Cường:

Nếu chúng ta đưa ra tỷ lệ 100% không béo phì trong xã hội thì đây là điều hoàn toàn không đúng. Tuy nhiên, nếu có chiến lược tốt và quan tâm nhiều hơn, chúng ta sẽ giảm số người bị béo phì trong cộng đồng.

Có rất nhiều trường hợp liên quan đến yếu tố gene, di truyền, gia đình làm cho việc kiểm soát cân nặng của một số người khó khăn. Vì vậy, những ai đang trong giai đoạn tiền béo phì, chúng ta nên nhanh chóng tập thể dục, vận động và ăn kiêng để cơ thể nhẹ lại, trở về giai đoạn 18 đến 25.

Chúng ta cũng phải nhận thức được vấn đề từ xa và các bậc phụ huynh thấy được nhiều trẻ em béo phì, đây là vấn đề cảnh báo. Khi cơ thể các bé đã thừa cân béo phì, sẽ ảnh hưởng dẫn đến bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao.

Đột quỵ rất dễ xảy ra ở người béo phì, kèm theo rối loạn mỡ máu. Chúng ta cần ăn uống phù hợp để tránh tình trạng béo phì. Những vấn đề cần phòng tránh như thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ và ăn một lượng quá lớn, ăn đêm.

Nếu chúng ta ăn vào ban đêm quá nhiều, hãy nhớ đến câu nói ví von này “ăn buổi sáng là tốt, ăn buổi trưa là ăn cho bạn, ăn buổi tối là ăn cho kẻ thù”. Nếu chúng ta ăn càng nhiều vào buổi tối, chúng ta sẽ dễ bị mỡ máu cao và béo phì.

5. Cách phòng ngừa đột quỵ ở người béo phì, mỡ máu cao?

TS.BS Trần Chí Cường:

Đối với tình trạng bệnh nhân bị béo phì, chúng ta sẽ tìm mọi cách giảm cân nặng. Đối với người bị mỡ máu cao ở mức quá ngưỡng cho phép, nếu như chúng ta đã vận động, thay đổi chế độ ăn nhưng không hiệu quả thì chúng ta phải uống thuốc để giảm tình trạng gia tăng mỡ máu, cụ thể giảm cholesterol máu, triglyceride máu và giảm chỉ số mỡ xấu về giới hạn cho phép.

Nhóm người có yếu tố nguy cơ nhiều hơn như mỡ máu cao, tăng huyết áp, thừa cân béo phì trong thời gian khá dài thì chúng ta có thể đi tầm soát để xem mình có nguy cơ cao mắc bệnh đột quỵ hay không.

Theo Trọng Dy (ghi) - benhdotquy.net

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X