Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh hô hấp “vào mùa”: Dấu hiệu nào cảnh báo trẻ cần nhập viện ngay?

Theo BS Trương Hữu Khanh, phụ huynh chỉ nên đưa trẻ nhập viện khi cần thiết để tránh nguy cơ bội nhiễm trước thực tế nhiều bệnh viện nhi quá tải khi bệnh hô hấp vào mùa. Vậy dấu hiệu nào cảnh báo trẻ cần nhập viện ngay? Mời quý độc giả theo dõi bài viết sau.

1. Năm 2022, bệnh hô hấp tại TPHCM khi giao mùa TĂNG hay GIẢM ra sao?

Dường như bệnh hô hấp đang rục rịch tại miền Bắc khi trời đã bắt đầu trở lạnh. Còn tại TPHCM, tình hình bệnh hô hấp hiện nay thay đổi ra sao thưa BS? Liệu có khác biệt so với những mùa trước?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hiện miền Nam bắt đầu xuất hiện bệnh hô hấp khá nhiều. Theo “quy luật” ở miền Nam, tháng 10 là tháng của khá nhiều bệnh hô hấp. Không chỉ riêng năm nay mà tình hình bệnh hô hấp của nhiều năm về trước cũng bùng nổ vào thời điểm này mỗi năm. Chỉ riêng 2 năm vừa qua, do giãn cách xã hội nên số ca bệnh hô hấp giảm hơn. Vì vậy, chuyện số ca bệnh hô hấp tăng cao vào tháng 10 là điều bình thường.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số ca bệnh không khác biệt so với đợt cao điểm của những năm trước.

2. Bệnh hô hấp nào đang có xu hướng bùng phát mạnh tại thời điểm này?

Các bệnh hô hấp nào đang có xu hướng bùng phát mạnh tại thời điểm này ở các bệnh viện Nhi TPHCM, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Mùa này của bệnh viêm đường hô hấp trên, trong đó có một số có thể bị viêm tiểu phế quản hoặc bội nhiễm dẫn đến viêm phổi. Những trẻ bị viêm đường hô hấp trên sẽ kèm theo sốt cao hoặc tiêu chảy.

3. Những dấu hiệu nào cảnh báo các bệnh hô hấp?

Những dấu hiệu nào cảnh báo các bệnh hô hấp mà BS Khanh vừa nhắc đến ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bệnh hô hấp xảy ra rất thường xuyên nên dù có dấu hiệu cảnh báo hay không thì đến tháng 10 phụ huynh cũng phải đối phó với nó. Bởi vì số lượng trẻ em được sinh ra ngày càng nhiều, những trẻ năm ngoái chưa mắc bệnh thì năm nay sẽ có nguy cơ.

Có 3 nhóm virus chủ yếu gây bệnh hô hấp là: virus Adeno, virus hợp bào (hay còn gọi là virus RSV) và virus cúm. Trong 3 loại virus này, chỉ có virus cúm có vắc xin phòng ngừa, 2 virus còn lại chỉ có thể bị tiêu diệt thông qua miễn dịch tự nhiên.

Khi trẻ bị nhiễm virus, việc theo dõi bệnh tương đối giống nhau. Vấn đề quan trọng là khi tới mùa thì các bậc cha mẹ phải xác định rằng sẽ có rất nhiều trẻ bị bệnh nên cần phải biết cách chăm sóc và cách phòng ngừa cơ bản chứ không thể nào tránh được bệnh.

4. Trẻ bị bệnh hô hấp, trường hợp nào có thể chăm sóc tại nhà?

Trẻ bị bệnh hô hấp, trường hợp nào có thể chăm sóc tại nhà, thưa BS? Đâu là những thói quen tốt cha mẹ nên làm và thói quen xấu cần tránh khi con bị bệnh hô hấp ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đa số ca bệnh hô hấp sẽ được điều trị tại nhà hoặc phụ huynh có thể đưa trẻ đến khám với bác sĩ chuyên khoa nhi ở gần nhà chứ không nhất thiết phải đưa đến trung tâm. Tuy nhiên, nếu quá lo lắng, phụ huynh có thể đưa trẻ đến trung tâm y tế để điều trị cho trẻ.

Điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần theo dõi tình trạng thở, ăn uống và nhiệt độ cơ thể của con. Nếu trẻ sốt quá cao, khó thở, thở nhanh, thở rút lõm, tím tái thì nên đưa trẻ nên cơ sở y tế ngay để được điều trị phù hợp.

Nến trẻ không xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm trên, chúng ta có thể chăm sóc như bình thường bằng cách cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, ăn thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu...

Bệnh tình của trẻ sẽ thuyên giảm trong vòng 5 - 7 ngày chứ không thể giảm ngay, phụ huynh cũng không nên quá lo lắng.

5. Những loại thuốc trẻ có thể dùng khi bị bệnh hô hấp là gì?

Những loại thuốc trẻ có thể dùng khi bị bệnh hô hấp là gì? Một thói quen không có lợi mà nhiều cha mẹ vẫn thường làm là tự ý mua thuốc cho trẻ uống, bác sĩ có lưu ý nào trong việc sử dụng thuốc cho trẻ bị bệnh hô hấp ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi phụ huynh tự mua thuốc cho trẻ uống thì cần lưu ý mua thuốc không cần kê toa. Ví dụ: khi trẻ bị sốt thì mua thuốc sốt, sổ mũi thì mua nước muối sinh lý, ho thì mua thuốc long đờm có chiết xuất từ thảo dược…

Loại thuốc mà nhiều phụ huynh thường hay “mua đại” nhiều nhất là kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh phải có ý kiến của bác sĩ chứ không nên tự động sử dụng.

6. Đâu là những yếu tố thúc đẩy bệnh hô hấp trở nặng?

Thực tế có những trường hợp ban đầu là bệnh hô hấp nhẹ, nhưng sau đó chuyển thành viêm phổi, phải nhập viện. Đâu là những yếu tố thúc đẩy bệnh hô hấp trở nặng thưa BS? Và trẻ nào thường có nguy cơ bệnh diễn tiến nặng hơn ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, trẻ càng nhỏ thì sẽ dễ diễn tiến bệnh nặng hơn so với trẻ lớn vì chưa có miễn dịch.

Bên cạnh đó, với những trẻ có bệnh nền, bệnh tim bẩm sinh chưa giải quyết được, sinh non, chậm phát triển tâm thần vận động mức độ nặng (chỉ nằm một chỗ), suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng thì đường hô hấp không ổn nên sẽ có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn những trẻ khác. Đối với những trẻ này, chúng ta cần đưa ra chiến lược theo dõi kỹ hơn và có thể đi khám bệnh sớm hơn.

Tuy nhiên, tất cả bệnh nhi đều có thể trở nặng. Theo đó, phụ huynh nên nhớ rằng chỉ khi cần thiết thì mới đưa trẻ nhập viện. Bởi với những trẻ có tình trạng nhẹ mà nhập viện thì sẽ làm tăng nguy cơ bị bội nhiễm khiến bệnh tình trở nặng hơn do quá trình chăm sóc cho bệnh viện rất khó khăn, thường xuyên quá tải.

7. Đâu là triệu chứng cảnh báo cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Vậy đâu là triệu chứng cảnh báo cha mẹ cần cho con đến bệnh viện, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Việc trẻ có nên nhập viện hay không sẽ phụ thuộc vào hướng dẫn của bác sĩ. Theo đó, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng hô hấp của trẻ, chẳng hạn như trẻ thở nhanh hơn so với lứa tuổi, thở rút lõm, tím tái và uống thuốc không giảm. Bác sĩ cũng có thể chỉ định trẻ nhập viện nếu có kèm theo một bệnh lý khác nặng hơn như nhiễm trùng huyết.

8. Làm thế nào để bảo vệ trẻ trước nguy cơ lây nhiễm chéo khi phải đi khám?

Thời điểm này, các bậc phụ huynh cho con vào bệnh viện cũng đối diện với nhiều nỗi lo. Làm thế nào để bảo vệ trẻ trước nguy cơ lây nhiễm chéo trong tình huống phải đi khám ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Để bảo vệ trẻ, người lớn cần tuân thủ đeo khẩu trang khi đưa trẻ khám ở bệnh viện lớn. Đặc biệt, người thân của trẻ cần chú ý việc rửa tay vì chính bàn tay của người lớn là yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo cho trẻ.

Ngoài ra, phụ huynh cũng phải chăm sóc tốt trẻ, đảm bảo trẻ uống đủ nước, giữ vệ sinh trong môi trường sống.

Cuối cùng, phụ huynh cần nắm rõ quy trình nhập viện, biết nên đi đến khu vực nào của bệnh viện và tránh đi lung tung vì nguồn lây trong môi trường rất nhiều.

9. Nên chăm sóc trẻ như thế nào để nhanh hồi phục?

Trẻ bị bệnh hô hấp, nếu được chăm sóc tốt, bao lâu có thể khỏi bệnh? Và nên chăm sóc trẻ như thế nào để nhanh hồi phục ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, thời gian để trẻ phục hồi kéo dài khoảng 3 - 7 ngày, tùy vào tổng trạng của trẻ.

Phụ huynh cần lưu ý rằng, triệu chứng ho sẽ rất khó hết. Do đó, sau khi bệnh đã ổn định thì trẻ vẫn có thể còn ho và chúng ta cần tiếp tục theo dõi.

10. Bệnh hô hấp nào đã có thể phòng ngừa bằng vắc xin?

Đối với các bệnh đường hô hấp, bệnh nào đã có thể phòng ngừa bằng vắc xin ạ? Hiện nay đã vào thời điểm giao mùa, liệu giờ tiêm vắc xin có kịp bảo vệ con trẻ, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tiêm vắc xin không có khái niệm trễ bởi trễ còn hơn không.

Hiện nay, chỉ có vắc xin phòng ngừa virus cúm, còn virus Adeno và virus hợp bào vẫn chưa có vắc xinphòng ngừa.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên cho trẻ tiêm những vắc xin cơ bản để giảm đi khả năng bội nhiễm, chẳng hạn như vắc xin ngừa bệnh sởi, phế cầu, ho gà… Bởi những bệnh lý này nếu bội nhiễm với virus gây bệnh hô hấp trong mùa này sẽ khiến bệnh tình của trẻ trầm trọng hơn.

11. Cha mẹ có thể làm gì cho trẻ để phòng ngừa các bệnh hô hấp?

Ngoài vắc xin, cha mẹ có thể làm gì cho trẻ để phòng ngừa các bệnh hô hấp trong thời điểm này ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Việc phòng cho trẻ không bao giờ mắc bệnh hô hấp là không thể. Do đó, chúng ta cần hạn chế để bệnh diễn tiến nặng, đồng thời tránh khả năng trẻ mắc bệnh theo mùa.

Cụ thể, chúng ta cần chú ý đến những biện pháp như: vệ sinh môi trường sống, rửa tay thường xuyên, ăn sạch, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, uống đủ nước, tập thể dục. Những cách này không chỉ giúp trẻ phòng ngừa bệnh tốt mà còn có thể giúp trẻ nhanh chóng phục hồi nếu chẳng may mắc bệnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X