Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh hen suyễn ở trẻ em - Những lưu ý mà phụ huynh không thể bỏ qua

Hen phế quản hay còn gọi là suyễn là bệnh hô hấp mạn tính thường gặp nhất ở trẻ em. Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen cũng cao gấp đôi người lớn (10% so với 5%). Tuy nhiên, trên thực tế việc chẩn đoán hen ở trẻ em nhiều khi bị chậm trễ, nhất là ở trẻ dưới 2 tuổi. Điều này dẫn đến hậu quả là trẻ thường xuyên bị lên cơn, phải nhập viện, thậm chí có thể tử vong nếu không được can thiệp điều trị đung và kịp thời.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK1 Nguyễn Thị Huyên - Chủ nhiệm khoa Nhi - Bệnh viện Quân Y 175. Mời quý độc giả cùng theo dõi.

Bệnh Hen là gì?

Hen là một bệnh viêm mạn tính của đường thở. Tình trạng viêm này làm cho đường thở trở nên rất nhạy cảm với các chất kích thích khác nhau. Khi tiếp xúc với các chất kích thích này, đường thở (chủ yếu là phế quản) sẽ phù nề, co thắt, chứa đầy chất nhầy nên bị tắc nghẽn khiến cho bệnh nhân có cơn ho, khò khè, khó thở.

Hen là bệnh có tính chất gia đình, di truyền và hoàn toàn không phải là bệnh lây lan, truyền nhiễm.

Làm thế nào để biết được trẻ mắc bệnh hen?

- Chẩn đoán hen thường dễ dàng khi trẻ đang lên cơn hen. Các triệu chứng thường gặp trong cơn hen:

+ Trẻ ho,

+ Cảm giác nặng ngực,

+ Thở khò khè,

+ Khó thở: thở nhanh, co lõm hõm ức, thở co kéo lồng ngực, cánh mũi phập phồng,...

Tuy nhiên, chẩn đoán hen không phải khi nào cũng dễ dàng.

- Cần nghi ngờ trẻ mắc bệnh hen khi trẻ bị ho tái đi tái laị nhiều lần (đặc biệt là ho về đêm), khò khè, khó thở xuất hiện hay nặng hơn khi trẻ tiếp xúc với các yếu tố khởi phát (khi thay đổi thời tiết, khi trẻ gắng sức, hay khi ăn “trúng” một thức ăn nào đó,...). Khò khè, khó thở là những gợi ý khá điển hình giúp chẩn đoán hen trong khi ho tái đi tái laị là triệu chứng khá đặc biệt và thường bị bỏ sót.

Thưc tế, có khi trẻ mắc bệnh hen chỉ biểu hiện bằng những cơn ho về đêm có khi nhiều đến mức làm trẻ không thể ngủ được mà không hề có triệu chứng gợi ý nào khác và ban ngày trẻ lại hoàn toàn bình thường. Trường hợp này thường hay bị bỏ sót.

- Ở trẻ dưới 2 tuổi, cần nghĩ đến hen khi trẻ bị khò khè tái phát ít nhất 3 lần ngay cả khi trong gia đình không có ai bị hen, dị ứng.

Việc chẩn đoán hen ở trẻ em nhiều khi bị chậm trễ, nhất là ở trẻ dưới 2 tuổi. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng cho trẻ.

Xét nghiệm nào cần làm để chẩn đoán hen?

- Chẩn đoán hen ở trẻ nhỏ phần lớn dựa vào lâm sàng. Ngoại trừ đánh giá chức năng hô hấp, các xét nghiệm thường không cần thiết, trừ các trường hợp nặng hoặc không đáp ứng với điều trị ban đầu hoặc có biến chứng hoặc cần chẩn đoán phân biệt.

- Đo chức năng hô hấp giúp xác định chẩn đoán và đánh giá độ nặng của hen do có thể cung cấp thông tin về độ nặng của hẹp đường thở cũng như khả năng hồi phục và thay đổi của hẹp đường thở.

- Đo hô hấp ký là một nghiệm pháp không quá đắt tiền có thể giúp chẩn đoán hen khi nghi ngờ hen, khi bệnh nhân không lên cơn hoặc khi có biểu hiện không điển hình, không rõ ràng. Tuy nhiên, đây là một nghiệm pháp gắng sức đòi hỏi bệnh nhân phải biết hợp tác nên thường khó thực hiện được cho trẻ dưới 6 tuổi.

- Dao động xung ký (IOS) IOS - Impulse Oscillometry: là một phương pháp đo chức năng hô hấp không xâm lấn và không cần hợp tác gắng sức do đó rất dễ dàng để sử dụng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên. IOS cũng cung cấp các thông số về tắc nghẽn đường thở. Tuy nhiên, hiện nay IOS chưa sẵn có và chưa được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán hen.

Cần làm gì khi trẻ lên cơn hen?

- Cần nhận biết sớm các dấu hiệu cho biết một cơn hen đang đến: ho, khò khè, nặng ngực, khó thở, thức giấc về đêm

- Khi trẻ lên cơn hen cấp: Đưa trẻ ra không gian thoáng khí nơi có không khí trong lành

- Sử dụng các thuốc giãn phế quản (thuốc cắt cơn) tác dụng nhanh (ventolin) dưới dạng bình xịt định liều hoặc máy xông khí dung theo hướng dẫn của bác sĩ, liều lượng thuốc phụ thuộc theo lứa tuổi và cân nặng của trẻ.

- Cho trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay?

Cần đưa trẻ đến ngay cơ cở y tế chuyên về Nhi khoa gần nhất để được cấp cứu nếu rơi vào các trường hợp sau:

- Thuốc cắt cơn không có tác dụng hoặc chỉ có tác dụng ngắn, trẻ vẫn còn khó thở

- Nói năng khó nhọc

- Trẻ phải ngồi thở, co kéo vùng xung quanh xương sườn và cổ khi thở

- Cánh mũi phập phồng

- Tím tái môi hay đầu ngón tay: Đây là dấu hiệu rất nguy kịch

Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị hen suyễn

Bố mẹ cần lưu ý một số vấn đề khi chăm sóc trẻ:

- Tránh, hạn chế trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây hen phế quản như khói bụi, nấm mốc, lông chó mèo hoặc không khí lạnh…

- Không hút thuốc trong nhà hoặc gần nơi trẻ đang sinh hoạt

- Phòng ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, thường xuyên giặt ga trải giường, phơi nắng, giữ không khí sạch, trong lành

- Duy trì mức hoạt động của trẻ ở mức độ bình thường, không để trẻ vui chơi, hoạt động quá sức có thể khiến cho tình trạng cơn hen thêm nặng nề

- Tùy vào đặc điểm riêng của trẻ, trẻ cần kiêng với một số loại thức ăn cụ thể mà trẻ dị ứng ví dụ bắp, cua, tôm…, thực phẩm nào làm trẻ lên cơn khó thở thì không cho trẻ dùng nữa.

- Bên cạnh đó trẻ nên bổ sung các thực phẩm giàu magie như rau xanh, ngũ cốc, cà chua…, các thực phẩm giàu vitamin C, omega 3

- Cần lựa chọn dạng thuốc hít phù hợp cho bé dưới sự tư vấn của bác sĩ cũng như được hướng dẫn đầy đủ các thao tác sử dụng ống hít để không sử dụng sai cách

- Liên hệ thường xuyên với bác sĩ và tái khám định kỳ theo hướng dẫn

Hen trong đại dịch COVID-19

Hiện nay nhiều phụ huynh vẫn còn tâm lý lo ngại về dịch bệnh COVID-19 nên không dám cho con đi khám bệnh, chữa bệnh dẫn đến hệ lụy xấu về sức khỏe và tính mạng của trẻ nhất là các bệnh cấp tính.

Cũng như các bệnh lý khác, hen suyễn ở trẻ cần được dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng ngừa bệnh giúp cho trẻ giảm hoặc không còn lên cơn hen, trẻ có thể sinh hoạt - học tập - vui chơi bình thường và cần được tái khám định kỳ.

Một thông tin đáng mừng cho các bậc phụ huynh có con bị hen suyễn là trẻ bị hen không tăng nguy cơ mắc cũng như nguy cơ diễn tiến nặng trong COVID-19. Vì vậy quý phụ huynh đừng ngại việc đưa trẻ đến cơ sở khám chữa bệnh để con nhận được sự chăm sóc y tế phù hợp, (đặc biệt trong cơn hen cấp, đáp ứng điều trị kém…) tránh để xảy ra các sự cố đáng tiếc.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X