Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh gan - căn bệnh thầm lặng ai cũng có thể mắc, phải tránh làm sao?

Trong chương trình phát sóng vào lúc 15g, thứ 6, ngày 10/7/2020, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ cùng bạn đọc tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc về việc bảo vệ gan.

Gan là người hùng thầm lặng, nhưng hầu hết chúng ta đang đối xử vô vùng tệ bạc với nó, để rồi gan bị tổn thương nghiêm trọng và đến từ rất sớm. Khi gan đã bị suy mạn hay ung thư, tiên lượng thường vô cùng kém.

Làm sao nhận diện dấu hiệu bệnh gan để điều trị sớm?
Có nên tầm soát gan định kỳ?
Bí quyết nào giúp chăm sóc lá gan khỏe mạnh?.


Thưa TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, những bệnh lý nào thường gặp ở gan? Trong đó, bệnh lý nào người Việt thường gặp nhất? Vì sao hiện nay tỷ lệ người trẻ mắc bệnh gan ngày càng nhiều, không chỉ riêng ung thư gan mà còn nhiều loại bệnh khác như viêm gan B, C, gan nhiễm mỡ... Có phải do lối sống, sinh hoạt hay có yếu tố di truyền thưa bác sĩ?
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Nước ta là một trong những quốc gia có bệnh lý về gan đứng trong top thế giới. Người dân thường mắc các tổn thương về gan do các nguyên nhân như:

- Rượu bia. Nước ta có tỷ lệ sử dụng rượu bia cao của thế giới, nếu dùng nhiều thì gan sẽ tổn thương nhiều. Viêm gan so rượu, xơ gan, ung thư gan do rượu đứng hàng đầu trong các bệnh về gan ở nước ta.

- Viêm gan virus, đặc biệt là viêm gan virus B. Điều không may mắn là viêm gan virus B lây qua đường từ mẹ sang con nhiều, do đó rất nhiều trẻ bị nhiễm ngay từ lúc sinh ra, và thei thời gian gan sẽ dần tổn thương và đến một giai đoạn nào đó, gan bị tổn thương đến mức viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan.

Ngoài ra có một số bệnh gan khác không thể không nhắc đến là gan nhiễm mỡ, đặc biệt là gan nhiễm mỡ không do rượu. Chúng ta cũng đã biết, uống rượu sẽ bị gan nhiễm mỡ, nhưng hiện nay có những trường hợp gan nhiễm mỡ không do rượu có khuynh hướng gia tăng nhiều. Gan nhiễm mỡ không do rượu là do lối sống, làm việc, chế độ ăn, rối loạn về lipid, các bệnh lý rối loạn về chuyển hóa, đái tháo đường, béo phì, sử dụng thuốc….

Còn có nhiều nguyên nhân gây tổn thương gan như các tình trạng viêm gan do bệnh lý đường mật hay bệnh lý ở tim, những tình trạng viêm gan do thuốc (thuốc điều trị lao, lạm dụng thuốc gia truyền…).

Vàng da, vàng mắt dường như là triệu chứng “kinh điển” để nhiều người nghĩ ngay đến bệnh gan. Và cũng vì quan niệm này nên nhiều người chủ quan, không kịp phát hiện các bệnh lý về gan nguy hiểm. Xin hỏi bác sĩ, ngoài 2 triệu chứng trên thì còn những dấu hiệu nào cho thấy gan đang có vấn đề ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Bệnh gan là kẻ giết người thầm lặng, bởi nó không có triệu chứng rõ ràng. Gan là cơ quan có thể hoạt động bù trừ, những hư hại của lá gan dưới 25% có thể tự hồi phục. Nhưng nếu không lưu ý và để gan hư hại quá nhiều, khi đã tổn thương trên 50% mới có biểu hiện.

Đôi khi những biểu hiện này rất thầm lặng, như mệt mỏi, hay choáng váng, chóng mặt, ăn uống không ngon, hoặc sụt ký, phù chân, vàng da vàng mắt, có chấm xuất huyết trên da, dễ chảy máu răng, chảy máu cam… là những triệu chứng của bệnh lý gan.

Như vậy, bệnh gan không triệu chứng, hoặc triệu chứng đa dạng, bởi gan là cơ quan đảm bảo gần mấy trăm hoạt động chức măng trong cơ thể, chính vì vậy, một khi nó đã tổn thương thì các cơ quan trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng.

Có nên tầm soát, kiểm tra sức khỏe cho gan định kỳ không thưa bác sĩ? Với người bình thường, khỏe mạnh thì bao lâu nên khám gan một lần? Với người đã mắc bệnh gan thì nên theo dõi ra sao?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Các cơ quan, công ty thường cho nhân viên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Việc kiểm tra định kỳ này có ý nghĩa: khảo sát toàn bộ những hoạt động cơ thể, chức năng cơ thể, đặc biệt là chức năng gan. Thường trong gói kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ có kiểm tra men gan, test rối loạn mỡ máu, một số nơi còn có xét nghiệm viêm gan siêu vi , C, thử đường… Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đặc biệt cần thiết ở những người có yếu tố nguy cơ bị bệnh gan.

Những người có yếu tố nguy cơ bị bệnh gan là gì?

Thứ nhất, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh sẽ có những yếu tố nguy cơ như những người thường xuyên uống rượu bia là đối tượng cần tầm soát định kỳ sớm hơn, thường là 3-6 tháng hay khi có triệu chứng bất thường trong cơ thể.

Thứ hai là những người bị viêm gan virus mạn tính, viêm gan B, C phải thường xuyên kiểm tra định kỳ và được bác sĩ Gan mật tư vấn để đảm bảo hạn chế những tổn thương diễn tiến của bệnh gan.

Thứ ba, những người mắc hội chứng chuyển hóa, bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu hay béo phì có nguy cơ gan nhiễm mỡ không do rượu rất cao, chính vì thế phải được tầm soát thường xuyên.

Thứ tư, những người phải sử dụng các loại thuốc. Theo lẽ dĩ nhiên, có một số loại thuốc bắt buộc phải sử dụng do mắc bệnh như huyết áp, đái tháo đường… cần phải được kiểm tra chức năng gan thường xuyên. Điều lưu ý là những người sử dụng thuốc không vì mục đích gì cũng nên kiểm tra.

Với những trường hợp đã có dấu hiệu cảnh báo nhưng không điều trị, theo dõi, lâu ngày sẽ dẫn đến những biến chứng nào nguy hại?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Như tôi đã nói, gan là kẻ giết người thầm lặng, và hoạt động bù trừ của gan rất tốt. Do đó, đôi khi chúng ta kiểm tra định kỳ, có thể các chỉ số trong giới hạn bình thường nhưng gan đã có tổn thương. Huống hồ khi kiểm tra gan đã thấy bất thường, thì sự bất thường này chắc chắn gan có vấn đề.

Vì vậy, có hai thái cực. Có một số người quá lo lắng khi kiểm tra thấy có bất thường, như men gan tăng, thì cuống cuồng lên, không lắng nghe chỉ dẫn của bác sĩ mà nghe người này người kia sử dụng thuốc hay thực phẩm nào đó có thể hạ men gan xuống thì làm theo. Thật ra, sự tăng men gan là dấu hiệu báo hiệu chúng ta phải tìm nguyên nhân làm tăng men gan.

Một thái cực khác là men gan tăng một chút cũng không sao. Đây cũng là thái cực không tốt cho sức khỏe. Điều quan trọng nhất là khi kiểm tra sức khỏe định kỳ, sau khi cầm kết quả cần có sự tư vấn của bác sĩ. Bình thường hay bất thường - chính bác sĩ là người nói lên tất cả.

Nhiều người kiểm tra sức khỏe chỉ chăm chăm chú ý vào men gan mà bỏ qua những bất thường khác. Có những bệnh lý của gan mà men gan không tăng, hay thậm chí đến giai đoạn nặng của gan như xơ gan thì men gan không thể tăng được nữa. Chính vì vậy kiểm tra sức khỏe phải có câu trả lời sau khi kiểm tra bởi bác sĩ.

Nếu lỡ để gan mắc bệnh rồi, vậy có cách làm làm chậm tiến triển, ngăn ngừa biến chứng nặng hơn không ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Khi phát hiện gan có tổn thương, tùy theo mức độ và nguyên nhân gây ra tổn thương và diễn tiến của nguyên nhân này bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp.

Thứ nhất là lối sống. Đôi khi chúng ta phải thay đổi như: những người uống bia rượu cần ngưng bia rượu, những nguowig sử dụng thuốc có ảnh hưởng gan phải có những thuốc hỗ trợ giảm bớt nguy hại do thuốc gây ra, những người bị viêm gan cần sử dụng thuốc đặc trị cho virus.

Thứ hai, cần có tiến trình ăn uống, dinh dưỡng, luyện tập, nghỉ ngơi để làm chậm diễn tiến bệnh. Có một số bệnh gan mạn tính không thể ngăn chặn được, nhưng có một số trường hợp có thể giúp bệnh ngưng tiến triển bệnh, hay diễn tiến chậm.

Người bệnh cần làm đúng chỉ dẫn của bác sĩ Gan mật về sử dụng thuốc, dinh dưỡng, lối sống và tập luyện để bảo vệ gan tốt nhất khi bị tổn thương.

Nhiều người thắc mắc tế bào gan vốn có khả năng tái tạo, vậy tại sao gan vẫn bị xơ, diễn tiến sang ung thư? Nhờ BS giải đáp ạ.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Gan lúc đầu còn tốt, hoạt động mạnh, có thể tái tạo tốt. Nhưng một khi đã bị tổn thương nhiều, hư hại nhiều, khả năng tái tạo không còn nữa thì lúc đó dẫn đến tình trạng xơ hóa. Lúc này vai trò của bác sĩ là làm sao bảo vệ những phần không xơ, đừng để gan xơ thêm nữa, phần đã xơ không để nặng hơn và gây biến chứng nguy hiểm.

Chúng ta không nên chủ quan gan có thể tái tạo mà ỷ y, thờ ơ với lá gan. Bởi chính vì nếu gan hoạt động quá nhiều sẽ dẫn đến những tổn thương không thể thoái lui như xơ gan, ung thư gan.

Câu hỏi cuối cùng, MC tin rằng đây sẽ là vấn đề được nhiều người quan tâm nhất đó là, bí quyết nào để có lá gan khỏe mạnh, làm sao phòng ngừa để bệnh đừng xảy ra và nếu lỡ xảy ra rồi thì cách nào phòng ngừa biến chứng? Được biết, những người mắc bệnh béo phì, tiểu đường thường sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiều hơn, vậy phòng ngừa ở những người bệnh mạn tính có gì khác hơn không? Mời quý khán giả cùng lắng nghe ý kiến từ chuyên gia.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Đối với những người có sức khỏe bình thường, bản thân chúng ta đã tự bảo vệ mình, do đó không cần làm gì quá sức, chỉ nên tập trung vào dinh dưỡng, luyện tập và nghỉ ngơi hợp lý, không sử dụng thực phẩm/ thuốc không rõ nguồn gốc.

Với những người đã có tổn thương ở gan như viêm gan do rượu, viêm gan do virus hay những bệnh lý ở gan, hoặc những người đang sử dụng thuốc có nguy cơ ảnh hưởng gan cần kiểm soát tốt nguyên nhân.

Thứ hai, theo chỉ định của bác sĩ và thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những thay đổi và bất thường của lá gan để bác sĩ điều chỉnh nhanh chóng và kịp thời.

Thứ ba, không nên sử dụng những thuốc không rõ ràng làm bệnh tình nặng hơn. Khi cần sử dụng thuốc/ thực phẩm chức năng gì cần hỏi ý kiến bác sĩ, và nếu đã sử dụng thì sử dụng những chất, dược phẩm có nguồn gỗ rõ ràng, được các cơ quan y tế cấp phép và do bác sĩ chỉ định.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X