Hotline 24/7
08983-08983

Bé trai 4 tuổi bị đột quỵ được cứu sống kịp thời

Ngày 13/8, Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết các bác sĩ vừa can thiệp lấy huyết khối, cứu sống bé trai 4 tuổi bị đột quỵ do huyết khối tĩnh mạch não.

Trường hợp trên của bé trai V.T.L mới 4 tuổi, quê Đồng Tháp. Theo mẹ bé L.cách nhập viện khoảng 1 tuần, bé L. bị sốt, ói, tiêu chảy nên đưa đến một bệnh viện nhi điều trị. Song, tình trạng bé L. ngày một diễn tiến nặng thêm, nên được chuyển qua S.I.S Cần Thơ.

Tại khoa cấp cứu Bệnh viện S.I.S, bé L. luôn trong tình trạng mê man, các bác sĩ chẩn đoán bé L. cũng bị huyết khối tĩnh mạch não rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao vì cơ thể bé còn nhỏ khả năng điều trị thuốc chống đông và kỹ can thiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Với tinh thần “còn nước còn tát” cùng sự quyết tâm của gia đình, Bé L. đã được các bác sĩ S.I.S Cần Thơ can thiệp lấy huyết khối, cứu sống ngoạn mục. Sau 5 ngày điều trị, bé phục hồi tốt, gần như không để lại di chứng về nói, yếu liệt, song chị Yến (mẹ của bé L.) vẫn chưa hết bàng hoàng, chị nói:

“Hồi đó giờ, cháu ở nhà vui chơi bình thường ít khi bệnh lắm, chỉ có khoảng 6 tháng trước là nó bị nhiễm covid mà cũng không nặng như vầy nữa, chỉ sốt sơ sơ chừng 3 ngày là hết. Tự nhiên đợt này nó sốt, ói ỉa, là thấy nó xuống sức nhanh, tôi đưa điện thoại nó không chịu coi luôn, mà than nhức đầu, nên tôi thấy vậy đưa nó xuống bệnh viện Nhi ở Cần Thơ điều trị, mà nó không bớt, co giật rồi mê man, nghi sốt não, nhờ các bác sĩ chuyển qua đây nên cháu đã được cấp cứu kịp thời.

Qua đây là nó hết biết gì rồi, bác sĩ đây nói nó nặng dữ lắm, chỉ còn vài phần trăm hy vọng thôi, nhưng tôi lúc đó nghĩ dù chỉ còn một giọt nước tôi cũng tát nữa, vợ chồng tôi có một đứa con này thôi”.

Tính riêng Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ, chỉ trong tháng vừa qua, bệnh viện điều trị 5 trường hợp (cứu sống 4 trường hợp, 1 trường hợp quá nặng không thể qua khỏi). Đặc biệt, trong số này có 1 bé trai chỉ mới 4 tuổi, điều mà trước đây gần như rất hiếm khi được ghi nhận.

Cuối tháng 7/2022, Bệnh viện S.I.S Cần Thơ tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.T.A (66 tuổi, quê tại Sóc Trăng) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, không tiếp xúc, đau đầu nôn ói nhiều.

Vào viện, sau khi thực hiện các chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ chẩn đoán bà A. bị huyết khối tĩnh mạch lớn nội sọ (xoang tĩnh mạch dọc trên), các bác sĩ đánh giá trường hợp của bà A. là khá nặng, cần can thiệp hút huyết khối và mở sọ giải áp tìm cơ hội cứu vãn.

Chị Thanh (con dâu bà A.) cho biết: “Mẹ tôi trước nay không có bệnh nền, sức khỏe cũng bình thường, nhưng khoảng 10 ngày sau khi tiêm vắc xin mũi 4, Mẹ thường xuyên than đau đầu, nghĩ tuổi già và cũng đau đầu nhẹ nên gia đình nghĩ cũng đơn giản. Đến khi Mẹ bị nhức đầu nhiều, nôn ói, méo miệng gia đình đưa đến bệnh viện gần nhà nhưng ngày càng nặng hơn, nên nhà xin chuyển viện lên đây, lúc đó Mẹ hết biết gì rồi..”.

Sau hơn 20 ngày, can thiệp lấy huyết khối và mở sọ, bà A. đã thực hiện được y lệnh nhưng còn liệt nửa người bên phải đang được các bác sĩ tiếp tục theo dõi, điều trị.

May mắn hơn bà A. bà H.P.H (52 tuổi, quê Trà Vinh) nhập viện S.I.S Cần Thơ trong tình trạng yếu nửa người trái. Từ các kết quả chụp chiếu, bác sĩ chẩn đoán bà A. bị tắc hoàn toàn xoang ngang trái, phải, tắc xoang dọc trên một phần.

Nhờ được can thiệp cấp cứu kịp thời, sức khỏe bà H. được phục hồi nhanh chóng. Ngày xuất viện bà H., vui mừng kể lại: “Bữa tôi bị đau đầu choáng váng cộng thêm tay chân trái bị yếu, cha mấy nhỏ mới nói là tôi có thể bị đột quỵ, vì ổng hay coi trên đài người ta nói mấy dấu hiện như vậy, nên ổng chở thẳng qua đây luôn. May mà biết bệnh viện này, gần gần ở xóm mấy người bị đột quỵ cũng qua đây trị nè, về khỏe đi đứng bình thường, chạy xe máy được nữa nên quyết qua đây…”.

BS Nguyễn Đào Nhật Huy – Đơn vị can thiệp DSA, Bệnh viện S.I.S Cần Thơ người trực tiếp can thiệp cho bé, cho biết rằng: “Huyết khối tĩnh mạch nội sọ trước đây khá hiếm gặp, bệnh gặp nhiều ở nữ giới do có liên quan đến thời kỳ mang thai, hậu sản, sử dụng thuốc ngừa thai, viêm nhiễm hệ thần kinh, hay nhiễm trùng nặng vùng đầu mặt cổ…

Phương pháp điều trị, thông thường nhất là dùng thuốc kháng đông, thở máy, chống động kinh… ở những trường hợp nặng: Bệnh nhân xuất huyết nhiều, tắc tĩnh mạch lớn nguy cơ tử vong cao, nếu không có phương pháp can thiệp lấy huyết khối và phẫu thuật thì đa số bệnh nhân sẽ tử vong”.

Sau đại dịch COVID-19, số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến bệnh lý mạch máu gia tăng đáng kể, lý giải điều này, TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện S.I.S Cần Thơ cho biết: “Sau hơn 15 năm điều trị bệnh lý mạch máu não, trung bình 1 năm chỉ gặp từ 1 - 2 trường hợp huyết khối tĩnh mạch não nặng, tuy nhiên những năm gần đây sau đại dịch COVID-19, theo y văn thế giới cũng như ghi nhân tại Việt Nam có sự gia tăng đáng kể về số lượng bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch nội sọ, không kể độ tuổi và giới tính.

Lý giải điều này y văn đã kết luận bệnh nhân sau nhiễm COVID-19 có sự kích hoạt quá mức hệ thống miễn dịch, tăng phản ứng viêm, gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong cơ thể, đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng huyết khối tĩnh mạch nội sọ trong cộng đồng cũng như các mạch máu khác trong cơ thể như phổi, tim…Để chẩn đoán xác định căn bệnh này, cần dựa vào hình ảnh học như chụp CT có bơm cản quang, MRI tĩnh mạch sọ não, cần thiết có thể chụp DSA tĩnh mạch não để chẩn đoán xác định cũng như can thiệp tái thông trong trường hợp thất bại điều trị thuốc…”

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X