Hotline 24/7
08983-08983

Bé 4 tuổi tử vong do ăn phải bả chó giống kẹo mút; Bé 2 tuổi phải cắt một đoạn ruột do táo bón thường xuyên

Đây là lần thứ 2 kể từ năm 2014, huyện Cư Jút (Đắk Nông) xảy ra cái chết thương tâm do các cháu bé ăn nhầm bả chó có hình giống kẹo mút, kẹo que…

Đắc Nông: Thêm cháu bé tử vong do ăn phải bả chó giống kẹo mút

Sáng 19/4, lãnh đạo UBND xã Nam Dong, huyện Cư Jút (Đắk Nông) xác nhận tại địa phương vừa xảy ra vụ hai cháu bé ăn trúng bả chó hình giống kẹo mút.

Thông tin ban đầu, sáng cùng ngày, cháu Phạm Lê Anh Th. và cháu La Thu Ng. cùng 4 tuổi và đều trú thôn 15, xã Nam Dong đang chơi đùa ngoài sân thì phát hiện một vật giống kẹo mút nên nhặt lên ăn.

Hai cháu vừa ăn được một chút thì đều lăn ra đất, có biểu hiện khó thở nên được người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do bệnh tình của cháu Ng. quá nặng nên không qua khỏi. Riêng cháu Th. hiện đang được điều trị tại bệnh viện vùng Tây Nguyên.

Công an xã Nam Dong cho biết qua xác minh, hai cháu bé ăn phải bả chó có hình kẹo mút nên dẫn đến sự việc trên. "Hiện cơ quan chức năng đang điều tra, xử lý những kẻ ném kẹo để bắt chó", công an xã thông tin.

Trước đó, tháng 11/2014, báo Tuổi Trẻ từng thông tin bé trai Phạm Đình Bảo Kh. (22 tháng tuổi, ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) tử vong nghi ăn nhầm bả chó của bọn trộm chó ném trước nhà.

Những nghi phạm này vứt một vật màu trắng, gói trong bịch nilon một đầu tròn, một đầu hình que không khác gì mấy cây kẹo mút thường bán cho trẻ em. Vì vậy các cháu nhỏ, trong đó có nạn nhân Bảo Kh. nhầm đó là kẹo và bốc lên ăn dẫn tới tử vong.

Hà Nội: Bé 2 tuổi phải cắt một đoạn ruột do táo bón thường xuyên

Bé Khôi, 2 tuổi ở Hà Nội bị chậm phân su liên tục ngay từ khi mới chào đời, có lúc phải thụt bằng mật ong mới đi được.

Đến tuổi ăn dặm, bé ăn nhiều rau, uống nhiều sữa chua nhưng vẫn táo bón, phải thụt phân. Dù vậy, gia đình chủ quan nghĩ bệnh sẽ tự khỏi nên không đưa con đi khám sớm.

Gần đây, bé liên tục đau bụng, chán ăn, mệt mỏi, rặn lâu nhưng không đi ngoài được. Khi đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị phình đại tràng, chỉ định nhập viện phẫu thuật.

TS.BS Trần Anh Quỳnh, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp cho biết, biểu hiện trên phim, trẻ có trực tràng nhỏ hẹp, đại tràng Sigma giãn, ứ đọng nhiều phân, tỉ lệ đường kính trực tràng và Sigma đảo ngược.

Bệnh nhi được các bác sĩ thụt tháo phân, phẫu thuật cắt bỏ 27cm đại tràng giãn, trong đó có 7cm đại tràng bị vô hạch thần kinh.

Sau phẫu thuật 2 tuần, trẻ được hẹn tái khám, nong hậu môn hàng ngày vào giờ cố định trong vòng 1 tháng.

“Nong hậu môn sẽ giúp miệng nối đại tràng hậu môn được mềm và tránh không bị sẹo hẹp, đồng thời giúp trẻ tạo phản xạ đi ngoài”, BS Quỳnh thông tin.

Hiện tại sau 6 tuần phẫu thuật và nong hậu môn, trẻ đã tự đi ngoài ngày 1 lần, hết táo bón. Bé cũng tăng thêm 2kg, chất lượng cuộc sống được cải thiện.

PGS.TS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phổ biến gồm 2 nhóm:

Thứ nhất, táo bón cơ năng do ăn thiếu chất xơ, uống ít nước, tâm lý sợ đi vệ sinh, dùng thuốc…

Thứ hai, táo bón do một bệnh thực thể như suy giáp trạng, tổn thương thần kinh, bệnh phình đại tràng bẩm sinh do không có tế bào thần kinh hoặc hẹp hậu môn, bệnh xơ hóa tuyến ngoại tiết…

Một trẻ được chẩn đoán mắc táo bón khi đi đại tiện dưới 3 lần/tuần, khó đại diện hoặc phải rặn nhiều, đau hậu môn sau đại tiện, đôi khi có máu quanh phân do nứt kẽ hậu môn, phân rắn.

Trẻ có thể có thêm các triệu chứng như: Đau bụng quanh rốn, chướng bụng, chán ăn, mệt mỏi, suy dinh dưỡng, thay đổi hành vi, tính tình.

Táo bón lâu ngày ở trẻ em tạo nên cục phân to, rắn, đọng trong trực tràng có thể gây nên biểu hiện són phân, thỉnh thoảng có chút phân lỏng thoát qua hậu môn làm bẩn quần.

Các bác sĩ khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay khi trẻ có biểu hiện sau: Chậm phân su 24h sau sinh, bụng chướng; táo bón kéo dài trên một tuần, thay đổi chế độ ăn không có tác dụng; táo bón ảnh hưởng đến tiêu hóa gây kém ăn, gầy sút, suy dinh dưỡng kèm theo nôn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X