Hotline 24/7
08983-08983

Bao lâu sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt thì phát bệnh sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết dengue có những triệu chứng giống như cúm, kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt.

Ảnh minh họa - nguồn internet
Ở Việt Nam, sốt xuất huyết dengue là bệnh lưu hành quanh năm nhưng thường tăng cao từ tháng 6 đến tháng 11

Sốt xuất huyết là bệnh gì, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp.

Bệnh sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp. Bệnh sốt xuất huyết dạng nặng có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.

Những dấu hiệu và triệu chứng sốt xuất huyết là gì?

Có ba loại bệnh: sốt xuất huyết cổ điển (thể nhẹ), sốt xuất huyết chảy máu và sốt xuất huyết dengue (hội chứng sốc dengue).

Triệu chứng sốt xuất huyết cổ điển (thể nhẹ)

Những người lần đầu tiên mắc bệnh bị loại này vì họ chưa có miễn dịch với bệnh. Đây là dạng có biểu hiện các triệu chứng điển hình và không có biến chứng. Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt và sẽ kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ sau khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Ngoài ra, còn có các triệu chứng như:

 Sốt cao (40°C/ 104°F) thường kèm theo ít nhất là hai trong những triệu chứng sau:

    - Đau đầu

    - Nhức sau hốc mắt

    - Buồn nôn, nôn

    - Sưng hạch bạch huyết

    - Đau mỏi cơ, xương hay khớp

    - Phát ban

Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và sau đó thuyên giảm sau 1-2 ngày. Bạn có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào ngày sau đó.

Triệu chứng sốt xuất huyết có chảy máu

Các dấu hiệu sốt xuất huyết dạng này bao gồm tất cả các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhẹ kèm theo tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Thể bệnh này có thể dẫn đến tử vong.

Triệu chứng sốt xuất huyết dengue (hội chứng sốc dengue)

Thể bệnh này là dạng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết – bao gồm tất cả các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu, kèm theo huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp).

Loại này thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi bạn đã có miễn dịch chủ động (do đã từng mắc bệnh) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang) đối với một loại kháng nguyên virus. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 đến 5 ngày (giai đoạn hạ sốt). Dạng này của bệnh thường xảy ra ở trẻ em (đôi khi ở người lớn). Dạng bệnh này có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em

Trẻ em khi mắc bệnh sốt xuất huyết từ 3 ngày sẽ có những dấu hiệu sốt cao, khiến bố mẹ thường nhầm là cảm cúm hay nhiễm khuẩn đường hô hấp. Bố mẹ có thể tìm hiểu kỹ giai đoạn phát triển triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ tại đây.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Nếu gần đây bạn có đến một nơi đang có dịch bệnh và bị sốt sau đó thì hãy đi khám ngay. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết do một loại virus có thể lây lan qua muỗi cắn. Có bốn loại virus sốt xuất huyết, được gọi là virus DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Loài muỗi truyền bệnh có tên là Aedes aegypti hoặc muỗi Aedes albopictus, chúng có thể đưa virus gây bệnh vào máu của bệnh nhân bằng cách chích người bệnh.

Muỗi Aedes aegypti hoạt động ban ngày, đặc biệt chỉ có muỗi cái mới có thể chích người và truyền bệnh. Virus sốt xuất huyết sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày. Khi bạn bị muỗi chích, virus sẽ tuần hoàn trong máu từ 2 đến 7 ngày. Trong khoảng thời gian này, nếu bạn bị muỗi Aedes hút máu thì virus được truyền cho muỗi.

Một khi bạn đã phục hồi, cơ thể bạn sẽ miễn dịch chống lại bệnh, tuy nhiên bạn chỉ có thể kháng lại loại virus đã gây ra bệnh thôi. Trong khi đó lại có 4 chủng virus khác nhau, có nghĩa là bạn vẫn có khả năng bị nhiễm lại bởi loại khác. Điều quan trọng là bạn phải xác định các dấu hiệu và đi chữa trị.

Các yếu tố sau đây làm tăng khả năng mắc sốt xuất huyết thể nặng:

- Sinh sống hoặc đi du lịch ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới sẽ làm tăng nguy cơ tiếp xúc với virus gây bệnh sốt xuất huyết.
- Nếu bạn đã từng nhiễm sốt xuất huyết trước đây thì khi nhiễm lại, các triệu chứng sẽ nặng hơn và nguy hiểm hơn;

- Trẻ dưới 12 tuổi;

- Phụ nữ và người da trắng.

Điều trị hiệu quả bệnh sốt xuất huyết

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán sốt xuất huyết?

Việc đoán bệnh sốt xuất huyết có thể khá khó khăn, bởi vì các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh có thể dễ dàng gây nhầm lẫn với những bệnh khác - chẳng hạn như bệnh sốt rét, bệnh do leptospira và sốt thương hàn.

Nếu gần đây bạn có đi du lịch, bạn nên mô tả chi tiết cho bác sĩ biết bạn đã đi đến đâu, ở đó vào ngày nào và trong quá trình ở đó có bị muỗi cắn hay không.

Một số xét nghiệm có thể giúp phát hiện mức độ của bệnh sốt xuất huyết gồm:

    Điện giải đồ;

    Khí máu;

    Chức năng đông máu;

    Men gan;

    X-quang phổi nhằm phát hiện biến chứng tràn dịch phổi.

Những phương pháp nào dùng để điều trị sốt xuất huyết?

Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết, hầu hết bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần. Điều quan trọng là bác sĩ sẽ điều trị để tránh những biến chứng nặng xảy ra cho bạn. Hầu hết các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên nghỉ ngơi tại giường, uống nhiều nước.

Bác sĩ có thể kê một số thuốc để giảm sốt cho bạn như paracetamol (Tylenol®, Panadol®) đồng thời thuốc này có thể giảm đau cơ khớp.

Nên tránh các thuốc giảm đau có khả năng làm tăng biến chứng chảy máu chẳng hạn như aspirin, ibuprofen và naproxen sodium.

Đối với những trường hợp nặng hơn, bệnh sốt xuất huyết có thể gây sốc hoặc chảy máu, lúc này  cần phải đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.

Chế độ sinh hoạt phù hợp cho người mắc bệnh sốt xuất huyết

Đối với các thể bệnh nhẹ, có thể điều trị sốt xuất huyết tại nhà mà không cần nhập viện. Hãy nhớ uống nước đầy đủ và sử dụng thuốc giảm sốt hoặc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra để phòng bệnh, khi đi đến một số nước có dịch sốt xuất huyết, cần phải có sự chuẩn bị:

- Nên ở phòng máy lạnh hoặc phòng sạch sẽ để tránh muỗi vào;

- Tránh đi ngoài trời lúc bình minh, hoàng hôn và buổi tối, vì khi đó có nhiều muỗi bên ngoài;

- Mặc quần áo phủ kín. Khi bạn đi vào khu vực muỗi mang mầm bệnh, bạn nên mặc một chiếc áo sơ mi dài tay, quần dài, vớ và giày;

- Thoa kem chống muỗi ở các vùng da không được quần áo che chắn như cánh tay, mặt, chân và cổ.

 AloBacsi tổng hợp

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X