Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Phòng ngừa và tiêu diệt virus Corona như thế nào?

Số người tử vong và lây nhiễm virus corona ngày càng gia tăng. Ở Việt Nam, tính đến ngày 4/2/2020 đã có 8 trường hợp dương tính với loại virus này khiến tâm lý người dân hoang mang và lo lắng. Mời bạn đọc theo dõi những giải đáp của BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm - thần kinh - BV Nhi đồng 1.

Virus Corona là gì? Nguy hiểm như thế nào?

Coronavirus được phát hiện vào năm 1960. Đây là virus gây bệnh hô hấp, nó có phần hào quang như vương miện khi soi qua kính hiển vi điện tử nên được đặt tên là “corona”.

Virus Corona có hai loại, một loại gây bệnh ở người và một loại gây bệnh ở động có vú và chim. Trước đây, nó là virus gây bệnh nhẹ nên người ta không nghiên cứu sâu về nó. Nhưng về sau, khi cúm gà nổi lên thì người ta bắt đầu nghiên cứu về loại virus này. Đến một lúc nào đó, con virus này nó sẽ lây bệnh từ động vật sang người. Sau khi xâm nhập cơ thể người, nó sẽ thay đổi cấu trúc sinh học để có thể lây từ người này sang người khác.

Cho đến nay, điều này không còn kỳ lạ nữa. Cúm gà thì không lây từ người sang người, SARS thì lây từ động vật sang người, nó có thể chuyển thành lây từ người sang người. MERS (Corona Trung Đông) cũng lây từ người sang người.

Virus Corona có mặt ở đâu?

Virus Corna này nằm trong chất tiết của người mang mầm bệnh kể cả động vật. Ví dụ như dơi, lạc đà, và những loài động vật khác… Nói chung ở động vật hoang dã sẽ lây bệnh mạnh hơn động vật nuôi. Những con virus trong cơ thể động vật hoang dã sẽ không khiến cho vật chủ bị bệnh, nhưng khi chúng lây sang người thì chúng sẽ làm con người bị bệnh.

Đối với con người, khi gây bệnh cảm cúm thì virus sẽ lây từ người sang người. Tỷ lệ những người mắc Coronavirus thông thường thuộc về nhóm cảm cúm và virus này có thể tấn công vào phổi.

Có bao nhiêu chủng virus Corona gây bệnh trên người?

Hiện nay, các nhà khoa học chỉ tìm ra từ 3 - 4 chủng virus Corona gây bệnh ở người. Mức độ lây lan trong động vật khác hẳn Cornavirus ở người nhưng khi những con virus này lây từ động vật sang người nó sẽ khiến người mắc bệnh.

Ăn thịt động vật hoang dã có mắc virus Corona?

Một số virus chỉ lây bệnh ở động vật, nhưng hễ gặp người thì nó sẽ tấn công. Ví dụ như heo bị nhiễm trùng sezto (mỡ lợn) thì khi mình làm thịt heo virus sẽ xâm nhập cơ thể người. Khi chúng ta mổ gà thì nó sẽ dẫn đến cúm gà. Tương tự như vậy, virus Corona ở động vật hoang dã sẽ lây sang chúng ta nếu ta giết mổ sai cách hay tiếp xúc quá gần.

Virus Corona có biến đổi trên cơ thể người để trở nên mạnh mẽ hơn?

Chúng ta không thể nào đoán trước được là chúng có nguy hiểm hơn hay không. Nhưng những virus nào lạ xâm nhập cơ thể người nó sẽ gây bệnh. Trong cơ thể người, nó có thể thay đổi cấu trúc sinh học nhưng khi nó thích nghi với cơ thể người thì nó sẽ ít độc lực hơn. Nó chỉ tấn công những ai có miễn dịch kém, người già, và những người có bệnh mạn tính.

Ngày nay, ta phải chú ý đến virus Corona vì ta không thể đoán trước được nó như thế nào. Hơn nữa, ta phải dự trù tình hình xấu nhất để phòng chống nó. Ví dụ vào năm 2009, cúm H1N1 lây lan rất nhanh hoặc virus Ebola có thể đi xuyên qua da, nhưng nếu ta biết đề phòng thì ta sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh.

Virus Corona thường bị tiêu diệt ở nhiệt độ rất cao hay độ ẩm cao, hoặc trong môi trường thông thoáng. Trong một căn phòng không thông thoáng mà có virus, chúng ta sẽ bị nhiễm nhiều hơn. Nếu nói về cách phòng ngừa mới về Coronavirus, thì chúng ta không tài nào làm kịp. Chúng ta chỉ có cách áp dụng những phương thức cũ để mà hành động thôi. Có một số vấn đề không thay đổi được, chẳng hạn như khi trời lạnh thì ta không thể nào làm thời tiết nóng lên được nhưng ta vẫn phải làm mọi cách để giảm nguy cơ lây lan bệnh.

Virus Corona có lây từ người sang người? Khoảng cách lây?

Coronavirus có thể lây từ người sang người, điều này không thể chối cãi được. Khoảng cách của virus này là từ 2m trở xuống. Khuyến cáo của bệnh Corona cũng không khác gì SARS, MERS, H1N1 và những loại cúm khác, vì thế ta phải làm mọi cách để không tiếp xúc với con virus đó.

Vậy ta sẽ làm cách gì? Khi đi đến môi trường không có độ ẩm thì ta phải mang khẩu trang và rửa tay đúng theo chỉ định. Nếu mình nghi ngờ đã tiếp xúc với virus thì phải tự cách ly 14 ngày, khi có dấu hiệu sốt hay ho thì phải đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.

Chích ngừa cúm có tác dụng ngăn ngừa virus Corona?

Chích ngừa là việc nên làm hằng năm để phòng tránh bị cúm chứ chưa phòng ngừa được virus Corona. Hiện tại cúm Corona chưa có vacxin phòng ngừa. Tuy nhiên, việc chích ngừa vắc xin là một cách tốt để cải thiện hệ miễn dịch. Hơn nữa, khi bạn bị mắc bệnh cúm sau khi đã chích ngừa, bác sĩ sẽ nhanh chóng loại trừ được nguyên nhân gây bệnh của bạn.

BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm - thần kinh - BV Nhi đồng 1

Đeo khẩu trang có giúp phòng được virus Corona?

Ta có nhiều loại khẩu trang: khẩu trang thường và khẩu trang 3 lớp, khẩu trang N95. Khẩu trang có thể ngăn được giọt bắn dịch tiết có chứa virus.

Lưu ý rằng chúng ta không nên đeo khẩu trang N95, vì nó gây khó thở, cho ta cảm giác thiếu oxy. Tốt hơn hết, ta chỉ mang khẩu trang bình thường thôi.

Còn nếu chúng ta ở nơi có không khí trong lành thì không thành vấn đề.

Liệu pháp dân gian có phòng được virus Corona?

Đối với liệu pháp dân gian, hễ mà thấy gì an toàn là ta làm, có gì không chắc thì đừng làm. Nếu nó là cách phòng ngừa theo dân gian thì ta làm, còn cách phòng ngừa theo thương mại thì ta đừng làm.

Ví dụ như súc miệng bằng nước muối, dùng tỏi, uống nhiều nước thì đó là cách dân gian lâu nay vẫn làm. Còn nếu ai đó đột nhiên bán ra một loại thuốc hay trà với công hiệu ngăn ngừa bệnh thì phải xem lại.

Có cách nào triệt tiêu virus Corona trong cơ thể và ngoài môi trường?

Khi virus xâm nhập vào cơ thể, thì nó sẽ gây bệnh. Nếu virus xâm nhập cơ thể chúng ta với số lượng ít thì ta sẽ dùng phương pháp như sau để cản trở chúng, đó là uống một lượng nước để giúp cổ họng luôn ẩm, nếu virus có tấn công vào thì nó cũng bị giảm số lượng, cơ thể dễ dàng đối phó hơn. Nhưng nếu virus xâm nhập với số lượng nhiều và gây bệnh thì ta cần chờ hệ miễn dịch chiến đấu với chúng đến khi hết bệnh. (Giai đoạn này bác sĩ có thể kê một số loại thuốc giúp quá trình diễn ra thuận lợi hơn, nhưng vai trò chính vẫn là hệ miễn dịch của cơ thể).

Còn đối với môi trường bên ngoài thì cách hữu hiệu nhất để loại trừ virus là ngăn ngừa không để nó tấn công mình thôi, chẳng hạn như phải đeo khẩu trang và rửa tay.

Việt Nam có phải quốc gia đầu tiên điều trị khỏi virus Corona?

Thực sự Trung Quốc mới là nước đầu tiên chữa khỏi Corona. Khi mà chúng ta biết thông tin đầu tiên là có trên 1000 người nhiễm ở Trung Quốc và chỉ có trên 50 người tử vong thì chắc chắn rằng trong số còn lại có người đã được chữa khỏi.

Việt Nam không phải là nước đầu tiên chữa khỏi bệnh Corona, tuy nhiên, hai trường hợp 1 nặng và 1 nhẹ mà ta chữa được chứng tỏ Việt Nam có kinh nghiệm chữa bệnh viêm phổi do virus, đặc biệt là trên một người có sức khỏe yếu. Điều này đã xảy ra từ lâu rồi, chúng ta đã từng chữa được SARS 2003, H1N1 2009,…

Lưu ý, bệnh do virus là đa số là nó sẽ tự hết và nhiệm vụ của bác sĩ là khi có diễn biến nặng thì can thiệp kịp thời, những người mà có bệnh đặc biệt thì bác sĩ phải theo dõi thật sát. Ví dụ như bác sĩ sẽ dùng kháng sinh can thiệp trước, bao vây trước để chống nhiễm trùng, cung cấp đầy đủ oxy, cung cấp đầy đủ nước. Rõ ràng với hai ca ở bệnh viện Chợ Rẫy, ca thứ 2 phổi đã bị tổn thương và có nhiều bệnh nền, gây khó khăn cho việc điều trị nhưng chúng ta vẫn giữ được an toàn cho đến bây giờ.

Thuốc gì có thể điều trị được virus Corona?

Cho đến bây giờ, chưa có thông tin chính thức về việc các bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy đã sử dụng thuốc gì.

Theo truyền thống thì các bác sĩ sẽ dùng kháng sinh, mặc dù kháng sinh không giết được virus nhưng bởi vì một người có cơ địa đặc biệt cộng thêm bị viêm phổi do virus sẽ rất dễ bội nhiễm, cần dùng kháng sinh phổ rộng để chống nhiễm trùng.

Còn thuốc anti-Coronavirus thì hiện nay chưa có. Có một số loại thuốc antivirus, người ta hay nghĩ đến là thuốc ARV (là thuốc điều trị HIV). Virus Corona cũng là virus ARN giống như virus HIV, vì vậy người ta cũng sẽ sử dụng loại thuốc đó để ức chế virus ở giai đoạn tổng hợp protein. Ở dịch SARS đã thực hiện thử rồi nhưng số lượng ca rất ít nên chưa biết rõ được hiệu quả của phương pháp này.

Còn có một số thuốc chứa kháng thể có thể sử dụng, nhưng mà có bắt được con virus hay không thì mình chưa biết được. Cho nên đến hiện nay thuốc kháng virus đặc hiệu cho Coronavirus vẫn chưa có.

Có nên tự ý đi xét nghiệm virus Corona?

Chúng ta không nên tự ý đi xét nghiệm, vì con virus này không tự trên trời rớt xuống. Nó phải có nguồn lây từ người mắc bệnh, có một số trường hợp ta không biết người đó có mắc bệnh hay không, đương nhiên ta phải hỏi người đó có đến từ vùng bị dịch hoặc vùng nghi ngờ không, trong vòng 14 ngày.

Nếu ho hay sỗ mũi thì ta nên làm những biện pháp bảo vệ như đã thực hiện từ trước tới giờ (đeo khẩu trang, rửa tay). Còn nếu nghi ngờ từ vùng dịch trở về, thì quyền quyết định xét nghiệm hay không là việc của bác sĩ chuyên về cách ly và điều trị những bệnh nhân như vậy.

Còn xét nghiệm ở đâu thì chỉ có viện Pasteur ở TPHCM, NIHE (Viện dịch tễ trung ương) tại Hà Nội, và Pasteur ở Nha Trang có thể làm xét nghiệm thôi. Xét nghiệm này không phải là vì quá khó mà đây là những nơi được giao nhiệm vụ làm xét nghiệm.

Với những người nghi ngờ mình bị nhiễm bệnh thì hãy nghĩ xem mình đã đi đâu để cung cấp thông tin cho bác sĩ chuyên về cách ly và điều trị, họ sẽ giải thích cho mình.

Bản thân của mỗi người nên có trách nhiệm với cộng đồng và trách nhiệm với bản thân mình. Đó là tích cực tham gia phòng ngừa. Thứ nhất, phải mang khẩu trang khi đi đến đám đông. Thứ hai, phải rửa tay và rửa tay cho đúng, rửa tay bằng xà phồng dưới vòi nước trong vòng 20 giây nếu cảm thấy tay mình dơ, nếu đi từ ngoài về, nếu đi từ ngoài vào một cộng đồng khác. Thứ ba là dùng sát khuẩn nhanh nếu xung quanh không có vòi nước.

Nếu đi từ vùng dịch trở về, thì ta phải tự cách ly trong vòng 14 ngày, không được giao lưu với ai. Chừng nào mình thấy an toàn rồi thì mới giao lưu. Còn nếu bắt buộc phải ra ngoài thì phải đeo khẩu trang. Còn nếu bản thân mình trở về mà bị sốt, thì hãy đến cơ quan y tế gần nhất để bác sĩ cách ly rồi làm xét nghiệm.

Hãy nâng cao sức đề kháng bằng các việc như ngủ đủ giấc, uống đủ lượng nước, lúc nào cũng giữ cho cổ họng mình sạch và ẩm, mở cửa thông thoáng để làm giảm nồng độ virus nếu có, không được để nhiệt độ phòng lạnh quá, phải từ 25 độ C trở lên.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X