Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ hàng đầu từ chức sau khi Nga công bố vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên

Bác sĩ hàng đầu về hô hấp, công tác tại Bộ Y tế Nga, gần đây đã từ chức vì bất đồng xung quanh việc Nga công bố vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới.

Vắc xin chống virus SARS-CoV-2 của Nga có đáng lo?

GS Chucalin - người sáng lập Viện nghiên cứu về hệ hô hấp Nga đã từ chức khỏi hội đồng y đức của Bộ Y tế của nước này để phản đối việc vội vàng thông qua vắc xin của Tổng thống Nga Putin là vi phạm đạo đức. Ông đã rời khỏi hội đồng đạo đức của Bộ y Tế Nga sau khi thực hiện một cú tấn công mạnh về vaccine “Sputnik V” trước khi được phê duyệt. Bản tin mới đây của Daily Mail cho biết như trên.

Trong bối cảnh lo âu của các nước Phương Tây về loại vắc xin này, dường như vị giáo sư đã tìm cách ngăn cản việc đăng ký sự an toàn của vắc xin, nhưng ông đã thất bại và đành phải rời bỏ hội đồng y đức.

Theo Daily Mail, GS Alexander Chucalin cáo buộc hai đồng nghiệp là GS Alexander Gintsburg - giám đốc Viện Nghiên cứu Gamaleya và GS Sergey Borisevich - nhà virus học hàng đầu, mang hàm đại tá trong quân đội Nga đã vội vàng đưa vắc xin vào sản xuất hàng loạt. Hai người trên là những chuyên gia đi đầu trong việc phát triển vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới.

Các ông đã phát triển vắc xin theo đúng quy trình và được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận hay chưa? Tôi thực sự rất thất vọng về một số nhà khoa học của chúng ta, những người đưa ra tuyên bố thiếu trách nhiệm về việc phát triển vắc xin"- GS Chucalin nói và ông cho rằng vắc xin chưa được kiểm tra kỹ lưỡng về độ an toàn.

Ông Chucalin không nêu lý do từ chức, nhưng trả lời trên tạp chí Nga Nauka i Zhizn (Khoa học và Cuộc sống), ông nói: “Điều quan trọng là phải chắc chắn rằng vắc xin an toàn khi sử dụng trên người. An toàn phải được đặt lên hàng đầu. Chúng ta vẫn chưa rõ cơ thể người phản ứng với loại vắc xin này ra sao".

Ông cho biết thêm: “Cần phải xem xét tất cả dữ liệu khoa học về vắc xin để đảm bảo rằng nó không gây ảnh hưởng đến con người, đặc biệt là sau vài năm. Có những thứ không biểu hiện ngay lập tức sau khi tiêm vắc xin mà phải sau 1-2 năm. Ảnh hưởng lâu dài của vaccine Sputnik V đối với cơ thể người hiện chưa được kiểm chứng”.

Quan ngại về vắc xin SARS-COV-2 của Nga

Tuyên bố chiến thắng của tổng thống Nga Putin về mục tiêu đẩy mạnh chế tạo vắc xin chống COVID-19 trong bối cảnh có những ý kiến cho rằng nước Nga đã bỏ qua những bước quan trọng trong việc phát triển vắc xin.

Theo CNN, những người chỉ trích cho rằng việc Nga thúc đẩy vắc xin một phần là do áp lực chính trị từ Điện Kremlin. Người Nga chưa hề tiết lộ bất kỳ dữ liệu khoa học nào về vắc xin của họ vì thế CNN không thể xác định tính an toàn hay hiệu quả của vắc xin này.

Cho dù vậy, các quan chức Nga đã nói với CNN rằng có 20 quốc gia và một số công ty Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm về loại vắc xin này.

Kirill Dmitriev, người đứng đầu quỹ trực tiếp của Nga (RDIF), đơn vị tài trợ cho nghiên cứu vắc xin, cho biết nhiều nước khác đã quan tâm đến loại vắc xin và đã đặt hàng tỷ liều.

Cuộc đua tìm kiếm vắc xin giống như cuộc thi năm môn phối hợp

Theo một bài báo trên tờ The Conversations nói về việc sản xuất vắc xin, nếu so sánh chuyện tìm vắc xin như một cuộc tranh tài, thì đừng xem việc phát minh vắc xin như cuộc chạy đua nước rút. Trái lại, hãy nghĩ đó là cuộc thi năm môn phối hợp. Trong đó, vận động viên không được bỏ qua bất cứ môn nào. Bỏ qua bất kỳ công đoạn nào dù là rất nhỏ cũng sẽ dẫn đến hậu quả vắc xin không được kiểm tra đúng cách, như vậy vắc xin sẽ thiếu an toàn và thất bại.

Tiêm vắc xin thẳng vào con người mà không đảm bảo thử nghiệm đầy đủ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nếu vắc xin xuất hiện tác dụng phụ, hậu quả bao gồm cả việc ảnh hưởng đến sức khỏe và sự xói mòn niềm tin trong cộng đồng. Những người được tiêm vắc xin cứ tưởng mình được bảo vệ nhưng thực ra thì không.

Khi nhiều nước đang xem xét việc ra mắt vắc xin, các thông tin dưới đây là cần thiết:

  • Độ an toàn của vắc xin?
  • Vắc xin đó có tác dụng như thế nào?
  • Vắc xin sẽ ngăn chặn sự nghiêm trọng của căn bệnh đó như thế nào?
  • Nếu không được tiêm vắc xin thì người bị nhiễm sẽ gánh hậu quả ra sao?

Để có đủ những thông tin này qua từng giai đoạn thử nghiệm lâm sàng (I, II, III) sẽ mất hằng năm trời.

Các cuộc thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn thứ III là rất quan trọng. Các tác dụng phụ ít gặp có thể sẽ khó bị phát hiện trong những cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ. Ví dụ, nếu một tác dụng phụ của vắc xin chỉ xảy ra với một trong mỗi 10.000 người, thử nghiệm sẽ phải cần đến 60.000 tình nguyện viên mới phát hiện ra.

Nói chung, vắc xin cần phải được kiểm tra kỹ lưỡng hơn các loại dược phẩm khác. Chúng ta chỉ tiêm vắc xin cho người khỏe mạnh, vì vậy an toàn là ưu tiên hàng đầu. Và chúng ta sẽ tiêm vắc xin cho nhiều người để phát hiện tác dụng phụ ít gặp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X