Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ đã làm được gì với bệnh lý mạch máu tạng – ngoại biên?

Sáng 2/4, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tổ chức chương trình Đào tạo y khoa liên tục CME: “Cập nhật chẩn đoán điều trị can thiệp bệnh lý mạch máu tạng – ngoại biên”, được xem là buổi hội thảo điểm danh những điều các bác sĩ đã làm được trong điều trị bệnh này.

Bệnh lý mạch máu tạng - ngoại biên không phải là vấn đề mới và việc điều trị có những nét tương đồng, song hành với can thiệp mạch vành, can thiệp mạch não. Tuy nhiên cộng đồng chưa có sự quan tâm đúng mức đến những bệnh lý này.

Ít có ai chịu đi khám chỉ vì triệu chứng tê tay, tê chân, cho tới khi bệnh gây phiền hà làm giảm chất lượng cuộc sống, hoặc thậm chí ngón chân bắt đầu hoại tử, tím đen họ mới đi khám bệnh. Bệnh lý mạch máu ngoại biên được chẩn đoán muộn, khi đó bệnh nhân không còn cơ hội điều trị. Ngay cả bệnh nhân còn cơ hội điều trị thì cũng không biết đến nơi nào chuyên trị bệnh này, ai là chuyên gia.

TS.BS Phạm Minh Ánh

TS.BS Phạm Minh Ánh - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, Nguyên trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Ngành phẫu thuật, can thiệp mạch máu nói chung và động mạch chủ, động mạch ngoại biên nói riêng ngày xưa ít được chú trọng đào tạo, cả về lý thuyết và thực hành, nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện cũng chỉ hiểu biết sơ sài về bệnh lý mạch máu.

Tại Việt Nam hiện nay chưa có thống kê nhưng tôi tin số lượng bệnh nhân có bệnh mạch máu không thua các nước khác. Ngày xưa chúng ta nghĩ bệnh mạch máu là của những người thừa cân, béo phì nhưng hiện nay vẫn có nhiều người gầy bị tai biến mạch máu não, tai biến mạch vành, tắc mạch phình mạch đều có.

Hiện nay có khá nhiều cơ sở điều trị được về phẫu thuật và can thiệp mạch máu một cách hệ thống, khoa học, bài bản. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn đang để trống lĩnh vực này. Và như thế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị của người bệnh, nhiều bệnh nhân phải chấp nhận hậu quả nặng nề. Rất mong các đồng nghiệp tiếp tục phát triển lĩnh vực này. Buổi hội thảo hôm nay sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng ta”.

TS.BS Trần Chí Cường

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch hội Can thiệp thần kinh TPHCM, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ nhận định: “Hôm nay là buổi hội thảo “mở màn”, để các chuyên gia đầu ngành “điểm danh” với bệnh mạch máu tạng - ngoại biên chúng ta có thể làm được gì? Tôi hi vọng hội thảo này mở ra định hướng mới trong điều trị bệnh lý mạch máu cho các bác sĩ ở tất cả các chuyên khoa.

Hội thảo đề cập đến việc can thiệp mạch máu gan, lách, tử cung - buồng trứng, mạch chậu, mạch chi… những ca lâm sàng hết sức đặc biệt mà các báo cáo viên đã từng trải, ghi nhận trong nhiều năm qua (từ 2006)”.

BS.CK2 La Văn Phú

BS.CK2 La Văn Phú, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ gửi lời cảm ơn đến các báo cáo viên: “Cơ thể con người là một khối thống nhất, bộ phận nào cũng quan trọng. Tôi rất ấn tượng với hình ảnh bệnh nhân cao tuổi bị cắt cụt chân nhưng nguyên nhân đến từ động mạch chủ bụng, nếu đến đúng chuyên khoa thì có thể chúng ta đã giữ được chân cho bệnh nhân. Bệnh viện chúng tôi cũng từng hội chẩn những ca hoại tử chi do tắc các vi mạch, cố gắng cứu chân cho bệnh nhân, bởi vì phải cắt cụt chi là một cú sốc rất lớn đối với họ.

Chuyên đề Tổng quan các kỹ thuật can thiệp mạch máu tạng - ngoại biên cũng rất ấn tượng, cho thấy can thiệp mạch máu có thể điều trị bệnh từ đầu đến chân. Xin cảm ơn các báo cáo viên đã cho tôi được nghe những kinh nghiệm quá hay được đúc kết từ lý thuyết đến thực hành”.

Ban chủ tọa: TS.BS Phạm Minh Ánh, TS.BS Lâm Văn Nút, BS.CK2 Ngô Minh Tuấn

ThS.BS Lê Kim Long

Đây là bước khởi động lại của các buổi hội thảo offline sau thời gian dài gián đoạn do đại dịch COVID-19

Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành: TS.BS Phạm Minh Ánh, TS.BS Trần Chí Cường, TS.BS Lâm Văn Nút, Bệnh viện Chợ Rẫy, TS.BS Lê Nguyên Khôi - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, BS.CK2 La Văn Phú -Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ BS.CK2 Ngô Minh Tuấn Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Trưởng đơn vị Can thiệp mạch máu tạng - ngoại biên Bệnh viện S.I.S, và các bác sĩ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên…

[DAP]Chương trình Đào tạo y khoa liên tục CME: “Cập nhật chẩn đoán điều trị can thiệp bệnh lý mạch máu tạng - ngoại biên” gồm 7 bài báo cáo

  1. Tổng quan các kỹ thuật can thiệp mạch máu tạng - ngoại biên - BS.CK2 Ngô Minh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ
  2. Điều trị phình động mạch chủ bụng bằng stent graft - TS.BS Phạm Minh Ánh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ
  3. Cập nhật chẩn đoán và điều trị thuyên tắc mạn mạch máu chi dưới - TS.BS Lâm Văn Nút, Bệnh viện Chợ Rẫy
  4. Can thiệp nội mạch điều trị biến chứng sau phẫu thuật gan mật tụy - TS.BS Lê Nguyên Khôi - BS Lê Kim Long, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
  5. Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) trong điều trị bệnh lý tiêu hóa gan mật - BS.CK2 La Văn Phú, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ
  6. Cập nhật những tiến bộ trong điều trị ung thư gan - BS.CK2 Ngô Minh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ
  7. Chia sẻ các ca lâm sàng can thiệp mạch máu tạng - ngoại biên hiếm gặp - TS.BS Trần Chí Cường, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

[/DAP]

Kim Quy, ảnh đức Thịnh - Benhdotquy.net

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X