Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ cơ xương khớp trăn trở làm sao giảm đau cho bệnh nhân mà vẫn hạn chế tác dụng phụ

Bác sĩ cơ xương khớp phải điều trị cho bệnh nhân như thế nào khi họ có nhiều bệnh đi kèm, và làm sao để hạn chế tối thiểu tác dụng phụ cho người bệnh, đó là vấn đề đặt ra trong hội thảo Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh nội cơ xương khớp, tổ chức ngày 27/6 tại TPHCM.

Bệnh xương khớp có đặc điểm vừa là bệnh lý, vừa là quá trình lão hóa, bệnh lý thì điều trị được nhưng lão hóa thì không đảo ngược được, chỉ có thể làm chậm mà thôi. Hơn nữa, người bệnh thoái hóa khớp đa phần là lớn tuổi, vì vậy, khó khăn cho bác sĩ cơ xương khớp là phải điều trị cho bệnh nhân như thế nào trong bối cảnh họ có nhiều bệnh đi kèm, và làm sao để hạn chế tối thiểu tác dụng phụ cho người bệnh. Đó là vấn đề đặt ra trong Chương trình đào tạo y khoa liên tục Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh nội cơ xương khớp do Hội Lão khoa TPHCM tổ chức ngày 27/6, quy tụ hơn 500 bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực này về tham dự.

PGS.TS Nguyễn Văn Trí

Trong phát biểu khai mạc PGS.TS Nguyễn Văn Trí Chủ tịch hội Lão khoa TPHCM nhấn mạnh về mức độ gia tăng của bệnh xương khớp và tầm quan trọng của cơ quan này: “Người sống càng lâu thì tổn thương cơ học và tổn thương sinh học càng nhiều. Do đó, dân số già hóa thì lượng bệnh nhân xương khớp càng đông, thậm chí nhiều hơn bệnh tim mạch. Mục tiêu của chúng ta là làm sao để cho mọi người khi bước qua tuổi 40 đừng bị đau lưng, mỏi gối, mỏi cổ… Bởi vì xương cứng thì sống lâu, cột cứng thì nhà không sụp, chủ nhà khỏe thì gia đình sung túc”.

Hội thảo Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh nội cơ xương khớp do Hội Lão khoa TPHCM tổ chức ngày 27/6, quy tụ hơn 400 bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực này về tham dự, được bố trí tại 2 hội trường

Mở đầu chương trình là bài báo cáo TS.BS Cao Thanh Ngọc - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM “Điều trị viêm khớp gout trên bệnh nhân có nhiều bệnh nền”.

TS.BS Cao Thanh Ngọc

Cơn đau gout được ví như vua của những cơn đau, cho nên cần lựa chọn thuốc giảm đau nhanh và mạnh, vậy lựa chọn thuốc như thế nào để đạt hiệu quả mà giảm thiểu tác dụng phụ, trong bối cảnh bệnh nhân có nhiều bệnh nền?

Sau khi phân tích việc sử dụng các thuốc colchicin, NSAIDs, corticoids, tác dụng phụ trên tiêu hóa, nguy cơ tim mạch của những thuốc này, và đưa ví dụ về ca lâm sàng, BS Ngọc đúc kết:

Điều trị đợt gout cấp: lựa chọn một trong 3 nhóm (colchicin, NSAIDs, corticoids) hoặc phối hợp. Đây là lựa chọn thuốc có hiệu quả giảm đau nhanh mạnh, tuy nhiên phải chú ý nguy cơ tiêu hóa và tim mạch khi dùng NSAIDs.

Về việc hạ acid uric máu: mục tiêu acid uric < 6mg% (< 5mg% cho những trường hợp viêm khớp gout nặng hoặc có tophi). Đây là chỉ định cho bệnh nhân gout thường xuyên, có tophi, gout lần đều kèm suy thận/ sỏi thận/UA >= 90g%. Allopurinol là lựa chọn đầu tiên để kiểm soát acid uric máu nhưng khó đạt mục tiêu acid uric đặc biệt trong trường hợp suy thận. Febuxostat đạt hiệu quả kiểm soát acid uric tốt nhưng còn tranh cãi về gia tăng nguy cơ biến cố tim mạch.

Đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS.BS Nguyễn Đình Khoa - trưởng khoa Nội cơ xương khớp báo cáo đề tài: “Sử dụng NSAIDs an toàn trong điều trị thoái hóa khớp”.

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Khoa

Phó giáo sư cho biết ngày nay, sau nhiều nghiên cứu thì cơ chế bệnh sinh của thoái hóa khớp được nhìn nhận phức tạp hơn nhiều. Ngoài ảnh hưởng của tuổi thọ thì vấn đề thừa cân, béo phì khiến bệnh nhân giảm vận động; việc sử dụng thuốc điều trị các bệnh đồng mắc cũng làm cho việc điều trị thoái hóa khớp khó khăn hơn. Sử dụng thuốc giảm đau thần kinh trung ương ở người cao tuổi cũng phải hết sức thận trọng.

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Khoa đưa ra một số lưu ý trong lựa chọn thuốc NSAIDs:

- Có bệnh thận mạn thì tránh dùng NSAIDs

- Bệnh nhân có nguy cơ tiêu hóa, tim mạch thấp có thể lựa chọn bất kỳ nsNSAIDs hoặc chọn lọc COX-2, đồng thời xem xét các chống chỉ định khác.

- Khi nguy cơ tim mạch và tiêu hóa đều rất cao thì cố gắng tránh dùng NSAIDs/coxibs

- Có nguy cơ tim mạch hoặc tiêu hóa không quá cao thì: Tương đối an toàn hơn trên tim mạch so với các nsNSAIDs khác là meloxicam, celecocib. Tương đối an toàn hơn trên tiêu hóa so với các nsNSAIDs khác: meloxicam, coxibs. Và sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả, trong thời gian ngắn nhất có thể.

Chủ nhiệm bộ môn Nội, Đại học Y dược TPHCM - TS.BS Hoàng Văn Sỹ cũng có báo cáo về thuốc NSAIDs với đề tài: “Sử dụng NSAIDs trên bệnh nhân tim mạch: lợi ích và nguy cơ”.

Tiếp tục bàn thêm về việc sử dụng thuốc và tránh tác dụng phụ, BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115 đóng góp đề tài: “Vai trò kháng TNFα trong ức chế tổn thương cấu trúc của điều trị viêm khớp cột sống thể trục: từ nghiên cứu đến thực tế điều trị”

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

BS Trân cho biết: viêm cột sống dính khớp là bệnh thường gặp ở nam giới trong độ tuổi lao động, bệnh nhân trẻ dưới 45 tuổi, nam giới nhiều hơn nữ giới, với biểu hiện đầu tiên là đau lưng dai dẳng, liên tục, không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường.

Tổn thương cấu trúc trong viêm cột sống dính khớp hình thành qua 3 giai đoạn viêm, sửa chữa và tạo cầu xương mới. Việc kiểm soát sớm và hiệu quả quá trình viêm bằng thuốc TNF có tác dụng giảm tiến triển tổn thương trên Xquang, giảm hình thành cầu xương mới. Điều trị kháng TNF dài hạn từ 4 năm trở lên giúp giảm thiểu tổn thương trên Xquang của bệnh nhân viêm cột sống dính khớp.

Ngoài ra, việc giảm viêm và kiểm soát viêm liên tục giúp duy trì lợi ích bền vững trong giảm hoạt tính của bệnh, cải thiện khả năng di động cột sống, cải thiện chức năng thể chất và chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân. Quan trọng nhất là việc phát hiện sớm giúp giảm biến chứng , giảm thiểu khả năng tiến triển thành dị tật.

Chương trình còn nhiều đề tài hữu ích khác: “Tiếp cận Xquang trong bệnh lý khớp” - ThS.BS Hồ Hoàng Phương; “Điều trị đau lưng bằng thủ thuật” - ThS.BS Lê Viết Thắng; “Vai trò thuốc giãn cơ trong các bệnh lý xương khớp: y học bằng chứng” - PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Lan; “Diacerein: lựa chọn tối ưu trong điều trị thoái hóa khớp có các bệnh đồng mắc” - BS.CK2 Huỳnh Phan Trúc Linh.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam

PGS.TS.BS Lê Anh Thư - Phó chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam

PGS.TS.BS Bùi Văn Giang - Giám đốc Trung tâm chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện K (Hà Nội)

Đặc biệt, có 2 báo cáo viên nước ngoài tham dự từ xa do tình hình COVID-19, báo cáo được truyền hình trực tiếp: “Chẩn đoán và điều trị tăng áp phổi trên bệnh nhân lupus” - Dr Karin Mazodier; “Hướng dẫn ACR trong xử lý viêm mạch ANCA(+) từ những ca lâm sàng” - Prof Kaplanski Gilles.

Cuối chương trình là phần thảo luận ca lâm sàng giữa các báo cáo viên, các bác sĩ tham dự hội thảo với 2 chuyên gia đầu ngành là PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Lan và PGS.TS.BS Bùi Văn Giang.

Sau chương trình,TS.BS Cao Thanh Ngọc - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đồng thời là Phó chủ tịch Hội Lão khoa TPHCM chia sẻ: “Mỗi năm đi tham dự các hội nghị lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu... tôi luôn ấp ủ xây dựng những chương trình hội nghị chất lượng cho các bác sĩ để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, cập nhật các khuyến cáo mới của quốc tế áp dụng vào thực tế điều trị để các bác sĩ có thể chăm sóc cho bệnh nhân tại Việt Nam mỗi ngày một tốt hơn”.

Thực tế, hội nghị hôm nay với số người tham dự nhiều hơn dự kiến đã khẳng định chất lượng và mối quan tâm của các bác sĩ chuyên ngành cơ xương khớp với những nội dung chương trình mà Hội Lão khoa lựa chọn để phổ cập.

Hồng Nhung - ảnh Lê Bình

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X