Hotline 24/7
08983-08983

Atiso: Công dụng và liều dùng để không gây hại gan

Atiso có nhiều công dụng y học và gần như không có tác dụng phụ. Nó thường được dùng để kích thích sự tiết dịch của gan, phòng chống xơ vữa động mạch và chống tăng mỡ trong máu hoặc trị chứng khó tiêu. Nhưng nếu lạm dụng atisô sẽ gây tác động không tốt.

Đặc điểm cây atiso


Cả cây atiso từ gốc đến ngọn đều có giá trị làm thuốc. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Atiso (Acrtichoke; Artichaut) tên khoa học là Cynara scolymus, có nguồn gốc từ miền Nam châu Âu (quanh Địa Trung Hải) và được biết như là một thảo dược quý từ thời cổ đại. Khoảng đầu thế kỷ 20, chúng được du nhập vào Việt Nam, phát triển tốt tại các vùng đất cao có khí hậu mát mẻ như Lâm Đồng (nhiều nhất ở Đà Lạt), Tam Đảo, Sapa… Tên gọi của nó là sự phiên âm sang tiếng Việt của từ tiếng Pháp artichaut.

Atiso là cây thảo lớn, cao 1 - 1,2m, có thể đến 2m. Thân ngắn, thẳng và cứng, có khía dọc, phủ lông trắng như bông. Lá to, dài, mọc so le; phiến lá xẻ thùy sâu và có răng không đều, mặt trên xanh lục mặt dưới có lông trắng, cuống lá to và ngắn. Cụm hoa hình đầu, to, mọc ở ngọn, màu đỏ tím hoặc tím lơ nhạt, lá bắc ngoài của cụm hoa rộng, dày và nhọn, đế cụm hoa nạc phủ đầy lông tơ, mang toàn hoa hình ống.

Cụm hoa atiso hình đầu, to, mọc ở ngọn, màu đỏ tím hoặc tím lơ nhạt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Phân biệt atiso đỏ và atiso xanh


Hiện nay, có hai loại phổ biến là atiso xanh và atiso đỏ được bán ở khắp 3 miền. Atiso đỏ còn có tên gọi khác là bụp giấm hay bụt giấm để phân biệt với atiso xanh.

Atiso đỏ có nguồn gốc ở Tây Phi, cao từ 1,5 - 2m, phân nhánh gần gốc, màu sắc tím nhạt. Lá hình trứng, nguyên, mép lá có răng. Hoa đơn độc, mọc ở nách, gần như không có cuống. Tràng hoa màu vàng hồng hay tía, có khi trắng. Quả nang hình trứng, có lông thô mang đài màu đỏ sáng tồn tại bao quanh quả.

Nếu atiso xanh có tác dụng hạ cholesterol và urê trong máu, tạo mật, tăng tiết mật, lợi tiểu… thì đài hoa atiso đỏ giúp chống co thắt cơ trơn, làm thư giãn cơ trơn tử cung, làm hạ huyết áp và có tính kháng sinh, trị ho, viêm họng.

Atiso đỏ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Công dụng của atiso


Atiso là thực phẩm có lợi cho sức khỏe, những món ăn được chế biến từ atiso cũng được khá nhiều người ưa chuộng. Trong y học hiện đại, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh atiso có chứa các dược chất: chống oxy hóa, chất xơ tiêu hóa cùng rất nhiều vitamin, khoáng hữu cơ quan trọng:

Chất chống oxy hóa trong atiso là điểm nổi trội của loại cây này. Các đặc tính chống oxy hóa của atiso do hàm lượng polyphenol, quercetin, flavonoid và rutin cao đã được chứng minh có thể giảm nguy cơ và tác động của ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và bệnh bạch cầu.

Cải thiện sức khỏe tim mạch: Một số thành phần trong lá của atiso có tác dụng giảm mức cholesterol xấu (LDL) và tăng mức cholesterol tốt (HDL hoặc axit béo omega- 3) để cải thiện sức khỏe tim mạc.

Cải thiện sức khỏe gan: Chất Clin Drug Invest trong atiso có khả năng vô hiệu hóa gốc tự do gây hại như Lipoperoxid, là các chất sinh ra nhiều khi gan bị viêm, tổn thương, giúp ổn định màng tế bào gan và ngăn chặn chất độc từ ngoài nhiễm vào trong tế bào gan, giải độc cho gan trong trường hợp lạm dụng rượu; hóa chất. Cùng đó là tăng cường tổng hợp RNA Ribosom (Ribosomal RNA synthesis), giúp tổng hợp protein nhằm thúc đẩy phục hồi các tế bào gan bị tổn thương và kích thích sự phát triển các tế bào gan mới; Silymarin ức chế sự biến đổi mô gan thành tổ chức xơ, giảm sự hình thành các sợi collagen dẫn đến xơ gan.

Chuyển động ruột: Atiso là một nguồn thực phẩm giàu chất xơ. Trong 100g atiso (hoa) chứa khoảng 10,3 g chất xơ các loại, chủ yếu là Inulin, chiếm khoảng 30% nhu cầu hàng ngày cho người trưởng thành. Ngoài cải thiện hệ tiêu hóa, chất xơ có trong atiso còn nhiều lợi ích khác giảm nguy cơ bệnh tim mạch, đái tháo đường, thừa cân - béo phì...

Atiso thường được dùng để kích thích sự tiết dịch của gan, phòng chống xơ vữa động mạch và chống tăng mỡ trong máu hoặc trị chứng khó tiêu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Bảo vệ tế bào thần kinh: Trong 100g atiso (hoa) chứa khoảng 15 microgram Vitamin K, 90mcg Acxit folic (Folate), Vitamin C, magne, mangan, kali... Vitamin K trong atiso có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh khỏi các tổn thương và thoái hóa do tuổi tác. Phòng ngừa bệnh mất trí nhớ tuổi già (Alzheimer). Ngoài ra, Vitamin K còn có các tác dụng tốt cho việc hỗ trợ quá trình máu đông, kết hợp với canxi giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa sỏi thận, giảm xơ hoá động mạch... cũng như có vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì quá trình bài tiết và sử dụng insulin của cơ thể - nguyên nhân dẫn đến bệnh đái tháo đường.

Phòng ngừa khuyết tật bẩm sinh: Atiso thậm chí giúp phụ nữ có thai sinh con khỏe mạnh, bình thường. Mức độ cao của axit folic được tìm thấy trong atiso có thể ngăn ngừa các khuyết tật ống thần kinh xảy ra ở trẻ sơ sinh, ngăn ngừa những dị tật bẩm sinh.

Tăng mật độ khoáng xương: Những vitamin và khoáng chất như magie, phốt pho và mangan có trong atiso là phần thiết yếu để tăng cường sức khỏe và mật độ xương, do đó làm giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh ở người lớn tuổi như loãng xương.

Bài thuốc hay từ atiso


Atiso hầm chân giò. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Theo đông y, toàn cây atiso từ lá, hoa, thân hay rễ đều có thể làm thuốc. Trong đó, bộ phận lá có thể dùng lá tươi hoặc khô, đem sắc hoặc nấu cao atiso lỏng, với liều 2-10g lá khô một ngày, có khi chế thành cao mềm hay cao khô để bào chế thuốc viên, thuốc tiêm dưới da hay tĩnh mạch. Có thể chế thành dạng cao lỏng đặc biệt dùng dưới hình thức giọt có tác dụng chữa bệnh về gan (gan viêm mạn, da vàng), thận viêm cấp và mạn, sưng khớp xương. Thuốc có tác dụng nhuận trường và lọc máu nhẹ đối với trẻ em.

Ngoài việc dùng đế cụm hoa và lá để ăn, atiso còn được dùng làm thuốc thông tiểu tiện, thông mật, chữa viêm thận cấp và mạn tính. Người ta còn dùng thân và rễ atiso thái mỏng, phơi khô, công dụng như lá. Bông atiso khi nấu chín có tác dụng bổ dưỡng tăng lực, kích thích tiêu hóa làm ngon miệng, lợi gan mật, trợ tim, lợi tiểu, chống độc, tăng tiết sữa cho sản phụ (khi hầm với chân giò).

Atiso hỗ trợ điều trị tiểu đường:

Bài 1: 40g thân cây atiso, 20g hoa atiso, tất cả phơi phô tán nhỏ. Mỗi lần dùng 2g pha như pha nước chè.

Bài 2: 50g hoa atiso phơi khô, tán nhỏ, mỗi lần dùng 2g, pha như nước chè.

Bài 3: Hoa và lá atiso mỗi thứ 100g đem luộc như các loại rau thông thường.

Bài 5: Hoa Atisô 50g, ý dĩ 50g, lá lách lợn 150g, gia vị vừa đủ. Hoa atisô, ý dĩ, giã nhỏ, lá lách lợn rửa sạch, thái miếng, cho tất cả vào bát to, cho gia vị vào trộn đều, đem hấp cách thủy khi chín cho bệnh nhân ăn, ngày ăn 1 lần, một liệu trình là 10 ngày, thời gian nghỉ giữa các liệu trình là 5 ngày. Cần dùng 3 - 4 liệu trình.

Nước atiso lá dứa có khả năng thanh lọc gan, giảm mỡ máu, điều tiết sự lưu thông của tuyến mật và cải thiện khả năng tiêu hóa:
Nguyên liệu cần có là 5 bông atiso tươi, 1 bó lá dứa tươi, 3 lít nước và 2 viên đường phèn. Bông atiso bạn đem rửa sạch, sau đó bỏ cuống. Lá dứa thì cột gọn lại và sau đó vào nồi cùng bông atiso để đun khoảng nửa tiếng. Đủ thời gian thì tắt bếp đậy kín nồi nước lại và ủ trong khoảng 6 giờ. Tiếp đến, cho đường phèn vào nấu tan dùng được.

Lựa chọn và dùng atiso sao cho tốt?


Để có những bài thuốc, món ăn hấp dẫn từ hoa atiso chúng ta cần phải biết lựa chọn và sơ chế hoa đúng cách. Cụ thể:

- Chọn atiso có lá màu xanh, không nên dùng loại đã phơi khô hay héo.

- Nên tỉa hoảng 2,5 cm từ ngọn cây và cắt khoảng 0,6 cmt phía đầu lá vì phần dưới rất thô ráp, không ăn được.

- Có thể dùng atiso dưới hình thức hấp cách thủy hoặc đun trong nước sôi khoảng 30 phút để có tác dụng dược lý tốt hơn.

Lưu ý khi sử dụng atiso


Mặc dù atiso tốt nhưng không thể dùng để thay thế cho nước lọc uống hằng ngày. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Không phủ nhận những công dụng của atiso với sức khỏe. Tuy nhiên, việc lạm dụng atiso, khoảng 2 lít nước atiso trở lên mỗi ngày, có thể gây suy giảm chức năng gan. Mặc dù đây là loại thảo dược có thể chữa bệnh nhưng chúng ta không nên lạm dụng.

Chưa hết, chất chát trong trà atiso khiến khung ruột co thắt, thậm chí co cứng nếu bạn tiêu thụ quá nhiều vào cơ thể. Thêm nữa, atiso rất giàu sắt - thêm một lý do khiến bạn mắc bệnh táo bón. Lạm dụng trà khiến cơ thể thừa sắt nhưng lại thiếu các nguyên tố vi lượng như kẽm, crom, mangan… rất cần thiết cho hệ miễn dịch. Do đó, sử dụng quá nhiều atiso có thể khiến bạn chán ăn, mệt mỏi, buồn bã…

Khi lạm dụng atiso cũng gây co thắt cơ trơn đường tiêu hóa, khiến bạn luôn rơi vào tình trạng đầy hơi, chướng bụng khi sử dụng trong một thời gian dài. Khi uống quá nhiều cứ tưởng là càng tốt cho gan nhưng thực ra việc tiêu thụ nhiều atiso vào cơ thể lại khiến gan, thận làm việc nhiều hơn để đào thải phần dư thừa chất ra bên ngoài. Do đó, lúc này atiso không tốt cho cơ thể nữa mà lại gây hại cho chính người sử dụng.

Đặc biệt lưu ý, phụ nữ có thai không nên dùng loại hoa này. Bởi, chúng làm giảm cholesterol máu, người mẹ đang cần nhiều đạm, nhiều chất để nuôi dưỡng thi nhi. Trẻ em đang trong thời kỳ phát triển cũng tương tự, cholesterol trong máu chưa cao và cơ thể đang cần nhiều dinh dưỡng để phát triển.

Từ đó, các chuyên gia khuyên chúng ta chỉ nên dùng 10-15g atiso khô mỗi ngày. Không nên dùng trà atiso để thay hoàn toàn việc uống nước lọc hàng ngày. Những người thường xuyên hút thuốc, uống rượu, làm việc trong môi trường ô nhiễm, có mỡ máu cao mới nên sử dụng atiso sẽ giúp nhuận gan, lợi mật, phục hồi chức năng gan.

Hồng Anh (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X