Hotline 24/7
08983-08983

Anh công bố: Thế giới đối mặt 4.000 biến chủng COVID-19 và sẽ có vắc xin chuyên chống biến thể virus SARS-CoV-2 vào mùa thu

Cùng với sự đột biến không ngừng của virus, hàng nghìn biến chủng mới đã được ghi nhận. Công ty AstraZeneca khẳng định phiên bản nâng cấp của vắc xin Oxford có khả năng trung hòa biến thể virus SARS-CoV-2 sẽ được sẵn sàng để sử dụng vào mùa thu năm nay.

Chuyên gia y tế Anh công bố sốc: Thế giới đối mặt 4.000 biến chủng COVID-19

Trên thế giới hiện đang có khoảng 4.000 biến chủng của virus gây COVID-19, khiến các nhà khoa học phải chạy đua với thời gian để cải tiến vắc xin.

Thông tin trên được nhà chức trách Anh đưa ra vào ngày 4/2, trong bối cảnh nước này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm việc tiêm kết hợp hai loại vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer và AstraZeneca. Ngoài ra, hồ sơ xin cấp phép một vắc xin COVID-19 nữa vừa được gửi lên cơ quan chức năng Mỹ.

Cùng với sự đột biến không ngừng của virus, hàng nghìn biến chủng mới đã được ghi nhận - tin từ Reuters cho hay. Trong đó, các biến chủng tìm thấy ở Anh, Nam Phi và Brazil là những loại có vẻ có tốc độ lây lan nhanh hơn cả.

Bộ trưởng phụ trách triển khai vắc xin COVID-19 của Anh, ông Nadhim Zahawi, nói rằng nguy cơ những vắc xin hiện có không chống lại được những biến chủng mới là rất thấp, đặc biệt là về nguy cơ mắc bệnh ở thể nặng và phải nhập viện điều trị.

Đó là bởi "tất cả các nhà sản xuất, từ Pfizer/BioNTech, Moderna, Oxford-AstraZeneca, cho tới những hãng dược khác đều đang tim cách cải thiện vắc xin của mình để đảm bảo rằng vắc xin sẵn sàng cho bất kỳ biến chủng nào", ông Zahawi nói, đồng thời cho biết thêm thế giới hiện đang phải đương đầu với khoảng 4.000 biến chủng COVID-19.

Theo Tạp chí Y khoa Anh (BMJ), dù có hàng nghìn biến chủng xuất hiện khi virus đột biến trong quá trình nhân đôi, chỉ có một số rất ít biến chủng có khả năng trở thành quan trọng và thay đổi virus một cách đáng kể.

Virus SARS-CoV2, được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, đến nay đã cướp đi sinh mạng của 2,268 triệu người trên thế giới, theo số liệu từ Đại học Y Johns Hopkins.

Israel hiện là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng ngừa COVID-19 bình quân đầu người cao nhất thế giới, tiếp theo là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Anh, Bahrain, Mỹ, Tây Ban Nha, Italy và Đức.

Nước Anh ngày 42 bắt đầu thử nghiệm đánh giá phản ứng miễn dịch được tạo ra khi vắc xin của Pfizer và AstraZeneca được kết hợp trong chế độ tiêm gồm 2 mũi cách nhau từ 4-12 tuần. Dữ liệu ban đầu về cuộc thử nghiệm này dự kiến sẽ được đưa ra vào khoảng tháng 6.

Trong một diễn biến khác, hãng dược phẩm Johnson & Johnson (J&J) đã nộp hồ sơ lên Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xin cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin COVID-19 của hãng. Tuần trước, J&J công bố dữ liệu thử nghiệm cho thấy vắc xin của hãng đạt hiệu quả khoảng 66% trong việc chống lại virus.

Nếu vắc xin của J&J được phê chuẩn, đây sẽ là loại vắc xin COVID-19 thứ ba được phê chuẩn để sử dụng khẩn cấp ở Mỹ, sau vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna.

Nước Anh sẽ có vắc xin chuyên chống biến thể virus SARS-CoV-2 vào mùa thu này

Một nhà lãnh đạo cao cấp của công ty AstraZeneca khẳng định phiên bản nâng cấp của vắc xin Oxford có khả năng trung hòa biến thể virus SARS-CoV-2 sẽ được sẵn sàng để sử dụng vào mùa thu năm nay.

Trong một buổi họp báo do công ty dược phẩm Astra Zeneca tổ chức, Mene Pangalos, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đang làm việc cật lực và nhóm nghiên cứu không chỉ bàn luận về các biến thể mà chúng tôi phải đối phó trong phòng thí nghiệm mà còn quan tâm đến các nghiên cứu lâm sàng chúng tôi phải thực hiện.” Họ cho biết mình đang cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu vào mùa thu năm 2021.

Kết quả nghiên cứu cũng đã cho thấy biến thể virus SARS-CoV-2 mang loại đột biến E484K, loại biến thể này làm ảnh hưởng lên protein gai của virus, giúp chúng tránh khỏi phản ứng miễn dịch được vắc xin kích hoạt - mặc dù nhiều người kỳ vọng các vắc xin sẽ giúp nhân loại chống lại bệnh tật.

Giáo sư Andrew Pollard, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vắc xin Oxford cho biết sản xuất vắc xin dạng mới có thể được nhanh chóng hoàn thiện.

Hôm 3/2, ông nói trong một cuộc họp: “Việc sản xuất vắc xin mới đang diễn ra với tốc độ cao bởi vì quy trình này chỉ thay đổi trình tự di truyền đối với protein gai của biến thể mới. Tiếp theo là công đoạn sản xuất vắc xin và nghiên cứu với quy mô nhỏ. Nếu mọi thứ diễn ra nhanh chóng, chúng ta sẽ có được vắc xin mới vào mùa thu thay vì chỉ tiến hành thử nghiệm lâm sàng.”

Giáo sư Mene khẳng định: “Tham vọng của chúng tôi là sẵn sàng cho đợt chủng ngừa tiếp theo vào mùa đông sắp tới. Đây chính là mục tiêu của chúng tôi.”

Trong khi đó, giáo sư Pollard cho biết có thể cần phải thực hiện các cuộc thử nghiệm lâm sàng nhằm kiểm nghiệm vắc xin chuyên chống biến thể COVID-19. Tuy nhiên, một cuộc thử nghiệm như vậy cần có hàng trăm người tham gia.

Các nhà khoa học tại thành phố Oxford tự tin rằng họ không cần phải điều chỉnh vắc xin của mình để chống biến thể COVID-19 ở Anh, còn được gọi là B.1.1.7.

Tuy thế, nhóm nghiên cứu vắc xin vẫn đang theo dõi liệu vắc xin của họ có thể kháng lại biến thể Brazil và Nam Phi hay không. Cả hai biến thể này mang đột biến E484K. Kết quả phân tích sẽ được đưa ra trong hai tuần kế tiếp.

Hiện giờ, chính phủ Anh tuyên bố họ đang tiến hành nghiên cứu mới ở Anh nhằm tìm ra những loại vắc xin kháng virus SARS-CoV-2 có thể kết hợp được với nhau.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X