Hotline 24/7
08983-08983

Ân nhân cứu mạng trẻ em mắc bệnh tim qua đời

BS Leonard Bailey, Mỹ, người từng gây tranh cãi khi ghép tim khỉ cho một em bé sơ sinh, đã qua đời ở tuổi 76 vào ngày 12/5 qua, vì chứng ung thư cổ - họng.

BS Leonard Bailey và một bệnh nhi được ông ghép tim cứu sống vào năm 2009

Ngày 26/10/1984, BS Bailey đã đi vào lịch sử y khoa khi thực hiện ca mổ đầy tham vọng: ghép tim khỉ cho một em bé 12 ngày tuổi có biệt danh Baby Fae (tên thật được tiết lộ sau này là Stephanie Fae Beauclair) mắc hội chứng thiểu sản tim trái, dị tật bẩm sinh khiến tim trái không phát triển đầy đủ.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn sau này, Bailey nhớ lại: “Khi đó nhiều người khuyên gia đình để em lại bệnh viện cho đến chết hoặc mang em về nhà chờ chết”. Do thiếu tạng ghép trẻ em, nên nhiều năm trước đó BS Bailey đã nghiên cứu khả năng dùng tạng động vật ghép cho trẻ em.

Thật ra Bailey không phải là người đầu tiên ghép chéo động vật, vì vào những năm 1960 nhiều người đã dùng thận, tim và gan khỉ ghép cho người. Nhưng khi cha mẹ của Baby Fae chấp nhận cho ông dùng tim khỉ đầu chó ghép cho con mình, ông đã trở thành bác sĩ phẫu thuật đầu tiên thực hiện một ca ghép như thế cho trẻ em.

Baby Fae sống được 21 ngày trước khi qua đời vì suy thận, một trong những nguyên nhân chính do tạng ghép và em bé không thuận hợp. Ngay lập tức, BS Bailey bị nhiều người chỉ trích, đặc biệt là giới đạo đức y khoa và bảo vệ động vật, khi cho rằng lẽ ra ông phải dùng tim người ghép cho em bé, dù cơ may sống sót rất ít. Nhưng BS Bailey đáp trả: “Chúng ta không phải là ngành kinh doanh hy sinh động vật một cách vô ích. Chúng ta phải chọn lựa, hoặc tiếp tục để những đứa bé khác chết vì chúng sinh ra với nửa trái tim, hoặc có thể can thiệp bằng cách hy sinh một động vật thấp hơn con người”.

Trong một trả lời trên báo, Arthur L. Caplan, chuyên gia đạo đức y sinh của đại học Y khoa New York, cho biết không đồng tình với ca ghép tim của Bailey, vì có quá nhiều trở ngại sinh học, nhưng ông mô tả Bailey là “nhà phẫu thuật tài ba”. “Bailey thật sự muốn tìm câu trả lời cho những em bé quá nhỏ cần ghép tạng. Ông ấy mong muốn giúp người, không phải để nổi tiếng, giàu có hay thoả mãn cá nhân”, Caplan nói.

Thế nhưng một năm sau ca ghép cho Baby Fae, BS Bailey đã ghép thành công tim người cho một em bé sơ sinh. Người nhận là Baby Moses, tên thật Eddie Anguiano, cũng bị hội chứng thiểu sản tim trái, vẫn còn sống cho đến nay. Theo ĐH Loma Linda, nơi bác sĩ Bailey thực hành và giảng dạy hơn 40 năm trong vai trò phẫu thuật viên trưởng, ông đã thực hiện 376 ca ghép tim trẻ em. Nhiều em bé sau khi ghép vẫn đến thăm ông khi trưởng thành, và có ít nhất một người đã học y khoa.

Theo Caplan, ca mổ cho Baby Fae đã giúp y học hiện đại nghiên cứu khả năng sử dụng tạng động vật sửa chữa gien, đặc biệt là heo, để đáp ứng nhu cầu ghép tạng quá lớn của con người. Trả lời tờ New York Times năm 1990, BS Bailey nói: “Y học có lẽ không tiến bộ nếu không có ca ghép Baby Fae. Nhưng chúng tôi không tức giận như nhiều người nghĩ, trái lại thực nghiệm đã cho chúng tôi niềm tin để đi tới”.

Theo Bình Yên - TGHN

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X