Hotline 24/7
08983-08983

Ăn 3-4 phần cá mỗi tuần khi mang thai, không có rủi ro nhiễm độc thủy ngân

Mối lo hàng đầu của nhiều bà mẹ về vấn đề ngộ độc thủy ngân do ăn cá đã được BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM “giải mã” trong hội nghị dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần IX diễn ra vào ngày 21/11.

Can thiệp, chăm sóc dinh dưỡng sớm cho phụ nữ mang thai là khởi đầu cho một thế hệ trẻ em có thể lực, tầm vóc, trí tuệ và chất lượng cuộc sống trong tương lai. Hiểu được tầm quan trọng này, Hội nghị dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần IX năm 2020 diễn ra vào ngày 21/11 tập trung vào chủ đề “Can thiệp dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và trẻ em”.

PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu khai mạc hội nghị

Mở đầu hội nghị, PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá cao vai trò của chuyên ngành Dinh dưỡng đối với Y tế và cuộc sống. Ông cho rằng “Ăn chính là thuốc. Trong điều trị nếu không có dinh dưỡng thì sẽ khó đạt kết quả tốt”.

Điển hình như trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, các thầy thuốc Việt Nam một lần nữa khiến quốc tế thán phục khi tạo nên nhiều kỳ tích. Ca bệnh số 91 - nam phi công người Anh hay ca bệnh số 19 đều chiến thắng COVID-19 ngoạn mục, bên cạnh sự nỗ lực kết hợp của nhiều chuyên khoa từ Hồi sức cấp cứu, Nhiễm, Nội - Ngoại khoa… thì không thể phủ nhận vai trò của ngành Dinh dưỡng đã giúp bệnh nhân hồi phục tốt nhất.

Hội nghị năm nay có 14 bài báo cáo của các chuyên gia hàng đầu về quản lý, dinh dưỡng, can thiệp thực phẩm, sản khoa, nhi khoa, đặc biệt là chuyên ngành sơ sinh, tập trung vào 4 chuyên đề chính liên quan đến cải thiện dinh dưỡng cho phụ nữ có đái tháo đường, tăng huyết áp thai kỳ và ứng dụng các kỹ thuật trong can thiệp tiết chế dinh dưỡng cho phụ nữ, trẻ em.

1.000 ngày vàng cho con - cơ hội đừng bỏ lỡ

Trong phần báo cáo “Cập nhật khuyến nghị can thiệp cho phụ nữ mang thai” - BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM cho biết, các nghiên cứu hiện tại cho thấy vai trò quan trọng của 1.000 ngày đầu tiên tính từ khi thụ thai đến 2 năm đầu của cuộc đời trong phòng ngừa các bệnh lý khi trưởng thành.

Nhu cầu năng lượng, protein, lipid, carbohydrate đều tăng và thay đổi theo tuổi thai, tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai và tốc độ tăng cân. Theo khuyến nghị, nhu cầu năng lượng cho phụ nữ mang thai sẽ tăng thêm 50Kcalo/ ngày trong 3 tháng đầu của thai kỳ, tăng thêm 250Kcalo/ ngày trong 3 tháng giữa và thêm 450Kcalo/ ngày trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Việc thiếu hay thừa năng lượng đều gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Chẳng hạn, người thừa cân béo phì, ăn dư thừa năng lượng làm tăng nguy cơ sảy thai, đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật và béo phì, đái tháo đường type 2 cho con khi trường thành.

Trong khi đó, nếu thiếu năng lượng thì đây sẽ là yếu tố nguy cơ hàng đầu của cân nặng sơ sinh thấp và suy dinh dưỡng bào thai. Hoặc nếu tiêu thụ quá ít protein có liên quan tới cân nặng và chiều dài trẻ sơ sinh thấp, ngược lại tiêu thụ quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của trẻ sơ sinh.

Lĩnh vực quan tâm đặc biệt của BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp là phát triển dinh dưỡng và tiết chế như một chuyên ngành ở Việt Nam và hỗ trợ xây dựng khoa dinh dưỡng tiết chế trong các bệnh viện.

Do đó, theo BS Diệp, việc cân đối các chất dinh dưỡng có nguồn gốc động vật và thực vật, bổ sung vi chất dinh dưỡng cần được ưu tiên khi can thiệp dinh dưỡng phụ nữ mang thai. Các khuyến nghị quốc tế đều khuyên rằng, trong thực hành nên ăn nhiều hơn 2 loại thực phẩm giàu chất đạm có nguồn gốc thực vật để giúp cải thiện chất lượng tổng thể của thành phần protein đưa vào cơ thể.

Đồng thời, với mỗi phụ nữ mang thai cần bổ sung sắt, acid folic, canxi, DHA và vi chất dinh dưỡng khác phù hợp với cá thể giúp làm giảm nguy cơ sinh non, tiền sản giật và trầm cảm cho bà mẹ, ngăn ngừa nguy cơ khuyết tật ống thần kinh cho trẻ…

Đặc biệt, mối lo hàng đầu của nhiều bà mẹ về vấn đề ngộ độc thủy ngân do ăn cá cũng đã được BS Diệp “giải mã”. Vị chuyên gia nhấn mạnh, thực tế việc tiêu thụ 3-4 phần cá mỗi tuần khi mang thai không liên quan đến rủi ro nhiễm độc thủy ngân.

Thiếu - thừa dinh dưỡng trong thai kỳ đều nguy hiểm

Đồng tình với những chia sẻ của BS Diệp về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với phụ nữ mang thai, trong bài báo cáo “Can thiệp dinh dưỡng cho phụ nữ có thai ở một số nước trong khu vực và trên thế giới” - GS.TS.BS Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh, sự phát triển của thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào dinh dưỡng của người mẹ.

Nếu mẹ thiếu dinh dưỡng vào đầu thai kỳ, trẻ sinh ra có thể không bị thấp cân nhưng sau này có nguy cơ béo phì và bệnh tim mạch cao. Nếu thiếu dinh dưỡng vào cuối thai kỳ thì nguy cơ trẻ sinh ra nhẹ cân và rối loạn khả năng dung nạp glucose cao hơn.

Ngược lại, khi chế độ dinh dưỡng của mẹ đầy đủ, đặc biệt là không bị thiếu máu, thiếu sắt sẽ đảm bảo thai nhi phát triển tốt, sinh đủ tháng, đủ cân nặng và chiều dài sơ sinh. Khi mang thai, nhu cầu dinh dưỡng của người phụ nữ tăng cao hơn cả về năng lượng, các chất dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng. Nhưng vấn đề là khẩu phần ăn của phụ nữ khi mang thai lại không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng.

GS.TS.BS Lê Thị Hợp hiện là Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam, lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là dinh dưỡng bà mẹ trẻ em, dinh dưỡng học đường, vi chất dinh dưỡng, nghiên cứu phát triển cải thiện tầm vóc của trẻ em Việt Nam, chế độ ăn và các vấn đề liên quan đến lối sống, bệnh không lây nhiễm...

Do vậy, GS Hợp cho rằng việc triển khai các can thiệp dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai là rất cần thiết. Trong đó, các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thường được các quốc gia triển khai và có bổ sung thêm một số can thiệp đặc thù.

Cụ thể, WHO khuyến nghị, phụ nữ mang thai cần bổ sung sắt và acid folic hàng ngày trong thai kỳ, hoặc bổ sung theo từng chu kỳ cho những phụ nữ mang thai nhưng không bị thiếu máu; bổ sung vitamin A ở những vùng có tỷ lệ thiếu vitamin A cao; bổ sung canxi khi khẩu phần canxi thấp không đáp ứng được nhu cầu khuyến nghị; bổ sung i-ốt ở những nước/ vùng có độ bao phủ sử dụng muối i-ốt dưới 20% hộ gia đình.

“Bên cạnh đó, trong vấn đề chăm sóc dinh dưỡng và hỗ trợ cho phụ nữ mang thai cho những trường hợp khẩn cấp, ví dụ như bão lũ miền trung vừa qua phải đảm bảo đủ năng lượng, đủ protein, đáp ứng nhu cầu về vi chất dinh dưỡng, tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (ví dụ vitamin A, sắt, kẽm, acid folic…). Phòng và chống thiếu vi chất dinh dưỡng bằng bổ sung trực tiếp các đa vi chất và khoáng chất cho phụ nữ mang thai.

Một điểm nữa cũng được WHO khuyến cáo, ở những vùng còn sốt rét thì cần quan tâm quản lý phòng chống tình trạng này cho phụ nữ mang thai. Đồng thời, cũng cần phòng ngừa nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là giun sán đường ruột, tăng cường truyền thông, tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ, cộng đồng ở những nơi có tình trạng khẩn cấp” - GS Hợp chia sẻ.

Mời xem thêm: 90% mẹ bầu có thể kiểm soát đái tháo đường thai kỳ nhờ chế độ ăn uống

[DAP]

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM đánh giá cao những đóng góp tích cực của Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM đối với ngành dinh dưỡng trong các cơ sở y tế tại TPHCM

Hội nghị dinh dưỡng TPHCM mở rộng là hoạt động thường niên do Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM và Hội dinh dưỡng Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm cập nhật những kiến thức mới về dinh dưỡng cho những người làm chuyên môn. Hội nghị năm 2020 thu hút sự tham dự của 350 đại biểu đến từ 105 bệnh viện trên 29 tỉnh thành cả nước.

Cuối chương trình, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM, đánh giá hội nghị mang lại nhiều thông tin hữu ích cho người tham dự. Hội nghị đi sâu vào đối tượng phụ nữ có thai và trẻ em nhằm điều chỉnh tình trạng dinh dưỡng cho 2 đối tượng này, an toàn cho mẹ và giảm suy dinh dưỡng, thấp còi cho con, góp phần nâng cao tầm vóc thể lực cho người dân Việt Nam.

Bà cũng đánh giá, Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM là một trong những hội hoạt động năng nổ và hiệu quả của Hội Y học TPHCM, đã có đóng góp trong việc cập nhật, nâng cao kiến thức, năng lực thực hành dinh dưỡng cho các cán bộ y tế thông qua các buổi tập huấn, hội nghị, hội thảo và đào tạo liên tục.

Bên cạnh hoạt động chuyên môn, liên chi hội còn hoạt động tích cực trong cung cấp thông tin và tư vấn về dinh dưỡng cho cộng đồng thông qua các kênh truyền thông sức khỏe và tích cực đóng góp cho các công tác xã hội tình nguyện.

Đặc biệt là trong đại dịch COVID-19, Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM đã cùng Hội Y học TPHCM thực hiện chương trình truyền thông tư vấn sức khỏe thông qua kênh AloBacsi để truyền tải đến cộng đồng nhiều tư vấn về vấn đề dinh dưỡng giúp phòng ngừa COVID-19 và đóng góp rất nhiều hiện vật phục vụ tuyến đầu chống dịch.[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X