Hotline 24/7
08983-08983

AloBacsi khám bệnh từ thiện tại chùa Kim Linh: Trao yêu thương, nhận nụ cười

Đi khám từ thiện cùng AloBacsi là cực nhất. Cường độ di chuyển và làm việc liên tục 12-18 tiếng/ngày. Vậy mà vẫn rất nhiều người “xin” đi. Phải chăng sự cực nhọc, tận hiến cũng là một ma lực?

>> Bài liên quan: Vất vả mưu sinh, bà con ở Chợ Gạo “bỏ quên” bệnh tật

7 năm thành lập, tư vấn miễn phí cho gần 2 triệu lượt bạn đọc. Tổ chức nhiều chuyến khám bệnh từ thiện đi qua nhiều tỉnh thành miền Tây và miền Trung,
ở đâu đoàn của AloBacsi cũng được đánh giá: Chuyên nghiệp, Chất lượng, Tận tình. Để quy tụ được dàn bác sĩ giỏi chuyên môn, có trái tim từ bi - chúng tôi chỉ có một tài sản: Sự tử tế và Minh bạch.

Biên tập viên của AloBacsi bế một cụ bà bị huyết áp cao, không đi nổi vào ưu tiên khám trước (Ảnh chụp ngày 16/3)

Đi cùng đoàn của AloBacsi là cực nhất. Đổ quân xuống là khám. Khám đến người dân cuối cùng, không tính đến số phiếu và giờ giấc. Bữa trưa cũng luân phiên ăn vội. Không để bà con phải chờ, không được nhăn nhó. Khám xong là lên xe về thẳng Sài Gòn. Cường độ di chuyển và làm việc 12-18 tiếng một ngày gần như là “lịch fix cứng” của đoàn, bởi các bác sĩ của chúng tôi đều là những người bận rộn với công việc ở bệnh viện, trường đại học, phòng khám. 

Chưa một lần đi cùng AloBacsi mà các bác sĩ được kết hợp khám bệnh và du lịch, kể cả khi đến một vùng đất mới xinh đẹp. Vậy mà chuyến khám nào cũng rất đông bác sĩ, tình nguyện viên “xin” đi.

Phải chăng sự cực nhọc, tận hiến cũng là một ma lực?

Chuyến khám bệnh quy mô hoành tráng và đầy đủ nhất

Đi khám từ thiện mà có siêu âm, điện tim, thử đường huyết là đã “sang” lắm rồi. Ấy vậy mà trong chuyến khám bệnh cho bà con nghèo ở 5 xã phía Đông huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang tổ chức tại chùa Kim Linh ngày 16/3 còn có 4 máy xét nghiệm máu và nước tiểu của các hãng Siemens, Erba (Đức) đi cùng thì chỉ có thể nói quá dữ”.

Thuốc cấp miễn phí cho bà con, ngoài các thuốc chữa bệnh, còn có một cơ số lớn là thuốc bổ, thực phẩm chức năng của Mỹ như: Glucosamin, Ginkgo Biloba, CT Galic...

29 y bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên và sự góp sức của 24 tình nguyện viên tạo nên nét khác biệt so với các chương trình khám chữa bệnh trước đây của đoàn. Lần đầu tiên, đoàn có đủ các bác sĩ chuyên khoa cơ bản và các máy móc hiện đại. Nhờ vậy, người bệnh được thăm khám tổng quát đầy đủ và chu đáo như trực tiếp tại bệnh viện.

Đặc biệt trong chuyến đi này, Phòng khám Đa khoa Đức Phúc của BS Phạm Thị Kim Loan đã mang đến những chiếc gối cổ, gối lưng giúp giảm các triệu chứng đau cơ xương khớp, đồng thời hướng dẫn các bài tập giúp tránh đau lưng, đau cột sống cổ cho người dân.

a
Trong chuyến khám bệnh từ thiện lần này, đoàn vinh dự được tiếp đón bậc chân tu uyên bác: Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN - tham gia thuyết giảng. Thượng tọa Thích Nhật Từ được trao tặng rất nhiều danh hiệu cao quý: "Người thắp đuốc diệu pháp" - "Lãnh đạo xuất sắc Phật giáo thế giới" vì những đóng góp to lớn và không ngừng nghỉ trong con đường hoằng pháp khắp thế giới.
a
a
Những bài giảng của ông luôn thu hút đông đảo Phật tử và cả các em học sinh chăm chú lắng nghe.

748 lượt bà con được khám bệnh - phát thuốc, 94 lượt siêu âm, 200 lượt xét nghiệm máu và nước tiểu, 50 ca thử đường huyết, điện tâm đồ cùng khoảng 100 ca được kê gối chỉnh cột sống và hàng trăm người được cắt tóc miễn phí... là những con số biết nói của ngày 16/3.

Song song với việc khám bệnh từ thiện, Hội chữ thập đỏ tỉnh Tiền Giang, chùa Kim Linh cùng các mạnh thường quân và Quỹ Đạo Phật ngày nay cũng đã trao 621 học bổng “Tiếp sức đến trường” (trong đó có 6 học bổng mỗi suất 100 triệu đồng cho các em nghèo, học giỏi có thể học lên đến đại học), tặng tiền cho 300 người khiếm thị và hộ nghèo cùng 400 phần quà cho cho bà con đến khám bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

Tổng chi phí chuyến khám bệnh - cấp thuốc - trao học bổng - phát quà từ thiện lên đến hơn 1,2 tỷ đồng.

"Đi khám bệnh còn được cắt tóc miễn phí, ăn cơm chay của chùa nữa, ta nói sướng gì đâu. Mà con làm bịnh viện nào, "mơi mốt" bà lên thành phố bà ghé thăm nghen" (Ảnh: Viết Hưởng)

Vẹn nguyên cảm xúc được cho đi và nhận lại

4g sáng 16/3, đoàn đã có mặt đầy đủ cùng trang thiết bị y tế cần thiết để khởi hành. Dù đã đồng hành trong nhiều chuyến khám bệnh từ thiện nhưng với các y, bác sĩ mỗi hành trình về với người bệnh ở những làng quê nghèo vẫn vẹn nguyên cảm xúc mong chờ, hồi hộp… Nhiều người chia sẻ, “đêm có ngủ được đâu, 2-3 giờ sáng đã dậy lục đục chuẩn bị rồi”.

Do một chút trục trặc là tài xế ngủ quên nên đoàn đến chùa Kim Linh trễ hơn dự kiến 1 tiếng đồng hồ. Hơn 50 người đứng ngoài sương chờ đợi gần 2 tiếng, nhưng không ai phàn nàn vì “đi từ thiện là hoan hỷ”, chỉ “sốt ruột bà con phải chờ thôi”. Bởi ai cũng biết, bà con mình được đi khám là chờ đợi lắm. Nhiều người đến chờ trước 3-4 tiếng so với giờ ghi trên giấy mời khám.

Thương lắm bà con mình. Ở nhà sốt ruột lắm. Gà vừa gáy sáng đã nôn nao muốn đến chùa chờ bác sĩ rồi.
Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân ngồi ngay ngắn tại chùa Kim Linh mong chờ đoàn AloBacsi xuống khám bệnh

Điều ấn tượng đầu tiên khi bước xuống xe đó là hàng trăm người dân ngồi ngay ngắn, trật tự để chờ được khám. Không ai bảo ai, cả đoàn lao vào chuẩn bị. Mỗi người một tay vận chuyển thuốc, dụng cụ y tế, các bác sĩ, điều dưỡng khoác vội áo blouse chuẩn bị công việc của mình.

Cứ thế, cả ê kíp phối hợp nhịp nhàng theo quy trình đo huyết áp, khám tổng thể, siêu âm, xét nghiệm máu, nhận thuốc, phát quà. Người dân có bệnh về cơ xương khớp đều được chuyển đến phòng BS Kim Loan để được điều trị.

Không khí làm việc tất bật. Trước các bàn bác sĩ danh sách bệnh chờ thật dài. Khuôn viên chùa Kim Linh chật kín người đến khám. Trong các phòng khám, mùi mồ hôi nồng nặc, không gian như đặc quánh, thỉnh thoảng lại cúp điện do nhiều máy móc cùng chạy nên hệ thống điện bị quá tải, lưng áo ai cũng đẫm mồ hôi vậy nhưng không một cái nhíu mày. Trên đường về, BS Kim Loan nói: Cúp điện, nực nội. Nhưng vậy mới hay. Mới thấy tấm lòng của đoàn AloBacsi.

Nghe có đoàn bác sĩ từ thành phố về khám, cụ Nguyễn Thị Thê (90 tuổi) được con cháu đưa đến khám trên chiếc xe kéo tay

Các tình nguyện viên đo mạch, huyết áp kĩ lưỡng cho các bà con Thị Trấn Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang


Ngoài máy siêu âm, đo điện tim thì đây là lần đầu tiên đoàn khám bệnh của AloBacsi được Công ty TNHH Thiết bị Y tế Điện tử trang bị máy xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm nước tiểu

Huyết áp, tim mạch, cơ xương khớp hành hạ những cơ thể già nua

Chỉ cách TPHCM chưa đầy 100km mà bà con nơi đây bệnh thật nhiều, nhất là tình trạng cao huyết áp của người lớn tuổi. Thậm chí lúc đến khám, có bệnh nhân huyết áp lên đến 220/180mmHg, bác sĩ phải dùng thuốc hạ huyết áp khẩn cấp. Tuy huyết áp cao nhưng do không có điều kiện chi trả cũng như thiếu kiến thức về việc điều trị bệnh nên hầu như người dân chỉ uống thuốc khi quá mệt.

Điển hình như trường hợp của ông Võ Văn Thôi (81 tuổi). Ông kể triệu chứng hay hụt hơi, chóng mặt với bác sĩ, khi đo huyết áp lên đến 160/100mmHg. Hỏi ra mới biết, ông bị cao huyết áp hơn chục năm nay nhưng sau khi uống thuốc một đợt thấy huyết áp ổn định và sức khỏe bình thường thì không uống nữa.

BS Trịnh Ngọc Bình nghe vậy, liền giải thích: “Bác ơi, cao huyết áp rất nguy hiểm, nó gây ra nhiều biến chứng nặng nề nhồi máu cơ tim, suy tim… Đây là bệnh phải uống thuốc suốt đời, do đó, bác phải uống thuốc đều đặn, tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, không ăn mặn thì bệnh mới tiến triển tốt được bác nhé”.

Ông Võ Văn Thôi hay bị hụt hơi, chóng mặt, cao huyết áp nhiều năm nhưng không uống thường xuyên. Sau khi được BS Trịnh Ngọc Bình thăm khám, kê đơn thuốc ông đã yên tâm hơn về tình trạng của mình và hứa với bác sĩ sẽ uống thuốc đều đặn.

Hay trường hợp của ông Võ Văn Tươi (68 tuổi) đến khám trong tình trạng ngứa ngáy khắp người, những nốt gãi nổi sần, tróc vảy. Trời nắng nóng khiến những nốt ngứa càng đỏ hơn. Bên cạnh đó, ông còn bị cao huyết áp hơn 11 năm nay. Vì phải đi bộ để bán vé số nên nhiều khi mệt quá mới dám mua viên thuốc uống. Cao huyết áp kèm ngứa ngáy khiến ông cứ khó chịu mãi không thôi.

Ông cho biết: “Hằng ngày còn phải đi bán lo cho mấy miệng ăn trong nhà, thời gian đâu mà đi khám cô. Đi nhiều thấy mệt thì rẽ tiệm thuốc mua mấy viên uống thôi. Nhiều khi ngứa quá tui gãi tróc cả da. Về nhà tắm rửa sạch sẽ, bôi thuốc thì hết mà cả ngày đi bán, mồ hôi ra nhiều lại ngứa như ban đầu. Bôi mãi không hết, tui tính cứ để vậy mà sống chung với nó suốt đời. May sao nay lại có bác sĩ thành phố với cả thuốc miễn phí nên tui đi khám xem sao”.

BS Lê Bảo Lệ - BV Đại học Y Dược TPHCM đang thăm khám cho ông Võ Văn Tươi

Sau khi thăm khám cho ông, BS Lê Bảo Lệ hướng dẫn: “Bệnh cao huyết áp bác phải uống thuốc suốt đời, không phải lúc nào mệt mới uống. Bác bị ngứa hoài không hết là do vi khuẩn da liễu còn trong quần áo. Tuy bác tắm rửa, bôi thuốc hằng ngày nhưng quần áo lại không giặt sạch nên bệnh hay tái phát. Do đó, bác nên mang quần áo ngâm nước sôi, mền, mùng, chiếu giặt sạch phơi ngoài nắng, không nên để trong chỗ ẩm thấp. Bác bôi thuốc đều đặn bệnh sẽ khỏi”. BS Lệ còn chu đáo dặn dò, bệnh da liễu phải kiên trì điều trị, giữ vệ sinh sạch sẽ thì mới không tái phát.

Ông Tươi nghe nói tình trạng ngứa da sẽ khỏi nếu điều trị đúng cách, liền vui vẻ cảm ơn bác sĩ. Ông hồ hởi cầm xấp vé số còn nguyên trên tay ra nhận thuốc.

Dù thỉnh thoảng bị "đứt đoạn" do cúp điện khi đang siêu âm nhưng BS Nguyễn Thị Kim Anh luôn ân cần với bệnh nhân. Ngay khi có điện, BS liền tận dụng để có hình ảnh chất lượng giúp các đồng nghiệp chẩn đoán bệnh được tốt hơn.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong khoa Cấp cứu, BS Kim Anh còn sẵn sàng khám phụ mỗi khi đồng nghiệp của mình "quá tải".

Mặt trời mỗi lúc một lên cao, người dân đến ngày càng nhiều hơn. Mái tôn trong khuôn viên chùa lại càng làm cho không khí nóng hầm hập. Thỉnh thoảng, đường truyền điện không ổn định, trong phòng chỉ có một chiếc quạt lại phải khám cho đông bệnh nhân, gương mặt lấm tấm mồ hôi nhưng điều đó không làm giảm đi nụ cười trên gương mặt của các bác sĩ.

Ông ơi ông bị đau như thế nào ạ? Bà đặt tay lên bàn cho con xem với nha! Hôm nay ai đưa bác đến khám bệnh? Nhà anh/ chị có xa ở đây không ạ? - Gương mặt của BS Trần Khánh Vân - BV Đại học Y dược TPHCM mồ hôi nhễ nhại nhưng chị luôn ân cần hỏi han, tư vấn và chăm chú lắng nghe từng câu chuyện nhỏ của người bệnh.

BS Trần Khánh Vân - BV Đại học Y Dược TPHCM...

... và BS Nguyễn Bá Hằng dù mướt mồ hôi nhưng vẫn luôn tận tình khám chữa bệnh cho người dân

Bệnh nhân quá đông mà lịch khám chỉ sắp xếp được trong 1 ngày. Ban đầu, AloBacsi dự kiến sẽ thăm khám, phát thuốc cho 500 người dân có giấy hẹn. Tuy nhiên, có nhiều bà con ở xa đi viếng chùa thấy đoàn khám bệnh miễn phí liền “xin ké” suất khám. Ban tổ chức thấy vậy khẩn trương sắp xếp, ghi thêm phiếu mới để ai đến cũng sẽ được khám.

Các bác sĩ cũng tập trung, khám nhanh hơn nhưng không vì thế mà cho phép sự cẩu thả, tất cả đều ý thức được rằng sức khỏe là quan trọng nhất và “sẽ khó có cơ hội để người dân được tầm soát bệnh”.

DS Phạm Thị Thu Huệ phát thuốc luôn tay suốt cả ngày

Quầy thuốc được chia làm 3 bàn với 6 dược sĩ, dược tá để kịp thời cấp phát thuốc, tránh ùn ứ. Toàn bộ thuốc do Công ty Dược phẩm Chân Tâm (quận 10, TPHCM) tài trợ.
Chiếc gối kỳ diệu của Dr Loan

BS Phạm Thị Kim Loan là người sáng chế và sản xuất ra chiếc ghế và gối giúp nắn chỉnh cột sống mang thương hiệu DoctorLoan. Các sản phẩm của bà được cấp bằng sáng chế và bảo hộ ở 55 quốc gia.


Ngoài tiêu hóa, huyết áp, tim mạch thì cơ xương khớp là một trong những căn bệnh gặp nhiều nhất trong lần khám này. Nhiều cụ đau đớn quá, chân tay co quắp, không đi đứng được, phải nhờ con cháu bồng bế đến. Nhiều trường hợp đau lưng, đau cột sống, loãng xương nhưng hằng ngày vẫn làm việc nặng. Do đó, phòng Cơ xương khớp của BS Phạm Thị Kim Loan lúc nào cũng trong tình trạng cháy giường.


Bà Lê Thị Lói (65 tuổi) đau nhức cột sống, đi lại khó khăn, sau khi kê gối đã đi lại được

Bằng liệu pháp xoa bóp và điều chỉnh tư thế nằm với những chiếc gối chuyên dụng, chứng đau nhức của các cụ được đẩy lùi đáng kể. Niềm hạnh phúc vỡ òa với một số cụ từ lâu không đi lại được, sau khi trị liệu đã bước được những bước đi đầu tiên.

Như anh Mai Hoàng Cương (48 tuổi) bị đau cột sống lưng, cổ, không quay người lại được, bước đi cứng đơ sau khi được kê gối đã cải thiện hơn rất nhiều.

Trường hợp của chị Ông Ngọc Quế (39 tuổi) thời thiếu nữ phải làm nhiều việc nặng từ phụ hồ, gánh thuê nên giờ bị đau lưng, đi khám bác sĩ chẩn đoán bị gai cột sốt, từ đó chị chịu đựng cơn đau âm ỉ. Sau 20 phút được bác sĩ Loan và các kỹ thuật viên điều chỉnh tư thế nằm trên gối cổ, gối lưng, bước ra khỏi phòng khám chị cười tươi rói bảo: “Vào nằm mà không muốn ra, cảm giác như xương sống giãn ra hẳn. Thích lắm!”.

Phòng Cơ xương khớp của BS Phạm Thị Kim Loan luôn hoạt động hết công suất

Không chịu ăn trưa vì sợ bệnh nhân phải chờ

Một giờ chiều, các tình nguyện viên thấy phòng khám của BS Trương Quan Tánh, BS Mai Thanh Tâm, BS Nguyễn Bá Hằng vẫn chật cứng, không ai chịu rời vị trí để tranh thủ đi ăn trưa bèn kêu gọi mọi người di chuyển ra ngoài chờ nhưng các bác sĩ vội ngăn lại: “Không sao, ăn trễ chút cũng được, bệnh nhân chờ từ sáng giờ rồi em!”.

Dù bận rộn với lịch học buổi chiều tại thành phố nhưng BS Tánh vẫn gác qua nỗi mệt mỏi sau chặng đường dài, bỏ qua bữa cơm trưa tiếp sức để tranh thủ từng giờ, từng phút thăm khám cho mỗi bệnh nhân.

BS Trường Quan Tánh luôn nhẹ nhàng và kiên nhẫn tầm soát cho từng bệnh nhân

Bác sĩ Mai Thanh Tâm (BV An Bình) khám bệnh trong tinh thần yêu thương và cống hiến hết khả năng để phát hiện bệnh cho bà con

Còn đó những nỗi lòng canh cánh...

Trong đợt khám bệnh này, nhiều trường hợp của người dân khiến đoàn khám bệnh không khỏi chạnh lòng.

Như trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Phụng (64 tuổi, ngụ tại ô 4, khu 3, thị trấn Chợ Gạo) khiến ban tổ chức phải lập tức ghi lại thông tin liên hệ để nhờ các mạnh trường quân hỗ trợ. Bà bị hở van 2 lá mức độ nặng, lại kèm cao huyết áp. Sau khi thăm khám, BS Trần Khánh Vân cho hay, trường hợp của bà có thể phải thay van tim. Bà có 2 người con trai, 1 người mất vì đột quỵ, 1 người lại ra đi vì tai nạn, để lại 4 đứa cháu nội cho bà chăm sóc. Khi biết tình trạng bệnh của mình, bước ra khỏi phòng khám, bà ngồi lặng thinh.

BS Trần Khánh Vân xem kĩ trường hợp của bà Nguyễn Thị Kim Phụng

BS Trịnh Ngọc Bình thăm khám cho 2 mẹ con chị Châu Thị Minh Ngọc (37 tuổi) bị rối loạn tiền đình và bé Nguyễn Châu Hà My bị suy dinh dưỡng

Hoàn cảnh của cụ Võ Thị Bảy (74 tuổi) có cái chân voi cũng là một câu chuyện buồn. Hồi 38 tuổi, bà mổ u nang tại BV Ung Bướu TPHCM. 10 năm sau đó, không rõ vì nguyên nhân gì mà chân bà tự nhiên sưng phù, mỗi ngày một to hơn nhưng bà không có điều kiện chữa trị nên cứ để vậy đến giờ.

Chồng bỏ đi hơn chục năm nay, ông bà có 7 người con nhưng hiện tại chỉ có cậu con út làm nghề phụ hồ chăm sóc bà Bảy. Cái chân voi đau nhức khiến bà đi lại khó khăn, rất bất tiện trong sinh hoạt cá nhân. Khám bệnh lấy thuốc xong, tình nguyện viên mời bà dùng cơm chay nhưng bà tần ngần từ chối: “Tui ngại lắm, ăn uống ở đây rồi lỡ mà mắc tiêu mắc tiểu thì làm sao? Thôi các cô chú để tui về nhà…”.

Cụ Võ Thị Bảy tranh thủ cắt tóc miễn phí vì cái chân voi khiến việc chăm sóc bản thân của cụ gặp nhiều khó khăn

Khi mặt trời ngả bóng về Tây, mọi thứ sắp được thu dọn vẫn còn nhiều bà con đến xin khám bệnh ngoài dự kiến, các bác sĩ vẫn nhiệt tình, vui vẻ khám cho tới người cuối cùng.

Sự thành công của buổi khám bệnh từ thiện không chỉ có tấm lòng, công lao của y bác sĩ, kĩ thuật viên, tình nguyệt viên mà còn nhờ vào sự giúp sức không nề hà của những người dân nơi đây.

Cụ bà vui mừng khôn tả và cảm ơn vì được các y bác sĩ thăm khám tận tình
Ông Huỳnh Văn Ấm ướt đẫm mồ hôi, nhiệt tình hướng dẫn cụ bà đi nhận thuốc

Biên tập viên Lê Văn Bình được phân công xuống chùa từ ngày hôm trước để chuẩn bị cho hay, ngay khi đặt chân đến chùa Kim Linh, các sư thầy và người dân làm công quả ở chùa nhiệt tình giúp đỡ đoàn AloBacsi đến tận tối khuya để căng bạt, chuẩn bị phòng khám…

Suốt cả ngày 16/3, bếp lửa của chùa không khi nào tắt, hoạt động hết năng suất để nấu cơm chay miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong buổi khám từ thiện.

Ông Huỳnh Văn Ấm (60 tuổi, làm công quả ở chùa Kim Linh 7 năm) lưng ướt đẫm mồ hôi hướng dẫn cụ ông, cụ bà đến đúng phòng khám, phòng siêu âm, xét nghiệm máu… nhưng vẫn tươi cười, luôn miệng cảm ơn các bác sĩ đã đến khám cho người dân quê hương ông.

Trong ngày 16/3, ngoài đoàn khám bệnh của AloBacsi còn rất nhiều hoạt động khác được tổ chức tại chùa như phát quà, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó... Trong ảnh là anh Mai Hoàng Duy (26 tuổi) đang cắt tóc miễn phí cho người dân đến khám chữa bệnh. Hoàng Duy đã đi cắt tóc từ thiện khoảng 6 năm nay, đến rất nhiều tỉnh thành nhưng đây là lần đầu tiên anh cắt tóc cho đoàn khám chữa bệnh miễn phí tại chùa.


aCác bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chụp ảnh lưu niệm trước khi lên đường về lại TPHCM. Ngày mai, thứ 6, vẫn là ngày làm việc bình thường nên dù Đại đức Thích Thiện Tâm - trụ trì chùa Kim Linh - mời ở lại dự lễ tri ân nhưng cả đoàn đều xin về khi khám xong. Nhà báo Hồng Tâm - người sáng lập AloBacsi bạch với thầy: "Chúng con đi khám để được có cơ hội chia sẻ cùng bà con, chứ không mong để nhận giấy khen. Xin cám ơn quý thầy đã tạo điều kiện để chúng con được hành thiện".

>> Bài liên quan:
Vất vả mưu sinh, bà con ở Chợ Gạo “bỏ quên” bệnh tật

Thái Dung - Phương Nguyên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X